Vụ Đề Lý khối A: Bộ Giáo dục "vừa đá bóng, vừa thổi còi"?

15/07/2011 00:42
(GDVN) - Trước giải thích của Bộ GD, các chuyên gia Vật lý cảm thấy thất vọng bởi "Nếu đề thi không sai thì Sách giáo khoa sai ư?"

(GDVN) - Trước những phản hồi từ lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã khẳng định đề thi Vật lý khối A không có sai sót cả về nội dung và hình thức trong ngày 13/7 vừa qua, các chuyên gia Vật lý cảm thấy thất vọng bởi "Nếu đề thi không sai thì Sách giáo khoa sai ư?"

{iarelatednews articleid='6599,7118,6679,6798,7400'}
   
Chuyên gia khẳng định: Câu 53 mã đề 871 sai
   
Vị chuyên gia này tiếp tục lấy câu 53 mã đề 871 làm ví dụ. Theo ông, việc trích dẫn khái niệm con lắc Vật lí trong đề thi là sai so với nội dung ở trang 38 sách vật lý 12 nâng cao (NXB GDVN, 2010).

Định nghĩa về con lắc vật lý trong sách vật lí 12 nâng cao (NXB GDVN, 2010) như sau: “Con lắc vật lý là một vật rắn quay được quanh một trục nằm ngang cố định không đi qua trọng tâm của vật”. So với định nghĩa của sách giáo khoa, các tác giả đề thi đã bỏ đi một vế của định nghĩa đó là trục quay không đi qua trọng tâm.

Vị chuyên gia này nói: “Vì đề thi đã nêu trong câu dẫn “con lắc vật lí là một vật rắn quay được quanh một trục nằm ngang cố định” nên người thi phải hiểu con lắc theo định nghĩa mà câu dẫn của đề nêu ra. Tiếp ngay sau câu dẫn này, đề thi viết: “Dưới tác dụng của trọng lực, khi ma sát không đáng kể thì chu kì dao động nhỏ của con lắc”.

Ở đây, thuật ngữ “con lắc” mà không phải là con lắc vật lí thì người đọc phải hiểu đang nói đến con lắc vật lí được định nghĩa ở câu ngay trước đó.

Theo đề thi thì trục quay chỉ cần nằm ngang cố định. Vậy nếu trục quay của “con lắc vật lí”(theo định nghĩa của đề thi) đi qua trọng tâm thì dưới tác dụng của trọng lực, khi ma sát không đáng kể nó sẽ đứng yên hoặc quay đều quanh trục đó! Trong trường hợp này câu đề thi này không có đáp án!”

Vị chuyên gia này nói tiếp: “Vì lời dẫn của câu 53 cho rằng: “Con lắc vật lí là một vật rắn có thể quay xung quanh một trục nằm ngang cố định”, không có điều kiện ràng buộc “không đi qua trọng tâm của vật” cho nên, hậu quả là:

Thứ nhất: Thí sinh hiểu con lắc vật lí theo giả thiết của câu hỏi đưa ra, nên tổng quát mà nói thì trục quay nằm ngang có thể đi qua trọng tâm hoặc không đi qua trọng tâm. Nếu trục đi qua trọng tâm thì thí sinh không lựa chọn được phương án nào là đáp án.

Thứ hai: Gây nhận thức không chính xác về khái niệm cơ bản ”con lắc vật lí’’ của học sinh các lớp về sau.

Thứ ba:  Làm cho người đọc nghi ngờ tính chính xác của sách giáo khoa hiện hành”.

Trả lời thắc mắc về đề Vật lý của Bộ Giáo dục

Trả lời thắc mắc về đề Vật lý của Bộ Giáo dục



Nếu đề thi của Bộ đúng thì SGK sai

Về văn bản trả lời của tổ ra đề vật lý, vị chuyên gia này nói: “Điều đáng nói là các tác giả đề thi lại viện dẫn sách Vật lý 12 xuất bản năm 2008 để biện minh và thật đáng tiếc là, trong bài giải trình này các tác giả đề thi hình như không biết sách giáo khoa hiện hành nói về con lắc vật lý thế nào! Thật ngạc nhiên khi các tác giả bài giải trình cho rằng con lắc vật lí là một vật rắn!

Và còn khẳng định là đang nói đến trường hợp tổng quát chứ không xét riêng một trường hợp đặc biệt nào. Làm gì có tài liệu khoa học nào lại cho rằng con lắc vật lí chỉ là một vật rắn. Vật rắn có vô số quanh ta, có phải cứ là vật rắn đều là con lắc vật lí đâu.

Về định nghĩa con lắc vật lí, sách vật lí 12 nâng cao đã chỉnh sửa các sai sót của lần xuất bản 2008, để các lần xuất bản sau được chính xác hơn. Thế mà các tác giả đề thi lại cho rằng ý “trục quay nằm ngang không đi qua trọng tâm” là thừa!”.

Vị chuyên gia này nói thêm: “Bộ bảo có nhiều thầy cô và các nhà khoa học cũng đã có ý kiến khẳng định câu 53 đề thi môn vật lý không sai. Vậy một số giáo viên và các nhà khoa học là những ai? Tên tuổi thế nào hay đây chỉ là cách “vừa đá bóng, vừa thổi còi” của Bộ? Ai là người đại diện Hội đồng Khoa học trả lời?”

Trước đó, trao đổi với PV báo Giáo dục Việt Nam, ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục KT&KĐCLGD cho biết: "Bên cạnh đó, trong thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều thầy cô và các nhà khoa học cũng đã có ý kiến khẳng định câu 53 đề thi môn vật lý không sai. Nhiều ý kiến của các thầy cô giáo, nhà khoa học cũng đã gửi về Cục KT&KĐCLGD trình bày quan điểm này".

Vị chuyên gia nói thêm: “các vấn đề này thuộc về kiến thức khoa học, cần phải được thẩm định độc lập chứ tổ ra đề trả lời thì khác nào vừa đá bóng vừa thổi còi”. Cứ đọc bản trả lời của tổ ra đề thì rõ! SGK có 2 ý rất rõ ràng, “Con lắc vật lý là một vật rắn quay được quanh một trục nằm ngang cố định” và “không đi qua trọng tâm của vật”. Tuy nhiên tổ ra đề đã bỏ đi vế “không đi qua trọng tâm của vật” mà cho rằng vẫn đúng. Vậy thì cái đúng nằm ở chỗ nào khi một định nghĩa cắt đi một nửa quan trọng vẫn cho là đúng?.

Theo đúng tư duy khoa học thì Bộ nên trả lời thật rõ ràng chỉ một vấn đề thôi: Đề thi đúng hay SGK đúng? Cả hai sản phẩm này đều là của Bộ cả. Đề thi chỉ lấy có một nửa câu định nghĩa về con lắc của SGK. Bộ khẳng định đề thi hoàn toàn đúng thì SGK tất nhiên phải sai. Tại sao một điều đơn giản như vậy mà vẫn phủ nhận thì có gì đảm bảo tính khách quan trong những việc khác!”.

Cần thêm rằng đúng hay sai không phải chỉ là việc một vài cá nhân, dù là ai đi nữa, đăng đàn khẳng định. Đó là chân lý khoa học và là kiến thức giáo khoa cung cấp cho tuổi trẻ để họ bước vào đời!

Tuệ Minh (ghi)