"Ăn cắp giờ thành bình thường ở XH ta, từ quan chức trở xuống"

17/04/2014 07:57
Lê Phương
(GDVN) - 'Xã hội có nhiều người ăn cắp. Từ quan chức trở xuống', GS Ngô Đức Thịnh chia sẻ nhân trường hợp em bé bị trói trong siêu thị.

- Dư luận đang xôn xao về trường hợp một học sinh lớp 7 bị nhân viên tại một siêu thị ở Gia Lai trói tay lại và đeo vào người em biển hiệu 'Tôi là người ăn trộm'. Cảm giác của ông thế nào về cách hành xử của nhân viên siêu thị này?

Tôi nghĩ nếu cháu nó có làm thế thật thì người lớn cũng không nên làm như vậy. Nhất là khi cô bé mới 13 tuổi. Với độ tuổi này lẽ ra chỉ nên nhắc nhở cháu để có tính giáo dục thôi chứ không nên hành hạ thế. Còn cái kiểu họ đã làm rất phản giáo dục và phản văn hóa. Không ai chấp nhận được điều đó!

Điều này sẽ làm tổn thương đứa trẻ trong khi sự việc không đến mức phải như thế. Tôi nghĩ truyền thông cũng nên có tiếng nói về việc này.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh
Giáo sư Ngô Đức Thịnh

- Nhiều người cho rằng gia đình cô bé nên khởi kiện nhân viên siêu thị về hành động này, ông nghĩ sao?

Theo tôi thì không nên pháp luật hóa chuyện này làm gì, nếu siêu thị đã xin lỗi thì nên dừng ở đó thôi mặc dù hành động của nhân viên siêu thị trên nhiều phương diện là không phải. Nó phản giáo dục, không ai giáo dục kiểu như thế cả. Đấy là một hình thức hành xác, sỉ nhục con người, không nên làm. Mà thật ra làm to chuyện cũng chẳng được gì cả cuối cùng người thiệt thòi nhất vẫn là cháu bé.

- Thời gian gần đây người Việt Nam liên tục trở thành 'tấm gương' xấu về thói ăn cắp tại một số nước láng giềng như Nhật Bản, Trung Quốc...Giờ thêm cách hành xử phản giáo dục và mang tính chất 'vạch áo cho người xem lưng' thay cho cách 'đóng cửa bảo nhau' như trường hợp của em bé tại siêu thị ở Gia Lai, ông đánh giá thế nào về con người Việt Nam hiện nay?

Việc đạo đức xuống cấp một cách tồi tệ như hiện nay thì không ai bác bỏ được, nhưng vấn đề ở đây có nhiều căn nguyên. Tại sao con người Việt Nam lại làm như vậy mà người nước khác lại không làm như vậy?. Điều này phụ thuộc vào 2 yếu tố: Bản chất con người và do giáo dục của từng con người.

Ví dụ một câu chuyện về chính bản thân tôi như thế này: Có một lần tôi sang Mỹ sống tại gia đình của 2 giáo sư ở thành phố Los Angeles. Tôi chỉ nghỉ 1 đêm ở đấy thôi và sáng hôm sau sẽ cùng họ vào thành phố khác. Buổi tối, tôi ngủ ở gần thư viện của họ, tôi thấy trong thư viện có 1 cuốn sách rất hay mà tôi rất cần. Nói thật là đã có lúc trong đầu tôi có nảy ra ý định, hay cứ lấy đi. Và cả đêm hôm đó tôi đã phải đấu tranh với chính bản thân mình.

Nữ sinh bị trói và đeo biển "Tôi là người ăn trộm" vì ăn cắp 2 cuốn truyện khiến dư luận đặt vấn đề về đạo đức XH, hành xử giữa con người trong XH hiện nay.
Nữ sinh bị trói và đeo biển "Tôi là người ăn trộm" vì ăn cắp 2 cuốn truyện khiến dư luận đặt vấn đề về đạo đức XH, hành xử giữa con người trong XH hiện nay.

Tôi đã nghĩ đến trường hợp nhỡ họ phát hiện ra mất cuốn sách đó và trường hợp có thể họ cũng sẽ không nhớ là có cuốn sách đó. Cuối cùng, sau cuộc đấu tranh, dằn vặt tôi đã trả lại cuốn sách vào vị trí của nó. Hôm sau khi ra sân bay ngồi uống cafe, tôi có nói chuyện với họ rằng, hai ông bà có cuốn sách tôi rất là thích thì lúc đó bà ấy bảo tại sao anh không lấy đi và bảo tôi để lại địa chỉ rồi sẽ gửi lại sau.

Đó là trải nghiệm của tôi nên thực ra là cái xấu ở trong mỗi con người ai cũng có thôi. Bản chất con người ai cũng có cái thiện và cái không thiện, vấn đề là họ đấu tranh với bản thân mình như thế nào. Tuy nhiên ngoài 2 yếu tố trên thì có 1 vấn đề cũng rất quan trọng tác động lên bản chất con người hiện nay. Đó là xã hội. Đây mới là cái mà tôi muốn nói và đạo đức của con người hiện nay chính là một cái lỗi của xã hội.

Nếu hiểu định nghĩa trộm cắp là lấy cái không phải của mình bằng mọi cách, tôi nghĩ xã hội Việt Nam bây giờ, nếu nói tất cả mọi người thì sẽ bị cho là xúc phạm nhưng giờ xã hội có  nhiều người ăn cắp. Từ quan chức trở xuống.

Tham nhũng là gì? Cũng là ăn cắp thôi, nguy hiểm nhất là nó quen với con người rồi, ăn cắp đã trở thành điều bình thường trong xã hội của chúng ta.

Đó cũng là cách phân phối lại xã hội vì cùng sống với nhau mà một anh giầu sụ, một anh nhà không có gì thì bây giờ xã hội phải tự tìm cách phân phối lại bằng cách này hay cách khác thôi.

Cái đạo đức xã hội kém tới mức mà tôi có lấy trộm, lấy cắp cũng không sao. Rõ ràng tôi có lấy thì tôi mới có cuộc sống hơn anh, đây là một vấn đề đáng nói.

Còn chuyện trong mỗi con người phải tự đấu tranh để vượt qua cái xấu nhưng nó cũng phải phụ thuộc vào xã hội. Trong một xã hội lành mạnh thì cái thiện con người thắng được nhưng mà trong một xã hội như chúng ta hiện nay thì cái thiện không thắng được. Bởi nhìn lên cũng thấy kẻ ăn cắp, nhìn xuống cũng thấy kẻ ăn cắp, nhìn sang trái, sang phải cũng toàn ăn cắp thì tại sao mình không ăn cắp?.

Tại sao xã hội xưa người ta ngủ không phải đóng cửa nhưng bây giờ, ngôi nhà của chúng ta có bao nhiêu chìa khóa mà vẫn mất cắp. Thế nên đây là vấn đề xã hội, trong Hội nghị Nghị quyết trung Ương 5 sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa vấn đề về đạo đức xã hội là vấn đề báo động rất ghê gớm. Mà không chỉ có ăn cắp đâu còn việc nói dối và sống hai mặt nữa.

- Nhưng theo ông tại sao vấn đề đạo đức thường xuyên được đưa ra bàn thảo nhưng cuối cùng vẫn chỉ là thảo luận mà chưa thể giúp con người Việt Nam sống tốt hơn?

Đạo đức là văn hóa nhưng không phải văn hóa quyết định đạo đức con người mà cái xã hội này quyết định.

Vấn đề đạo đức của con người là vấn đề xã hội, chính trị, kinh tế chứ không phải là riêng vấn đề của văn hóa. Cho nên 100 hay 1000 cuộc thảo luận của riêng văn hóa cũng thế thôi. Cho nên chuyện cháu bé bên trên chỉ là chuyện nhỏ thôi nhưng lại là vấn đề rất lớn của xã hội của chúng ta.

- Vậy nếu xã hội Việt Nam không thể thay đổi thì theo dự tính của ông con người Việt Nam sẽ như thế nào trong khoảng 10 năm nữa?

Nguy hiểm lắm, nó phải thay đổi mà muốn đạo đức con người thay đổi thì xã hội phải thay đổi. Có thể đến bây giờ tôi chưa nói dối, chưa ăn cắp lần nào nhưng biết đâu mai tôi trở thành người ăn cắp thì sao tôi không dám chắc chắn được nếu như cái xã hội này không lành mạnh hóa. 

Lê Phương