GS Nguyễn Lân Tuất qua đời

Con trai cả của gia đình huyền thoại Nguyễn Lân qua đời

01/05/2014 08:23
NHẤT NGÔN
(GDVN) - Nhạc sĩ, GS, TSKH Nguyễn Lân Tuất đã qua đời tại Novosbirsk - Liên bang Nga, sau một thời gian mắc bệnh hiểm nghèo, hưởng thọ 80 tuổi.

Xác nhận thông tin trên với PV, GS Nguyễn Lân Dũng cho biết, GS.TS Nguyễn Lân Tuất đã qua đời vào hồi 14h ngày 29/04/2014 tại Cộng hòa Liên bang Nga, hưởng thọ 80 tuổi.

GS.TS, Nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất sinh ngày 7 tháng 1 năm 1935 tại Hà Nội. Ông nguyên là Chủ nhiệm khoa Lý luận và sáng tác của Nhạc viện Novosibirsk - Nga, phó Chủ tịch Hội người Việt ở Nga. Ông là người Việt Nam đầu tiên được vinh danh Nghệ sĩ Công huân Liên bang Nga. Theo Hội Nhạc sĩ Nga, ông là nhà soạn nhạc Xibia có các tác phẩm được biểu diễn nhiều nhất.

Nhạc sĩ, GS, TSKH Nguyễn Lân Tuất
    Nhạc sĩ, GS, TSKH Nguyễn Lân Tuất       

Nhạc sỹ Nguyễn Lân Tuất đã để lại cho đời 4 bản giao hưởng, và 2 cuốn sách được phổ biến rộng rãi ở Nga là: “Sân khấu và âm nhạc chèo”; “Sân khấu truyền thống Việt Nam” cùng các ca khúc mà nổi bật nhất là ca khúc Người con gái Việt (phỏng thơ Anh Thơ).

Ông là con trai trưởng trong số 8 người con của giáo sư Nguyễn Lân. Ông được sinh ra ở Hà Nội, nhưng sau đó đã dời đến sống ở Huế trong suốt những năm tháng tuổi thơ. Chính nếp sống ở Huế đã tạo ảnh hưởng rất lớn đến tính cách và khả năng cảm nhận âm nhạc của ông về sau.

Khi ông 11 tuổi, ông theo gia đình lên Việt Bắc, tham gia kháng chiến lúc 15 tuổi, rồi nhận Huy chương Chiến thắng hạng nhì khi 16 tuổi. Một năm sau, ông bị thương và được cử sang Trung Quốc để học tiếng Trung trong mấy năm.

Bảy con trai của cố Giáo sư Nguyễn Lân (từ trái qua): Nguyễn Lân Tuất, Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Lân Cường, Nguyễn Lân Hùng, Nguyễn Lân Tráng, Nguyễn Lân Việt, Nguyễn Lân Trung.

Bảy con trai của cố Giáo sư Nguyễn Lân (từ trái qua): Nguyễn Lân Tuất, Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Lân Cường, Nguyễn Lân Hùng, Nguyễn Lân Tráng, Nguyễn Lân Việt, Nguyễn Lân Trung.

Sau khi về nước, ông làm phiên dịch viên tại Sở chỉ huy Sư đoàn phòng không số 1 và bắt đầu sáng tác âm nhạc. Ban đầu, ông chỉ dùng cây đàn guitar để thẩm âm, chọn giai điệu và tập luyện với một dàn hợp xướng nghiệp dư của quân đội. 

Năm 1959, ông được cử sang Liên Xô tu nghiệp. Nguyễn Lân Tuất bắt đầu một cuộc sống mới. Tại Leningrad, ông gặp Svetlana Kurbetova, một nghệ sĩ dương cầm sau này trở thành vợ ông. Bà cũng là người đầu tiên biểu diễn các tác phẩm của ông trên sân khấu, là người bạn trung thành nhất và cũng là vị "giám khảo" nghiêm khắc nhất khi phán xét về những tác phẩm của ông.

Ngày 21 tháng 9 năm 2009, hai tuần trước khi tròn 75 tuổi, Nguyễn Lân Tuất đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học với đề tài "Sân khấu truyền thống Việt Nam hiện đại" tại Trường Đại học sư phạm Quốc gia Liên bang Nga ở Sankt-Peterburg. Ông đã phá kỷ lục người có tuổi cao nhất bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học tại học viện này. 

Ông cũng trở thành người đầu tiên và duy nhất có học hàm Tiến sĩ khoa học trong ngành sân khấu ở Việt Nam.

NHẤT NGÔN