Giải nhì Sao Mai 10 năm "vật lộn" ở Hà Nội và thời đi kiếm sắt vụn bán

21/07/2014 07:55
Lê Phương
(GDVN) - "Muốn xuống được Hà Nội tôi đã phải bán chiếc xe đạp của mình để lấy tiền đi đường", giải Nhì Sao Mai 2003 chia sẻ.

Hơn 10 năm gắn bó với Hà Nội, dù chưa phải là ca sĩ thật nổi tiếng nhưng giải nhì Sao Mai 2003 - Ploong Thiết vẫn luôn tự hào mình là người yêu nghề và làm nghề thật sự.

Ca sĩ Ploong Thiết
Ca sĩ Ploong Thiết

Học nhiều đến trong mơ cũng đọc bảng cửu chương

- Nhiều ca sĩ hát về Tây Nguyên dù 'nổi đình nổi đám' thì một thời gian sau cũng trở về với quê hương vì khó trụ lại được ở đất Hà Thành. Còn với Ploong Thiết thì sao, có phải với lưng vốn giải 3 Cuộc thi tiếng hát Truyền hình Hà Nội, giải nhì Sao Mai 2003...nên anh nghĩ mình có lợi thế để 'tồn tại' ở Thủ Đô?

Tiếng hát chỉ là một phần thôi vì hát hay có nhiều người lắm, tôi nghĩ con người sống trong gian khổ sẽ có nhiều nghị lực để vươn lên và tôi là một trong những con người như vậy.

Tôi là người dân tộc Pa Cô sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 6 anh em  trên dãy Trường Sơn (huyện A Lưới), thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngày đó, đất đai khô cằn nên người quê tôi sống đúng theo kiểu chờ đợi vào  thiên nhiên, nếu mưa thuận gió hòa thì mới có khoai, có gạo ăn. Nhà nghèo lại đông anh em nhưng tôi vẫn ham học lắm và để có một quyển vở, tôi đã phải leo lên một ngọn đồi cao giống như tòa nhà Keangnam bây giờ vậy để kiếm sắt vụn về bán.

Trên đỉnh ngọn đồi đó là một thung lũng ngày xưa là sân bay của Mỹ, nó còn sót lại những miếng sắt gỉ. Để leo được lên ngọn núi đó, tôi thường phải đi từ 5h sáng và 8h tối mới về đến nhà. Số sắt kiếm được bán đi cũng chỉ được khoảng 6 đến 7 nghìn đồng.

Lúc đi, tôi rất hăng hái nhưng mỗi lần trở về nhà thì mệt lắm nên trong đầu toàn thề sẽ không bao giờ đi nữa. Tuy nhiên, hết tiền là lại đi tiếp và chưa bao giờ tôi có ý định bỏ học. Tôi còn luôn cố gắng học giỏi để cuối năm đạt học sinh tiên tiến, để được các cô giáo tặng cho 5 quyển vở, một mảnh vải quần xanh áo trắng.

Nhờ sự cố gắng, tôi được làm lớp trưởng và thường xuyên động viên các bạn nên theo cái chữ để bớt khổ. Thế nhưng cũng có những bạn nói rằng, học làm gì với cái lý sự rất người rừng là ông kia có học đâu vẫn sống đấy thôi.

Dù thời đó mọi người chưa ý thức được nhiều giá trị của việc học nhưng bản thân tôi thì nghị lực lắm. Tôi muốn cuộc sống của mình bớt khổ hơn bố mẹ nên rất chăm chỉ mặc dù với người dân tộc như chúng tôi, nói tiếng Kinh đã khó rồi chứ đừng nói đến việc phải học thuộc bảng cửu chương và các chất hóa học. Tôi học nhiều đến nỗi trong mơ cũng nghĩ mình đang học bảng cửu chương.

Nghĩ lại ngày xưa thấy vất vả quá nhưng tôi cũng có chút tự hào vì nhờ sự nghị lực đó mà tôi có được ngày hôm nay, mặc dù ngày hôm nay của tôi chưa thật sự nổi tiếng.

- Cuộc sống vất vả như vậy anh đến với niềm đam mê âm nhạc như thế nào?

Niềm yêu âm nhạc của tôi đơn giản lắm, cứ bài hát nào mình thích là có thể hát và thuộc rất nhanh. Hồi đó ở quê tôi ai cũng yêu Đảng, yêu bác Hồ nên tôi và một số người bạn đã dịch bài Miền Trung nhớ Bác từ tiếng Kinh sang tiếng Pa Cô để hát và tham gia các cuộc thi văn nghệ. Sau đó là truyền lại cho những người dân làng mình.

Đến khi học cấp 3, tôi được chuyển xuống trường nội trú của tỉnh Thừa Thiên Huế để học và cứ đến ngày lễ là các thầy cô lại đề cử diễn văn nghệ. Tôi cũng rất mạnh dạn thể hiện đam mê của mình trước bạn bè.

'Dù vất vả nhưng chưa bao giờ tôi có ý định bỏ học'
'Dù vất vả nhưng chưa bao giờ tôi có ý định bỏ học'

Định bỏ Hà Nội về quê vì lời khích bác, xúc phạm

- Còn cơ duyên gặp nhạc sĩ An Thuyên và chuyển xuống Hà Nội học có phải là 'định mệnh' thay đổi cuộc đời của ca sĩ Ploong Thiết?

Tôi nghĩ có lẽ là vậy, vì trong cuộc sống ngoài sự cố gắng, nỗ lực hết mình thì yếu tố may mắn là rất cần thiết.

Năm 1998, tôi được trường cử đi dự thi đơn ca trong cuộc thi Văn hóa Thể thao các trường phổ thông dân tộc nội trú toàn quốc do Bộ Giáo dục tổ chức tại Thanh Hóa và được huy chương bạc.

Sau hôm thi, trước khi các thầy dưới Hà Nội về xuôi có gặp lại những người đoạt giải riêng một buổi. Thầy An Thuyên cũng đến và hỏi có muốn về Trường Cao đẳng Văn hóa Quân đội học không? Thì tôi trả lời với thầy là em rất thích.

Lúc đó, tôi không kì vọng nhiều vì nghĩ đó cũng chỉ là lời nói thôi. Nghỉ hè, tôi về quê phụ bố mẹ đi làm rẫy và trong lúc đang làm việc thì có một anh chạy đến báo tôi trúng tuyển vào Trung cấp thanh nhạc Trường cao đẳng Văn hóa Quân đội. Sau một thời gian chờ đợi, cảm giác của tôi lúc đó là vỡ òa vì giấc mơ của mình, khát khao của mình được ra Hà Nội đã thành sự thật.

Tuy nhiên, ba mẹ không muốn cho tôi đi, dù trong giấy báo đã viết rõ những khoản được miễn phí nhưng muốn xuống được Hà Nội, tôi đã phải bán chiếc xe đạp của mình để lấy tiền đi đường.

- Khát khao được xuống Hà Nội học, khi đặt chân lên mảnh đất 'mơ ước' đó có điều gì khiến anh thất vọng không?

Tôi đi xe ban đêm nên sáng ra là đến Hà Nội, mở mắt không thấy núi đâu chỉ thấy rất đông người nên cũng lo lắng. Và ấn tượng tôi nhớ nhất đó là khi bước xuống xe thấy các bác xe ôm cứ vẫy tay về phía mình, tôi tưởng là người Hà Nội thân thiện nhưng sau này mới biết là không phải.

Tuần đầu tiên tôi không dám ra khỏi phòng và viết 16, 17 lá thư gửi về quê hương.

Môi trường nghệ thuật, lại hội tụ nhiều người có vóc dáng đẹp dù tôi không phải là người tự ti nhưng lên lớp, tôi chỉ học. Còn ai bắt chuyện với mình thì tôi mới nói, có thể lúc đó do không quen văn hóa. Nếu ở quê có củ sắn, củ khoai thì bạn bè đều ăn chung với nhau.

Nhưng ở Hà Nội lại khác, đồng tiền ai người đó dùng còn mình không có thì chấp nhận thôi. Ở quê, dù mình cũng đang đói nhưng vẫn sẵn sàng chia sẻ cho bạn bè mình chút thức ăn nhưng ở Hà Nội, dù có biết mình đói thì cũng sẽ mặc kệ, suất của tôi thì tôi ăn. Đó là văn hóa sống nên nhiều lúc cũng thấy nhớ nhà, nhớ lớp, nhớ rừng nhiều lắm.

Với tôi thì như vậy nhưng ngược lại, những câu chuyện của tôi lại được nhiều bạn bè thích thú bởi ngôn ngữ và cách nói không được trôi chảy, thậm chí là ấp a ấp úng. Nhiều cái tôi giải thích lòng vòng mãi, mọi người mới hiểu nhưng có lẽ vì sự lạ lẫm đó mà bạn bè lại càng muốn nói chuyện với tôi hơn.

Thế nhưng cũng đã có lần tôi định bỏ về không học nữa vì có những bạn bè trong trường không hiểu mình, không cảm thông với sự nghèo khổ của mình và đã có những lời khích bác và xúc phạm.

Lúc đó, ba An Thuyên (tôi gọi thầy là ba) vẫn là hiệu trưởng của trường, nửa đêm tôi gọi điện cho ba và khóc tu tu để nói rằng: 'Ba ơi, con về quê không học nữa'. Lúc đó, tôi đã xếp hết hành lý rồi, chỉ gọi cho ba nữa là sẽ về luôn.

Và ba Thuyên đã bảo lại rằng: 'Giờ này là giờ nào mà con gọi cho ba. Bất cứ mọi việc thì phải bình tĩnh. Con không được về và giờ này là giờ nào mà con về...'.

Câu nói đơn giản của ba nhưng khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi nhận ra cuộc sống có muôn màu chứ không phải chỉ có một màu hồng nên mình cũng phải loại bớt đi lòng tự ái, tự trọng. Bởi vì xung quanh tôi vẫn có người tốt chứ không phải toàn người xấu. Nghĩ được vậy nên sau này, tôi sống không biết tự ái nữa.

'Tuần đầu tiên ra Hà Nội, tôi không dám ra khỏi phòng và viết 16, 17 lá thư gửi về quê hương'.
'Tuần đầu tiên ra Hà Nội, tôi không dám ra khỏi phòng và viết 16, 17 lá thư gửi về quê hương'.

Nhiều cô gái yêu tôi là niềm mơ ước của người khác

- Được biết Hồ Quỳnh Hương đoạt giải nhất cuộc thi Tiếng hát Truyền hình Hà Nội cùng năm với anh tuy nhiên, tên tuổi của cô ấy nổi như cồn nhiều năm nay. Còn Ploong Thiết vẫn khá mới mẻ với công chúng, anh có nghĩ đó là vì hạn chế về ngoại hình nên anh ít cơ hội hơn người khác?

Những người có may mắn nổi tiếng như Hồ Quỳnh Hương, tôi nghĩ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sau cuộc thi Sao Mai 2003, tôi lại đầu quân về Nhà hát Quân đội và mặc áo lính nên khán giả của tôi cũng bị thu hẹp hơn. Nhưng tôi vẫn luôn cống hiến, vẫn biểu diễn.

Còn về ngoại hình, tôi tự tin lắm không bao giờ nghĩ mình xấu đâu. Lên sân khấu nhờ ánh đèn cũng sẽ khiến mình đổi khác. Nhưng tất nhiên trong thời gian tới, tôi cũng sẽ chau chuốt hơn cả phần nhìn của mình, sẽ thay đổi cách ăn mặc cho phù hợp với các tầng lớp khán giả hiện nay hơn.

Nhưng tôi sẽ vẫn cố gắng là tôi để mọi người không thấy mình lố bịch. Tôi không muốn xô bồ, chiêu trò để nổi tiếng. Tôi muốn làm nghề thực sự, có vị trí thực sự. Hiện tại, tôi thấy sung sướng vì mình là một nghệ sĩ của người lính. Và khi tôi cất tiếng hát lên, họ đều hát theo và yêu cầu mình hát nhiều hơn nữa, thậm chí khi cuộc vui kết thúc, họ vẫn vừa đi vừa hát lại ca khúc mình thể hiện.

- Ngoài việc gặp khó khăn trong việc hòa nhập với văn hóa thành thị, anh có gặp khó khăn trong chuyện tình  cảm không?

Tôi kén lắm, tôi không hề dễ dãi trong chuyện tình yêu và những người tôi yêu đều là những người yêu tôi thật sự. Hồi xưa học trong trường, có những cô gái yêu tôi là niềm mơ ước của nhiều người con trai khác.

Hiện, tôi đang rất hạnh phúc vì có một gia đình riêng ấm cúng, con đầu lòng của tôi cũng đã được 7 tháng tuổi. Trong mắt mọi người, ai cũng nói tôi may mắn vì lấy được một người con gái nết na thùy mị. Cô ấy xinh đẹp và trắng hơn cả những người da trắng (cười).

Tình yêu của chúng tôi đẹp lắm và cũng trải qua nhiều thử thách chứ không như bây giờ họ chỉ yêu chớp nhoáng. Tôi với vợ tôi có 5 năm gắn bó, tôi là người Tây Nguyên xa xôi còn vợ tôi là ở Nam Định, việc về nhà nhau đó là sự thử thách rất lớn. Dù say xe, bất đồng ngôn ngữ nhưng cô ấy vẫn yêu và hi sinh vì tôi rất nhiều.

Lê Phương