Tuyển sinh 2012: Danh sách các trường mở thêm ngành mới

01/02/2012 06:00
Tùng Linh (tổng hợp)
(GDVN) - Nhằm thu hút thêm nhiều sinh viên và đa dạng hóa nội dung giảng dạy, nhiều trường đã xin được mở thêm ngành mới trong kỳ tuyển sinh 2012.
Nhiều trường mở thêm chuyên ngành mới trong kỳ tuyển sinh 2012
Nhiều trường mở thêm chuyên ngành mới trong kỳ tuyển sinh 2012



ĐHQG Hà Nội 
cho biết năm 2012 sẽ tuyển sinh thêm 2 ngành mới là Bác sĩ đa khoa và Dược học


Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM 
cũng cho biết sẽ có thêm chuyên ngành mới là Địa chính và Quản lý đô thị (thuộc ngành quản lý đất đai).

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cũng dự kiến mở 2 ngành mới là Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử (khối A) và Công nghệ kỹ thuật môi trường (khối A, B).

Trường ĐH Văn hóa TP.HCM mở thêm Chuyên ngành truyền thông và Văn hóa thuộc ngành văn hóa học (khối C và D1).

Trường ĐH Tài chính - Marketing có một số chuyên ngành sẽ được tách ra thành ngành mới. Cụ thể, trường sẽ tuyển 3 ngành mới gồm Kinh doanh quốc tếBất động sản và Quản trị khách sạn. Mỗi ngành này sẽ tuyển khoảng 200 chỉ tiêu và thi khối A, D1.

Một số trường thành viên của ĐHQG TP.HCM cũng sẽ có thêm ngành mới. Cụ thể: Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn tuyển 50 chỉ tiêu ngành Ngữ văn Ý (khối D1); Trường ĐH Khoa học Tự nhiên tuyển ngành Kỹ thuật hạt nhân (khối A); Trường ĐH Kinh tế - Luật tuyển ngành Kinh doanh quốc tế (khối A và D1).

Ngoài việc có thêm nhiều ngành học mới để chọn thì mùa tuyển sinh năm nay thí sinh còn có thêm cơ hội trong xét tuyển do Bộ đang dự kiến sẽ chỉ quy định mức điểm sàn chứ không quy định về số đợt xét tuyển và mốc thời gian xét tuyển mỗi đợt. Các trường được chủ động tổ chức tuyển trên nguyên tắc: Không vượt chỉ tiêu đã xác định và điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm sàn.

Chủ trương này được thực thi, các trường sẽ được tuyển nhiều đợt cho đến khi đủ chỉ tiêu; thí sinh sẽ được cấp một giấy chứng nhận kết quả thi và có thể sử dụng bản sao của giấy này để đăng ký vào nhiều trường khác nhau. Thí sinh chỉ phải sử dụng bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi để nộp cho trường nào mình trúng tuyển và quyết định nhập học.

Để tránh kéo dài thời gian xét tuyển và gọi vượt chỉ tiêu, nhiều ý kiến cho rằng Bộ cần nới rộng biên độ về chỉ tiêu, thay vì quy định không được vượt quá 10% chỉ tiêu thì nên quy định tối đa là 15%?. Lý do là vì không phải tất cả thí sinh trúng tuyển đều nhập học, nhất là khi cơ hội xét tuyển rộng cửa sẽ chắc chắn khiến tỉ lệ thí sinh ảo tăng cao.

Tùng Linh (tổng hợp)