Lê Anh Đạt và Người đi trong bão

01/12/2017 06:53
Cao Nguyễn
(GDVN) - Họa sỹ Văn Đức Dũng (Báo Lao Động) người trình bày sách, đồng hành xin giấy phép cùng tôi, nói “Sách của ông đúng là đi trong bão”.

Trong tháng 12 này, cuốn sách “Người đi trong bão” của nhà báo Lê Anh Đạt chính thức ra thị trường. Phóng viên có cuộc trao đổi với tác giả không chỉ liên quan nội dung cuốn sách mà còn chiêm nghiệm về nhân vật, cuộc sống, và những thông tin thú vị bên lề.

Nhà báo Lê Anh Đạt là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn khóa 2012- 2017, nguyên Ủy viên Ban Biên tập kiêm Phó Tổng thư ký Báo Tiền Phong. Hiện nay là Phó Tổng thư ký Báo Lao Động.

Nhà báo Lê Anh Đạt - tác giả cuốn sách “Người đi trong bão”.
Nhà báo Lê Anh Đạt - tác giả cuốn sách “Người đi trong bão”.

Phóng viên: Chúc mừng anh ra mắt sách “Người đi trong bão”. Anh giới thiệu đôi chút về cuốn sách này.

Nhà báo Lê Anh Đạt: Sách là tuyển tập tác phẩm đăng trên Báo Tiền Phong, Lao Động, và một số bài lần đầu giới thiệu. Sách do Nhà xuất bản Văn học cấp phép, tập hợp các tác phẩm thuộc thể loại Phóng sự, Phóng sự - điều tra và bình luận.

Nghe nói việc xin giấy phép cuốn sách vất vả như cái tên “Người đi trong bão”?

Nhà báo Lê Anh Đạt: Qua khá nhiều nhà xuất bản. Do các nhân vật xuất hiện trong sách đều gai góc, số phận của họ vẫn trong tầm theo dõi của dư luận, nên khiến một số nhà xuất bản lo lắng.

Có lần sách chuẩn bị in, nhà xuất bản gọi điện không cấp phép nữa. Có nhà xuất bản gọi tôi đến gặp ban lãnh đạo để xem mặt có đáng tin không. Khi gặp tôi họ yên tâm, nhưng sau một đêm suy nghĩ lại thôi.

Có nhà xuất bản đề nghị tôi bỏ các bài báo mà họ cho là nhạy cảm, thậm chí thay đổi tên sách thì mới cấp phép. Tôi không đồng ý.

Họa sỹ Văn Đức Dũng (Báo Lao Động) người trình bày sách, đồng hành xin giấy phép cùng tôi, nói “Sách của ông đúng là đi trong bão”.

Vậy, Nhà xuất bản Văn học rất dũng cảm?

Nhà báo Lê Anh Đạt: Tôi tin vào sự thẩm định và chất của Nhà xuất bản Văn học. Hơn nữa, nếu đọc kỹ thì quyển sách này không có chút nhạy cảm nào. Đó là những tác phẩm đã được sàng lọc qua bộ phận biên tập của Báo Tiền Phong và Lao Động.

Những bài nào bị nhà xuất bản đề nghị bỏ?

Nhà báo Lê Anh Đạt: Gần như tất cả bài liên quan ông Võ Kim Cự, liên quan Formosa, bài liên quan Trịnh Xuân Thanh (thể loại bình luận). Họ còn đề nghị bỏ nốt tên sách “Người đi trong bão”, vì tên này “nhạy cảm”!

Có lẽ, vì sách dành lượng lớn viết về ông Võ Kim Cự, người gắn với đại dự án Formosa và ông Trịnh Xuân Thanh…?

Nhà báo Lê Anh Đạt: Chắc vậy. Các bài báo liên quan 2 nhân vật này lúc nào cũng nóng. Khi viết đăng báo, tôi đã từng mất ngủ, đợi đến sáng nghe ngóng phản hồi từ bạn đọc.

Khi ông Cự bị báo chí săn đón nhưng không chịu xuất hiện. Chỉ khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc mới chịu lộ diện.

Thời điểm đó, tôi đã có cuộc phỏng vấn riêng. Sau đó tôi viết một loạt bài (đều độc quyền). Mặc dù được bạn đọc đón nhận nhưng những ngày đó tôi cũng như đi trong bão, như nhân vật mình viết vậy.

Ngay trong tòa báo cũng có ý kiến khác nhau. Hơn nữa, với ông Võ Kim Cự ở đâu cũng gây bão. Cá tính ông này là vậy.

Nhưng “Người đi trong bão” đâu phải mỗi ông Võ Kim Cự?

Nhà báo Lê Anh Đạt: Đúng vậy, nhưng có thể sự xuất hiện của ông Cự khiến cuốn sách trở nên gai góc hơn, các nhà xuất bản e dè.

Tôi nhìn sự việc ở số phận con người. Tôi rất ít phán xét kể cả trong cuộc sống lẫn viết báo. Tôi nghĩ chẳng có nhân vật nào là nhạy cảm, vấn đề là cách thể hiện thôi.

Các nhân vật xuất hiện trong tập sách, tôi đều có thời gian dài sống, làm việc với họ.

Như bài “Bài thơ 300 triệu và mong ước cuối đời bình dị mà đau đớn”, viết về nhà báo Trần Đình Chính, tác giả lời thơ “Ở hai đầu nỗi nhớ”.

Anh Chính làm ở báo Nhân Dân, tôi làm ở Tiền Phong, hai anh em rong ruổi trong và ngoài nước làm nghề. Khi cận kề cái chết anh ấy mới hiểu được cái gì quý nhất của đời người. Những tâm sự của anh ấy khiến tôi đau đớn.

Tôi viết bài báo đó trong khi anh Chính đang chiến đấu với bệnh tật mà cầm chắc phần thua…

Hay nhân vật Cao Trung trong “Giông gió quanh đời một doanh nhân”, tôi đã chứng kiến con người này từ đỉnh cao đến vực thẳm, cận kề cái chết.

Anh chiêm nghiệm gì từ những nhân vật của mình?

Nhà báo Lê Anh Đạt: Quá nhiều chiêm nghiệm. Đều những bài học mà nhân vật trả giá bằng cuộc đời thật.

Ông Võ Kim Cự cho tôi nhiều trải nghiệm. Ông ấy có cá tính dị biệt. Người bé nhỏ, có thể gọi là dị tướng, nhưng làm gì cũng quyết liệt và ào ào như thác, không ai ngăn nổi.

Nhưng, chính tính cách đó đã tạo ra số phận riêng của ông ấy. Tôi nghĩ, nhanh thường không đi cùng sự an toàn. Nhanh, nóng vội dễ mắc sai lầm, và sẽ làm chậm quá trình về đích.

Sự quyết liệt, kiên quyết (mà thái quá là độc đoán) thường để lại phía sau nhiều hậu quả. Phải biết điều tiết, cân bằng, cái nào quá cũng không hay.

Anh Trần Đình Chính, chọc trời khuấy nước, cuối đời mắt mờ, chân chậm “lần giường tập đi”, chết trong bệnh tật, cho tôi bài học về cái quý nhất là sức khỏe, những người thân yêu bên mình. Hãy bảo vệ sức khỏe, yêu quý mọi người ngay và luôn, không chờ đợi.

Cao Trung – trong “Giông gió quanh đời một doanh nhân”, cho tôi bài học về tiền - tình. Cao Trung đã mất sự nghiệp, người thân, tìm đến cái chết  cũng vì tiền, vì tình lẫn lộn. Nhân vật này luôn nhắc nhở tôi cực kỳ điều độ, phân minh với tình cảm và tiền bạc.

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa – người hùng, người đương thời đấu tranh chống tiêu cực trong thi cử, cho tôi bài học về cuộc đấu tranh với cái xấu, cái tiêu cực. Sự hồn nhiên, thiếu kỹ năng chiến đấu thì không thể thắng cái xấu mà còn tự hại mình.

Sự sụp đổ của gia đình Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng (trong vụ án Vinalines) nhắc nhở quá nhiều điều về sự lẫn lộn công – tư, tình lẫn lý, cứu giúp và chết chung.

Đó là câu chuyện Dương Tự Trọng vẽ đường cho anh chạy trốn ra nước ngoài, để rồi cả 2 đứng trước vành móng ngựa.

Mục đích của anh khi ra cuốn sách này?

Nhà báo Lê Anh Đạt: Tôi tập hợp lại các tác phẩm tâm đắc, ghi nhớ những kỷ niệm hoạt động nghề nghiệp. Tiền bán sách, tiền tài trợ tôi dành xây trường cho học sinh bão lũ Hà Tĩnh. Dự án này tôi ấp ủ từ lâu.

Cảm ơn anh và chúc anh thành công!

Cao Nguyễn