Hoa hậu Dân tộc từ bỏ vương miện: Khổ thân em lạc vào đô thị!

25/05/2014 07:59
Quốc Khánh
(GDVN) - Phải chăng khi đã trở thành Hoa hậu, muốn “rũ bỏ” vương miện cũng là một hành động…không tưởng?

Vụ lùm xùm xung quanh việc Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011 viết đơn xin từ bỏ danh hiệu cách đây 1 năm khiến nhiều người cảm thấy ngạc nhiên và thất vọng. Sự ngạc nhiên không phải vì đây là trường hợp đầu tiên từ chối danh hiệu mà còn bởi các xử lý chậm chạp của các bên liên quan.


Đã là hoa hậu…khó trả vương miện!

Triệu Thị Hà cho biết cô đã gửi đơn cách đây hơn 1 năm (vào tháng 26/4/2013 theo như đơn viết tay xin trả lại danh hiệu của Hà). Thông tin này cũng được bà Kim Hồng – Trưởng ban tổ chức xác nhận: “Tôi nhận được đơn thư này của Hà khá lâu rồi, từ đầu năm 2013 nhưng thật sự tôi rất buồn vì điều này.”

Đại diện Cục nghệ thuật biểu diễn – ông Nguyễn Đăng Chương – cũng khẳng định đã nhận được lá đơn từ lâu nhưng còn xin ý kiến của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Bởi trong các thông tư, nghị định hiện hành hướng dẫn về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu không hề có điều khoản nào quy định việc trả hay tước vương miện.

Mới đây nhất, Hoa hậu Lưu Diễm Hương gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của Việt Nam trong các cuộc thi sắc đẹp quốc tế cũng chỉ được “gợi ý” trả vương miện chứ không có điều khoản quy định về việc tước hay trả danh hiệu cho các người đẹp đã đăng quang tại các cuộc thi sắc đẹp. Nói cách khác, khi đã đăng quang tại các cuộc thi sắc đẹp thì việc trả lại vương miện còn khó khăn hơn là giành được chúng!

Có lẽ vì vậy, hơn 1 năm sau khi nhận được đơn của Triệu Thị Hà, cả Ban tổ chức cuộc thi và Cục nghệ thuật biểu diễn đều lúng túng trong việc tìm cách giải quyết.

Chỉ đến khi sự việc được công khai trên báo chí thì Triệu Thị Hà mới được “mời” đến làm việc để tìm hướng giải quyết. Nhiều người băn khoăn tự hỏi: nếu thông tin về lá đơn của Triệu Thị Hà không được công khai trên báo chí thì đến bao giờ lá đơn của cô mới được giải quyết? Một năm, hai năm hay... không bao giờ?

Phải chăng khi đã trở thành Hoa hậu, muốn “rũ bỏ” vương miện cũng là một hành động…không tưởng?

Hòn bấc ném đi…


Điều khiến dư luận cảm thấy thất vọng chính là cách hành xử của cả Triệu Thị Hà và đại diện Ban tổ chức - bà Đoàn Thị Kim Hồng khi những thông tin này bị lộ trên mặt báo.

Triệu Thị Hà cho rằng: “Nửa đêm cũng phải dậy đi…tiếp khách” khiến cô không thể chịu đựng được. Ngoài ra, Ban tổ chức cuộc thi đã có sự “o ép” khiến cô phải chịu quá nhiều áp lực. Vì vậy, Triệu Thị Hà viết đơn xin từ bỏ danh hiệu.

Trong khi đó, bà Kim Hồng lại cho rằng Triệu Thị Hà vì “mải yêu” mà quên mất nhiệm vụ của 1 Hoa hậu nên mới xin…trả vương miện! Theo bà Kim Hồng, tất cả những gì Triệu Thị Hà trình bày đều là những lời lẽ bịa đặt và vu khống. Thậm chí, bà Kim Hồng còn khẳng định: “Triệu Thị Hà phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với phát ngôn của cô ấy. Nếu cô ấy không đưa được bằng chứng cụ thể về việc BTC ép đi tiếp khách giữa khuya, chúng tôi hoàn toàn có thể đưa sự việc này ra pháp luật”.

Thực hư của những lời qua tiếng lại trên chỉ có những người trong cuộc mới có thể hiểu được. Nhưng hòn bấc ném đi hòn chì ném lại chỉ làm cho độc giả cảm thấy mệt mỏi với cuộc thi sắc đẹp vốn đã có quá nhiều tin đồn, quá nhiều những rắc rối quanh mình rồi.

Có lẽ, cả Triệu Thị Hà và bà Kim Hồng nên ngồi lại với nhau để tìm ra cách giải quyết êm đẹp nhất. Bởi các cụ đã từng dạy: “môi hở, răng lạnh; xấu chàng hổ ai”?

Xin mượn lời nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến thay cho lời kết của bài: “Mấy ngày nay lùm xùm chuyện Hoa hậu trả vương miện, tôi đã từng đến nhà cô ấy, một không khí ấm cúng và chân tình, những bát rượu ngô uống cạn đáy. Tôi tin vào những lời nói và nỗi khó khăn của Hoa hậu Triệu Thị Hà, một cô gái Nùng thật thà và dễ mến. Khổ thân em lạc vào đô thị, nơi lòe loẹt son phấn và ảo tưởng, nơi những giá trị thật nhất bị chôn vùi bởi những "hội chợ phù hoa". Thôi về Cao Bằng đi em, về với Quảng Uyên nơi hạt ngô vàng tuy gieo neo sắc nắng, nhưng lòng người xanh mát điệu sơn khê...”.

Quốc Khánh