Hà Tăng bị "ném đá": "Vua đầu bếp" coi thường khán giả truyền hình?

23/07/2014 08:02
Quốc Khánh
(GDVN) - Vua đầu bếp mùa thứ hai thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, coi thường người chơi và coi thường khán giả xem truyền hình?

Chương trình vua đầu bếp đang gây sự chú ý đặc biệt của dư luận bởi hai sự kiện khá ồn ào. Hai sự kiện hoàn toàn không liên quan đến nhau nhưng xảy ra ngay trong tập đầu tiên của chương trình mùa hai.

Đi thi vì tiền là sai?

Sự kiện đầu tiên gây sự chú ý đặc biệt của cộng đồng mạng chính là hành động thẳng thừng loại thí sinh của Tăng Thanh Hà chỉ vì mục đích đi thi vì món tiền thưởng rất lớn chứ không phải vì đam mê.

Tăng Thanh Hà đã có một đoạn “diễn thuyết” rất dài về lòng đam mê một cách rối rắm: "Không biết bạn đến từ nơi nào, làm gì nhưng nếu bạn có niềm đam mê nấu ăn trong con người bạn thì bạn có làm gì đi nữa, không là những món ăn phải nhà hàng 5 sao hoặc những món ăn đơn giản thôi, ngay cả trứng chiên nếu bạn có niềm đam mê thả hồn vào và bạn thích thú với món ăn của bạn thì nó sẽ là món ăn khác”.  Và vì những lý thuyết rối rắm này, Hà Tăng quyết định loại thí sinh bởi cô cho rằng anh ta không có niềm đam mê và sẽ không thành công.

Hà Tăng thể hiện sự thiếu hiểu biết, sáo rỗng của mình khi loại thí sinh vì anh ta dám nói thật
Hà Tăng thể hiện sự thiếu hiểu biết, sáo rỗng của mình khi loại thí sinh vì anh ta dám nói thật


Bài giảng của Tăng Thanh Hà khiến cô bị khá nhiều người "ném đá". Ngoài sự sáo rỗng, với nhiều người, quan điểm của Hà Tăng còn có phần ấu trĩ. Trong số các thí sinh dự thi Vua đầu bếp, có bao nhiêu người thực sự đam mê nấu ăn? Nếu đó chỉ là cuộc thi “cho vui”, không có tiền thưởng thì liệu có ai đăng ký tham gia không? Câu trả lời chắc chắn sẽ là không. Vậy, nói ra mục đích tham gia cuộc thi vì tiền có gì sai?

Và, Tăng Thanh Hà đến làm giám khảo khách mời có phải vì đam mê? Nếu không có cát-sê, liệu cô có sẵn sàng đến để ngồi thử các món ăn của thí sinh chỉ vì niềm đam mê? Xin thưa là không!

Hơn nữa, thi nấu ăn – thành vua đầu bếp đâu phải là thi xem ai đam mê nấu ăn hơn! Và, niềm đam mê, thổi hồn vào món ăn đó là như thế nào? Lấy gì để đo đếm điều đó? Chắc chắn nó phải được thế hiện rằng món ăn đó có ngon hay không! Vậy tại sao lại có thể khẳng định: “Mặc dù món ăn của anh có ngon đi nữa nhưng khi anh không có niềm đam mê thì anh cũng không bao giờ tiến xa hơn nữa?”.

Nếu Hà Tăng được mời quay phim, chụp hình không có cát-sê, liệu cô có làm vì đam mê?
Nếu Hà Tăng được mời quay phim, chụp hình không có cát-sê, liệu cô có làm vì đam mê?


Có lẽ, khi hỏi lý do đến với cuộc thi, Hà Tăng muốn thí sinh khẳng định rằng: họ đến với Vua đầu bếp vì niềm đam mê. Và, khi trả lời sai nội dung này, có nghĩa là thí sinh đã lạc đề và bị loại bất chấp món ăn đó có ngon hay không! Câu chuyện của Hà Tăng khiến người ta nhớ đến việc dạy học sinh tiểu học tả bà là phải già, răng phải rụng, tóc phải bạc...và nếu bà của ai đó không có những đặc điểm ấy coi như là lạc đề.

Nói cách khác, Hà Tăng “chấm” thí sinh thi Vua đầu bếp cũng giống như người ta chấm phần “ứng xử” của các thí sinh thi Hoa hậu, Nữ hoàng. Món ăn chỉ là thứ phụ! Trả lời đúng đáp án câu hỏi trên mới là điều quyết định!

Không báo lại nghĩa là rớt?

Câu chuyện thứ hai về trường hợp của vợ chồng anh Chung Chí Công cùng nhau đi thi vua đầu bếp. Anh Công “tố” Ban tổ chức tiền hậu bất nhất khi trong vòng phỏng vấn nói vợ anh không “vi phạm” nhưng khi thi xong và Chef Hải đồng ý để vợ anh vào top 17 thì Ban tổ chức  lại nói là vi phạm quy chế khi có một quán ăn nhỏ. Tuy nhiên, theo anh Công, Ban tổ chức đã không đến thẩm định độ “chuyên nghiệp” của quán ăn do vợ anh làm chủ. Họ cũng không thông báo về quyết định đối với trường hợp của vợ anh có được đi tiếp hay không.

Và khi anh gọi điện để hỏi một cách cụ thể thì nhận được câu trả lời: “BTC không gọi lại là rớt rồi đó mấy bạn!”. Anh Công còn cho rằng, Ban tổ chức đã cắt ghép phần nhận xét trong clip ghi lại phần thi của vợ chồng anh.

Ngoài ra, anh còn “tố” sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu tôn trọng thí sinh khi sẵn sàng thay đổi thứ tự thi vì một thí sinh nào đó... Sự thật những lời tố cáo của anh Chung Chí Công chỉ có Ban tổ chức và những người trong cuộc mới có thể hiểu được. Tuy nhiên, nó cũng khiến khán giả xem truyền hình phải suy nghĩ về mục đích cũng như sự chuyên nghiệp của cuộc thi nấu ăn trên sóng truyền hình.

Tên gọi của cuộc thi có lẽ cũng nên được chuyển thanh Vua đam mê nấu ăn
Tên gọi của cuộc thi có lẽ cũng nên được chuyển thanh Vua đam mê nấu ăn


Thi vì tiền là bị loại! Được chọn nhưng có quán ăn nhỏ cũng bị loại! Phải chăng Vua đầu bếp đang muốn tìm kiếm và lựa chọn ông vua đầu bếp với tiêu chí duy nhất là ĐAM MÊ? Thi làm Vua đầu bếp chắc chắn không phải là...đầu bếp?

Nếu như vậy, tên gọi của cuộc thi có lẽ cũng nên được chuyển thanh Vua đam mê nấu ăn! Hoặc cũng có thể rút gọn lại là Vua đam mê...ăn!

Ngay từ khi tập 1 mới phát sóng, những ồn ào xung quanh quan điểm của giám khảo về nấu ăn cũng như những lời tố của thí sinh về cách tổ chức chương trình cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu tôn trọng người chơi của Ban tổ chức. Đó phải chăng cũng là sự thể hiện của việc thiếu tôn trọng khán giả xem truyền hình?

Quốc Khánh