Cuộc đời cơ cực ở Sài Gòn của chàng trai 'gây bão' trong X-Factor

12/04/2014 07:57
TỬ VĂN (ghi)
(GDVN) - Chàng trai hát nhạc xưa gây bão trong tập đầu phát sóng The X-Factor Quang Đại hé lộ hành trình cơ cực đến với nghiệp cầm ca cùng độc giả Giáo dục Việt Nam.

Ít ai biết đằng sau giọng hát ngọt ngào, truyền cảm, khiến cả trường quay sững sờ trong chương trình X-Factor vừa phát sóng là cả một quãng đời đắng cay, cơ cực của Quang Đại. 

"Ông thầy" đầu tiên là chiếc cát-sét

"Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, ở một vùng quê cũng nghèo của Ninh Bình. Công việc chính và cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình là từ việc bán xôi của mẹ. Hết cấp 2 tôi đã phải nghỉ học vì không có điều kiện học tiếp. Rời ghế nhà trường tôi đi thẳng đến xưởng làm công nhân chiếu cói để có thêm thu nhập phụ giúp bố mẹ. 

Song số tiền hàng tháng mà tôi đem về từ xưởng chiếu cói cũng không đủ để làm mâm cơm gia đình tôi có thêm một ít thịt hay cá. Tôi nghĩ đến Hà Nội. Với tôi khi đó, Hà Nội như một cơ hội để đổi đời, là nơi tôi có thể thực hiện được ước mơ của mình. Sau hơn 4 tháng làm ở xưởng chiếu cói, tôi một mình bắt xe lên Hà Nội. Nhưng Hà Nội cũng không giúp gì được cho tôi. Lăn lộn 7 tháng ở đất thủ đô với nghề sửa chữa xe máy, tôi lại trở về quê.

Ca sĩ Quang Đại kể về cuộc sống cơ cực lúc mới vào Sài Gòn lập nghiệp.
Ca sĩ Quang Đại kể về cuộc sống cơ cực lúc mới vào Sài Gòn lập nghiệp.

Hồi đó nhà tôi có một cái máy cát-sét. Bố mẹ tôi mê nghe nhạc nên thành ra tôi cũng được nghe ké, nghe riết cũng thành thói quen, rồi cũng lẩm nhẩm hát theo, người ta hát thế nào thì mình bắt chước theo hát thế đó. Dần dần mê lúc nào không hay.

Trong nhà, bố là người hiểu tôi nhất. Ông biết ước mơ của tôi là trở thành ca sĩ. Khi tôi từ Hà Nội trở về, ông đã gọi tôi ra nói chuyện riêng. Ông nói nếu tôi đam mê ca hát thì hãy vào Sài Gòn, ở đó sẽ có nhiều cơ hội cho tương lai của tôi.

Nghe bố nói vậy, tôi như được tiếp thêm sức mạnh và có động lực hơn. Vài ngày sau tôi quyết định lên đường vào Sài Gòn để bắt đầu theo đuổi niềm đam mê ca hát.

Bỏ xứ theo đuổi đam mê ca hát với 5000 đồng

Có lẽ không ai ngờ rằng khi bước chân lên xe ngoài số tiền ít ỏi đủ để mua vé, tôi chỉ còn có 5 ngàn đồng trong túi. Từ quê lên đến thành phố Ninh Bình đói quá nên tôi mua một ổ bánh mì không giá 1 ngàn đồng và cắn răng mua thêm một mẩu chả 1 ngàn đồng nữa để ăn cho qua bữa. Ổ bánh mỳ và mẩu chả nhỏ xíu là tất cả những gì tôi có trong bụng suốt mấy ngày ròng rã trên xe từ Bắc vào Nam.

Dọc đường đi, mỗi khi xe dừng nghỉ cho khách ăn uống, cơn đói trong tôi cồn cào nhưng tôi chỉ dám đứng từ xa nhìn người ta ăn một cách thèm thuồng. Khi đói lả chịu không nổi nữa, tôi mới bẽn lẽn đến chỗ bán hoa quả mua một quả quýt nhỏ giá 1 ngàn đồng để ăn cho đỡ đói. 2 ngàn đồng cuối cùng tôi sẽ để dành đến khi vào Sài Gòn gọi điện cho người thân ra đón.

Sài Gòn cũng như Hà Nội, đằng sau dáng vẻ phồn hoa đô hội là sự phức tạp và cơ cực. Sài Gòn là nơi nhiều ước mơ được hiện thực hóa nhưng nó cùng làm tan vỡ, dập tắt nhiều khát vọng bằng sự cực khổ. Lúc đầu, tôi xin vào xưởng in lụa, với mức lương được hứa trả là 3 trăm ngàn/tháng, tháng thứ 2 sẽ  tăng lương lên 6 trăm ngàn, nhưng thực tế không phải vậy. 

Tháng đầu tiên tôi làm việc cật lực nhưng họ chỉ trả cho tôi vỏn vẹn 1 trăm ngàn và hứa đến tháng thứ 2, tôi cố gắng hơn sẽ nâng mức lương. Tôi cũng đặt niềm tin vào chính công việc và nơi mình làm việc, nhưng họ lại làm tôi hụt hẫng khi đến tháng lãnh lương chỉ 3 trăm ngàn đồng.

Không vì thế mà tôi nản chí rời bỏ công việc này, tôi vẫn tiếp tục làm thêm một tháng nữa để xem tình hình thế nào. Nhưng niềm tin của tôi vụt tắt khi đến cuối tháng chỉ nhận được 4 trăm ngàn. Với số tiền này lúc bấy giờ khó có thể giải quyết được thứ gì khi tôi một thân một mình sống ở đất Sài Gòn này.

Chấp nhận làm mọi việc để được ca hát.
Chấp nhận làm mọi việc để được ca hát.

Tôi lại lủi thủi đi kiếm việc làm trong sự hành hạ của những cơn đói, của nỗi lo sẽ bị tống ra ngoài đường nếu không có tiền trả thuê nhà. Tôi chỉ mong mình kiếm được một việc để có tiền mà không cần nghĩ hay quan tâm việc đó nó cực khổ như thế nào. Đi lòng vòng quanh các con phố, nơi nào dán giấy tuyển dụng là tôi đều ghé lại coi, nào là cần thợ hồ, thợ sắt... nhưng mỗi tháng lương chỉ có 5 đến 6 trăm ngàn. Tôi muốn tìm việc nào đó có lương cao hơn. Đi loanh quanh cả ngày mới tìm được tờ giấy thuê thợ làm đá hoa cương với giá 9 trăm ngàn và tôi quyết định xin làm.

Ngay khi vào làm, tôi được đưa xuống Long An làm mộ cho người ta. Công việc này cực lắm. Làm được khoảng 1 tuần thì tôi muốn bỏ về, nhưng các anh em cùng làm động viên tôi, họ nói nghề này nó cực như thế đó, thôi ráng mà làm để kiếm tiền. Nghe xong tôi chợt nhớ là tiền nhà vẫn chưa đóng nên đành cố gắng làm.

Thế đó mà đã 12 năm tôi gắn bó với nghề làm đá hoa cương. Tôi còn nhớ lúc cực nhất là khi làm đá ở Bạc Liêu liên tục từ 8h30 sáng đến 1h30 sáng hôm sau, 20 ngày liền như vậy. Bị người ta vắt kiệt sức lao động nhiều khi tôi buồn tủi mà ngồi khóc, tôi muốn bỏ về, nhưng nghĩ thì nghĩ vậy thôi chứ vẫn không dám từ bỏ.

Cuộc sống của tôi từ đấy trở đi vẫn theo nghề làm đá như vậy, muốn bỏ nhưng bỏ không được.

Cách đây khoảng nửa năm, tức khoảng tháng 9 năm rồi, tôi xin nghỉ việc chỗ làm đá để có thể phụ chị bán quần áo ở chợ và theo đuổi nghề ca sĩ. Ngoài phụ công việc cho chị thì tôi tranh thủ làm thêm nhiều việc khác, người ta cần gì thì tôi làm đó, kể cả việc đi lấy thịt lợn cho các tiểu thương ở chợ.

Bị người yêu bỏ chỉ vì quá mê ca hát

Hồi mới vào Sài Gòn, tôi tham gia sinh hoạt ca hát ở Trung tâm văn hóa Quận 12, sau đó một thời gian tôi phải chuyển nhà lên Bình Chánh để đi làm. Nhưng lúc đó mê hát quá nên đến cuối tuần, tôi lại lóc cóc đạp xe đạp chạy về Quận 12 để hát, nhiều lúc đến trễ, khách không còn nhiều khiến tôi cảm thấy buồn. Hôm nào đến được sớm, tôi rất mừng vì còn đông khách, được hát cho nhiều người nghe.

Ở Bình Chánh được một thời gian tôi lại chuyển lên Quận 10. Gần chỗ ở có nhà văn hóa Hòa Bình thường xuyên tổ chức các chương trình ca nhạc, nhưng chỉ được nghe người ta hát thôi chứ mình không được hát. Từ thứ 2 đến thứ 6, tôi đi bộ từ ngã 7 Lý Thái Tổ đến Nhà văn hóa Quận 5 để nghe hát, nhiều lúc về muộn chủ đóng cửa nên phải ở ngoài, lang thang đến sáng để chờ giờ đi làm.

Tôi không được học hát bài bản trường lớp như người ta, nhưng tôi mê hát, lúc nào có thời gian rảnh tôi lại hát, nói thật chỉ lúc ăn cơm và lúc ngủ là tôi không hát được thôi.

Trong các thể loại nhạc tôi thích dòng nhạc trữ tình, vì nó hợp với tâm trạng và hoàn cảnh của tôi. Ở nhà 24/24 lúc nào tôi cũng nghe nhạc, nghe cả trăm lần đến nỗi bị người ta bực tức bảo có một đĩa mà mở suốt cả ngày. Từ nhỏ đến lớn, người mà tôi ngưỡng một đó chính là ca sĩ Chế Linh, Trường Vũ, Mạnh Quỳnh... đặc biệt là cô Hương Lan. Có lúc mê cô quá, tôi lẳng lặng đứng nép bên ngoài phòng trà, nhìn qua khe cửa nghe cô hát. Khi nào cô hết hát thì đi về.

Quang Đại khiến hàng triệu trái tim thổn thức bởi giọng ca truyền cảm và đầy sâu lắng trong chương trình X-Factor.
Quang Đại khiến hàng triệu trái tim thổn thức bởi giọng ca truyền cảm và đầy sâu lắng trong chương trình X-Factor.

Hồi xưa cũng từng có lúc tôi đi bán đĩa kiếm sống. Thời đó người ta mua đĩa nhiều lắm. Cũng có lúc tôi định đi bán kẹo kéo để có thể vừa hát vừa bán, nhưng tiền đầu tư hết mười mấy triệu nên tôi đành thôi... không làm. Bán đĩa thì lợi cho mình nhiều cái, lúc mở đĩa đi bán thì nghe ca sĩ hát, rồi học theo, hát vu vơ suốt ngày, hát riết thành quen, 1 bài tôi nghe nhiều ca sĩ hát, khúc nào của ai hay thì tôi lại ghép vào bài nhạc sao cho hay nhất để mình hát. 

Một thời gian sau, đến khi tôi thấy mình hát tốt rồi, được khán giả ở mấy chỗ hát với nhau khen nhiều, tôi quyết tâm xin hát để kiếm thêm tiền. Những ngày đầu đến các phòng trà và quán cà phê để xin hát, nhưng người ta không cho. Tôi đành ra về trong sự chán nản và hụt hẫng.

Đã từng có thời gian tôi muốn trở về quê vì không còn cảm giác đam mê như lúc trước nữa. Yêu ca hát nhưng không có chỗ cho mình hát để thỏa niềm đam mê. Tôi tự nhủ rằng thôi phải cố gắng làm ăn không cần ca hát. Tôi nhớ có một ai đó đã nói rằng “cơm áo không đùa với khách thơ”, trong trường hợp của tôi cũng thế. 

Khát vọng, ước mơ được hát của tôi cứ mỗi ngày bị gánh nặng áo cơm ghì sát xuống mặt đất hơn. May mắn thay, trước khi tôi quyết định từ bỏ ước mơ của mình thì có người gọi điện cho tôi, hỏi rằng có phải tôi là Đại không, có phải là người hát bài “Gõ cửa trái tim” hay không, rồi mời tôi lên phòng trà Đồng Dao để thử giọng vì anh có nghe bài tôi hát ở trên mạng. Hôm sau tôi đi thử giọng, rồi được đồng ý luôn và tôi được đi hát cho tới bây giờ.

Tôi yêu hát hơn cả yêu người yêu, nên vì thế người yêu mới bỏ tôi đi lấy chồng. Người yêu tôi ở quê, mỗi năm tôi chỉ về được 1 đến 2 tháng thôi. Gia đình bên đó người ta cũng biết tính tình của tôi, và muốn gả con gái cho tôi. Nhưng tôi sang thưa với các bác bên ấy rằng, cho tôi đi thêm 2, 3 năm nữa, ráng chờ tôi, khi nào tôi không thành công tôi sẽ về. Cuối cùng không chờ được nên người yêu tôi đã đi lấy chồng. Tôi đành chịu vì mình mê nhạc quá mà. Đến giờ ngoài việc ca hát tôi không dám nghĩ gì đến chuyện tình cảm riêng tư nữa".

Ảnh:  Luân Nguyễn

TỬ VĂN (ghi)