Cố NSND Trịnh Thịnh và kỷ niệm được 'ưu đãi' hơn Thiếu tướng

12/05/2014 07:48
Lê Phương
(GDVN) - 'Ông Thịnh có nói rằng: ‘Cái mặt tôi như tờ giấy giới thiệu vậy…’, em trai cố nghệ sĩ Trịnh Thịnh chia sẻ.

- Ông có thể chia sẻ về cuộc sống trước đây của cố nghệ sĩ Trịnh Thịnh như thế nào được không?

Cố nghệ sĩ Trịnh Thịnh
Cố nghệ sĩ Trịnh Thịnh

Tôi sống từ nhỏ với bác Thịnh đến khi bác lấy vợ thì thôi. Sau đó thì tôi nhập ngũ mãi đến năm 1976, tôi mới quay trở lại Hà Nội. Lúc này, chúng tôi mới thường xuyên qua lại thăm nhau, thỉnh thoảng bác ấy lại bảo ‘anh đi đóng phim’, rồi đến hẳn một vùng quê náo đó sống cùng để tìm cách nhập vai.

Nói chung tính cách bác Thịnh thì như bác gái đã nói, là thanh niên Hà Nội nhưng bản chất thì rất hiền lành và cách sống thì giản dị vô cùng.

Được biết trước năm 1954, cố nghệ sĩ Trịnh Thịnh làm việc tại ngân hàng Đông Dương rồi chuyển sang làm diễn viên, gia đình ông có bất ngờ về khả năng diễn xuất của bác Thịnh không?

Lúc còn nhỏ bác Thịnh đã có năng khiếu về ảnh rồi. Tôi đã nhiều lần ngạc nhiên khi ông ghép những tấm ảnh của mình thành 1 tấm.

Trước năm 1954 thì bác Thịnh làm việc ở Ngân hàng Đông Dương cũng có nhiều lời ra tiếng vào vì đố kỵ. Nhưng ở dưới chế độ nào thì làm cho chế độ đó để kiếm đồng lương nuôi gia đình thôi. Nên sau khi giải phóng xong, đội kịch thành phố thành lập, ông Thịnh chuyển sang đóng kịch tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Ông nổi tiếng nhờ các vở kịch như: Ai mua hành tôi, Bến nước Ngũ Bồ…Khi xưởng phim ra đời thì người ta đưa ông về. Mà ông chẳng cần qua trường, qua trại gì tự bản năng ông phát ra.

Ông tham gia bộ phim Chung một dòng sông thì nổi lên. Lúc đó chỉ là đóng vai phụ chưa được đóng vai chính, sau này người ta phát hiện ra ông có năng khiếu thật sự thì mới giao vai chính. Khi đã đóng vai chính thì nông dân ông cũng diễn được mà tri thức cũng hoàn thành xuất sắc đó là cái hay của anh tôi.

Cố nghệ sĩ Trịnh Thịnh có hay kể chuyện về những chuyến đi đóng phim của mình cho ông và gia đình nghe không?

Bác Thịnh ở riêng, tôi chỉ ở gần đó thôi. Anh nào cũng có gia đình rồi, con cái cũng trưởng thành, bác gái thì lo được mọi công việc nên bác Thịnh đi đóng phim thì cũng chỉ nói ‘anh đi đóng phim’. Còn sự nổi tiếng của bác ấy thì nhân dân tự phán quyết thôi nhưng cũng có những kỉ niệm mà tôi không quên.

Ví dụ như Đức họ có sang làm phim Đảo địa ngục cho Việt Nam. Sau khi hoàn thành phim họ có lựa chọn các diễn viên Việt để tham gia lồng tiếng cho phim. Và cuối cùng thì mời bác Thịnh vì giọng tốt nhất. Lúc đó, tôi cũng có nghe nói Bộ Văn hóa đang loay hay không biết cử ai vì bên đó mời đích danh bác Thịnh mà.

Mỗi một lần bác Thịnh đi 5 đến 7 ngày vì đường từ đây sang Đức cả đi và về mất 3 ngày. Cứ xuống sân bay họ đón và đưa về nhà nghỉ luôn. Ông Thịnh là người thuần Việt nên ông muốn tự nấu ăn, họ cho ô tô đưa đi chợ mua trứng, mua thịt… để vào tủ lạnh.

Ông đi như vậy 5, 7 chuyến, đến độ nhiều người khó chịu vì nghĩ rằng ‘hoa thơm mỗi người hưởng một tý’, cứ nghĩ ông này đi luôn nhưng sự thật là sang làm được năm bảy ngày lại về.

Lần cuối cùng ông sang, tôi nhớ ông về ông kể chuyện người Đức có hỏi ông rằng:

‘Ông thích xe máy của Đức lắm đúng không nhưng tiền thù lao của ông không đủ đâu. Tôi có xem báo và thấy giới thiệu một xe máy xếch ta của đại tá công an nếu ông thích thì tôi đưa đến xem…’. Thế là họ đưa ông Thịnh đến xem xe thật, chiếc xe thì vẫn đang đắp chiếu, đắp chăn họ cho thợ nổ máy và bảo sẽ sửa cho ông Thịnh mang về nước. Và đúng thật ông về nước được mấy ngày thì xe cũng về. Ông gọi ngay tôi xuống để khoe anh xe.

Hay có một kỉ niệm khác cũng buồn cười thế này. Có lần ông đi cùng một ông thiếu tướng cũng là anh em trong nhà đi rút tiết kiệm. Hai anh em đang xếp hàng đợi lượt thì nhân viên bất ngờ gọi ông Thịnh lên lấy trước và xin phép mọi người vì ưu tiên cho diễn viên còn về đóng phim.

Trước sự ưu ái đó, ông Thịnh có nói rằng: ‘Cái mặt tôi như tờ giấy giới thiệu vậy…’. Mà đúng thế thật, ông đi đâu người ta cũng kính nể.

Mỗi lần cố nghệ sĩ Trịnh Thịnh đóng xong một bộ phim, cả nhà ông có hồi hộp ngồi theo dõi không?

Cách đây khoảng 2,3 tháng mỗi một lần phát lại phim của bác Thịnh như: Mùa hoa cải, Thằng bờm, Không nơi ẩn nấp…bác lại nhắn cho tôi là đang chiếu phim đấy, anh dậy mà xem.

Bộ phim mà con cháu ông Thịnh thích nhất có lẽ là: Mùa hoa cải và Thị trấn yên tĩnh. Tôi nhớ cách đây hơn chục năm Nhật có tổ chức Liên hoan phim châu Á Thái Bình Dương, họ có bảo cho xem một số bộ phim như: Mùa hoa cải, Thị trấn yên tĩnh, Thằng bờm…Họ chỉ hỏi phía đoàn Việt Nam một câu: ‘Ông này còn sống không?’ vì họ rất khoái khả năng diễn xuất của ông Thịnh. Sau đó, họ gặp ông Thịnh và họ nói tháng 8 có Liên hoan phim ở Nhật có mời Việt Nam dự nhưng riêng ông Thịnh thì mời suất đặc biệt.

Họ mời đích danh chứ nếu còn mời đại diện thì nói thật lòng không bao giờ đến lượt vì ông Thịnh quá chất phác không biết chạy chọt là gì.

Diễn viên Trịnh Thịnh và vợ
Diễn viên Trịnh Thịnh và vợ

-  Có phải vì quá chất phác nên dù với sự nghiệp điện ảnh đồ sộ nhưng cuộc sống của bác Thịnh vẫn chỉ đơn giản trong một khu tập thể cũ ở Hà Nội?

Đúng rồi chất phát lắm chỉ biết làm việc thôi.

Nhưng có bao giờ vì cuộc sống ‘cơm áo gạo tiền’ và phải nuôi 5 đứa con nhỏ mà bác gái đòi cố nghệ sĩ Thịnh bỏ nghề để đi kiếm tiền?

Nói thật tình là ông ấy đam mê nghề lắm, không bỏ được đâu. Chính vì vậy mà bác gái cũng nuông chiều. Nhiều lúc ông ấy đi đóng phim tận miền Nam hay ra nước ngoài nhưng bác gái cũng không hề kêu ca. Bác gái lúc đó làm Sở thương nghiệp Hà Nội nên người ta cũng rất trân trọng.

Vậy lúc cuối đời có bao giờ cố nghệ sĩ Trịnh Thịnh tỏ ra tiếc nuối hoặc thở dài với ông vì trong nhà không có ai theo nghệ thuật không?

Không, ông ấy biết không ai phù hợp. Mà tính ông ấy thì hiền.
Lê Phương