Bị phản đối, sáng nay dân làng Ném Thượng vẫn làm lễ chém lợn

24/02/2015 13:22
Quốc Khánh
(GDVN) - Bất chấp mọi sự phản đối, lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng vẫn diễn ra ở giữa sân đình vào ngày 24/2 (tức mùng 6 tết Ất Mùi).

Dù gặp phải rất nhiều ý kiến phản đối nhưng hôm nay lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh) vẫn diễn ra giữa sân đình. Rõ ràng, việc bỏ đi một tập tục, một truyền thống ra khỏi cộng đồng là một việc làm không hề dễ dàng.

Bị phản đối, dân Ném Thượng vẫn làm lễ chém lợn

Tục chém lợn ở làng Ném Thượng bắt đầu được phục dựng vào khoảng những năm 2000 nhằm tưởng nhớ người có công khai hoang lập ấp và cầu cho một năm sung túc, đủ đầy.

Theo truyền thuyết, một tướng đời Lý là Lý Đoàn Thượng sau khi chạy vào vùng đất này đã chém lợn rừng để nuôi quân. Từ đó, lễ hội chém lợn để tưởng nhớ người đã có công khai hoang lập ấp lên vùng đất này. Theo quan niệm của người dân nơi đây, máu lợn tượng trưng cho sự sung túc, sinh sôi nảy nở và mùa màng bội thu cho người dân. Chính vì vậy, lễ hội này vẫn được duy trì mấy trăm năm nay.

Lễ hội chém lợn vẫn diễn ra bất chấp mọi sự phản đối
Lễ hội chém lợn vẫn diễn ra bất chấp mọi sự phản đối

Trong lễ hội, hai “cụ” lợn sẽ được rước quanh làng với kèn trống, võng lọng cùng đội dâng hương…Sau khi được rước trở lại sân đình, hai thủ đao là những người vừa tròn 50 tuổi, con cái đuề huề hạnh phúc được dân làng trọn sẽ đảm nhiệm vai trò chém lợn để tế thánh. Người dân sẽ mang tiền, dây buộc gia súc, nông cụ…thấm máu lợn để lấy may. Thịt lợn tế thánh sẽ được chia đều cho các dân làng.

Ngày 27/1/2015, Tổ chức động vật châu Á có công văn đề nghị ra đạo luật cấm tổ chức lễ hội chém lợn mà họ coi là “dã man” nhất Việt Nam. Nhiều độc giả tỏ ra rất đồng tình với quan điểm nên loại bỏ những lễ hội chém lợn, chọi trâu hay đâm trâu ở Việt Nam. Theo đó, nhiều người cho rằng, tục chém lợn, đâm trâu có thể làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Đặc biệt, tổ chức một lễ hội chém giết ngay đầu năm là hành động khó chấp nhận trong một xã hội văn minh.

Bất chấp mọi sự phản đối, lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng vẫn diễn ra ở giữa sân đình vào sáng nay (24/2, tức mùng 6 tết Ất Mùi) và thu hút rất đông khách thập phương chứng kiến. Điều này cho thấy, việc loại bỏ một truyền thống, một tín ngưỡng đã đi vào đời sống người dân không phải là việc làm dễ dàng.

Chém lợn có… dã man?


Nhiều người cho rằng, hành động chém lợn ngay giữa đông đảo người xem (trong đó có trẻ em là một hành động dã man không thể chấp nhận được dù với bất cứ lý do gì. Theo đó, việc chứng kiến việc chém giết này có thể làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ em.

Việc loại bỏ một nghi lễ tâm linh không phải là điều đơn giản
Việc loại bỏ một nghi lễ tâm linh không phải là điều đơn giản

 Tuy nhiên, theo Giáo sư Trần Lâm Biền: Lễ hội chém lợn ở Ném Thượng hoàn toàn không phản cảm nếu xét trên bản chất tâm linh của nghi thức này: “Trong tín ngưỡng của rất nhiều dân tộc, tiết của súc vật với màu đỏ đặc thù luôn là biểu hiện cho sinh khí. Cư dân Việt Nam chém lợn để lấy tiết cúng thành hoàng có ngầm ý xin đất đai cũng được trù phú, màu mỡ như bát tiết ấy vậy. Con lợn bị chém, tiết bắn ra thấm đầy xuống vùng đất bản địa cũng với hàm ý ấy… Còn chúng ta nếu đứng ngoài và coi đó chỉ là lễ hội để giết súc vật làm vui thì méo mó và bất công vô cùng".

Rõ ràng những gì đã trở thành truyền thống, thành một nghi thức tâm linh đều có nguyên nhân của nó. Chính vì vậy, việc loại bỏ nó ra khỏi đời sống văn hoá của người dân bản địa là việc làm không hề dễ dàng. Với người dân Ném Thượng, màu đỏ của máu lợn tưới xuống đất đai, đồ dùng giúp họ thực hiện niềm tin về một năm mùa màng tươi tốt, chăn nuôi phát đạt. Chính vì vậy, sự phản đối mạnh mẽ của những tổ chức động vật, một số người nghiên cứu văn hóa…không thể làm thay đổi quan niệm và niềm tin của họ.

Phong tục chém lợn ở Ném Thượng chỉ mất đi khi quan niệm của những người trong cuộc thay đổi.

Quốc Khánh