Clip ông bố Mỹ dạy con nói xin lỗi khiến hàng nghìn người Việt rơi lệ

24/04/2014 08:04
Anh Thơ
(GDVN) - "Ba biết là không phải dễ để nói lời xin lỗi, nhưng con phải nói. Con cứ nói ra lời, chỉ là âm thanh thôi", ông bố người Mỹ dạy con gái nói lời xin lỗi.

Câu chuyện bắt đầu khi cô bé Jane chạy ra đập hộp đồ trên tay chị xuống đất, nhưng không chịu xin lỗi và nhất quyết nói rằng "đó chỉ là tai nạn". 

Cách dạy con của ông bố với con gái về lời xin lỗi khiến không ít dân mạng cảm động
Cách dạy con của ông bố với con gái về lời xin lỗi khiến không ít dân mạng cảm động

Tuy nhiên, người bố vẫn kiên trì khuyên con gái một cách nhẹ nhàng, từ tốn dù những người xung quanh khuyên ông rằng: "ông phải vả vào mồm nó", "hãy tát vào mặt nó, tát thật mạnh và giật tóc nó…".

"Ba biết là không phải dễ để nói lời xin lỗi, nhưng con phải nói. Con cứ nói ra lời, chỉ là âm thanh thôi. Đẩy hơi qua người con, lên tới mặt, hình thành ra tới môi và nói thành lời xin lỗi", người bố nhẹ nhàng thuyết phục và cô con gái bướng bỉnh cuối cùng cũng chịu thốt ra lời xin lỗi.

Những người xung quanh khuyên ông bố dạy con bằng những biện pháp mạnh
Những người xung quanh khuyên ông bố dạy con bằng những biện pháp mạnh

Giá trị của từ "xin lỗi" một lần nữa được nâng lên khi chính cô bé Jane nhắc lại lời của bố để buộc một phụ nữ trung tuổi xin lỗi mình khi cô bé bị người phụ nữ kia tông phải.

Không chỉ trẻ con mới cần nói lời xin lỗi, chính bản thân người lớn cũng nên nói hai từ đó vào mỗi ngày, mỗi khi chúng ta lỡ may làm điều gì sai trái. Nhìn vào cách cư xử của người lớn, con trẻ sẽ biết mình nên và phải làm gì khi gặp những tình huống đó.

Cách ông bố dạy con gái nói lời xin lỗi đã làm hàng triệu người trên thế giới rơi lệ xúc động. 

Ở Việt Nam, clip ngắn này được chia sẻ trên mạng xã hội một vài ngày gần đây nhưng đã nhận được hàng chục nghìn like và hàng nghìn bình luận.

Skynie Minh Hà nhận xét: "Ở Việt Nam, theo cảm nhận chủ quan của mình, nói ra lời xin lỗi thật sự là khó khăn. Bản thân mình trước đây cũng vậy, kể cả khi lỗi rành rành là của mình nhưng việc xin lỗi và nhận lỗi cảm giác như tự bôi tro trét trấu lên mặt, cảm thấy rất xấu hổ và nhiều người chọn phương pháp là lảng tránh thay vì đối diện sự thật và nhận lỗi. Và thế là lỗi lầm cứ kéo dài năm này sang năm khác.

Ngoài cảm giác áy náy thì chuyện không xin lỗi còn có thể làm mất đi mối quan hệ với người mà ta làm lỗi. Nếu ngay từ đầu ta nhận lỗi thì sẽ dễ hoá giải các mối quan hệ hoặc hiểu lầm nếu có. Ngoài ra, rất nhiều quan niệm sai lầm là ai xin lỗi có nghĩa là mình có lỗi. Vì thế khi không có lỗi hoặc gián tiếp làm lỗi mà xin lỗi thì lại sợ bị quy chụp là lỗi của mình nên đã nhát xin lỗi lại càng không dám xin lỗi".

Độc giả Que Tran Thi bày tỏ: "Đúng, xem xong mình giật mình thật. Mình sẽ dạy con cháu mình như thế. Đó là văn hóa ứng xử mà đôi khi chúng ta lại ít quan tâm tới. Dạy con luôn nở nụ cười khi nói lời cảm ơn và xin lỗi".

Độc giả KimChung Bùi chia sẻ: "Ông bố thật tuyệt, rất ý nghĩa để dạy được con cái của mình được như vậy ở môi trường văn hóa Việt cũng khó".

"Người bố thật tuyệt vời! Mẫu mực, hiểu biết. Nhân viên siêu thị có trách nhiệm. Đất nước văn minh có những con người cư xử lịch sự nhưng bên cạnh đó cũng có người rất vô duyên, chỉ biết được cho mình mà không nghĩ đến sự khó chịu của người khác" là ý kiến của bạn Dao Nguyen.

Nhưng bên cạnh đó, nhiều độc giả cảm thấy bất bình trước thái độ của người lớn trong clip: "Cái xã hội chẳng ra sao cả, ông bố thì muốn dạy con xin lỗi cho đúng phép lịch sự, trong khi người lớn thì văng tục trước mặt trẻ em", nickname Ing Lam Van Hoan bày tỏ.

Anh Thơ