Lê Hoàng: Đi cùng Thanh Lan và Đơn Dương, bộ dạng tôi chẳng ra gì

01/08/2013 07:37
Đỗ Tuyết (ghi)
(GDVN) - "Ở đâu có Đơn Dương, ở đấy có tưng bừng. Suốt ngày anh lùng bắt mọi người, xông vào từng phòng bất kể trai gái, lôi đi ăn uống, lôi đi nhảy nhót, lôi đi xem hoa hoặc lôi đi bất cứ chỗ nào không có bốn bức tường. Nằm thở dài hay vắt tay lên trán tư lự không khi nào là thế mạnh của Đơn Dương", Lê Hoàng viết về nam diễn viên tài hoa nhưng bi kịch nhất showbiz Việt trong tập "Sao trong mắt Lê Hoàng".
"Ngơ ngác đầu tiên là vì Đơn Dương là một chàng trai rất khỏe và đẹp. Anh cao tới một mét tám mươi là ít, hoàn toàn có vóc dáng của một nam tài tử lớn cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Khi đóng phim với một số diễn viên nước ngoài, Đơn Dương không hề có một chút thua kém về tầm vóc Á Đông như chúng ta vẫn thấy.
Ngơ ngác thứ hai là vì Đơn Dương có một cuộc sống rất sôi nổi. Chả ai và chả khi nào thấy anh trầm ngâm, lo lắng, cô đơn, ủ rũ, đăm chiêu. Anh không cười thì nói, không chạy thì nhảy, không ăn thì uống, không yêu thì ghét chứ chưa khi nào mơ màng, sầu não. Năng lượng của anh đủ dùng cho cả chục người. 
Tôi quen Đơn Dương từ lâu lắm rồi, lâu đến nỗi chả nhớ lần đầu tiên là lúc nào. Chỉ chắc chắn một điều khi ấy anh đã là diễn viên lớn, còn tôi là một kẻ chả ma nào biết trong điện ảnh. 
Câu nói ấy hoàn toàn thành thực, chả phải viết cho vui. Tôi còn nhớ như in trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ tám tổ chức ở Đà Nẵng tôi đi cùng nhiều đạo diễn, trong đó có Thanh Lan và Đơn Dương. Lúc ngồi ở một quán giải khát ai cũng được rót bia (bia hồi ấy to và quý lắm) nhưng tôi thì không vì nhìn bộ dạng chả ra gì, mặt mũi lại tối tăm. Thanh Lan nhìn tôi, nhìn Đơn Dương, thấy anh gật đầu bèn mang chai bia của mình đặt trước mặt Lê Hoàng, để Lê Hoàng cảm thấy mình cũng nghệ sĩ như ai. Mấy chục năm trôi qua tôi còn nhớ điều này, và khéo sẽ nhớ cho tới chết. 
Cũng trong liên hoan phim ấy, Đơn Dương bị mất túi quần áo. Hồi đó anh đã nổi tiếng đến mức vấn đề đấy trở thành sự kiện chính của “féc ti van” khiến thiên hạ cứ bàn tán mãi, cứ như những bộ quần áo của Đơn Dương là một bộ phim, chả ai biết phim hình sự hay phim tình cảm. 
Điều đặc biệt nhất ở Đơn Dương là hầu như anh không diễn ở ngoài đời. Nếu các ngôi sao điện ảnh khi thành danh sẽ chú ý tới tác phong, vẻ mặt, trang phục và làm dáng một cách công khai hoặc tinh vi ở nơi đông người thì Đơn Dương không khi nào như vậy. Anh cứ oang oang cứ ồn ào và cứ cười ha hả dù trên sân khấu hay ở ngoài chợ. Hình như anh sợ nhất sự nghiêm trọng. Có lần tới một đám tang, tôi đang cúi lạy xì xụp, mặt mũi cố làm ra vẻ hết sức đau buồn cho đúng thủ tục và đúng lễ nghi thì bỗng phát hiện ra Đơn Dương đang… ngoác miệng cười. Không phải anh vô tâm, mà sau đó anh thành thực bảo tôi: “Nhìn ông xì xụp, tôi không nhịn được”. Tôi công nhận anh nói đúng. Xì xụp khấn vái chả khi nào là thế mạnh của nghệ sĩ cả. 
Ở đâu có Đơn Dương, ở đấy có tưng bừng. Đã hai lần tôi cùng anh ra Hà Nội, một lần liên hoan phim, lần khác theo đoàn nghệ sĩ phía Nam được đài truyền hình đài thọ. Đơn Dương cứ sôi lên sùng sục. Suốt ngày anh lùng bắt mọi người, xông vào từng phòng bất kể trai gái, lôi đi ăn uống, lôi đi nhảy nhót, lôi đi xem hoa hoặc lôi đi bất cứ chỗ nào không có bốn bức tường. Nằm thở dài hay vắt tay lên trán tư lự không khi nào là thế mạnh của Đơn Dương. 
Về diễn xuất, anh là kẻ hiếm hoi đóng bộ đội cũng được, đóng giang hồ cũng được, đóng lái xe, đóng giáo sư, đóng nông dân cũng “ok”. Thế mới lạ lùng. Đôi mắt rất tinh nhanh, hàm răng trắng bóng, nước da bánh mật, anh có một ngoại hình tuyệt vời. Chả ai thắc mắc khi Đơn Dương có sức hút kỳ lạ với phụ nữ và với cả đàn ông. 
Nói tới những phụ nữ từng quen Đơn Dương là điều khá tế nhị, và tôi nghĩ mình không đủ thẩm quyền. Nhưng tôi có thể cam đoan họ mê anh không khi nào về tài sản hay về những lời giả dối ba hoa. Đơn Dương đáng yêu do sự nhiệt tình, tính hồn nhiên và sôi nổi. Có lần anh quen một thiếu nữ ở Hà Nội, cô ấy ra trạm điện thoại công cộng gọi vào máy di động của Đơn Dương trong Sài Gòn. Nói chuyện cả tiếng đồng hồ cô bước ra khỏi trạm thì đụng đầu với Đơn Dương chờ ở ngoài. Thì ra anh đã bay đến từ lúc nào. Hỏi thế thì không chết sao được!
Nếu tôi không nhầm, cho tới phút này cũng chưa ai thay thế anh một cách hoàn hảo. Lần cuối tôi gặp Đơn Dương khi anh chuẩn bị sang Mỹ dự lễ trao giải Oscar phim “Ba mùa” do anh đóng được đề cử. Tôi ghen tị quá, bèn xúc xiểm rằng khi lên đấy nếu đoạt giải phải mặc bộ “xì mốc kinh” có thắt nơ rất phức tạp. Đơn Dương cười hề hề, nói rằng tớ đã may rồi, cậu đừng lo. Chả hiểu sau đó anh còn dịp mặc nó lần nào nữa hay không nhưng mỗi khi xem chương trình ca nhạc Thúy Nga sau này, thấy Đơn Dương ngồi ở hàng ghế đầu, tôi đều ghen tị vì anh vẫn rất đẹp trai và mặc những bộ đồ cực sang. 
Tuy vẻ xuề xòa chiếm lĩnh cả bản thân, nhưng trong nghệ thuật Đơn Dương nghiêm túc đến kinh hoàng. Phim “Chùa Đàn” của đạo diễn Việt Linh, Đơn Dương thử vai một nghệ nhân đánh đàn và chả hiểu anh học lúc nào mà đánh hay đến mê mẩn. Cho tới nay, đó vẫn là một trường đoạn nằm trong số đẹp nhất của điện ảnh Việt Nam. Tôi tin chắc như thế!".
Đỗ Tuyết (ghi)