“Mỹ thuật Việt Nam và ngoại giao văn hóa" xuất phát từ một hội thảo giáo dục

22/04/2017 14:24
Tin, ảnh: Tuệ Anh
(GDVN) - Xuất phát từ một cuộc hội thảo về giáo dục, chương trình “Mỹ thuật Việt Nam và ngoại giao văn hóa” đã lan tỏa từ trong nước ra ngoài nước.

Trong một cuộc hội thảo quốc tế về Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Giáo dục tại khu nghỉ dưỡng Hồ Tràm ở Bà Rịa - Vũng Tàu do Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam (AVUC) tổ chức có sự tham gia của một nhóm các giảng viên các trường đại học Mỹ thuật Việt Nam. 

Nhìn những bức tranh rất đẹp và hoành tráng của các họa sỹ trong đoàn đang trưng bày ở khách sạn, chị Đào Liên Hương – Trưởng ban Hợp tác Quốc tế của AVUC thấy rất ấn tượng.

Rồi trên đường lên Tây Nguyên làm từ thiện xây một khu nội trú cho một trường học ở Gia Lai, chị Hương và cả nhóm họa sỹ đã suy nghĩ, bàn bạc về việc treo những bức tranh tại các Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài.

Nhóm họa sỹ - chủ yếu là các giảng viên của Trường Mỹ thuật Việt Nam và các trường Mỹ thuật ở Hà Nội đã nhiệt tình ủng hộ ý tưởng quyên góp tranh để làm đẹp các văn phòng đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.

Chương trình “Mỹ thuật Việt Nam và ngoại giao văn hóa” nhận được sự ủng hộ của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Chương trình “Mỹ thuật Việt Nam và ngoại giao văn hóa” nhận được sự ủng hộ của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Được sự ủng hộ của Đại sứ Phạm Sanh Châu và Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO – Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có một cuộc gặp gỡ với nhóm họa sỹ. 

Phó Thủ tướng rất hoan nghênh ý tưởng và đóng góp của các họa sỹ trong điều kiện kinh tế còn eo hẹp của Nhà nước.

Trang web “Mỹ thuật Việt Nam và ngoại giao văn hóa” ngay lập tức được hình thành để làm cầu nối giứa các Đại sứ/ Tổng Lãnh sự và các họa sỹ trong nước. 

Các họa sỹ đã gửi lên đây những bức tranh họ dự kiến tặng cho chương trình và đáp lại các Đại sứ/Tổng Lãnh sự cũng bình luận và lựa chọn những bức họ thấy yêu thích và thích hợp với văn hóa sở tại.

Chỉ sau một tháng, chương trình đã nhận được 68 bức tranh từ 31 họa sỹ. 

Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO đã lập Hội đồng kiểm định chất lượng tranh, bao gồm: Họa sỹ Trần Khánh Chương – Chủ tịch Hội Mỹ Thuật Việt Nam, ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm của Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch, ông Lê Anh Vân – nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Các thầy trong Hội đồng thẩm định làm việc rất nghiêm túc và đánh giá cao tinh thần của các họa sỹ cũng như chất lượng của các bức tranh. 

Hơn 60 bức tranh đã đạt chất lượng được chọn, các thầy đề nghị sửa lại một số bức để đạt ngưỡng “mang chuông đi đánh xứ người” và chọn ra 6 bức đầu tiên mang sang Trung Quốc theo Đoàn cấp cao của Chính Phủ do Phó Thủ tướng, Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu.

Ngày 15/4, đoàn đại diện cho các họa sỹ Việt Nam gồm: Họa sỹ Nguyễn Văn Đức, Họa sỹ Mai Xuân Oanh, Họa sỹ Vũ Dũng, Họa sỹ Ngô Bình Nhi và nhiếp ảnh gia Nguyễn Tiến Hưng và Trưởng ban vận động Đào Liên Hương đã lên đường sang Bắc Kinh mang theo 6 bức tranh đã được lựa chọn.

Ngày 16/4/2017, chương trình “Mỹ thuật Việt Nam và ngoại giao văn hóa” đã chính thức được Phó Thủ tướng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khởi động tại Sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh. 

Buổi lễ bàn giao tranh được tổ chức rất trọng thể với sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và toàn bộ lãnh đạo cấp cao của 10 Bộ và lãnh đạo của 7 tỉnh tham gia đoàn.  

Đích thân Phó Thủ tướng chọn mua một bức tranh để làm quà tặng cho Đại sứ quán, đó là bức “Xuân về” của họa sỹ Nguyễn Văn Đức.

Nhờ sự thu xếp của Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, các họa sỹ Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ với Ủy Ban hợp tác giao lưu văn hóa với nước ngoài của Trung Quốc. 

Phía bạn đã mời một nhóm các nhiếp ảnh gia Việt Nam sang Trung Quốc đi chụp các danh lam thắng cảnh của Trung Quốc để tổ chức một triển lãm ảnh Trung Quốc tại Hà Nội nhân dịp Hội nghị APEC 11/2017. 

Đoàn Việt Nam cũng chính thức mời một đoàn các họa sỹ Trung Quốc sang trao đổi kinh nghiệm và vẽ giao lưu với các họa sỹ Việt Nam để chọn ra một số bức tranh đẹp tham gia triển lãm tranh chào mừng APEC tại Thành phố Đà Nẵng. 

Về hợp tác Giáo dục, đoàn cũng đã mời các trường đại học Trung Quốc sang tham dự hội thảo quốc tế về liên kết đào tạo tại Đà Nẵng vào ngày 7, 8 tháng 7.

Kể từ đây, Mỹ thuật Việt Nam đã đồng hành cùng Ngoại giao nước nhà. Đây là sự hỗ trợ hai chiều rất có ý nghĩa.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh rất hoan nghênh ý tưởng và đóng góp của các họa sỹ trong điều kiện kinh tế còn eo hẹp của Nhà nước.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh rất hoan nghênh ý tưởng và đóng góp của các họa sỹ trong điều kiện kinh tế còn eo hẹp của Nhà nước.

Nhiều Đại sứ/Tổng Lãnh sự đã đưa ra nhiều sáng kiến khác nhau để hỗ trợ, quảng bá Mỹ thuật Việt Nam ra nước ngoài.

Đại sứ Việt Nam tại Myanmar đã ngay lập tức mời một đoàn 12 họa sỹ Việt Nam sang tham gia triển lãm tranh tại Tuần lễ Văn hóa Việt Nam tại Myanmar (23-27/5) toàn bộ chi phí do Sứ quán Việt Nam đài thọ.

Sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Đức, Indonesia, Hà Lan… cũng mong muốn mời các họa sỹ có tranh tặng Sứ quán sang làm lễ bàn giao tranh nhân dịp có chuyên cơ của lãnh đạo cấp cao sang Sứ quán trong năm nay.

Sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển, Hy Lạp, Séc... thì lại muốn mời các họa sỹ gửi tranh sang để giúp giới thiệu tranh cho các thị trường mới này.

Và còn rất nhiều các đại sứ cũng mong muốn được tham gia vào chương trình hợp tác với các họa sỹ Việt Nam nữa. 

Trong tuần sau, chị Đào Liên Hương – Trưởng ban vận động của chương trình sẽ bay sang Hy Lạp và Đức để gặp gỡ các Đại sứ Việt Nam tại các nước này để chuẩn bị cho các hoạt động tiếp theo.

Ban vận động cũng đã gửi đề xuất tới Ủy ban quốc gia APEC và đã được Phó Thủ tướng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ủng hộ nhiệt liệt:

1. Tổ chức triển lãm tranh tại Đà Nẵng nhân dịp Hội nghị APEC 2017 tại Việt Nam (có kết hợp tranh của một số họa sỹ các nước thành viên APEC) để giới thiệu cho thế giới một Việt Nam rộng mở và kết nối về nghệ thuật.

2. Vẽ chân dung các nguyên thủ quốc gia sang dự APEC 2017 làm quà tặng cho họ.

3. Trang trí sân bay Đà Nẵng thành một khu rừng nhiệt đới để đón chào khách.

4. In khăn lụa từ những bức tranh đẹp của Việt Nam làm quà tặng cho các đại biểu tới dự hội nghị.

Từ một cuộc hội thảo về giáo dục, chương trình “Mỹ thuật Việt Nam và ngoại giao văn hóa” đã lan tỏa từ trong nước ra ngoài nước. Hội nhập giáo dục và văn hóa vậy là cũng rất gần nhau.

Tin, ảnh: Tuệ Anh