Huyền Chip: Bài học về cách đối diện sự thật

02/10/2013 07:58
Khánh Nguyễn
(GDVN) - Thời gian vừa qua, “Xách ba lô lên và đi” của Huyền Chip nhận được không ít lời chỉ trích. Thậm chí, một độc giả còn viết bản kiến nghị đến 21 trang đòi phải thu hồi cuốn sách. Tuy nhiên, Huyền Chip có đáng bị “ném đá” như vậy không?
"Tôi và các bạn ở tuổi 21 đã làm được những việc gì? Xin thưa, 21 tuổi, “giới trẻ” chúng ta vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường, hàng ngày, hàng tháng sống trên những đồng tiền mồ hôi, nước mắt của cha mẹ, chấp nhận (hoặc bất lực) nhìn cha, mẹ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để nuôi sống ta. Tuổi 21, tất cả những gì chúng ta có là những kiến thức được cha mẹ, thầy cô, nhà trường trang bị cho trong những trang sách. Tương lai, công việc, và cả kiến thức…đều phụ thuộc vào người khác.

Tuổi 21, đã có bao người tự định đoạt được tương lai của mình mà không nhờ vào người khác?

Nói vậy để thấy rằng: chỉ riêng việc Huyền Chip dám thực hiện ước mơ được đi vòng quanh thế giới của mình đã là điều đáng khâm phục. Có thể, những chi tiết trong cuốn sách không chính xác nhưng tinh thần của tác giả, quyết tâm thực hiện ước mơ của Huyền Chip rất đáng học tập. Liệu, có bao nhiêu bạn trẻ ở tuổi Huyền Chip dám làm điều đó?

(Xem thêm các bài viết về cuốn sách "Xách ba-lô lên và đi")
(Xem thêm các bài viết về cuốn sách "Xách ba-lô lên và đi")


Trên thế giới, những nhân vật nổi tiếng trong giới công nghệ như Bill Gates, Steve Jobs…cũng chỉ thành danh khi họ dám thực hiện ước mơ của mình. Điều đó cho thấy, chỉ khi có ước mơ và đủ bản lĩnh để theo đuổi nó, con người mới đạt được thành công. Bản thân tinh thần dám nghĩ, dám làm của Huyên Chip đã rất đáng được ngợi khen.

Trở lại vấn đề gây tranh cãi là độ chính xác nội dung của cuốn "Xách ba lô lên và đi". Rất nhiều người cho rằng cuốn sách viết sai sự thật. Nhưng, sự thật ở đây là gì? Ai đã từng có chuyến hành trình như Huyền Chip để có một “sự thật khác” đem ra đối chiếu? Và nếu có, thì liệu đó cũng có phải là sự thật?

Hơn nữa, "Xách ba lô lên và đi" là một cuốn sách đậm chất văn học. Do vậy, sẽ là quá đáng nếu muốn một cuốn sách thuộc diện ký phải chứa đầy những thông tin giáo khoa giống như các cuốn sách về cẩm nang du lịch.

Mới đây, một độc giả có tên là Trần Ngọc Thịnh đã viết một bức thư dài hơn 20 trang để “kiến nghị” Cục xuất bản cho ngưng phát hành cuốn sách của Huyền Chip. Độc giả này thừa nhận: “Sau khi đọc xong cuốn thứ nhất, tôi đã thấy xuất hiện nhiều nghi vấn về tính xác thực của nội dung. Vậy nên tới cuốn thứ hai, tôi không muốn mua nữa, vì tôi thấy nó không có đủ giá trị của một cuốn sách, không xứng đáng để mình bỏ tiền ra mua, đọc chỉ mất thời gian, không giúp ích được gì cả”.

Tuy nhiên, vì mới chỉ đọc một cuốn (như lời độc giả này nói) thì nhiều “dẫn chứng” đưa ra trong bản kiến nghị, anh đọc trên mạng internet và “nghe” Huyền Chip trả lời trong buổi họp báo. (Nhưng, chuyện anh có dự buổi họp báo đó hay không thì chỉ có anh mới biết). Chưa đọc hết mà “phán” nó giả dối, phán nó vi phạm pháp luật…liệu có quá võ đoán và thiển cận?

Phải chăng, sự phản đối một cách nhiệt tình của Trần Ngọc Thịnh cũng chỉ là sự phản đối theo “phong trào”? Hay Trần Ngọc Thịnh đang muốn chứng tỏ khả năng “phán xét” của mình khi không đọc hết cũng có thể viết đến 21 trang kiến nghị? Nhiều người cho rằng, Trần Ngọc Thịnh đang muốn dựa vào cuộc “khủng hoảng truyền thông” của Huyền Chip để gây sự chú ý nhằm PR cho bản thân? Dù đó chỉ là tin đồn thì cái tên Trần Ngọc Thịnh đã bắt đầu “lan rộng” khắp các cộng đồng mạng, các trang web lớn nhỏ. Dù muốn hay không, anh cũng đã đạt được thành công về mặt truyền thông từ sự kiện của Huyền Chip.

(Xem thêm các bài viết về cuốn sách "Xách ba-lô lên và đi")
(Xem thêm các bài viết về cuốn sách "Xách ba-lô lên và đi")

Tuy vậy, thành công đó không khiến người ta cảm thấy nể phục anh. Bởi trong xã hội, còn không ít người nghèo khổ, phải chịu bất công; còn không ít những vụ tiêu cực gây chấn động dư luận. Có lẽ, việc lên tiếng ủng hộ những người đấu tranh chống tiêu cực ở bệnh viện Hoài Đức, bệnh viện mắt Hà Nội…sẽ có ý nghĩa hơn nhiều việc dồn cô bé 21 tuổi vào đường cùng để thực hiện cái gọi là “lật tẩy sự dối trá”!

Mặc dù vậy, những nghi vấn của độc giả cũng như cách phản ứng của Huyền Chip cũng chưa thực sự thông minh. Chỉ riêng việc Huyền Chip mang visa đến cả 2 cuộc họp báo ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và đều từ chối khi độc giả, phóng viên đề nghị kiểm chứng đã là một sai lầm gây hậu quả nghiêm trọng. Thêm vào đó, cách trả lời kiểu như: “tôi không cho anh xem vì tôi không thích”… cũng khiến cho sự “bức xúc” bị tăng lên gấp bội.

Giá như, Huyền Chip không “nói vống lên” về số lượng các nước mà cô đã đi qua, giá như cô không “thêm thắt” những chi tiết bị cho là phi lý vào cuốn sách của mình, giá như Huyền Chip viết một cách chân thành, vô tư nhất thì chắc chắn cuốn sách vẫn được đón nhận và cô vẫn có quyền tự hào vì dũng khí thực hiện lý tưởng của mình.

Có thể, sau sự cố truyền thông của "Xách ba lô lên và đi", Huyền Chip sẽ rút ra cho mình rất nhiều bài học. Đó cũng là bài học cho chúng ta về cách đối diện với sự thật".

(Bài viết thể hiện quan điểm của cá nhân tác giả. Mọi ý kiến đóng góp vui lòng gửi về email vanhoa@giaoduc.net.vn).
Khánh Nguyễn