NSƯT Chí Trung: Thời này, điều tử tế không bán được

10/06/2013 07:08
Theo Mốt & Cuộc sống
Nổi tiếng với vai diễn Romeo ngay từ thời còn đi học cho đến khi tóc muối tiêu lại đóng đinh trong lòng khán giả hình ảnh ông Táo Giao thông “nói mà chẳng ngán ai”, NSƯT Chí Trung có lúc lãng mạn bay bổng cùng cái đầu lạnh và đủ tỉnh táo để... thăng hoa, nhưng cũng thừa nhận mình “thực dụng và thích tiền”. Người tự bảo mình “không tốt lắm đâu” ngậm ngùi nói: Thời này “những điều tử tế không bán được”.
Một ngày ngã vào vòng tay của nhau và từ đó không ra được

Nhìn ông đại tá về hưu ở vở kịch Nhà ôsin bụng phệ, người trần quấn mỗi chiếc khăn tắm đi đi lại lại trong nhà khiến cả lũ ôsin dạt hết sang bên, ít người nhớ rằng ông đại tá ấy, thời trẻ đã từng đóng vai Romeo lãng mạn, si tình. Bây giờ những điểm nhấn của Romeo ngày ấy, như là mái tóc đen mượt hay hàm ria con kiến trên gương mặt đẹp trai, đã nhường chỗ hết cho cái bụng phệ của cơ thể trọng lượng trên 80kg và nụ cười tỏa sáng trong vở kịch do chính nàng Juliet, Lê Khanh đạo diễn.

Với riêng danh hài Chí Trung, Nhà ôsin đánh dấu 15 năm trở lại với chính kịch, bởi từ những năm 1990 đến nay, anh chủ yếu diễn hài và trở thành tên tuổi ghi dấu trong khán giả cả nước là qua những vai hài châm biếm sâu cay. Vai hài đầu tiên anh đóng là vai Tạ Quay trong vở Trò đời của tác giả Nguyễn Quang Phục, lập tức được khán giả yêu thích. Những năm ấy, sân khấu phía Bắc có nhiều thay đổi. Khán giả từ những công dân hồn nhiên, suy nghĩ đơn giản, dễ tính với sân khấu và quan trọng nhất là mọi người cùng nhìn về một hướng, đã trở thành những đối tượng tiếp nhận có hướng nhìn khác nhau, có nhiều lựa chọn giải trí hơn, thị hiếu thay đổi và chính kịch không bán vé được nữa. Các vở chính kịch kinh điển, “tử tế”, phải nhường chỗ cho các vở hài để mang lại tiếng cười cho khán giả. Với anh, “những điều đúng không phải lúc nào cũng trình bày ra được, mà ông hoàng, bà chúa được phủ bằng áo bào để làm gì khi mặc quần đùi rách ở bên trong?”.

Chí Trung và diễn viên Ngọc Huyền.
Chí Trung và diễn viên Ngọc Huyền.

Thời điểm đó, Chí Trung đã kết hôn và có con đầu lòng. Anh thường đùa, lấy vợ xong thay đổi chế độ ăn, trước đó ăn tập thể với anh em, sau được vợ nấu riêng, thích gì ăn nấy, nên phát phì ra không đóng chính kịch được. Nhưng đó có lẽ là lý do phụ.

Ngày ấy, nhiều nghệ sĩ cũng phải lăn lưng kiếm sống, nhưng không phải ai cũng dám đứng ra chợ trời như anh. Vợ không có sữa, hai vợ chồng anh phải chạy từng hộp sữa cho con. Ban ngày, anh cùng anh em trong đoàn tập luyện, buổi tối diễn, ban đêm ép săm lốp ôtô cũ thành săm lốp xe thồ rồi bán lấy tiền. Cái đói làm cho người ta quên cả giấc ngủ, hay nói như Chí Trung: “Tôi không thể mang thoại của Romeo về nhét vào mồm cháu”. Anh cần phải kiếm sống và luôn tự hào vì mình có thể có hai bản ngã riêng biệt: đi buôn và làm Romeo. Chí Trung đường hoàng buôn xe máy, không bao giờ giấu giếm. Chính những ngày tháng nghèo khổ ấy trở thành động lực phấn đấu của anh, để lại cho anh những kinh nghiệm nhất định, sau này anh biết cách làm nghệ thuật sinh lời và cũng mang lại niềm vui cho khán giả.

Lúc nào Chí Trung cũng tự nhận mình “thực dụng” và không ngần ngại nói thẳng: “Tôi thích tiền”. Ở đằng sau sự thực dụng đó là một cái đầu luôn luôn tỉnh táo dù anh làm diễn viên, thương nhân, hay quản lý hành chính. Chí Trung tâm sự: “Mọi người cứ nghĩ đóng Romeo thì phải lơ lửng cả ngày. Không có đâu! Tôi rành mạch lắm. Tôi ôm chị Khanh, chị Huyền trên sân khấu mà ở dưới khán giả làm gì tôi cũng biết”. Có lẽ nhờ sự rạch ròi đó mà cuộc hôn nhân của anh với diễn viên Ngọc Huyền kéo dài đã 27 năm (chưa kể 7, 8 năm yêu nhau) và anh chị được coi là “cặp đôi lý tưởng” của làng nghệ sĩ. Hóa ra để lãng mạn bay bổng được, người ta cần có một cái đầu rất lạnh và Chí Trung là người nghệ sĩ đủ tỉnh táo để thăng hoa.

Anh chị quen nhau từ lúc 17, 18 tuổi thì có nhiều chuyện để kể đây (cười).

(Cười) Tôi thực dụng lắm, không có kỷ niệm đẹp. Tôi với cô ấy đúng là thiên mệnh. Tôi là trai mùng một, cô ấy là gái đêm rằm. Ngày xưa có thích nhau đâu, tôi thì rất vênh váo, cô ấy thì xấu như ma, có xinh như bây giờ đâu. Cô ấy bảo không biết thằng đấy là thằng nào mà nhiều cô để ý. Tôi thì thấy nhiều cô mình chinh phục được, riêng cô này không được thì tức. Rồi một ngày ngã vào vòng tay của nhau và từ đó không ra được nữa.

Tôi thấy anh hay đưa hình vợ lên Facebook, hẳn anh yêu vợ lắm?

Chúng tôi có một luật bất thành văn: về nhà không nói chuyện nghệ thuật, không ông hoàng bà chúa, không ngôi sao nào cả. Đừng có mơ mộng giữa ảo và thực. Cuộc sống không tránh khỏi sự đụng chạm, chúng tôi không phải là thánh, có điều tình yêu giữa hai người cao hơn tất cả. Có những lúc chúng tôi phải dùng đến nghĩa để sống với nhau... nốt tuần lễ giận dỗi đó!

Cho đến bây giờ kết hôn đã 27 năm, tôi không hiểu sao lại vượt qua được ngần ấy thứ. Bảo làm lại từ đầu chưa chắc làm được hay như thế. Tôi cũng không phải người tốt lắm, nói thật: tôi được như ngày nay hoàn toàn là do tình yêu của cô ấy. Cô ấy rất tốt, hy sinh tất cả cho chồng con và không yêu ai khác ngoài tôi. Tôi không muốn phụ cái tốt của cô ấy.

Tôi rất sợ ngày tận thế, tôi bảo vợ nếu không tận thế thì muốn gì cũng chiều, vợ bảo thích đi du lịch. Thế là hai vợ chồng với con trai sang Mỹ chơi, còn con gái và con rể đã ở đó sẵn rồi. Chúng tôi sẽ có 21 ngày đi thăm 7 thành phố lớn, cũng xót ruột vì ở nhà công việc nhiều lắm (cười).

Ồ, đi chơi dài ngày vậy chắc là thu nhập của nghệ sĩ hài rất cao (nhất là anh diễn viên kiêm cả đạo diễn, tác giả kịch bản)?

Đạo diễn với tác giả không có, tại vì vé bán được ít, tiền chia cho diễn viên chứ hơi đâu mà chia cho bộ phận sáng tác nữa. Ví dụ vai ông đại tá trong vở Nhà ôsin, cứ mỗi lần xuất hiện là tôi được trả 200.000 đồng, cộng với 140.000 đồng tiền NSƯT. Số tiền đó nhà hát bù lỗ gần chết, vì có bán được đâu, “những điều tử tế không bán được”. Còn đúng theo quy định của Nhà nước là 70.000 đồng, mà trước đó nữa là 30.000 đồng/người. Mỗi tối diễn được 8 triệu đồng thì trả cho địa điểm 4 triệu, còn 4 triệu chia cho gần 40 người, mỗi người chỉ được 100 - 150.000 đồng chứ bao nhiêu.

35 năm trong nghề, mỗi buổi tối xuất hiện được 200 - 300.000 đồng, ít hơn bà bán trà đá vỉa hè?

Thế thì phải nhìn vào gương và tự hỏi, có được thành công này, danh tiếng này, có được vị trí này trong lòng khán giả, có lúc ký được 20.000USD (khoảng 400 triệu đồng) tiền quảng cáo thì từ đâu mà ra?

Mèo trắng, mèo đen không quan trọng, quan trọng là bắt được chuột

Là con trai NSND hát Opera - Phạm Quý Dương, các chị em trong nhà cũng theo nghiệp âm nhạc, điều gì khiến anh lại rẽ qua sân khấu?

Hồi bé bố tôi cũng cho đi học violon, tôi tựa đầu vào tủ vừa kéo vừa ngủ gật, cứ thế lê lết suốt 4 năm trời, bây giờ chỉ còn phân biệt được mấy bộ phận của đàn gọi tên là cái gì thôi. Lần khác cho tôi đi luyện thanh, tôi đứng nhắm mắt há mồm “mò o o o o...” một lúc, đến khi quay ra đã thấy vị giáo sư đi từ bao giờ rồi. Người ta thấy tôi không có khả năng phát triển âm nhạc.

Bây giờ chị tôi đi dạy đàn, em tôi cũng làm giảng viên piano. Nhưng ai cũng biết là nhạc công rất nghèo. Cực nghèo! Mà tôi thì không chịu được nghèo, tôi thích tiền lắm. Tôi lại học dốt, thế thì đành đi làm diễn viên (cười). Bây giờ khi có người mới vào nhà hát, tôi hỏi: chú học dốt không, nếu dốt thì được. Tôi vẫn khẳng định một trong những khả năng trở thành diễn viên giỏi, phải là thằng học dốt!

Anh khác với mong đợi của ông cụ?

Chúng tôi cách xa nhau nhiều. Bố tôi có hai cuộc hôn nhân, bố nuôi con của bố, cuộc sống vất vả, chúng tôi ít khi gặp nhau, chứ giận thì chẳng giận. Tính cách tôi độc lập, không có chuyện hàng ngày xin ý kiến, dù là với bố hay với mẹ. Ai cũng nói tôi là bản sao của bố, bản sao cả cái tốt và cái xấu. Cái tốt là chúng tôi coi nhẹ cường quyền, yêu lao động, biết đánh giá sức lao động của người khác và trân trọng sức lao động của chính mình. Chúng tôi coi nhẹ những hư danh, chức vị làm khổ mình, không nịnh nọt, không biếu xén, lobby (quan hệ bên ngoài). Còn cái xấu thì tôi không muốn nhắc lại.

Ở đoàn, bây giờ là nhà hát, không có chuyện Tết nhất lũ lượt “đám cưới chuột” gì hết. Có khi có người mới xin vào nhà hát, bố mẹ lễ mễ mang quà đến, tôi trả cho tất, nhưng họ cứ để lại. Tôi mang ra giữa nhà hát cho mọi người, bảo: “Đây là quà của bố mẹ cậu X biếu, cả nhà chia nhau, nhưng X này, nếu mày mà kém tao vẫn đuổi như thường. Nghệ thuật chỉ có thể thực sự là mình thôi. Tao bao nhiêu năm vẫn thực là tao, chả bao giờ vì bố mày cho đoàn chai rượu mà mày tồn tại được đâu”.

Việc làm Phó Giám đốc Nhà hát, mọi người bảo đi cảm ơn này nọ, nhưng tôi không. Tôi nói thật đấy! Không phải vì tôi đã ngồi ở ghế rồi thì nói thế đâu.

Chị có thể thấy tôi phát ngôn thẳng thừng thì bảo tôi ngoa ngôn, nhưng nếu hiểu sâu thì sẽ biết tôi nói thật và tôi chịu trách nhiệm về lời nói của mình. Tôi không sợ cường quyền gì đâu.

Chính vì thế mà đạo diễn đưa anh vào vai Táo Giao thông, cho đến giờ cái tên gọi ấy vẫn rất đúng với tính cách của Chí Trung?

Thật ra, mọi người đang thần thánh hóa các diễn viên đóng Táo quân, trong đó có tôi. Đó lúc đầu là sự ngẫu nhiên qua lăng kính của NSND Khải Hưng và trợ lý đắc lực là anh Đỗ Thanh Hải, làm Gala cười, rồi Gặp nhau cuối tuần, Gặp nhau cuối năm, sau quá trình nhồi lắc thì thành ra sự định hình trong lòng khán giả.

Nhưng rõ ràng vai Táo Giao thông rất... nhạy cảm, khán giả Nam, Bắc yêu anh bởi cái hài hước, duyên ngay cả khi “rất nhạy cảm” ấy?

Tôi không phải người có duyên bẩm sinh như Xuân Bắc, Tự Long, mà chỉ có duyên rèn luyện, tôi ngoan người ta thương, đạo diễn thương giao vai, tác giả thương viết cho mình, khán giả thương họ xem mình. Nói một cách công tâm: vai Táo Giao thông thành công được không phải do công sức của tôi, cũng không phải do công sức của chương trình, mà do mong muốn của chính khán giả. Táo Giao thông thành công vì bạn có thể nhịn ăn, nhịn yêu, nhưng không ai nhịn đi được. Ai cũng phải tham gia giao thông và ai cũng muốn được an toàn.

Còn thì duyên hay không là ở góc nhìn của khán thính giả, ở thị hiếu người xem. Kiểu của tôi và một vài người nữa được gọi là hài trí tuệ, nếu gọi đẹp, còn không thì có khi họ gọi là hài thâm.

Tôi cũng được coi như một nghệ sĩ hài, nhưng nếu ra chợ diễn thì tôi không bao giờ bằng Quang Thắng, Vân Dung, Hiệp gà. Có một bộ phận khá đông khán giả cho rằng tôi diễn khô, không có duyên. Đấy! Đừng có tưởng! Tôi nhìn nhận rất chính xác. Những sự kiện ca nhạc “cỏ” nhỡ mời tôi là tôi nói ngay: bạn giả tiền, tôi sẵn sàng đi, nhưng tôi không phải cái tên “hot”, mặt tôi không phải mặt bán được vé đâu. Thế thì duyên hay không duyên là do công chúng, thôi thì mèo trắng mèo đen không quan trọng, quan trọng là bắt được chuột.

Chính kịch thường được tôn vinh còn hài kịch không được coi trọng?

Đó là lựa chọn. Chính kịch bây giờ bán không ai mua. Hài, MC và giám khảo là ba việc kiếm tiền dễ nhất. Còn các phim truyền hình với kịch chính luận, có thể hay, nhưng xem xong mấy ai nhớ về họ? Không như diễn viên hài, mọi người nhớ lắm, đi đâu cũng đều được ưu ái.

Chị cứ hỏi xem Vân Dung có buồn không khi không phải là Lê Khanh, Quang Thắng có buồn không khi không phải là Trần Tường? Chả ai buồn.

Chúng tôi đã có sự trân trọng trong lòng khán giả, chứ không cần danh hiệu. Nghệ sĩ hài chúng tôi có một luật bất thành văn là không đòi hỏi.

Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Chí Trung sinh năm 1961, tại Hà Nội. Anh là con trai trưởng của NSND Phạm Quý Dương, nguyên Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, là giảng viên thanh nhạc đầu tiên của Nhạc viện Hà Nội. Năm 17 tuổi, Chí Trung nộp đơn thi vào Nhà hát Tuổi Trẻ. Anh đã đóng nhiều vai từ chính kịch tới hài kịch, phim ảnh và gần đây nhất là vai

 Gặp nhau cuối năm

Chí Trung bây giờ là một hot facebooker:

Tôi chơi vẫn liên tục nhả thơ trên Facebook cứ 2-3 tiếng một lần, bạn bè lẫn người quan tâm lên đến 63.000 người. Tôi có chia khu, chia giờ hẳn hoi. Sáng vài câu thơ thời tiết. 9, 10h, chuyện công việc. 2h chiều, để mọi người tỉnh ngủ thì có ảnh vui, vài lời bình chua cay. Tầm 4, 5h chiều, báo lịch diễn. Buổi tối mạn đàm sự kiện trong ngày. 11, 12h đêm thì dành lời chúc ngủ ngon...

Như thế là có nhiều màu sắc cho nhiều giai tầng. Vài người không biết, chất vấn tôi, tôi nói: Đó là quyền của bạn. Tôi rất ghét những người bảo “người của công chúng thì phải thế nọ, thế kia”, người của công chúng không có nghĩa là phải co ro một góc. Nhà tôi kém văn hóa thì bạn đừng vào nữa, bạn có quyền block (khóa) tôi ở chiều ngược lại cơ mà. Đừng vào giữa nhà người ta rồi chửi người ta.

Theo Mốt & Cuộc sống