10 nghìn tỷ, 50 nhà hát 'nghìn ghế': Lấy ai mà diễn? Diễn gì? Ai xem?

27/05/2014 08:28
Quốc Khánh
(GDVN) - Cung văn hóa hữu nghị Hà Nội vào những ngày cao điểm có thể cho thuê tổ chức đến 4 đám cưới!

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức góp ý để hoàn thiện dự thảo "Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030". Theo đó, 10.800 tỉ đồng sẽ dành cho việc xây mới, nâng cấp các rạp hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm từ nay đến năm 2020. Đây thực sự là một đề án đầy tham vọng nhưng có phần thiếu thực tế.

Theo đề án "Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030" sẽ có khoảng 71 nhà hát trên cả nước sẽ được đầu tư xây mới hoặc cải tạo, đại tu. Ba thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh được coi là 3 trọng điểm đầu tư xây dựng các nhà hát, các trung tâm chiếu phim có sức chứa 2.000 - 3.000 ghế.

Nhiều người “phát hoảng” vì đề án đầy tham vọng này. Bởi các công trình hiện có vẫn chưa được khai thác 1 cách hiệu quả và đang bị xuống cấp trầm trọng.

Rạp hát cho thuê…tổ chức đám cưới

Không ít nhà hát, rạp chiếu phim ở các thành phố lớn hoạt động 1 cách cầm chừng. Sức sống “lay lắt” của chúng khiến những người có trách nhiệm cảm thấy chạnh lòng. Rạp Đại Nam – công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội bị Ðoàn công tác của Ban Văn hóa-Xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội “bắt quả tang” cho thuê tổ chức tiệc cưới cách đây hơn 1 tháng là 1 ví dụ điển hình.

Rạp Đại Nam được cho thuê để tổ chức đám cưới - Ảnh báo Nhân dân
Rạp Đại Nam được cho thuê để tổ chức đám cưới - Ảnh báo Nhân dân

Theo báo Tuổi Trẻ, Cung văn hóa hữu nghị Hà Nội vào những ngày cao điểm có thể cho thuê tổ chức đến 4 đám cưới!

Bên cạnh đó, 1 số công trình văn hóa khai thác chưa thực sự hiệu quả, gây lãng phí rất lớn. Chẳng hạn, Bảo tàng Hà Nội có tổng số vốn đầu tư lên đến 2.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chưa hoàn thiện quy hoạch chi tiết nên nội dung trưng bày còn sơ sài. Do vậy, lượng khách đến thăm giảm dần theo từng năm. Năm 2010, Bảo tàng Hà Nội đón gần 300 nghìn lượt khách đến tham quan thì đến 2013 con số ấy chỉ còn khoảng hơn 80 nghìn lượt người.

Công trình đầu tư 38 tỷ đồng là  Thư viện Hà Nội cũng đang xuống cấp nghiêm trọng. Dù nằm ở vị trí đắc địa giữa trung tâm thành phố nhưng lượng bạn đọc đến với thư viện cũng giảm theo các năm.

Cần 1 nhà hát…cho ra nhà hát

Hiện tại, một số đơn vị như Nhà hát Cải lương, Nhà hát Nhạc vũ kịch, Dàn nhạc giao hưởng VN, Nhà hát Múa rối trung ương,…chưa có nhà hát của riêng mình. Một số đơn vị khác may mắn có nhà hát riêng nhưng cũng rơi vào tình trạng khó khăn do thiết kế lỗi thời hoặc do sự xuống cấp của hệ thống điện, hạ tầng, âm thanh, ánh sáng,… Nhà hát tuồng Việt Nam may mắn được “sở hữu” rạp Hồng Hà. Tuy nhiên, với sức chứa quá nhỏ - chỉ có 382 chỗ ngồi. Hay nhà hát kịch Việt Nam nằm lép vế phía sau Nhà hát lớn có sức chứa vẻn vẹn 150 chỗ ngồi….

Việc cải tạo những nhà hát kể trên là không tưởng bởi công tác giải phóng mặt bằng không hề đơn giản.

Tất cả những nhà hát xây trước 1954 chỉ là những hội trường đa năng...
Tất cả những nhà hát xây trước 1954 chỉ là những hội trường đa năng...

Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính trả lời trên báo Tuổi trẻ cho rằng: “Ở Việt Nam, tất cả nhà hát xây sau năm 1954 đều mới chỉ là các... hội trường được sử dụng vào nhiều công năng khác nhau chứ làm gì có nhà hát thật sự.”

Nói cách khác, sự thiếu đồng bộ trong thiết kế và xây dựng các nhà hát của chúng ta đã và đang dẫn đến tình trạng vừa thừa, vừa thiếu nhà hát một cách trầm trọng ở nước ta hiện nay.

Hơn nữa, thời gian xây dựng các công trình nhà hát, rạp chiếu phim ở nước ta thường kéo dài. Chẳng hạn nhà hát Âu Cơ xây dựng trong 10 năm, nhà hát Chèo Việt Nam xây dựng qua…5 kỳ Quốc hội khiến cho các công trình vừa đưa vào sử dụng đã bị xuống cấp 1 số hạng mục, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng của công trình.

Nên chăng, chúng ta nên đầu tư, thiết kế và tập trung xây dựng  ở mỗi vùng Bắc – Trung Nam 1 nhà hát quy mô, hiện đại. Biến nó trở thành nơi tập trung của các đoàn nghệ thuật trong cả nước.

Xin mượn lời của Giáo sư – Nghệ sỹ nhân dân Trung Kiên – Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa trả lời trên báo Tuổi trẻ như lời kết cho bài viết này: “Nhà nước và xã hội quan tâm thì mừng quá rồi. Nhưng vấn đề quan trọng nhất không phải là xây nhà hát, mà là con người. Không quy hoạch lại các đơn vị nghệ thuật trong cả nước, rồi xây nhà hát lên lấy ai mà diễn? Diễn gì? Cho ai xem?”.

Quốc Khánh