NSND Nguyễn Thước: 30 năm làm phim và 'cú phốt' với cô bé 'bụi đời'

22/07/2014 08:19
DIỆP ANH
(GDVN) - Chuyện xảy ra với cô bé 'bụi đời' khi đang ngồi cà phê ở Sài Gòn có lẽ là một 'cú phốt' không thể nào quên trong suốt 30 làm nghề của NSND Nguyễn Thước.

Gặp Đạo diễn –NSND Nguyễn Thước thời điểm này quả thật rất khó khăn. Khó khăn bởi lẽ ông là một người vốn tham công tiếc việc nên cứ lu bù với những bộ phim tài liệu của mình, hơn nữa vốn tự nhận là người “nhạt” với công chúng, chả có chuyện gì để kể về bản thân nên ông ngại lên báo lắm.

Nhưng để nói về công việc làm phim tài liệu của ông thì “vô tư”, bởi chạm đến lĩnh vực phim tài liệu là chạm đến thế giới của ông, tôn chỉ sống của ông, đam mê mà ông cả đời đau đáu.

"Giải thưởng chưa bao giờ là đích" 

Là dân quay phim thứ thiệt (NSND Nguyễn Thước tốt nghiệp khóa quay phim điện ảnh tại trường Đại học Sân khấu Điện Ảnh cùng với Đạo diễn Lê Hoàng) nhưng nỗi đam mê được bày tỏ quan điểm của cá nhân sau ống kính đã thôi thúc ông trở thành một đạo diễn, mà phải là đạo diễn phim tài liệu, nơi ông có thể nhìn nhận mọi vấn đề cuộc sống thông qua lăng kính của mình một cách chân thực và khách quan nhất.

Nguyễn Thước không muốn đào xới lại chuyện đã xảy ra với biên kịch Phan Huyền Thư.
Nguyễn Thước không muốn đào xới lại chuyện đã xảy ra với biên kịch Phan Huyền Thư.

Nguyễn Thước chia sẻ: “Không như các thể loại phim khác, người làm phim tài liệu đòi hỏi phải có vốn sống, sự hiểu biết, trí thức rồi mới đến tài năng. Một vấn đề nhức nhối được dư luận xã hội quan tâm, anh phải suy nghĩ, triển khai sao cho vấn đề đó khi lên phim phải chân thực, người thật việc thật, khách quan và nhân văn. Đó là cái khó khi làm phim tài liệu”.

Chọn một thể loại phim rất “khó nhằn” để theo đuổi bằng tất cả đam mê của mình, và Nguyễn Thước đã thành công với nhiều tác phẩm để đời: Giải quay phim xuất sắc nhất với bộ phim “Dòng sông ánh sáng” của cố đạo diễn NSND Nguyễn Mạnh Thích, tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ X (1993); giải Bông sen Vàng ở thể lọai phim tài liệu tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16(2009) với phim “Đất lạnh”; “Cuộc gặp gỡ sau 30 năm”; “Những công dân thời @”; “Chất xám”; “Sự nhọc nhằn của cát”; “Nếu chỉ còn một ngày để sống”...và nhiều giải thưởng ở những bộ phim khác.

Tự nhận mình là người có duyên với các giải thưởng nhưng vị đạo diễn cho rằng, giải thưởng chưa bao giờ là đích cuối cùng ông hướng tới, nhưng nó là sự khích lệ giúp ông tự tin hơn.

Nhắc đến cụm ba tác phẩm “Những công dân thời @”, “Chất xám”, “Sự nhọc nhằn của cát” mà ông cộng tác với hai biên kịch Phan Huyền Thư và Phan Thanh Tú, nét mặt ông thoáng buồn.

Tuy vậy, như bản tính hiền lành cố hữu của mình, Nguyễn Thước chỉ nhẹ nhàng: “Chuyện qua đã lâu tôi không muốn đào xới, nhưng bất kì một bộ phim nào trên thế giới thì tác giả của nó phải là đạo diễn, không ai đem con chữ (kịch bản - PV) của mình ra “trình chiếu” rồi bảo đó là “phim” cả.

Kịch bản là văn chương, thể hiện bằng con chữ của biên kịch, còn việc thể hiện “con chữ” đó thành hình ảnh cụ thể, để khán giả có thể “xem” chứ không phải “đọc” thì đó là công việc của một đạo diễn.

Nhìn chung, qua sự việc đó, tôi cũng rút kinh nghiệm cho bản thân và với sinh viên của tôi là hãy chủ động trong việc viết kịch bản để tự chủ hơn trong việc làm phim”.

Ông bảo: "Người làm phim tài liệu chúng tôi đọc và theo dõi báo chí rất nhiều và không ít những tác phẩm có ý tưởng bắt đầu từ một bài báo. Ví dụ, từ một bài báo nhỏ, anh Bùi Thạc Chuyên đã nảy ra ý định làm phim tài liệu "Tay đào đất" rất được chú ý.

Sau đó, nhờ được tiền giải thưởng từ phim tài liệu này, anh Chuyên lại tiếp tục khai thác, phát triển nó thành phim truyện "Sống trong sợ hãi" rất nổi tiếng trong thời gian qua.

Với riêng cá nhân tôi thì ý tưởng làm phim đến theo nhiều cách. Có thể là có một kịch bản hay của một nhà biên kịch, mình đọc, mình thấy tâm huyết, thấy thích thì mình làm.

Hoặc có thể là mình đọc báo, theo dõi một vấn đề nào đó, mình có ý thức tích lũy tư liệu, rồi tự viết kịch bản và lăn lộn làm phim. Nói chung, mình chỉ có thể làm một bộ phim khi mình say sưa, đau đáu với câu chuyện của nó”.

Chuyện bên lề

“Ở đâu cũng có lòng tự trọng!” đó là điều mà Nguyễn Thước rút ra sau câu chuyện với cô bé bán vé số
“Ở đâu cũng có lòng tự trọng!” đó là điều mà Nguyễn Thước rút ra sau câu chuyện với cô bé bán vé số

Chia sẻ về quãng đường làm phim tài liệu hơn 30 chục năm của mình, đạo diễn trầm ngâm nghĩ về những “cú phốt” trong khi làm phim nhưng rồi ông bảo: “Thôi, kể chuyện bên lề đi...”.

Và ông kể, có một lần ông ngồi uống cafe ở Sài Gòn, có cô bé bụi đời cứ mè nheo kêu ông mua vé số dùm. Ông nhìn cô bé thấy vẻ ngoài rất thảm thương: quần áo cũ nhàu, rách mướp, chân dép tổ ong mòn đế...nên ông thương cảm rút ít tiền ra cho cô bé: “Bác không mua vé số đâu nhưng bác cho con tiền này!”.

Những tưởng như bao đứa trẻ bụi đời khác, cô bé sẽ cảm ơn và rời đi nhưng không ngờ cô bé ném mấy tờ tiền ông cho xuống đất và bảo: “Tôi bán vé số chứ không phải ăn xin nghe ông!” rồi bỏ đi làm ông và mấy người bạn rất bất ngờ. Ông chia sẻ: “Ở đâu cũng có lòng tự trọng!” đó là điều mà ông rút ra sau câu chuyện đó.

“Lòng tự trọng” vốn là một thứ xa xỉ và đáng trọng ở mọi thời. Với Nguyễn Thước, làm người phải giữ tự trọng là lẽ đương nhiên, nhưng làm phim cũng phải giữ được “lòng tự trọng’ mới khó, mới cần làm.

“Tự trọng” ở đây là thái độ của bản thân trước một vấn đề của xã hội mà mình đang muốn bấm máy, phải công tư phân minh, phải chân thực khách quan, không vì lí do gì mà làm sai lệch đi bản chất vốn có của sự việc, ấy là “lòng tự trọng” của một nhà làm phim tài liệu.

“Nếu chỉ còn một ngày để sống” là một bộ phim đầy “tự trọng” như thế. Phim kể về ba anh thanh niên ở Hà Đông phải sống oan sai hơn 10 năm trong tù, một người sau đó đã mắc HIV trong trại giam.

Câu chuyện đau thương đã có một kết thúc có hậu khi chàng trai đó đã được một người con gái ngỏ lời yêu và kết hôn cách đây vài năm.

Phim không nói đến cái đúng hay sai của vụ án, mà lay động lòng người bởi chất nhân văn trong phim, “đến lúc tuyệt vọng nhất hãy vẫn cứ không ngừng hi vọng, ánh sáng nhất định sẽ có ở cuối đường hầm” là một trong những thông điệp được khán giả đón nhận.

Thái độ khi làm nghề là một vấn đề được đạo diễn Nguyễn Thước lấy làm kim chỉ nam để răn mình và những học trò của mình tại Trường Đại học Sân Khấu Điện Ảnh Hà Nội. Ông cho tôi xem một bộ phim của một nhà làm phim độc lập nói về những kẻ giết hại thú rừng, trong đó có nhiều cận cảnh quay giết hại khỉ rất dã man, ông hỏi tôi cảm giác thế nào?  Tôi trả lời thành thật: “Chân thực nhưng mà dã man quá ạ!”.

Nguyễn Thước trầm ngâm: “Đó chính là vấn đề của phim. Phim làm để bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ hệ sinh thái mà lại có những cảnh giết hại thú vật quá dã man thế này thì  tính nhân văn của phim ở đâu?”.

Đạo diễn nói: “Phim tài liệu luôn phản ánh chân thực cuộc sống nhưng phải thực sự khách quan và nhân văn, nếu thiếu khách quan và nhân văn thì đó không phải là một bộ phim tài liệu”.

Sống với tôn chỉ làm nghề như thế, Nguyễn Thước không ngại lăn xả vào những vấn đề nổi cộm, gai góc của cuộc sống để làm những bộ phim hay, phục vụ cho công chúng, điều đó đáng giá hơn mọi thứ giải thưởng trên đời. 

Dù đôi khi, ông  rất buồn khi phần nhiều khán giả hiện nay không mặn mà với thể loại phim này, nhưng với đạo diễn - NSND Nguyễn Thước “được sống để làm những gì mình muốn là một hạnh phúc không phải ai cũng có, và nếu có kiếp sau tôi vẫn chọn con đường trở thành nhà làm phim tài liệu”.

DIỆP ANH