Khám phá các Văn Miếu ở Việt Nam

02/05/2016 17:57
Đại tá Đặng Việt Thủy
(GDVN) - Văn Miếu được xây dựng ở các nơi trên đất nước Việt Nam thể hiện truyền thống hiếu học, coi trọng hiền tài dân tộc ta.

LTS: Ở Việt Nam, kể từ Văn Miếu đầu tiên được xây dựng ở Hà Nội năm 1070 (tháng 8 năm Canh Tuất), các triều đại phong kiến tiếp theo đã cho dựng xây Văn Miếu ở nhiều vùng miền trải dài từ Bắc vào Nam đất nước. 

Trong bài viết này, Đại tá Đặng Việt Thủy liệt kê danh sách các Văn Miếu ở Việt Nam giới thiệu cùng bạn đọc. Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả. 

Văn Miếu là Miếu thờ Khổng Tử. Khổng Tử (551-479 trước Công nguyên) tên là Khâu, tự là Trọng Ni, người ấp Tu (Tâu) nước Lỗ (nay là huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). 

Ông là nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà giáo dục nổi tiếng ở Trung Quốc thời Xuân Thu, là người sáng lập ra Nho học, được tôn làm “Văn thánh” và được xếp vào danh sách mười nhà tư tưởng lớn trên thế giới.

Tư tưởng của Khổng Tử ngay từ thời cổ đại đã được truyền bá đến các nước láng giềng của Trung Quốc như Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam... Đến thời cận đại, tư tưởng Khổng Tử còn được truyền bá sang các nước châu Âu. Ngày nay, trên thế giới đã hình thành “hành lang văn hóa Khổng Tử”. 

Ông trở thành danh nhân văn hóa thế giới. Ở Việt Nam, Văn Miếu được xây dựng ở nhiều nơi trên cả nước.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội)

Tại Kinh thành Thăng Long, Văn Miếu được xây dựng vào năm Canh Tuất (1070) dưới triều vua Lý Thánh Tông, để thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử) cùng 72 người học trò giỏi của Khổng Tử.

Năm Bính Thìn (1076), niên hiệu Anh Võ Chiêu Thắng thứ nhất, vua Lý Nhân Tông cho xây Quốc Tử Giám sau Văn Miếu. Lúc đầu đây là nơi học của các hoàng tử, về sau mở rộng thu nhận cả những học trò giỏi ở trong nước.

Năm Đại Định thứ 17 (1156) đời vua Lý Anh Tông cho sửa lại Văn Miếu và chỉ thờ Khổng Tử. Cuối thời Trần, các danh Nho của Việt Nam là Chu Văn An và Trương Hán Siêu được thờ ở Văn Miếu.

Năm Hồng Đức thứ 15 (1484), đời Lê Thánh Tông dựng bia tiến sĩ ở Văn Miếu từ khoa thi 1442 trở đi.

Năm 1762, Cảnh Hưng thứ 23 đời Lê Hiển Tông, sửa lại Quốc Tử Giám; 1785 đổi thành nhà Thái Học.

Năm 1802, Gia Long thứ nhất, ấn định đây là Văn Miếu Hà Nội, cho xây Khuê Văn Các, đổi nhà Thái học là nơi thờ cha mẹ Khổng Tử.

Phía trước Văn Miếu có hồ lớn gọi Văn Hồ, xưa gọi Thái Hồ, dần bị lấp hẹp lại. Giữa hồ có gò Kim Châu, có lầu ngắm cảnh. Phía ngoài cổng chính của Văn Miếu có 4 cột cổng. Xung quanh xây tường cao bằng gạch mộc. Cổng Văn Miếu xây theo kiểu Tam quan. Trên cổng có 3 chữ Hán “Văn Miếu Môn”.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chia làm 5 khu vực, mỗi khu vực có tường ngăn, có cổng đi lại.

Khu đầu tiên: từ Văn Miếu Môn đến Đại Trung Môn. Bên phải Đại Trung Môn là Thành Đức Môn, bên trái là Đại Tài Môn.

Khu thứ hai: Đại Trung Môn đến Khuê Văn Các. Khuê Văn Các là một gác nhỏ có 8 mái, bốn phía cửa tròn, xung quanh có câu đối. Bên phải tường là Bia Văn Môn, bên trái Súc Văn Môn, dẫn vào 2 khu nhà bia tiến sĩ.

Khu thứ ba: gồm có giếng Thiên Quang (Thiên Quang Tỉnh) là hồ nước lớn, hình vuông, hai bên là nhà bia Tiến sĩ. Hiện số bia chỉ còn lại 82 tấm. Nhiều bia đã bị thất lạc.

Khám phá các Văn Miếu ở Việt Nam ảnh 2

Vua Lê Thánh Tông với sự nghiệp giáo dục và đào tạo nhân tài

(GDVN) - Những kẻ bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, điêu toa... thì có học giỏi đến đâu cũng không được dự thi.

Khu thứ tư - Khu chính của Văn Miếu, gồm hai tòa đền: Phía trong thờ Khổng Tử, Tứ Phối... có tượng Khổng Tử, Tứ Phối và bàn thờ bài vị. Tòa ngoài là Bái Đường. 

Gian giữa Bái Đường có bức hoành phi với 4 chữ “Vạn Thế Sư Biểu" (tiêu biểu đạo làm thầy muôn đời) do vua Khang Hy (1662-1722) nhà Mãn Thanh tự tay viết tặng sứ thần Việt Nam để cúng tiến vào Văn Miếu. 

Trước Bái Đường có sân rộng, phía ngoài là Đại Thành Môn, hai bên tả, hữu là Ngọc Châu Môn và Kim Thành Môn. Hai bên sân Bái Đường là Tả Vu, Hữu Vu. Mỗi dãy 9 gian. Xưa để thờ thất thập nhị hiền (72 học trò của Khổng Tử) và các danh nho Việt Nam: Chu Văn An, Trương Hán Siêu...…

Khu thứ năm là khu đền Khải Thánh, thờ bố mẹ Khổng Tử, nay chỉ còn vết tích nền điện. Khu vực này chính là Quốc Tử Giám, hoặc Quốc Tử Viện hay Thái học đường ngày trước, nơi đào tạo các nhân tài của đất nước trước đây trong đó có những nhà kiệt xuất như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm…

Văn Miếu Bắc Ninh

Văn Miếu Bắc Ninh nằm trên đỉnh núi Nài, xã Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, thờ Khổng Thánh và các vị hiền triết của quê hương. Văn Miếu Bắc Ninh được xây dựng từ năm nào hiện nay chưa rõ. 

Qua tấm bia “Trùng tu Bắc Ninh bi đình ký” cho thấy trước bia Văn Miếu nằm ở khu vực Thị Cầu, vì lâu ngày mà hư hỏng. 

Năm Thành Thái thứ 5 (1893), quan đầu tỉnh cho di chuyển về núi Phúc Sơn. Khi ấy Đỗ tiên sinh người Đại Mão tên là Trọng Vĩ mưu tính với thân hào trong tỉnh lập bia khắc họ tên, chức tước các vị tiên hiền của đất Kinh Bắc.

Khi chuyển về Phúc Sơn, Văn Miếu có quy mô lớn và sắp xếp mọi vấn đề tế lễ có quy củ, chặt chẽ. Ngoài mấy tòa nhà hiện còn, xưa kia bên trái hậu đường còn có nhà tạo soạn, bên phải là Bi đình, trước Bi đình là nhà Hội đồng trị sự. 

Nhà tiền tế dùng làm nơi tế lễ những ngày sóc vọng. Các vị đỗ đại khoa được khắc danh trên bia đá “Kim bảng lương phương” và dựng ở Bi đình.

Các sĩ tử đỗ dưới học vị tiến sĩ (phó bảng, cử nhân, hương cống...) cũng được thống kê tên tuổi nhưng đặt ở Hữu Vu, còn Tả Vu đành ghi danh những người đỗ đạt trong các kỳ thi võ nghệ.

Di vật Văn Miếu Bắc Ninh hiện bị mất mát hoàn toàn, nhân dân chỉ tìm lại được 14 tấm bia lớn nhỏ dựng lại nơi nhà tiền tế. Trong số này có một tấm ghi công đức, 2 tấm bia trùng tu ghi lại quá trình xây dựng và 11 tấm bia ghi danh các vị đỗ đại khoa.

Văn Miếu Bắc Ninh là niềm tự hào về truyền thống hiếu học, trọng đạo lý của người dân Kinh Bắc. Dù bị mất mát không còn nguyên như xưa nhưng tên tuổi và sự nghiệp của các nhà khoa bảng Kinh Bắc sẽ ngát hương, tỏa sáng muôn đời.

Văn Miếu Sơn Tây (Hà Nội)

Văn Miếu Sơn Tây ở làng Mông Phụ, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây, nay thuộc Thủ đô Hà Nội.

Văn Miếu Sơn Tây xây năm 1892 (năm Thành Thái thứ 4).

Văn Miếu Mao Điền (Hải Dương)


Mao Điền xưa là trung tâm văn hóa, ngoại giao, chính trị, quân sự và kinh tế của tỉnh Hải Dương.

Từ giữa thế kỷ XV, với chủ trương mở mang việc học hành và đào tạo nho sĩ, quan lại nhà Lê đã cho xây dựng một loạt trường học, trong đó có xây dựng Văn Miếu Mao Điền thuộc tổng Mao Điền, phủ Bình Giang, trấn Hải Dương (nay thuộc thôn Mao Điền, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). 

Năm 1807, tại đây xây Khải Thánh Từ thờ bố mẹ Khổng Tử, Khuê Văn Các, hai nhà giải vũ và hai lầu chuông, khánh đối nhau. Năm Minh Mạng thứ tư (1823), Văn Miếu đã được đại tu và trở thành một công trình văn hóa lớn đồ sộ trên gò đất cao rộng ở xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng.

Văn Miếu Hưng Yên


Văn Miếu Hưng Yên còn gọi là Văn Miếu Xích Đằng, tọa lạc trên khu đất cao, rộng gần 4000 mét vuông thuộc làng Xích Đằng, nay thuộc phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

Văn Miếu Hưng Yên được khởi dựng từ thế kỷ XVII trên nền chùa làng Xích Đằng, xã Nhân Dục, tổng An Tảo, huyện Kim Động xưa (nay thuộc phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên). 

Văn Miếu được trùng tu tôn tạo nhiều nhất vào năm Kỷ Hợi, niên hiệu Minh Mệnh thứ 20 (năm 1839). Văn Miếu Xích Đằng là nơi tôn vinh nền học vấn của người dân Phố Hiến và vẫn giữ nguyên nét cổ kính sau gần 400 năm.

Hiện vật quý giá nhất của Văn Miếu là 9 tấm bia đá có ghi danh các nhà khoa bảng (của hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình) thuộc các triều đại Trần, Mạc, Lê, Nguyễn.

Ngày nay, vào mỗi dịp đầu xuân tại Văn Miếu Xích Đằng diễn ra các sinh hoạt văn hóa như lễ dâng hương, triển lãm thư pháp, hát ca trù...

Văn Miếu Quảng Yên (Quảng Ninh)

Văn Miếu Quảng Yên ở phía Đông thành Quảng Yên, nay thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Văn Miếu Quảng Yên được xây dựng năm 1805.

Văn Miếu Thái Nguyên


Văn Miếu Thái Nguyên ở phía Bắc thành Thái Nguyên, thuộc đất xã Đồng Lẫm, huyện Phổ Yên cũ, nay là thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Văn Miếu Thái Nguyên được xây dựng năm 1843.

Văn Thánh Miếu (Huế)


Văn Thánh Miếu thờ Khổng Tử của triều Nguyễn ở xã Yên Ninh, phía Tây ngoài thành cố đô Huế. Thời chúa Nguyễn Phúc Thuần, miếu đặt ở xã Long Hồ; năm 1808 dời đến xã Yên Ninh, cách chùa Thiên Mụ khoảng nửa cây số.

 Tiền đường và chính điện đều 5 gian, chính giữa thờ thần vị Khổng Tử, hai bên là thần vị Tứ Phối. Phía Đông và phía Tây là bàn thờ Thập Nhị Triết. Trước sân là Tả Vu và Hữu Vu, đền 7 gian, thờ 72 tiên hiền và tiên nho.

Khám phá các Văn Miếu ở Việt Nam ảnh 4

Thủ khoa Hà Nội mong muốn gì?

(GDVN) - Tối 23/8 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thành phố Hà Nội tổ chức tuyên dương 98 thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc các đại học, học viện trên địa bàn.

 
Tường phía trước mở 3 cửa: giữa là cửa Đại Thành, bên tả là cửa Kim Thanh, bên hữu là cửa Ngọc Chấn. Thềm trước cửa Đại Thành có 15 bậc; bên tả có Hữu Văn Đường, bên hữu là Dị Lễ Đường. 

Phía Nam cửa Văn Thánh Miếu là khu vực dựng bia tiến sĩ triều Nguyễn, gồm 32 tấm ghi tên 293 vị tiến sĩ thi đậu trong các khoa thi từ thời Minh Mạng đến Khải Định. 

Trong số những vị tiến sĩ lưu danh ở đây, có những tên tuổi như Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn, Đinh Văn Chất, Nguyễn Thượng Hiền, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng.

Văn Miếu Trấn Biên (Đồng Nai)


Văn Miếu Trấn Biên ở địa phận thôn Bình Thành và thôn Tân Lại, huyện Phước Chánh (nay là Biên Hòa, Đồng Nai), cách phía tây trấn 2 dặm rưỡi. 

Trấn thủ dinh Trấn Biên là Nguyễn Phạm Long, đời vua Lê Hiển Tông năm thứ 25 (1716) đã lựa chỗ đất dựng lên Văn Miếu, phía Nam hướng đến sông Phước, phía Bắc dựa theo thế núi sông thanh tú. 

Năm Giáp Dần, đời Trung Hưng (1794), lễ bộ Nguyễn Hồng Đô cho trùng tu, giữa làm Đại Thành Điện và Đại Thành Môn, phía Đông làm Thần Miếu, phía Tây làm Dục Thành Từ, trước xây tường ngang, phía tả có cửa Kinh Thanh, phía hữu có cửa Ngọc Chấn, chính giữa sân trước dựng Khuê Văn Các và treo trống chuông. Phía tả còn có Sùng Văn đường, phía hữu có Duy Lễ Đường.

Năm Tự Đức thứ 5 (1852), Văn Miếu Trấn Biên được tu bổ, chính đường và tiền đường đều 5 gian và dựng thêm Tả Vu, Hữu Vu, mỗi dãy 5 gian.

Đền Khải Thánh chính đường và tiền đường đều 3 gian, một tòa cửa trước 1 gian, một tòa kho đồ thờ 3 gian, một tòa Khuê Văn Các hai tầng ba gian hai chái, phía trước đặt tấm biển “Đại Thành Điện” đổi thành “Văn Miếu Điện”, Khải Thành Điện đổi thành “Khải Thành Từ”.

Năm 1861, khi chiếm được Biên Hòa, quân Pháp đã đốt phá Văn Miếu Trấn Biên.

Nhân kỷ niệm 300 năm Biên Hòa - Đồng Nai, Ủy ban nhân dân Đồng Nai đã giao cho Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa gấp rút tái tạo lại Văn Miếu Trấn Biên, nhằm phục hồi một truyền thống coi trọng đạo lý văn chương mà tiền nhân đã để lại.

Văn Thánh Miếu (Đồng Tháp)

Văn Thánh Miếu là công trình văn hóa thờ Khổng Tử, được xây dựng năm 1857 tại thôn Mỹ Trà, huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường (nay thuộc phường 3, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) do ông Hồ Trọng Đính, quan tri phủ huyện Kiến Tường đứng ra xây cất. 

Chính điện đặt bàn thờ, bài vị Đức Khổng Tử (Vạn Thế Sư Biểu); tả hữu là bài vị của Tứ Thánh (Tăng Tử, Nhan Tử, Tư Tử và Mạnh Tử), còn bên Tả Vu, Hữu Vu thờ Tiền hiền và Hậu hiền.

Năm 1878, Văn Thánh Miếu được dời đến vị trí hiện nay (đường Lý Thường Kiệt, phường 1, thành phố Cao Lãnh). Văn Thánh Miếu được trùng tu vào năm 1935 đến 1940, việc thờ phụng được sắp xếp lại.

Trong chính điện tả vu được làm thư viện, hữu vu làm nơi hội họp, luận bàn đạo lý phương Đông.

Ngày nay di tích lịch sử Văn Thánh Miếu được chọn làm thư viện tỉnh.

Văn Thánh Miếu (Vĩnh Long)

Trước kia tại miền Nam, việc thành lập các tỉnh chưa hoàn tất dưới triều Nguyễn, quân Pháp lại kéo sang, do đó dân ta chưa kịp xây dựng Khổng Miếu ở các nơi. 

Dưới thời Tự Đức, toàn miền chỉ có một Văn Thánh Miếu tại Bình Dương. Năm 1863, khi giặc Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông, Phan Thanh Giản mới xây dựng một Văn Thánh Miếu khác tại địa phận xã Long Hồ thuộc Vĩnh Long.

Văn Thánh Miếu gồm chánh điện thờ Khổng Tử, hai bên có Tả Ban và Hữu Ban thờ Tứ Phối và Thập Triết. Hai miếu nhỏ hai bên là Tả Vu và Hữu Vu thờ Thất Thập Nhị Hiền. Đằng trước Văn Thánh Miếu mé bên trái có Văn Xương Các. Đây là một ngôi đền có lầu, trên thờ đức Văn Xương Đế Quân, phía dưới thờ Phan Thanh Giản.

Văn Miếu được xây dựng ở các nơi trên đất nước Việt Nam là những di tích văn hóa, lịch sử, giáo dục vô cùng quý giá, nó thể hiện truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, coi trọng hiền tài, một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc ta.

Tài liệu tham khảo:

- "Việt Nam - đất cũ, người xưa", NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2011, trang 236-243.

- "Di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng ở Việt Nam", NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội - 2013, trang 9-13, trang 337-338...

- "Từ điển Di tích văn hóa Việt Nam", NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội - 2007.

Đại tá Đặng Việt Thủy