Dẹp bỏ phút “điên” nhất thời, làm điều thiện tránh điều ác

10/08/2017 09:59
HỮU CHÍ
(GDVN) - Nguyên nhân của việc một số người dân hành xử có tính chất côn đồ bắt nguồn từ việc thiếu hụt sự an toàn và cái “điên” nhất thời.

Khi sự an toàn bị thiếu hụt…

Khi sự an toàn bị thiếu hụt, con người dường như có tâm lý cảnh giác thái quá và sẵn sàng hành động theo bản năng.

Chỉ tính riêng trong tháng 7/2017, hàng loạt các vụ người dân “tự xử”: Đốt xe, đánh đập người khác dù chỉ nghi ngờ... là tình trạng đáng báo động và nguy hiểm trong sự phát triển chung của xã hội.

Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Chuyên gia tâm lý xã hội học Nguyễn An Chất - Giám đốc Công ty tâm lý An Việt Sơn cho rằng, hành vi tự xử của người dân về mặt tâm lý họ đã phải chịu áp lực về mọi mặt trong cuộc sống.

“Những hành vi của người dân như đốt xe, đánh đập người bị nghi ngờ là bắt cóc, thôi miên nhưng không báo cáo cơ quan chức năng được xem như là hành vi “tự xử”.

Xét về mặt tâm lý con người thì ở vào thời điểm đó cảm giác sự an toàn của họ bị thiếu hụt. Ví như ngồi ăn một bữa cơm nhưng họ không biết rau, thịt, cá… có được an toàn hay không, hay con cái trên đường đi học về liệu có được an toàn? Những lo lắng đấy khiến họ hoài nghi, dị nghị, do đó họ luôn chịu áp lực về mặt tâm lý.

Khi mang nhiều tâm lý đan xen, áp lực, họ sẽ không kiềm chế được bản thân. Trong giới nghiên cứu chúng tôi gọi tình trạng đó là phút “điên” nhất thời, hay bình thường người ta gọi là nóng tính thiếu kiểm soát.

Khi xử lý một tình huống bất chợt mà trùng hợp với sự lo lắng, bất an sẵn thì họ sẽ xử lý bằng bản năng, mà xử lý bằng bản năng thì tính chiến thắng, tính hiếu thắng sẽ rất cao, điều đó sẽ gây ra những hậu quả khôn lường", ông Chất phân tích. 

Chuyên gia tâm lý học Nguyễn An Chất. (ảnh Hữu Chí/Giaoduc.net.vn)
Chuyên gia tâm lý học Nguyễn An Chất. (ảnh Hữu Chí/Giaoduc.net.vn)

Chuyên gia Nguyễn An Chất lấy ví dụ: Về sự việc hai người phụ nữ đi bán tăm ở xã Mai Đình (Sóc Sơn – Hà Nội), cơ quan chức năng đã điều tra và kết luận hai bà ấy không có tội.

Hành vi của hai người phụ nữ lúc ấy chỉ là hỏi một cháu bé và người dân ở đó nhìn thấy thì lại nghi ngờ bắt cóc và ngay lập tức hùa nhau đánh đập, không cho giải thích.

Đáng lẽ trong tình huống ấy chỉ đơn giản là nếu có nghi ngờ thì giữ lại và gọi công an, chính quyền đến xác minh, nhưng một số người dân đã hành xử quá khích, đánh đập tàn bạo. Trong trường hợp này, cách mà những người hàng xóm bảo vệ nhau là trái pháp luật.

Nhà chức trách cần vào cuộc kịp thời

Giới luật sự, các chuyên gia tâm lý xã hội cho rằng, sự bất an, lo lắng trong nhân dân cần được các nhà chức trách xử lý kịp thời, với những thông tin đồn thổi thiếu tính xác thực, gây  hoang mang cho người dân cần phải được giải tỏa.

Dẹp bỏ phút “điên” nhất thời, làm điều thiện tránh điều ác ảnh 2

Vì sao con người ngày càng trở nên độc ác?

(GDVN) - Phải chăng văn hóa, đạo đức đã xuống cấp thấp đến mức con người ngày càng hoài nghi và dẫn tới hành động mất kiểm soát?

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất nêu vấn đề, cơ quan chức năng, các đơn vị địa phương cần phải vào cuộc kịp thời khi có sự việc xảy ra, phải công khai, minh bạch, để những thông tin xử lý gần gũi với người dân hơn. Để họ cảm thấy được an toàn, được bảo vệ.

“Các cơ quan chức năng gần dân nhất sẽ là một khâu tuyên truyền, phổ biến pháp luật  rất gần gũi với người dân.

Đảm bảo khi xử lý vụ việc thì phải kịp thời, khách quan, công tâm thì người dân sẽ có những cách giải quyết ổn thỏa hơn bằng việc  thông báo đến cơ quan chức năng.

Hơn thế nữa truyền thông về pháp luật của chúng ta còn quá mỏng, con người ta  không hiểu được hết những việc mà mình làm là vi phạm pháp luật, nói không kiềm chế được bực tức khi hành xử”, ông Chất chia sẻ.

Hành vi ra tay đánh đập hai người phụ nữ chỉ là phút "điên" nhất thời vì sự lo lắng, bất an của người dân. Tuy nhiên những hành vi này là vi phạm pháp luật, người dân cần nâng cao nhận thức tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc (Ảnh: nguồn VOV)
Hành vi ra tay đánh đập hai người phụ nữ chỉ là phút "điên" nhất thời vì sự lo lắng, bất an của người dân. Tuy nhiên những hành vi này là vi phạm pháp luật, người dân cần nâng cao nhận thức tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc (Ảnh: nguồn VOV) 

Cần nâng cao tính giáo dục và cách ứng xử

Về cách ứng xử, sự hiểu biết pháp luật cần phải được chú trọng hơn nữa, đặc biệt là sự chung tay của gia đình và nhà trường, xã hội trong vấn đề giáo dục nhân cách.

Theo chuyên gia tâm lý xã hộ Nguyễn An Chất, tất cả mọi vấn đề đều do ứng xử mà ra, về mặt ứng xử của người dân mình thì lại quá thiếu sót.

Bên cạnh đó còn có nguyên nhân là nhiều người dân hiểu biết pháp luật rất hạn chế, công tác giải quyết của các nhà chức trách thì chậm trễ khiến cho nhiều người nảy sinh ý muốn "tự xử".

Dẹp bỏ phút “điên” nhất thời, làm điều thiện tránh điều ác ảnh 4

Đấm một phát, tiêu tan sự nghiệp

(GDVN) - Chỉ vì một cú đấm mà bao nhiêu năm phấn đấu của ông Nguyễn Đức Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đối ngoại Hà Nội phút chốc tan thành mây khói.

Chuyên gia tâm lý xã hội Nguyễn An Chất cũng nhấn mạnh, khi “tự xử” thì người dân thực sự chỉ biết giải tỏa được tâm lý nhất thời chứ không nghĩ đến hậu quả sau đó.

Thí dụ đốt xe, đánh người... là vi phạm pháp luật, những người gây ra sự việc ấy phải đền bù, thậm chí bị truy tố hình sự.

Để giảm bớt tình trạng này, chuyên gia tâm lý học Nguyễn An Chất nêu ra hai giải pháp cơ bản:

Thứ nhất là tất cả các cơ quan chức năng phải nhận thức được rằng người dân Việt Nam rất tốt, rất tử tế, ai cũng muốn làm điều thiện tránh điều ác, bao giờ họ cũng muốn chấp hành pháp luật tốt, không ai muốn vi phạm pháp luật, từ nhận thức đấy mới xử lý được cái gốc của vấn đề.

Thứ hai, người dân phải biết được rằng, làm gì cũng phải đúng luật pháp và không hiểu thì phải hỏi, còn vụ việc nào bất chợt xảy ra thì giải quyết nhưng ở một chừng mực nhất định, tuyệt đối không làm tai hại đến danh dự và sức khỏe của người khác.

Đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với học sinh, sinh viên, thực hiện các chương trình tuyên truyền sâu rộng ở các địa phương (nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa).

Tất cả những trường hợp tự xử đều phải lên án, đều phải xử lý nghiêm minh, đó sẽ là bài học cho rất nhiều người khác.

HỮU CHÍ