Hồi sinh làng nghề nước mắm miền biển

12/04/2018 07:48
Thủy Phan
(GDVN) - Nhịp sống miền biển phục hồi, các làng nghề ven biển cũng phục hồi theo. Hai năm sau sự cố môi trường biển, làng nghề nước mắm ở Nhân Trạch đã hồi sinh.

Trở lại làng nước mắm Nhân Nam ở xã Nhân Trạch, (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) sau 2 năm xảy ra sự cố môi trường biển do Formosa gây nên, chúng tôi không khỏi phấn khởi vì làng nghề đã thực sự hồi sinh.

Không khí ở đây lại tấp nập, nhộn nhịp như xưa với hàng trăm chiếc lu, vại xếp hàng dài trong khoảng sân của rất nhiều nhà dân. Mùi nước mắm thơm lừng phảng phất trong hương gió biển mặn mòi.

Không khí ở làng nước mắm Nhân Nam lại tấp nập, nhộn nhịp như trước với hàng trăm chiếc lu, vại xếp hàng dài trong khoảng sân của rất nhiều nhà dân.
Không khí ở làng nước mắm Nhân Nam lại tấp nập, nhộn nhịp như trước với hàng trăm chiếc lu, vại xếp hàng dài trong khoảng sân của rất nhiều nhà dân.

Nhớ lại năm 2016, thời điểm công ty Hưng Nghiệp Formosa xả thải ra môi trường, biển ô nhiễm đã khiến cả làng điêu đứng, hàng loạt cơ sở sản xuất nước mắm phải đóng cửa, hàng trăm tấn mắm ruốc bị tồn kho, nhiều hộ dân rơi vào cảnh nợ nần, túng quẫn.

Bà Đinh Thị Huế, Chủ tịch Hội Nước mắm Nhân Trạch kể lại, nước mắm Nhân Nam nổi tiếng mấy trăm năm nay, chỉ vì sự cố môi trường biển mà đình đốn cả năm.

Thời điểm năm 2016, 400 hộ làm nước mắm của làng điêu đứng. Gần một năm sau đó mới dần ổn định trở lại.

“Giai đoạn khó khăn nhất đã qua rồi. Bây giờ, nước mắm của chúng tôi đã tiêu thụ tốt, xuất khẩu ra cả nước ngoài, tạo được công ăn việc làm cho cả ngàn người. Nước mắm Nhân Nam đã lấy lại được thương hiệu như trước đây”, bà Huế nói.

Trong suốt một thời gian dài, chị Hoàng Thị Tuyến, ở thôn Nam, (xã Nhân Trạch) phải xách từng can nước mắm đến năn nỉ các mối hàng, đại lý nhờ mua rẻ, nhưng vẫn không ai chịu mua.

Hàng lít nước mắm thời điểm đó bị đổ ra bãi rác đầu làng. Làng nghề thất thu, vợ chồng chị Tuyến không có đủ tiền để nuôi con cái ăn học. Chồng chị và những đứa con gái lớn thay nhau đi xuất khẩu lao động nước ngoài để có tiền trang trải cuộc sống gia đình.

Bây giờ, làng nước mắm hồi sinh trở lại, chị Tuyến ngày nào cũng tất bật tính toán các đơn hàng và gửi nước mắm cho khách. Thu nhập ổn định, cuộc sống của gia đình chị đã khấm khá hơn.

Sau 2 năm xảy ra sự cố môi trường biển, làng nước mắm Nhân Nam đã thực sự hồi sinh.
Sau 2 năm xảy ra sự cố môi trường biển, làng nước mắm Nhân Nam đã thực sự hồi sinh.

Chị Tuyến cho biết: “Đầu năm đến giờ, nhà tôi bán được hơn 500 lít nước mắm rồi. Bây giờ, khách hàng họ tin tưởng nên dễ bán, làm ra được nhiều thì bán nhiều”.

Nước mắm Nhân Nam hiện bán ra thị trường có giá dao động từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng/lít.

Toàn xã Nhân Trạch có 800 hộ dân thì có 400 hộ sản xuất chế biến nước mắm. Trong đó, trên 50 hộ đầu tư sản xuất lớn, 10 hộ có thương hiệu và đã đăng ký thương hiệu nước mắm.

Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nhân Trạch cho biết, một số hộ dân đã đưa nước mắm đi quảng cáo, trưng bày ở bên Lào, Thái Lan để tìm kiếm mở rộng thị trường.

“Thương hiệu nước mắm Nhân Nam đã có từ lâu rồi, nhưng gặp sự cố môi trường biển nên bị ngưng trệ một thời gian. Bây giờ làng nghề đã hồi sinh trở lại.

Nhịp sống miền biển đã hồi sinh trở lại

Các cơ sở sản xuất nước mắm cần phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và sản phẩm bán ra phải đảm bảo chất lượng.

 Khi người tiêu dùng ghi nhận thì nước mắm dễ được bán ở các nhà hàng, siêu thị trên toàn quốc cũng như trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”, ông Hùng nói.

Bà Hoàng Thị Hải Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại, Sở Công thương tỉnh Quảng Bình cho biết, các chủ cơ sở chế biến nước mắm cần quan tâm hơn cho việc xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh.

Nếu khắc phục được thiếu sót này thì tương lai nghề nước mắm Nhân Trạch sẽ tiếp tục vươn xa.

Thủy Phan