Lưu ý cách bày mâm ngũ quả theo phong tục 3 miền Bắc, Trung, Nam

26/01/2017 07:11
THẠC SĨ LƯƠNG ĐỨC HIỂN
(GDVN) - Mâm ngũ qủa tượng trưng cho vạn vật dung hòa cùng trời đất, gồm 5 màu khác nhau: Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng.

Từ giữa tháng Chạp âm lịch trở đi, mọi gia đình lại tất bật chuẩn bị những công việc để đón Tết.

Bên cạnh những việc cần phải làm như dọn dẹp nhà cửa, sắm đồ mới, chọn đồ biếu tết, mua cúng đồ tết… thì sự chuẩn bị mâm ngũ quả cũng rất quan trọng, vì nó thể hiện mong ước của gia chủ trong năm mới.

Nguồn gốc ý nghĩa của mâm ngũ quả

Tục lệ ngày Tết các gia đình bày biện mâm ngũ quả có từ bao giờ, thì chưa có sách nào chép lại. Tuy nhiên theo quan niệm dân gian, mâm ngũ quả phải đầy đủ các yếu tố “năm” trong Ngũ Hành.

Mâm ngũ quả. Ảnh minh họa đăng trên báo điện tử Vietnamnet.vn.
Mâm ngũ quả. Ảnh minh họa đăng trên báo điện tử Vietnamnet.vn.

Đó tượng trưng cho vạn vật dung hòa cùng trời đất, với năm màu sắc khác nhau: Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng.

Ngoài ra “ngũ” còn thể hiện ước muốn của người Việt đạt được ngũ phúc lâm môn: Phúc - Quý - Thọ - Khang - Ninh.

Theo quan niệm số 5 còn là số lẻ tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi, nảy nở.

Các loại quả thường được bày biện trong mâm

Gọi là ngũ quả nhưng thật ra chẳng ai rõ quy định là những loại quả gì mà tùy từng địa phương với đặc trưng về khí hậu, sản vật và quan niệm riêng mà người ta chọn ra các loại quả khác nhau để bày mâm ngũ quả.

Chuối: Tượng trưng cho con cháu sum vầy, quây quần, đầm ấm, giống như bàn tay ngửa ra hứng lấy may mắn, bao bọc và chở che.

Phật thủ: Bàn tay đức Phật luôn che chở cho con người.

Quả lê hoặc dưa lê: Tượng trưng cho sự thành đạt, thăng tiến.

Cam, quýt: Tượng trưng cho sự thành đạt.

Lựu: Nhiều hạt, tượng trưng cho con đàn cháu đống.

Đào: Thể hiện sự thăng tiến.

Táo: Tượng trưng cho sự phú quý, giàu sang.

Thanh long: Rồng mây hội tụ, thể hiện sự phát tài phát lộc.

Bưởi, Dưa hấu: Căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn.

Quả trứng gà: Giống như quả đào tiên là lộc trời cho.

Sung: Gắn với biểu tượng sung túc, đầy đủ về của cải tiền bạc; sung mãn về sức khỏe.

Đu đủ: Biểu trưng cho sự thịnh vượng, dư giả, đủ đầy.

Xoài (phát âm giống như “xài”): Cầu mong cho việc tiêu xài không thiếu thốn.

Mâm ngũ quả của miền Bắc - Trung - Nam

Miền Bắc: Theo quan niệm, trên mâm ngũ quả thường phải đầy đủ các yếu tố Ngũ hành, với những sắc màu riêng.

Mỗi loại quả phải thể hiện được những sắc màu may mắn của ngày Tết; nhưng chủ yếu là 5 loại quả: Chuối -bưởi (phật thủ) - đào (quả trứng gà) - hồng - quất (quýt).

Đầu tiên và chủ đạo trên mâm phải là chuối (màu xanh) - hành mộc, ứng với mùa Xuân.

Nải chuối như bàn tay ngửa xòe rộng, hứng lấy những tinh túy của mùa Xuân, mang sự ngọt ngào.

Thứ hai là bưởi vàng (hoặc phật thủ) hành thổ được đặt ở giữa nải chuối, với ý nghĩa lộc trời ban cho, mang lại điềm may mắn.

Tiếp theo, ba loại quả khác có (màu đỏ) - hành hỏa, tương ứng với mùa Hạ là hồng, quất, trứng gà…; màu trắng - hành kim, tương ứng với mùa thu là roi, đào; màu đen - hành thủy, tương ứng với mùa Đông, là mận, hồng xiêm.

Mâm ngũ quả thể hiện sinh động ý nghĩa triết học - tín ngưỡng - thẩm mỹ, đồng thời cũng chứa đựng ước vọng của con người.

Miền Nam: Khác với người miền Bắc, mâm ngũ quả được người miền Nam rất coi trọng và có sự kiêng kỵ. Trên mâm, không bao giờ có hai thứ quả chuối và cam.

Vì theo cách đọc thì chuối có cách phát âm gần với từ “chúi” - thể hiện sự nguy khó; và người ta kiêng bày cam vì “quýt làm cam chịu”.

Quan niệm của họ là mâm ngũ quả phải thể hiện mong muốn “Cầu sung vừa đủ xài” tương ứng 5 loại quả: Mãng cầu (cầu) - Sung - Dừa (vừa) - Đu đủ (đủ) - Xoài (xài).

Ngoài ra con có thêm trái ba thơm (dứa) thể hiện sự vững vàng. Đặc biệt, không thể thiếu cặp dưa hấu ruột đỏ, vỏ xanh, tượng trưng cho lòng trung nghĩa và trinh tiết của người phương Nam.

Miền Trung: Mảnh đất miền Trung là nơi giao thoa văn hóa hai miền Bắc - Nam, nên mâm ngũ quả thường có đủ các thứ quả của hai miền: chuối, bưởi, mãng cầu, đu đủ, xoài, sung, quýt…Rất phong phú và đa dạng.

Quan niệm người miền Trung không câu lệ hình thức, ý nghĩa mâm ngũ quả; chủ yếu có gì thì bày biện và cúng nấy, xuất phát chủ yếu là sự thành kính của gia đình cùng con cháu lên tổ tiên.

Tuy mỗi miền mỗi khác, nhưng mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày Tết vẫn là nơi hội tụ của hồn quả, hương cây, của nét văn hóa dân tộc và ý nguyện cầu hòa -  an -  đủ mà người dân Việt Nam gửi gắm.

Tài liệu tham khảo:

1. http://baodautu.vn/y-nghia-mam-ngu-qua-trong-ngay-tet-d11722.html

2. www.vietnamplus.vn/y-nghia-cua-mam-ngu-qua-trong-ngay-tet-co.../79006.vnp

3.http://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/to-am/y-nghia-tung-loai-tren-mam-ngu-qua-ngay-tet-2946309.html

THẠC SĨ LƯƠNG ĐỨC HIỂN