Khách sạn từ chối phục vụ: Đừng đẩy dân Trung Quốc ra xa Việt Nam!

13/05/2014 07:39
Quốc Khánh
(GDVN) - Thể hiện sự phản đối Trung Quốc bằng cách tẩy chay hàng hóa, không phục vụ khách du lịch phải chăng là phản ứng có phần cực đoan?

Tẩy chay hàng Trung Quốc, không tiếp khách du lịch Trung Quốc hay hủy tour du lịch sang Trung Quốc…là những hành động của nhiều người để bày tỏ sự phản đối của mình trước hành động ngang ngược của nước này trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn tự hỏi: liệu đây có phải là một hành động yêu nước…cực đoan?

Mới đây, ông Lương Hoài Nam – cựu giám đốc hãng hàng không  Jetstar Pacific bày tỏ quan điểm: “Thấy nhiều người kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc. Nhưng chưa thấy nhà nào mang TV, tủ lạnh, máy giặt, lò nướng, laptop, iPhone, iPad... lắp linh kiện Trung Quốc quẳng ra đường. Những lời kêu gọi được gõ trên các bàn phím sản xuất ngay ở Trung Quốc.”

Chúng ta nên thể hiện lòng yêu nước bằng hành động văn minh
Chúng ta nên thể hiện lòng yêu nước bằng hành động văn minh


Phát biểu này của ông Lương Hoài Nam khiến chúng ta giật mình nhận ra rằng, hàng hóa của Trung Quốc đã trở nên quá phổ biến trong cuộc sống và sinh hoạt của người Việt. Đây cũng là một hồi chuông cảnh báo về nguy cơ của việc phụ thuộc nhiều vào hàng hóa của Trung Quốc.

Không chỉ kêu gọi không sử dụng hàng Trung Quốc, một khách sạn ở Nha Trang còn tuyên bố không phục vụ khách là người Trung Quốc. Hành động này của chủ khách sạn nhận được phản ứng trái chiều của dư luận. Không ít người tỏ ra đồng tình, ủng hộ hành động được cho là quyết liệt này của khách sạn. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng không nên làm như vậy.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn – cựu Phó giám đốc Đài truyền hình Việt Nam nêu quan điểm trên trang cá nhân của ông cho rằng: "Chuyện khách sạn không phục vụ khách du lịch Trung Quốc, tôi nghĩ không nên. Chúng ta tìm cách để người Trung Quốc bình thường hiểu sự thật chuyện Biển Đông, chứ không nên tẩy chay họ.”

Ông Trần Đăng Tuấn cho rằng: "Chuyện khách sạn không phục vụ khách du lịch Trung Quốc, tôi nghĩ không nên. Chúng ta tìm cách để người Trung Quốc bình thường hiểu sự thật chuyện Biển Đông, chứ không nên tẩy chay họ.”
Ông Trần Đăng Tuấn cho rằng: "Chuyện khách sạn không phục vụ khách du lịch Trung Quốc, tôi nghĩ không nên. Chúng ta tìm cách để người Trung Quốc bình thường hiểu sự thật chuyện Biển Đông, chứ không nên tẩy chay họ.”

Nhìn ở góc độ văn hóa ứng xử thì việc tẩy chay hàng hóa Trung Quốc hay không phục vụ khách hàng Trung Quốc là một hành động thể hiện sự yêu nước có phần cực đoan. Bởi, việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào lãnh thổ Việt Nam là hành động ngang ngược của một nhóm người chứ không phải của toàn bộ người dân Trung Quốc. Theo những gì báo chí phản ánh, không ít người dân Trung Quốc không hề biết chuyện gì đang xảy ra ở Biển Đông. Số khác tin vào những lời tuyên truyền bịa đặt của chính phủ họ song có rất nhiều người phản đối hành động của chính phủ Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Nói cách khác, việc tẩy chay hàng Trung Quốc hay không phục vụ khách du lịch Trung Quốc vô tình đẩy người dân Trung Quốc ra xa chúng ta. Thay vì phản đối, tẩy chay họ, chúng ta cần có những hành động, những bài viết tuyên truyền để đa số người dân Trung Quốc có thể nắm được sự thật đang diễn ra ở Biển Đông cũng như những hành động ngang ngược mà chính phủ của họ đang thực hiện.

Trong hoàn cảnh này, sự thật chính là vũ khí mạnh mẽ và hiệu quả nhất giúp cho người dân Trung Quốc hiểu và ủng hộ hành động chính đáng của nhân dân ta để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Quốc Khánh