Cố nhà văn Tô Hoài và đám cưới duy nhất 1 mâm cỗ

08/07/2014 08:00
Lê Phương
(GDVN) - 'Tôi đã chờ đợi ông ấy đi biền biệt cả cuộc đời, nhưng ông thì không đợi tôi được 1, 2 tiếng để tôi kịp vào chào ông lần cuối'.

Đến thăm nhà Tô Hoài sau khi hay tin ông qua đời, tiếp chúng tôi là vợ ông, bà Nguyễn Thị Cúc, dù cũng đã ở tuổi ngoài 90 nhưng bà vẫn rất nhanh nhẹn và minh mẫn. 

Bà chậm rãi kể lại cho chúng tôi nghe về mối tình của mình với nhà văn Tô Hoài. Thỉnh thoảng bà lại ngừng lại để lau những giọt nước mắt khi nhớ về những kỉ niệm khó quên với người chồng hơn 60 năm cùng chung sống.

Vợ chồng nhà văn Tô Hoài
Vợ chồng nhà văn Tô Hoài

Đám cưới có 1 mâm cỗ

Tôi sinh ra trong một gia đình phong kiến, nề nếp. Gia đình tôi có 5 anh chị em, 3 gái và 2 trai, tôi là con út trong gia đình nên được bố mẹ hết mực yêu chiều.

Thời đó, anh thứ 2 của tôi - anh Khôi có tham gia hoạt động cách mạng truyền bá chữ quốc ngữ và trong đội cứu tế đó có một anh rất nhát, mỗi lần vào nhà tôi để hoạt động đều đi cửa sau rồi lên tọt trên gác chỗ anh tôi luôn. Thấy vậy tôi mới để ý và biết ông ấy rất nghèo khổ nhưng tài năng lắm.

Và cái anh chàng đó chính là ông Tô Hoài. Ông ấy cũng biết anh trai tôi có một cô em gái xinh đẹp, nết na nhưng làm sao dám để ý đến tôi được vì tôi là con gái gia đình phong kiến nề nếp và đàng hoàng.

Nhưng lâu dần thì hai người cũng phải lòng nhau tuy nhiên, cả hai đều rất nhát. Hồi đó, gia đình tôi có mượn nhà văn Nam Cao về dạy học cho các cháu bé, ông Nam Cao biết chúng tôi có tình ý với nhau nên thỉnh thoảng giả vờ nghỉ dạy để ông Tô Hoài dạy thay. Còn tôi thì ở trên nhà cứ đi lên đi xuống để xem ông dạy.

Anh trai tôi cũng thương ông Tô Hoài lắm nên lúc giúp gạo, lúc giúp tiền, biết chúng tôi yêu nhau, anh rất tán thành và giúp đỡ cho gặp nhau.

Nhưng hẹn hò với ông Tô Hoài, tôi thường để ông chờ mòn mỏi thì tôi mới đến, không phải do tôi cành cao lá dài đâu nhưng do con gái thời đó thường e ấp như vậy, tôi lại được sinh trong gia đình nề nếp, nho nhã và phong kiến nữa. Thế nhưng dù lâu, ông ấy vẫn đợi tôi đến.

Kháng chiến bùng nổ, gia đình tôi đi theo kháng chiến, ông Tô Hoài cũng nhận nhiệm vụ của đơn vị đi theo kháng chiến. Thỉnh thoảng, ông có tìm đến gia đình tôi.

Lúc tôi ở làng Đại Phạm - Phú Thọ còn ông Tô Hoài ở bên kia sông thuộc làng Xuân Á, chúng tôi quyết định lấy nhau. Hôm tổ chức lễ cưới chỉ có mỗi một mâm cỗ, có ông Tố Hữu, Phạm Văn Đồng chứng kiến. Lẽ ra tôi đã mua một con chó để làm đám cưới với giá 4 ngàn nhưng chẳng may đêm, nó lại sổ đi mất, hết tiền để mua lại nên anh tôi đã phải đứng ra làm cho tôi 1 mâm cưới.

Mà gọi là cưới cho sộp vậy thôi ăn uống xong 2 đứa lại dắt nhau về làng Xuân Á. Chúng tôi đi bộ suốt đêm và ở nhờ gia đình nhà ông bà Cầu. Ông bà tốt lắm nhưng không cho chúng tôi ngủ với nhau nên ông Tô Hoài phải trải chiếu nằm đất còn tôi sang nằm với mẹ chồng.

Sau đó ít lâu, chúng tôi trở về làng Đan Hà - Phú Thọ sinh sống. Về đó, ông Tô Hoài suốt ngày đi công tác còn tôi mở một cửa hàng con con bán vở và giấy bút cho học sinh. Tôi bán là một phần còn một phần để dò la tin tức cho hội của chồng.

Làng xóm sang chia buồn với gia đình trước sự ra đi của nhà văn Tô Hoài
Làng xóm sang chia buồn với gia đình trước sự ra đi của nhà văn Tô Hoài
Xuống Hà Nội ôn thi khi biết tin nhà văn Tô Hoài qua đời, cậu bé này đã tìm khắp Hà Nội nhà của tác giả 'Dế mèn phiêu lưu kí' để được chào ông lần cuối.
Xuống Hà Nội ôn thi khi biết tin nhà văn Tô Hoài qua đời, cậu bé này đã tìm khắp Hà Nội nhà của tác giả 'Dế mèn phiêu lưu kí' để được chào ông lần cuối.

Nhuận bút phim Vợ chồng A Phủ được 27 nghìn

Rồi tôi có mang và sinh con gái đầu lòng đặt tên là Đan Hà, nơi chúng tôi đang sinh sống. Thấy vợ đẻ xong cái, ông Tô Hoài khăn gói đi vào vùng cách mạng luôn. Ông cứ đi như thế, mình tôi ở nhà chăm sóc con, không biết chồng mình sống chết thế nào.

Lần tôi sinh đứa thứ 2 cũng vậy, đợt đó là đang đánh ở mặt trận Nghĩa Lộ, ông Tô Hoài có xin phép tạt qua thăm tôi để hỏi xem đẻ con gái hay con trai. Tôi đẻ con gái nhưng nói đùa là con giai, nghe xong ông lại đi luôn. Ông đi hết mặt trận này đến mặt trận khác.

Nói chung là thời son trẻ như bông hoa hồng mới nở nhưng cuộc sống của tôi không có ông bên cạnh. Chỉ có một mình chăm sóc con cái, thậm chí có người đến chơi, tôi cũng phải giả vờ có ông ấy ở nhà cho đỡ sợ.

Tôi không nề hà công việc gì để kiếm tiền chăm sóc con cái, có những hôm tôi may vá quần áo suốt đêm đến 2h sáng mới bê được bát cơm nguội để ăn. Tôi cố làm để sang ngày có hàng trả thì mới có tiền mua đồ ăn cho con cái.

Mặc dù suốt cả cuộc đời nuôi con một mình nhưng tôi không bao giờ trách ông ấy vì tôi biết rõ công việc của ông nên không giận hờn. Thậm chí có người đến bảo với tôi là ông Tô Hoài có con riêng nhưng tôi chỉ cười với họ và bảo rằng, như thế tôi khỏi phải đẻ.

Sau kháng chiến về Hà Nội, trong người tôi chỉ còn 5 đồng chẳng mua nổi cái giường. Tôi đến ở nhờ nhà người bạn nhưng các con còn ít tuổi nên cứ nghịch ngợm chạy ầm ĩ, sau họ không cho ở nữa. Tôi lại mang con đến ở nhờ nhà ông Văn Tân (nhà văn Văn Tân). Có người bạn thấy khổ quá mới tìm cho một cái nhà ở ngõ Đoàn Nhữ Phát với giá 27 nghìn. Mua được căn nhà đó là nhờ toàn bộ tiền nhuận bút phim Vợ chồng A Phủ của ông Tô Hoài.

Nhà văn Tô Hoài
Nhà văn Tô Hoài

Đi tây mua 10 sâu ớt tặng vợ

Khi ông Tô Hoài về hưu, vợ chồng tôi cũng được mời đi du lịch bên tây nhưng do sức khỏe yếu nên tôi không đi, thỉnh thoảng chỉ có mình ông ấy đi. Ông đi du lịch bên tây về, quà cho tôi là 10 sâu quả ớt, thế mà tôi vẫn thấy vui lắm.

Tiền và nhà cửa không bao giờ tôi nghĩ đến, tôi chỉ khát khao thèm muốn tình cảm của con người. Vì tiền cũng chỉ là giấy, nhà cửa chỉ là gạch vôi còn cái tình của con người sẽ ở trong trái tim mãi mãi.

Tôi cũng thấy trời bất công với ông Tô Hoài lắm, một người sống hiền lành như thế nhưng lại để ông mang 2 thứ bệnh nặng là tiểu đường và gút. Cách đây 1 tháng, khi ông ở trong bệnh viện có người hỏi ông có yêu tôi không ông bảo, có yêu còn thương nữa.

Vậy mà tôi đã chờ đợi ông ấy đi biền biệt cả cuộc đời, nhưng ông thì không đợi tôi được 1, 2 tiếng để tôi kịp vào chào ông lần cuối.

Lê Phương