Xã hội sẽ ra sao nếu khối C ngày càng thưa vắng?

12/05/2011 00:38
Nếu chúng ta vẫn thích tư duy theo kiểu đi tắt đón đầu, các ngành khoa học cơ bản nói chung, trong đó có khoa học xã hội và nhân văn, sẽ tiếp tục gặp khó.

Nếu chúng ta vẫn thích tư duy theo kiểu đi tắt đón đầu, các ngành khoa học cơ bản nói chung, trong đó có khoa học xã hội và nhân văn, sẽ tiếp tục gặp khó.

{iarelatednews articleid='1767,1059,903,832'}

Trong phân nhóm các ngành khoa học, khối ngành khoa học xã hội và nhân văn được xếp vào loại khoa học cơ bản cùng với toán học và vật lý học. Cần khẳng định rằng một đất nước mà thiếu nghiên cứu cơ bản hoặc nghiên cứu cơ bản kém thì sẽ mãi ở trong tình trạng phụ thuộc vào công nghệ và tư duy của nước khác. Và tất nhiên khó có thể tạo ra được những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao nên giá trị tăng thêm cũng thấp và tạo nên sự lệ thuộc về văn hóa.
 

Tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi vào ĐHQG TP.HCM theo từng khối thi từ năm 2008-2011 - TS Lê Thị Thanh Mai
Tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi vào ĐHQG TP.HCM theo từng khối thi
từ năm 2008-2011 - TS Lê Thị Thanh Mai

Nhìn vào tổng thể hoạt động kinh tế nước ta hiện tại, chúng ta thấy phần lớn tập trung vào các hoạt động dịch vụ như tài chính, du lịch, khai thác tài nguyên thiên nhiên hơn là công nghệ. Hoặc nếu có, đó là công nghệ thấp như công nghệ lắp ráp, chế biến thực phẩm... Chính vì đa số hoạt động kinh tế là những ngành nghề như thế nên đương nhiên nhu cầu nhân lực về khoa học cơ bản rất thấp, vì thế việc người theo học các khoa học cơ bản như khoa học xã hội và nhân văn khó kiếm được đất dụng võ cũng là điều không quá khó hiểu.

Mặt khác xét về đời sống kinh tế của người dân nói chung, mức sống vẫn còn thấp, còn đối diện với nhiều bất trắc mặc dù chúng ta đã bắt đầu vào nhóm nước có thu nhập trung bình. Do đời sống kinh tế thấp nên người học luôn nhìn đại học như một cần câu thoát nghèo, vì thế họ chủ yếu tìm những ngành học dễ có việc làm, có thu nhập nhanh vì phần lớn người học và gia đình Việt chúng ta vẫn xem học đại học để thoát nghèo, học đại học để không khổ như cha mẹ chứ không phải vì đam mê nghiên cứu.

Do đó việc khối khoa học xã hội và nhân văn ít người học không phải là lỗi của bản thân học sinh mà do sự hoạch định của Nhà nước. Nếu chúng ta vẫn thích đi tắt đón đầu thì các khoa học cơ bản nói chung, trong đó có khoa học xã hội và nhân văn, vẫn tiếp tục gặp khó. Như đã nói, nếu các khoa học này không được chú trọng thì cái bẫy thu nhập trung bình mà gần đây được cảnh báo nhiều sẽ dần trở thành hiện thực trong tương lai không xa.

Không thể kéo dài

Giáo dục luôn phải vận động đồng bộ với sự phát triển kinh tế - xã hội. Không thể kéo dài sự tồn tại một cách èo uột các môn học, ngành học khoa học xã hội ở các trường học như hiện nay vì người dạy không hứng thú dạy, người học không thích học. Cả hai không cộng tác với nhau mà chỉ đơn phương làm cho xong việc.

TẠ QUANG SUM
(hiệu trưởng Trường thpt Trần Hưng Đạo, TP Cam Ranh, Khánh Hòa)


Xã hội sẽ ra sao?

Xã hội sẽ ra sao, một khi các giá trị nhân văn bị coi nhẹ, giá trị kinh tế lấn át các giá trị phi kinh tế? Đích của phát triển là vì con người, cho con người. Con người vừa là mục tiêu, đồng thời là động lực của sự phát triển xã hội. Sự thiên lệch quá mức trong đăng ký khối thi cho thấy chúng ta đã coi nhẹ việc giáo dục những giá trị nhân văn, ít chú ý đến các chiều cạnh phát triển con người mà lại nặng đề cao giá trị kinh tế, kỹ thuật.

PGS.TS HOÀNG BÁ THỊNH
(Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG Hà Nội)

Theo Tuổi Trẻ

{jcomments on}