Huyền Chip "rút ra bài học cá nhân cho những vấp ngã đầu đời"

08/10/2013 12:23
Liễu Phạm
(GDVN) - "Tác giả thừa nhận mình sai, nhưng chưa có một lời xin lỗi tới độc giả, rất tiếc sự việc không đơn giản như vậy... Tác giả không hề nhắc tới trách nhiệm của mình và êkíp sau khi thừa nhận sai, chỉ nói là bài học cá nhân cho những vấp ngã đầu đời", chủ nhân lá thư kiến nghị dừng xuất bản sách của Huyền Chip chia sẻ sau khi nhận được 31 trang giải trình của tác giả Xách ba-lô lên và đi.
Ngày 7/10, trên trang cá nhân của độc giả Trần Ngọc Thịnh, chủ nhân của lá thư dài 21 trang kiến nghị tạm đình chỉ phát hành cuốn sách hai tập mang tên "Xách ba lô lên và đi" bất ngờ chia sẻ về bản giải trình của tác giả Huyền Chip.

Bản giải trình này được ông Nguyễn Anh Vũ - Phó Giám đốc phụ trách NXB Văn học gửi tới anh.

Tuy nhiên, sau khi đọc xong toàn bộ bản giải trình, độc giả Trần Ngọc Thịnh tỏ thái độ thất vọng bởi toàn bộ bản giải trình không làm thỏa mãn mọi thắc mắc của cá nhân anh. Độc giả Thịnh cho biết: "Nói chung là chả có gì mới. Hơi thất vọng vì giải trình thế này thì đúng là mất công lặn lội đi lấy công văn về cho độc giả quan tâm".

Cụ thể, về việc xin Visa, Huyền Chip giải thích rằng hầu hết những nước cô đến đều là những nước đang phát triển với chính sách khá thoải mái. Bên cạnh đó, việc xin visa ở mỗi nước khác nhau và không phải nước nào cũng đòi chứng minh tài sản. Với lý giải này, độc giả Trần Ngọc Thịnh cho rằng Huyền Chip trả lời không khác là bao so với hôm họp báo. Tuy nhiên, anh chấp nhận với lời giải thích này của Huyền Chip.
 
Việc tại sao đi lại giữa Israel và Palestines dễ dàng, Huyền Chip chỉ đưa ra những bằng chứng chứng minh cô từng có mặt tại hai đất nước ấy. Đó chính là visa, con dấu và rất nhiều ảnh ở Israel kèm những bức ảnh ở Palestine được đăng trong album ảnh trên facebook. Tuy nhiên, độc giả Trần Ngọc Thịnh lại cho rằng Huyền Chip đã không giải thích những chính sách ngoại giao nào cũng như quan hệ quốc tế nào chứng minh cho điều cô đã làm.

Bản giải trình dài 31 trang có chữ ký của Huyền Chip ở góc phải từng trang
Bản giải trình dài 31 trang có chữ ký của Huyền Chip ở góc phải từng trang
 
Nói về nhà tài trợ, Huyền Chip cho biết, lúc đầu có xin tài trợ và một công ty du lịch đồng ý tài trợ, nhưng rồi điều khoản rắc rối và ràng buộc nên việc tài trợ chấm dứt. Bên cạnh đó, cô phủ nhận việc Quảng Văn tài trợ bởi theo cô, Quảng Văn liên hệ với cô sau khi cô trở về từ châu Phi. Trước thông tin ASUS tài trợ, Huyền Chip chi biết đó là ảnh chụp ở Châu Mỹ, không phải Châu Á và Châu Phi. Đồng thời, cô cho biết việc tham gia chiến dịch của ASUS, cô được trả công, không có nghĩa là ASUS tài trợ cho chuyến đi. 

Huyền Chip cũng thừa nhận khi nói: "Tôi thừa nhận là tôi có sự trợ giúp từ bên ngoài". Tuy nhiên, cô cho biết, đó là người cho ăn, cho ngủ, cho đi nhờ, chăm sóc lúc ốm.

Giải thích về công việc ở sòng bạc, Huyền Chip nói rằng: Đừng so sánh Châu Phi với Las Vegas. Theo đó, cô cho biết mình làm ở sòng bạc có tên New Africa, thuộc tập đoàn Kairo International. Cô nói rõ thêm, sòng bạc cấm chụp ảnh, tuy nhiên, một đồng nghiệp cũ đã gửi cho cô vài tấm ảnh hiếm hoi chụp khi cô làm việc tại đây

Với chi tiết "gãy ống đồng" Huyền Chip cho biết, cô ghi trong sách là gãy chân, nhưng không ghi trong sách là leo núi sau một tuần. Tuy nhiên, Huyền Chip đã thừa nhận cô có chút cường điệu hóa: "Gãy ống đồng không phải là gãy lìa luôn cả ống đồng, mà là rạn xương ống đồng".

Huyền Chip - tác giả cuốn Xách ba-lô lên và đi. (Xem thêm các bài viết về cuốn sách "Xách ba-lô lên và đi")
Huyền Chip - tác giả cuốn Xách ba-lô lên và đi.
(Xem thêm các bài viết về cuốn sách "Xách ba-lô lên và đi")

Và với chi tiết bị một chiếc xe đi với tốc độ 100 km/h lao vào, cô giải thích: "100 km/h chỉ là cách nói thôi, choáng váng rồi hơi đâu mà tính toán tốc độ". Tác giả cũng thừa nhận sai khi đã trốn vé thăm bảo tàng và vượt biên trái phép: "Tôi thừa nhận tôi có làm những việc đó và việc đó là sai. Tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về những việc làm này".

Riêng về dấu hải quan, Huyền Chip mới chỉ đưa ra ảnh chụp visa của các nước như: Myanmar, Ấn Độ, Nepal, Ai Cập, Isarel, Sinai (thuộc Ai Cập), Ethiopia, Kenya, Tanzania, Zambia, Zimbabwe, Mozambique. Theo cô giải thích thì sau khi từ Brunei về Việt Nam cô đã làm mới hộ chiếu. Vì thế trong cuốn hộ chiếu Huyền Chip đang dùng chỉ có visa các nước kể từ sau thời gian đó.

Tuy nhiên, độc giả Trần Ngọc Thịnh cho rằng, dù với lý do gì, Huyền Chip vẫn chưa đưa ra đủ bằng chứng để chứng minh cô đã qua 25 nước.

Với khẳng định: "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Chuyện này trước hết là lỗi của em", Huyền Chip cũng khẳng định đây là lần cuối cùng cô trả lời về vấn đề này. Tuy nhiên, độc giả Trần Ngọc Thịnh dường như vẫn chưa thỏa mãn với những gì Huyền Chip giải trình.

Anh Thịnh cho biết: "Tác giả không trả lời rõ ràng và đầy đủ các nghi vấn mà tôi nêu ra trong thư kiến nghị". Anh cũng không đồng tình với cách giải quyết sự việc của Huyền Chip: "Tác giả thừa nhận mình sai, nhưng chưa có một lời xin lỗi tới độc giả, rất tiếc sự việc không đơn giản như vậy... Tác giả không hề nhắc tới trách nhiệm của mình và êkíp sau khi thừa nhận sai, chỉ nói là bài học cá nhân cho những vấp ngã đầu đời".

Anh cho biết sau 21h cùng ngày, anh sẽ đăng tải toàn bộ 31 trang giải trình của Huyền Chip cho dư luận và độc giả "phán xét".

Liễu Phạm