'Đã thấy ai tự tử sau khi nghe nhạc Trịnh chưa'?

28/09/2012 15:37
Bùi Thu (Thái Nguyên)
(GDVN) - Sau khi đăng tải phát ngôn của đạo diễn Đoàn Quang Anh Khanh, Giaoduc.net.vn nhận được bức thư chân thành, tha thiết và vô cùng sâu sắc của một cô gái mới ở tuổi 22.
Báo Giáo dục Việt Nam kính mến!
Tôi là một độc giả trẻ chỉ mới 22 tuổi. Vâng, 22 tuổi, tôi còn rất trẻ để có thể đánh giá, có cái nhìn tổng quát đa chiều và sâu sắc về bất cứ vấn đề gì. Tôi cũng không có ý định sẽ hùng hồn tuyên bố cho tất cả mọi người thấy quan điểm của cá nhân tôi, để hy vọng nhận về sự đồng tình hay những viên gạch, đá. Tôi chỉ muốn chia sẻ dòng cảm xúc rất chân thật tự đáy lòng mình về một dòng nhạc mà tôi yêu thích - nhạc Trịnh Công Sơn.
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Tôi lớn lên trong một thế giới tràn đầy những ca từ của Trịnh. Tôi nghe cha mình bật những câu hát vui tươi: “Em đi qua chuyến đò ối a biết đâu nguồn cội...”, nghe mẹ cất lên trong một buổi chiều vàng: “Gọi nắng… trên vai em gầy… đường xa áo bay”. Tôi ngồi trên chuyến xe với người tài xế già lắng tai nghe “chiều chủ nhật buồn, nằm trong căn gác đìu hiu”, những chiếc xe hàng rong lọc cọc đi qua cửa nhà lẫn trong tiếng gập ghềnh của đường, chiếc loa cũ kĩ phát ra những lời như hụt hơi “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai vươn hình hài lớn dậy”. 

Tôi thấy rằng, nhạc Trịnh Công Sơn là một dòng nhạc “bình dân” và bác ái, không kén chọn thính giả, biết bao loại người thuộc bao tầng lớp xã hội khác nhau, giàu, nghèo, sang, hèn đều có thể nghe và có thể yêu nhạc Trịnh. Và bản thân dòng nhạc ấy đã có sức phổ biến đến mức, trên bất cứ trang web nhạc của Việt Nam nào, bạn có thể thấy bên cạnh những thể loại: nhạc Rock, nhạc Country, nhạc Pop, nhạc quê hương, có dòng nhạc đứng ngang hàng với tất cả - “nhạc Trịnh”. Người ta âu yếm gọi riêng âm nhạc của ông bằng cái tên trìu mến không hề lẫn lộn hay giống với bất cứ dòng nhạc nào. 
Tôi không phủ nhận rằng nhạc Trịnh nghe rất buồn, đôi khi là tuyệt vọng, có người nói với tôi rằng đừng nên nghe nhạc Trịnh bởi nó làm cho ta “không còn sức chiến đấu”, nhụt chí và uể oải. Nhưng những lúc buồn tôi vẫn tìm đến Trịnh, tìm đến với giọng hát khàn quyến rũ “ma mị” của ca sĩ Khánh Ly và chìm đắm vào trong đó với những suy tư, hoài niệm của mình. Tôi đùa với bạn bè rằng, nhạc Trịnh như một “nắm thuốc lào” vậy, rịt vào vết thương đầy đau xót, nhưng sau đó, cái miệng vết thương ấy bỗng hóa lành, tôi tìm thấy niềm an ủi và rồi lại lao vào cuộc sống quay cuồng thường nhật.
Tôi học được từ người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn tấm lòng bao dung, nhân từ với tất cả, tôi thích quan điểm của ông về cuộc sống và tình yêu rằng: “Cuộc sống là một niềm an ủi vô bờ. Cuộc sống chỉ cho ta mà không cần lấy bớt đi. Cuộc sống cho ta tất cả và mỉm cười khi thấy ta dại dột. Con người sinh ra vốn bất toàn và để làm những điều lầm lỗi. Nó đẹp vì bất toàn. Nó đáng yêu vì nó luôn luôn lầm lỗi. Vậy thì cứ yêu mà đừng tuyệt vọng. Hết cuộc tình này sẽ có một cuộc tình khác. Không có ai lang chạ. Không có ai phản bội ai. Có thứ tình này có thứ tình nọ. Có tội lỗi và có thiên thần. Ðừng khen chê, bôi bác, thẩm định. Ðược yêu hay bị từ chối cũng là số phận của đời. Mà đời thì rộng quá không yêu được chốn này thì yêu nơi khác. Còn yêu thì còn sống. Còn được yêu thì còn sống dài lâu”.

Bởi thế không ai có thể phủ nhận rằng đằng sau những “nỗi niềm tuyệt vọng” của người nghệ sĩ ấy là một niềm khao khát sống, khao khát yêu, được yêu và khoan dung với tất cả con người. 
Tôi chưa từng nghe báo chí đưa tin về bất cứ “fan hâm mộ cuồng nhiệt” nào của nhạc Trịnh có những hành động gây sốc, cũng chưa từng có vụ tử tự nào vì nghe nhạc Trịnh. Có rất nhiều người - như tôi - vẫn yêu, vẫn nghe trong lặng lẽ mặc dù không dám tự nhận mình là người am hiểu nhạc Trịnh. 
Khi đọc được trên trang Giaoduc.net.vn những quan điểm thẳng thắn, “không sợ ném đá” của đạo diễn Đoàn Quang Anh Khanh, tôi chỉ mỉm cười, bản thân anh cũng tự nhận đó là quan điểm một chiều, mang tính cá nhân và cũng không có ý định chê bai, bôi bác nhạc Trịnh, hoặc cũng có thể như ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh nói “anh ta hoàn toàn không hiểu gì về nhạc Trịnh”. Nhưng xét cho cùng, điều tuyệt vời nhất khi chúng ta sống trên cuộc đời này không phải là cố gắng thể hiện cái Tôi, quan điểm của mình càng nhiều càng tốt, không phải là một đám đông lao vào bình phẩm, tôn sùng ngưỡng mộ hay giận dữ, “xâu xé” đối với một thứ gì đó khác biệt với mình, mà chính là tình – yêu – thương và lòng bao dung, chấp nhận những người khác như chấp nhận chính bản thân mình, “đừng khen chê, bôi bác, thẩm định”, hãy mở rộng lòng mình “để gió cuốn đi”, đó mới là ý nghĩa nhân văn của nhạc Trịnh.
Bùi Thu (Thái Nguyên)