Chuyện lửa nghề của gia đình Bài Chòi ở làng biển

23/12/2017 07:50
Hải Dương – Minh Ngọc
(GDVN) - Giữa tất bật mưu sinh, câu bài chòi như mạch nguồn tha thiết. Không chỉ là đam mê, Bài chòi như một truyền thống gia đình và các thành viên nhắc nhau gìn giữ.

Trong lúc nghệ thuật truyền thống đang dần chìm vào quên lãng thì tại một làng biển của tỉnh Phú Yên, có một gia đình mà cả bố mẹ và 6 cô con gái đều là những người giỏi hô hát bài chòi và chơi được nhiều nhạc cụ dân tộc. Đó là gia đình chị Hứa Thị Gửi (thôn Long Thủy, xã An Phú, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên).

Giữa tất bật mưu sinh, câu bài chòi như một mạch nguồn thao thiết. Không chỉ là đam mê, Bài chòi đã như một truyền thống gia đình và các thành viên nhắc nhau gìn giữ.

Bao giờ cũng vậy, những ngày đầu xuân là gian chòi thâu đêm của nhà chị Gửi với 8 người nhà chị “trình làng” món nghề của gia đình.

14 năm trước, trong một lần lễ hội Đền thờ Lê Thành Phương tổ chức, chị Gửi cùng chồng là anh Nguyễn Khắc Thành đăng ký biểu diễn bài chòi miễn phí.

Bằng chất giọng mượt mà, truyền cảm với “máu nghệ sỹ” sẵn có trong người, chị Gửi chinh phục toàn bộ khán giả. Từ lần đó, anh chị được bà con yêu mến và biểu diễn thường xuyên hơn.

Từ sân chơi lớn như lễ hội đền thờ Lê Thành Phương, lễ hội Cầu ngư, kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ đến các đêm diễn nhỏ lẻ ở các xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa đến xã Xuân Cảnh, Thị xã Sông Cầu… đều có sự góp mặt của gia đình anh chị.

Đến nay, 6 cô con gái của anh chị, gồm: Nguyễn Thị Lệ Phương (sinh năm 1991), Nguyễn Khắc Hà Phôi (sinh năm 1994), Nguyễn Khắc Hà Phiêu (sinh năm 1995), Nguyễn Khắc Hà My (sinh năm 1999), Nguyễn Khắc Hà Đan (sinh năm 2003) và Nguyễn Khắc Hà Ka (sinh năm 2007) đều rành rẽ nghệ thuật bài chòi, yêu thích dân ca, chơi organ và say sưa đàn sến.

Mỗi lần gia đình “lưu diễn”, cả nhà thường chia làm hai nhóm, “chạy show” để kịp phục vụ người xem.

Bé Hà Ka cùng cha tập luyện hô bài chòi (Ảnh: tác giả cung cấp).
Bé Hà Ka cùng cha tập luyện hô bài chòi (Ảnh: tác giả cung cấp).

Bất kỳ ai trong gia đình này đều có thể hóa thân thành “anh Hiệu, chị Hiệu” để tạo niềm vui, hứng thú của người chơi, còn nhanh trí ứng tác, rất “khớp” với cái tên ứng trong thẻ bài.

Vậy là những lúc rảnh rỗi, cả gia đình lại cùng nhau quây quần, lấy hiên nhà làm sân khấu. Tiếng hô Bài chòi, nhịp gõ phách vang lên, vọng từ những mái nhà của xóm nhỏ.

Không chỉ tha thiết với bài chòi, Hà My còn tìm đến cây đàn sến thông qua lớp đàn ở Thành phố Tuy Hòa. My thổ lộ: “Em sẽ thi vào một trường dạy nhạc cụ dân tộc và tiếp nối nghệ thuật bài chòi”.

Nói đến chị cả Lệ Phương, cô là tay organ trong các buổi sinh hoạt nhạc sống và sẵn sàng phục vụ khi Chi đoàn Thanh niên thôn Long Thủy yêu cầu nhạc công.

Bé Hà Đan, mới học lớp 6 đã là thành viên của Câu lạc bộ Đàn – hát dân ca Phường 5 (Thành phố Tuy Hòa).

Còn cô út Hà Ka, sau giờ lên lớp, niềm vui của em là được bố đệm guitar cho em tập hô bài chòi. Niềm say mê âm nhạc truyền thống đã và đang nuôi lớn tâm hồn từng đứa con của chị Gửi.

Một trong những thành tích của Hà Đan được địa phương ghi nhận (Ảnh: tác giả cung cấp).
Một trong những thành tích của Hà Đan được địa phương ghi nhận (Ảnh: tác giả cung cấp).

Xem bài chòi là nguồn sống, 8 thành viên trong gia đình này đã trải qua không ít gian nan. Nghề biển bấp bênh, lại không tấc đất cắm dùi, 6 đứa con tuổi ăn tuổi học. Gánh nặng đặt hết lên vai anh chị.

Ngày mới đi diễn, khán giả ít, địa bàn lại rộng. Nhiều đêm dựng chòi rồi không có khách đến chơi, cả nhà bùi ngùi thu dọn. Lại có ngày vừa chuẩn bị diễn, mưa mùa kéo đến khiến cả nhà tặc lưỡi…

Nhằm “chuyên nghiệp hóa” đội hình, anh chị không ngại đầu tư dần 30 triệu đồng mua sắm dàn âm thanh, thuê xe đi diễn.

 Anh Thành tâm sự: “Nhiều lúc hô chưa dứt câu, đờn đứt dây rồi loa cháy. Cũng may bà con thương nên không chấp nê. Mình được động viên mà hát tiếp”.

Trắc trở là thế, nhưng anh chị quyết sống chết với những câu thai bài chòi. Tình yêu âm nhạc ngày càng bay cao, bay xa.

Những chuyến lưu diễn cùng Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh ở các địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang…đã chứng minh con đường anh chị lựa chọn là đúng đắn.

Đến với âm nhạc từ năm lên 8, chị Gửi được cha là ông Hứa Văn Minh - Trưởng đoàn hát nghiệp dư Tiếng hát quê hương ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa nuôi lớn bằng ánh đèn sân khấu. Nhanh chóng, chị trở thành nòng cốt của phong trào biểu diễn nghệ thuật quần chúng xã nhà.

Lớn lên, theo chồng về Long Thủy. Nghĩa vụ của một người vợ, người mẹ cuốn chị xa dần việc hát xướng. Tuy nhiên, được chồng khuyến khích, chị đã “truyền lửa” cho các con, tiếp nối và lưu truyền gần 300 câu thai của nghệ thuật bài chòi tỉnh Phú Yên cho đến hôm nay.

Hiện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang xây dựng hồ sơ văn hóa phi vật thể Tục chơi Bài chòi mùa xuân của người Việt, đệ trình UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tại kỳ họp thứ 12, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 đang diễn ra tại Hàn Quốc trong tháng 12/2017, hồ sơ Hát Xoan Phú Thọ và Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ của Việt Nam đang được xem xét để đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.  Bao kỳ vọng mới đang đến với các nghệ nhân Bài chòi dân gian, như ông Phước, bà Hoa hay anh Thiện.

Ông Nguyễn Đức Duẩn, cán bộ văn hóa Trung tâm Văn hóa – thể thao và Thông tin huyện Tuy An cho biết:

“Ở các hội diễn quần chúng, thù lao rất hạn chế nhưng chị Gửi luôn tham gia nhiệt tình, biểu diễn hết mình. Gia đình chị Gửi cũng là những nhân tố điển hình phục vụ cho hoạt động văn nghệ địa phương”.

Hải Dương – Minh Ngọc