Cố nhạc sĩ Thuận Yến và bức thư viết vội 46 năm trước

23/06/2014 08:03
Lê Phương
(GDVN) - Ông Yến thì mỗi khi bị người yêu đòi chia tay là lại báo cáo chi bộ để họ góp ý nên cũng không thể dứt được.

Đến thăm nhà nhạc sĩ Thuận Yến sau gần nửa tháng ông về với cõi vĩnh hằng. Nỗi buồn và sự hụt hẫng vì người chồng đã ra đi mãi mãi vẫn hiện rõ trên khuôn mặt vợ ông – nghệ sĩ ưu tú Thanh Hương.

Trong gần 3 tiếng trò chuyện, bà liên tục hồi tưởng lại những kỉ niệm về chồng với một tình yêu sâu đậm.

NSƯT Thanh Hương và cố nhạc sĩ Thuận Yến khi còn trẻ
NSƯT Thanh Hương và cố nhạc sĩ Thuận Yến khi còn trẻ

Yêu vì muốn Thuận Yến thành người tài

Trước tôi, ông Thuận Yến có nhiều bạn gái lắm, nếu kể về chuyện tình của ông ấy có thể viết thành một cuốn tiểu thuyết rất nhiều tình tiết hay và cảm động. Nhưng với tôi, ông Yến lại là mối tình đầu và cũng là tình cuối.

Lúc chân ướt chân ráo từ Nghệ An ra Hà Nội, tôi đã gặp ông Yến rồi, cứ như định mệnh cuộc đời vậy. Thời đó con gái đi học cũng hiếm nên chúng tôi được nhiều người quí mến và tìm hiểu. Ông Thuận Yến, lúc đó vẫn là ông Đoàn Hữu Công, cứ gặp ai là ông lại bảo Hương đi vắng rồi để không ai còn cơ hội tìm hiểu mình nữa.

Ngày xưa ông Yến gầy lắm, có 42 cân thôi lại xấu nên bảo với tôi toàn bị người yêu bỏ. Trong suốt thời gian yêu nhau, tôi cũng nhiều lần nghĩ, tại sao mình yêu người xấu và nghèo thế, nghĩ xong cũng bỏ.

Nhưng trong quá trình học môn lịch sử âm nhạc, tôi thấy hầu như những người giỏi thì đều nghèo và vợ con không ra sao cả. Như ông Van Gogh cắt tai mà chết, ông Beethoven cũng chết trong cô độc và nghèo khó…Tôi nghĩ ông Thuận Yến giỏi thế này, nếu mình yêu và chăm sóc cho ông ấy có khi sẽ còn giỏi hơn.

Vì thế, mỗi lần bỏ xong, tôi yêu lại cũng chỉ vì yêu sự nghiệp, quí trọng sự nghiệp của ông Yến. Còn ông Yến thì mỗi khi bị người yêu đòi chia tay là lại báo cáo chi bộ để họ góp ý nên cũng không thể dứt được (cười).

Vào chiến trường coi như...không có người yêu

Sau khi tốt nghiệp, tôi được ở lại trường dậy còn ông Thuận Yến chuyển về quân khu 5 đóng ở Nghệ An. Sau đó, ông và 10 người nữa được điều vào đoàn văn công quân giải phóng, tỉnh Thừa Thiên Huế. Lúc đó, đoàn chưa có nữ, ông Yến mới lên gặp Bác Hồ, bác Giáp để xin cho thêm nữ, và được đồng ý tuyển thêm 6 người trong đó có tôi.

NSƯT Thanh Hương và 5 người bạn gái trong đoàn văn công quân giải phóng
NSƯT Thanh Hương và 5 người bạn gái trong đoàn văn công quân giải phóng

Việc xin thêm nữ cho đoàn văn công là để phục vụ bà con, phục vụ kháng chiến nhưng cũng có lý do cá nhân là ông Thuận Yến muốn tôi đi cùng vì sợ tôi ở lại Hà Nội, ông sẽ mất người yêu (cười).

Cả đoàn văn công chỉ có tôi và ông Yến yêu nhau, nên tình yêu của chúng tôi đều gắn với chiến trường và hết lòng vì Tổ quốc. Chúng tôi không có thời gian để nghĩ riêng cho bản thân mình, thậm chí nhiều lúc, tôi coi như không có ông Yến ở bên cạnh để mọi người có thể vô tư với nhau mà không thấy mủi lòng.

Ông Yến ốm, sốt rét, tôi gửi xuống đồng bằng mua một gói mì để bồi dưỡng cho người yêu nhưng cất mãi không biết nấu lúc nào. Vì nếu nấu cho mình ông ăn thì nhiều người khác sẽ nghĩ sao? Cuối cùng, người yêu rất đói mà gói mì để mốc, tôi đành phải vứt đi.

Hoặc tôi có làm một lọ mắm tôm với xả muốn ông Yến có thêm một tý gia vị ăn cho ngon miệng. Nhưng để ông ấy được ăn thì tôi cũng đưa ra toàn đoàn cho mọi người cùng ăn.

Trong suốt thời gian ở chiến trường, mọi người đi biểu diễn về sẽ đi ngủ hoặc nằm trên võng nghe đài, nhưng ông Yến thì khác, diễn xong ông lại cặm cụi sáng tác.

Ông lấy ống sữa bò đặc, đặt cái bức ở giữa và để ánh sáng rất nhỏ vì sợ máy bay phát hiện ra rồi ngồi sáng tác nhạc. Những bài hát như: Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc, Mỗi bước ta đi, Những bàn chân không nghỉ, Bài hát mừng quê ta giải phóng... đều được ông Yến sáng tác trong hoàn cảnh như thế.

Năm 1968, trong một lần địch đuổi phải rút quân từ thành phố Huế sáng tận Lào, người tôi vốn yếu nên các thủ trưởng quyết định cho tôi ra Hà Nội chữa bệnh. Ông Yến sợ mất người yêu nên đòi cưới bằng được và đó là buổi chia tay đầm đìa nước mắt và có một không hai (cười). Sau này đọc báo và chiêm nghiệm lại cuộc đời, tôi cũng thấy tự hào vì lấy được người chồng yêu mình vô cùng.

Tôi còn nhớ rất rõ cũng trong năm 1968, ở chiến trường Trị Thiên Huế, để giải phóng Thành phố Huế, ông Yến được phân công vào tiếp quản đài phát thanh, còn tôi phục vụ cho bộ đội ở ngoại thành khu cầu ngói Thanh Toàn.

Lúc đó, bỗng dưng có người gọi rất to: 'Có ai là chị Thanh Hương không?'. Tôi đang ở dưới hầm vội vàng trả lời 'Tôi đây, tôi đây'. Họ đưa cho tôi một bức thư trong đó có dòng chữ ngắn ngủi, ông Yến viết vội: 'Em thân yêu! Anh vẫn còn sống'.

Đến giờ tôi vẫn thấy sợ chiến tranh vì tôi đã chứng kiến biết bao cái chết, bao hậu quả do chiến tranh để lại. Tôi cũng không thể nghĩ là mình không bị nhiễm chất độc màu da cam nên lúc đẻ Thanh Lam, tôi hỏi các y tá là chân tay có lành lặn không?. May mắn là cả hai đứa con tôi sinh ra và các cháu tôi sau này đều mạnh khỏe vì có những người bạn của tôi, đời con không bị nhưng đến đời các cháu thì lại bị.

Nguyện làm kinh tế để chồng sáng tác

Sau này giải phóng gia đình đoàn tụ, tôi với ông Yến xác định với nhau rằng, lúc khổ nhất đã vượt qua được nên chúng tôi sống một cuộc sống rất giản dị và thanh khiết. Vì có đói thì cũng chẳng bằng cái đói ở chiến trường và khổ thì cũng chẳng có cái khổ nào bằng chiến trường.

Tôi đi làm cũng rất vất vả nhưng luôn luôn xác định là hậu phương, là chỗ dựa để chồng sáng tác. Còn ông Yến không bao giờ để ý xem vợ mình có bao nhiêu tiền và bữa hôm nay ăn gì, nhưng tôi không bao giờ trách ông ấy vì tôi muốn ông một lòng một dạ sáng tác những bài hát hay phục vụ cho nhân dân, đất nước.

Suốt mấy chục năm ở với nhau, chúng tôi chỉ có một lần duy nhất cãi vã vì khi ấy, Thanh Lam mới 10 tháng tuổi nhưng rất nghịch nên bị ngã.

Tôi mới bảo với ông Yến là, 'em còn nấu cơm mà anh chăm con, để con ngã thế'. Nạt nhau có vài câu, tự dưng ông ấy cầm túi xách đi, hôm sau thấy về tôi mới hỏi, 'anh quên kem đánh răng à, để em lấy kem đánh răng cho anh đi nhé!', lại thấy cười cười.

Đó là lần duy nhất trong đời chúng tôi xích mích, sau này cuộc sống vất vả, con thì ốm đau, nghèo khổ cũng tức tưởi lắm nhưng chúng tôi đều cố gắng phấn đấu cho sự nghiệp của mình.

NSƯT Thanh Hương bên cây đàn thập lục
NSƯT Thanh Hương bên cây đàn thập lục

Nhiều khi nghĩ lại, tôi cũng không hiểu tại sao cái đàn thập lục 16 giây mỏng manh như thế nhưng tôi lại có thể nuôi sống được gia đình mình. Ngoài đệm đàn, tôi còn tập thêm ngâm thơ, hát dân ca và đóng kịch để có thêm nhiều lời mời biểu diễn.

Trước đó, cả gia đình chỉ nghĩ tôi đánh đàn chứ không biết tôi ngâm thơ và hát dân ca. Sau này, khi ông Yến nghỉ hưu,  2 vợ chồng cùng đi diễn thì ông ấy mới biết. Nên tôi cũng tự hào vì chỉ có nhờ làm nghệ thuật, gia đình tôi mới tồn tại đến ngày hôm nay.

Và cũng nhờ có chồng mà tôi được trở thành nghệ sĩ ưu tú vì những phần đệm cho các bài dân ca, bài thơ, tôi phải hỏi thêm ông ấy đệm cách nào cho hay. Và ông thường soạn lại nhạc để tôi tập sau đó mới đi diễn.

Nhưng ngược lại có nhiều bài hát ông Yến viết ra nhưng sau khi tôi góp ý thì trở nên rất nổi tiếng. Ví dụ như bài Gửi em ở cuối sông Hồng, lúc ngâm thơ tôi thấy có tứ thơ rất hay nên tôi bảo với ông ấy sáng tác nhạc đi. Ông phổ nhạc rồi hát cho tôi nghe, lúc đầu là phổ đơn ca nam nhưng tôi bảo 'anh ơi, anh phổ thành song ca sẽ rất hay'. Và đã có thời, ca khúc này nổi tiếng rất khủng khiếp (cười).

Còn rất nhiều bài thơ khác nữa như Khát vọng của Lam Luyến khi đi diễn, tôi đều mang về cho ông ấy phổ. Tôi thấy có những nhạc sĩ chỉ có một thời kì sáng tác thôi nhưng ông Yến, ngoài những ca khúc thời kháng chiến, sau này, các ca khúc về tình yêu của ông vẫn rất nổi tiếng và được nhiều người yêu thích.

Thế nên, mỗi lần đi vào thăm lại chiến trường Thừa Thiên Huế, tôi cứ đeo cả ngực huân chương, xong ông đoàn trưởng có hỏi, 'Sao từ ngày Hương ra khỏi đoàn, Hương phấn đấu nhiều quá hè, nào được huân chương lao động hạng nhất, huân chương lao động hạng hai…nhiều huân chương quá hè'.

Tôi trả lời với toàn đoàn rằng: 'Tôi đi vào đây phải nói là so với toàn đoàn thì tôi là nhiều huân chương nhất nhưng tôi xin nói rằng, tôi chỉ có một huy chương nghệ sĩ ưu tú duy nhất, còn tất cả đây là của anh Thuận Yến hết, tôi đeo hết vào đây vì là của chồng công vợ'.

Mà đáng ra tôi sẽ ở đoàn ca nhạc đến năm 55 tuổi mới về hưu nhưng năm tôi 50 tuổi thì Đài tiếng nói mời ông Yến về làm trưởng ban âm nhạc.

Lúc đó, tôi cũng là người có địa vị trong đài nên có nhiều người bảo ông Yến đừng về vì có vợ ở đấy sẽ khó cho ông ấy.

Tôi cũng nghĩ nếu mình công tác ở Đài, ông Yến làm đúng thì không sao nhưng nếu làm sai thì sẽ có người cho là do tôi chỉ đạo nên tôi xin về hưu luôn.

Tôi về hưu để đi làm kinh tế ở tỉnh nọ, tỉnh kia và cũng là để cho ông Yến có thêm 5 năm để phấn đấu.

Hình ảnh hạnh phúc của gia đình cố nhạc sĩ Thuận Yến khi ông còn sống.
Hình ảnh hạnh phúc của gia đình cố nhạc sĩ Thuận Yến khi ông còn sống.

Thuận Yến ra đi trong hạnh phúc

Tôi chiều ông Yến lắm có cái gì ngon nhất, bổ nhất đều cố mua cho ông ăn. Nhưng ông ấy chẳng thích cái gì cả ngoài đá bóng, thế nên tôi chờ ông đi công tác mua một chiếc tivi 38 inch về cho ông xem. Lúc đó loại tivi này ở Hà Nội chưa có bán nhưng tôi đặt ở bên Nhật về cho ông ấy xem. 

Cách đây 5 tháng, tôi cũng mua một chiếc tivi màn hình rộng về để bật lên cho ông xem và dù ông không còn biết gì nhưng cứ khi nào tivi bật ca khúc của ông lên hoặc các chương trình bão lụt, ông lại khóc.

Ông Yến không bao giờ nghĩ mình sẽ sống thọ nên làm gì cũng hối hả, sáng tác cũng hối hả, yêu cũng hối hả và nhiệt huyết. Có lẽ vì thế ông mới có nhiều sáng tác về tình yêu hay đến vậy như ca khúc Chia tay hoàng hôn, Em tôi...

Lúc mất, ông được quây quần bên con cháu và mất trên cánh tay của tôi. Tôi nghĩ đó là sự ra đi viên mãn và hạnh phúc.

Lê Phương