Thầy giáo khoa Luật bị tố "ăn" tiền SV: Đấy là câu chuyện dàn dựng!

26/05/2011 03:33
Tôi khẳng định đây là một câu chuyện được dàn dựng chứ không phải là câu chuyện của mấy cô cậu sinh viên.

"Tôi thật sự đau lòng. Nói thật, buồn thì mình cũng buồn chán rồi, gần nửa năm nay tôi đã thấy thất vọng quá rồi. Mà tôi là dân luật, chừng nào có bản án của tòa án thì tôi sẽ chịu trách nhiệm. Có nói gì thì nói. Sinh viên của tôi phải hiểu tôi chứ. Còn bây giờ lương tâm tôi thanh thản".

{iarelatednews articleid='3139'}
 
Liên quan đến việc sinh viên khoa Luật trường ĐHQG Hà Nội "tố" PGS.TS Nguyễn Bá Diến, Trưởng bộ môn Luật Quốc tế, Trường ĐHQG Hà Nội nhận tiền “đi thầy” của sinh viên, PGS.TS Nguyễn Bá Diến đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với báo chí:

PV: - Thưa thầy, dư luận đang xôn xao, bàn tán vụ "đi thầy" của sinh viên khoa luật trường ĐHQG Hà Nội...

PGS. TS Nguyễn Bá Diến: - Tôi thật sự đau lòng. Nói thật, buồn thì mình cũng buồn chán rồi, gần nửa năm nay tôi đã thấy thất vọng quá rồi. Mà tôi là dân luật, chừng nào có bản án của tòa án thì tôi thì tôi mới phục và sẽ chịu trách nhiệm. Còn cứ nói vu vơ, không có chứng cứ thì ai cũng làm được. Có nói gì thì nói. Sinh viên của tôi phải hiểu tôi chứ. Còn bây giờ lương tâm tôi thanh thản.

PV: - Thực hư của sự việc này là gì, thưa thầy?

PGS. TS Nguyễn Bá Diến: - Xin nói với bạn câu chuyện nhận tiền đi thầy là một câu chuyện được một số kẻ không tốt ở Khoa Luật dàn dựng lên gần 1 năm nay rồi. Tôi đã nhiều lần làm đơn kiến nghị, đơn khiếu nại gửi cho Ban lãnh đạo Khoa Luật, ĐHQG, Bộ Văn hóa Thông tin và Truyền thông, đơn kêu cứu gửi cho Bộ Công an.

Tôi khẳng định lại đây là một câu chuyện được dàn dựng chứ không phải là câu chuyện của mấy cô cậu sinh viên. Tôi không biết cụ thể, người thì nói 3 sinh viên, người nói 4 sinh viên, người nói 2, tôi không biết. Việc có đơn thư tố cáo vô căn cứ đối với tôi đó là câu chuyện của những người, do tư thù cá nhân với tôi và cũng vì mong muốn phá hoại sự ổn định của Khoa Luật, dàn dựng lên.

Họ đã làm đơn gửi Chính phủ, gửi Thanh tra chính phủ, Ủy ban chống tham nhũng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, gửi khắp nơi rồi, gửi Bộ Công an, gửi từ lâu rồi và công an người ta vào cuộc, Khoa Luật đã thành lập 2 tổ thanh tra. Hơn 4 tháng trời rồi có kết luận được gì đâu.

Lãnh đạo Khoa Luật đã lập 2 tổ thanh tra: tổ thanh tra thứ nhất do ông Ngô Huy Cương làm tổ trường “cày xới” hơn 1 tháng trời nhưng không đưa ra được bằng chứng gì. Sau đó, Chủ nhiệm Khoa Luật lập Tổ thanh tra mới do TS. Nguyễn Thị Quế Anh – Phó Chủ nhiệm Khoa Luật làm Tổ trưởng. Nhưng cho đến nay đã gần 2 tháng rồi nhưng cũng chưa đưa ra được kết luận nào. Tuy nhiên, từ ngày 31/3/2011 ông Chủ nhiệm Khoa Luật lại ra 02 Quyết định tạm đình chỉ công tác của tôi.

Đây là hai quyết định trái luật và tôi đã có đơn khiếu nại khẩn cấp lên các cấp có thẩm quyền. Ngày 29/4, ông Chủ nhiệm Khoa Luật đã ra quyết định hủy bỏ 02 quyết định sai trái nêu trên và phục hồi chức vụ cũng như công tác giảng dạy của tôi. Cho đến nay Chủ nhiệm Khoa Luật vẫn chưa có một kết luận chính thức nào để khẳng định những việc tố cáo này có đúng với sự thật hay không.
 

Anh Nguyễn Hùng Cường (trái) và PGS.TS Nguyễn Bá Diến (phải)
Anh Nguyễn Hùng Cường (trái) và PGS.TS Nguyễn Bá Diến (phải)

Trước đây, sự việc này cũng đã được người ta tung lên trên mạng một lần và sau đó thấy rằng không đủ cơ sở đã gỡ đi. Nhưng bây giờ người ta lại tìm cách tung lên các trang web khác. Có thể là do sự mua chuộc, dụ dỗ của một số người nào đó để khuấy động lên những thông tin sai trái.

Tôi về Khoa Luật từ tháng 12/1999 đến nay là 11 năm. Từ năm 2000 tôi đã được bầu làm Trưởng Ban thanh tra nhân dân liên tục cho đến tháng 8/2008. Trong thời gian đó tôi đã phải xử lý nhiều việc với cương vị của mình, cho nên có đụng chạm với những người này, người kia, thậm chí với những người hiện đang giữ cương vị nhất định ở Khoa Luật, thế là họ không thích tôi và họ có thể đã hùa theo những việc làm sai trái trên.

Đấy, lịch sử câu chuyện là như vậy, người ta lợi dụng việc này để lôi kéo, kích động, dụ dỗ sinh viên, tố cáo sai sự thật. Ông Ngô Huy Cương - Phụ trách bộ môn Luật Kinh doanh Khoa Luật ĐHQGHN là Tổ trưởng tổ thanh tra đã “tích cực cày xới” trong mấy tháng trời cuối cùng không kết luận được.

PV: - Vậy còn thông tin anh Nguyễn Hùng Cường (con của PGS.TS Nguyễn Bá Diến) chưa đủ tiêu chuẩn để đi dạy, thưa thầy?

PGS. TS Nguyễn Bá Diến: - Ông Nguyễn Hùng Cường là thủ khoa của trường ĐH Luật Hà Nội, là thủ khoa duy nhất tuyển về để giảng dạy tại Khoa Luật. Việc để ông Nguyễn Hùng Cường lên dạy đã có 2 lần duyệt giảng.

Lần thứ nhất là duyệt giảng cấp bộ môn (theo chỉ đạo của lãnh đạo Khoa Luật). Lần thứ 2 là duyệt giảng ở cấp Khoa Luật (tức là cấp trường) do chính Chủ Nhiệm Khoa Luật - GS. TS Phạm Hồng Thái làm Chủ tịch hội đồng, và Hội đồng đã bỏ phiếu tín nhiệm kết luận ông Nguyễn Hùng Cường đủ năng lực và điều kiện giảng dạy. Từ sau ngày 24/9/2009, tôi - Chủ nhiệm Bộ môn đã phân cho ông Cường lên lớp trên cơ sở kết luận của hội đồng này.

Như vậy, từ ngày 24/9/2009 đến ngày 19/5/2010, giảng viên Nguyễn Hùng Cường đã được phân công giảng dạy 02 môn là Luật thương mại quốc tế và Luật Tư pháp quốc tế cho 2 khóa ĐH. Và cho đến nay vẫn chưa có lời chê trách gì từ phía sinh viên về chất lượng giảng dạy. Tuy nhiên, đến ngày 19/5/2010, khi ông Chủ nhiệm Khoa Luật có quyết định: đối với đào tạo Đại học thì yêu cầu giảng viên phải có trình độ thạc sĩ trở lên. Từ đó, tôi chỉ phân công ông Cường lên lớp phụ giảng và hướng dẫn thảo luận.

Trên thực tế, xin nói rằng ở Khoa Luật, cũng đã có những trường hợp chưa có bằng thạc sĩ cũng lên lớp làm cán bộ giảng dạy như ông Nguyễn Hùng Cường. Và chưa kể vào thời điểm đó, ngay cả bây giờ cũng thế, có mỗi mình tôi thì làm sao có thể đảm đương nổi khối lượng của 02 môn Tư pháp quốc tế, môn Luật thương mại quốc tế. Cũng cần phải nói thêm rằng, anh Cường đã và đang được mời giảng dạy 02 môn học trên cho các lớp chính quy tại trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Kinh tế, Đại học Quốc Gia Hà Nội.

PV: - Những thông tin mà thầy nói là "thiếu cơ sở" ấy liệu có ảnh hưởng đến thầy như thế nào trong gần 1 năm qua? Phản ứng của thầy như thế nào trước thông tin đó?


PGS. TS Nguyễn Bá Diến: - 33 năm rồi mình đi dạy, hơn chục năm làm luật sư, hàng nghìn học sinh mình giảng dạy, gần 70 học viên cao học từ nam chí bắc mình hướng dẫn, có bằng rồi, tốt nghiệp rồi. 5 tiến sĩ luật học mình hướng dẫn cũng đều nhận bằng rồi.

Hiện nay tôi đang hướng dẫn hàng bao nhiêu thạc sỹ, tiến sĩ từ nam ra bắc. Từ những người ở TAND tối cao, Phó chánh thanh tra Chính phủ cũng là học trò của mình… Những năm tháng công việc đó, một phần nào thể hiện được phẩm chất của mình, đạo đức của mình.

Tôi muốn nói với lãnh đạo trường ĐHQG, đừng có đặt tôi vào thế buộc phải sử dụng quyền công dân, đừng có đặt đồng chí Diến vào cái thế cực bất chẳng đã. Báo chí có quyền của báo chí và có trách nhiệm của báo chí. Đồng thời không chỉ có phát hiện những điều dở nhưng đồng thời cũng để định hướng, tuyên truyền giáo dục, hướng dẫn dư luận chứ đừng tạo một sân chơi cho kẻ xấu. Tôi cũng đã đặt vấn đề việc công lên trên. Chứ nếu như thông tin chỉ có thông tin mà không xác minh là rất nguy hiểm, cực kỳ nguy hiểm. Tất cả những điều đó chúng ta phải khách quan.

Tôi đang đợi, kể cả với báo, tôi cũng đang đợi, để cho xong hết đi. Còn ai làm sai đến đâu họ chịu trách nhiệm. Báo chí cũng vậy. Báo chí có quyền, nhưng nếu báo chí làm sai, nó xâm phạm đến lợi ích chính đáng của công dân theo luật báo chí như thế không được. Tôi đề nghị báo chí hỗ trợ cái chung, khuyến khích các phong trào người tối việc tốt và nếu có cái tiêu cực đừng vội vã, vừa nghe được cái thông tin, nghe thấy đơn tố cáo đã đưa lên rồi. Theo luật, tôi có quyền khởi kiện VTC News nếu họ không tiến hành cải chính hoặc rút bài như tôi yêu cầu. Vấn đề ở chỗ là tôi xem thái độ của họ như thế nào.
 
Xin cảm ơn thầy!

Giảng viên Nguyễn Hùng Cường, Khoa Luật, ĐHQG HN: "Tôi có đầy đủ bằng chứng là tôi hoàn toàn đủ tiêu chuẩn để giảng dạy bởi vì tôi đã thông qua hai hội đồng xét duyệt và có xác nhận của Chủ nhiệm khoa luật có chứng nhận rõ ràng tôi có đủ tiêu chuẩn làm giảng viên.

Thứ hai, hiện nay ở ĐHQG khoa luật chưa có một tiêu chuẩn nào nói rằng bắt buộc giảng viên phải là thạc sĩ hay phải là tiến sĩ mà chỉ nói là chuẩn cho giảng dạy đào tạo đại học là tiến sĩ mà thôi.

Và thứ 3 nữa là theo một chỉ thị năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ có nói, những giảng viên (những cử nhân) đạt chất lượng loại giỏi có thể được tuyển thẳng vào làm giảng viên. Hiện nay theo tôi được biết có trên 3000 giảng viên làm cử nhân đang giảng dạy tại các trường đại học, kể cả Đại học Luật Hà Nội. Như vậy, tôi hoàn toàn có đủ tiêu chuẩn để làm giảng viên của khoa vào thời điểm hiện tại. Chị có thể phỏng vấn bất kỳ sinh viên nào khoa luật để hỏi về chất lượng giảng dạy của tôi.

Riêng về việc thầy Diến tôi cũng cung cấp thông tin như thế này: Thầy Diến bị đơn từ tố cáo như vậy của sinh viên theo chúng tôi điều tra thì thầy Diến từ trước đến nay có một nguyên tắc là thầy rất nghiêm khắc trong vấn đề học tập.

Chính vì sự nghiêm khắc đó mà thầy Diến bị một số sinh viên lười học, một số sinh viên có đạo đức kém thù ghét. Và mọi người nghĩ rằng, rất có thể đây là lý do một số sinh viên đó bị kích động viết đơn tố cáo thầy.

Nói thật, sau việc này tôi thấy rất buồn và thất vọng. Với thầy Diến là người cha của tôi, tôi cũng nói thẳng là “thôi bố ạ, bỏ dạy thôi”. Và tôi nói thật là sau sự việc này chắc là tôi cũng đi, không giảng dạy gì nữa. Giảng viên với năng lực như tôi, có thể làm việc ở bất cứ đâu, từ các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp trong nước đến nước ngoài mời tôi với mức lương rất cao nhưng tôi vẫn đi dạy vì đam mê, vì yêu nghề. Nhưng sau vụ này tôi thấy nghề dạy bạc lắm.

Mình dành hết tâm huyết, người cha của tôi cũng đã dạy 33 năm rồi, nhưng vì một vài sinh viên với đạo đức yếu kém mà chúng tôi thấy là nghề này nó quá bạc. Chúng tôi sẽ làm rõ vụ này tới cùng, nhưng sau vụ này có lẽ chúng tôi sẽ thôi nghề dạy. Chứ còn thế này không còn tâm sức đâu, không còn niềm đam mê mà đi dạy được nữa".

Theo Phunutoday