Ngọc Khuê: Tôi không cần là ngôi sao số 1 hay số 2

16/09/2014 06:32
Lê Phương
(GDVN) - “Cho tôi hỏi ngôi sao số 1 là gì? Là ngôi sao trong lòng công chúng hay ngôi sao của chính mình tự vượt qua mình…?”.

Năm 2003, Ngọc Khuê được khán giả biết đến sau khi đoạt giải nhì cuộc thi Sao Mai.

Năm 2004, Ngọc Khuê tiếp tục tham gia cuộc thi Sao Mai điểm hẹn và gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả cả nước khi thể hiện thành công ca khúc “Chuồn chuồn ớt” thuộc dòng nhạc dân gian đương đại.

Với những thành công có được, những tưởng Ngọc Khuê sẽ Nam tiến và đầu tư nhiều hơn cho nghệ thuật nhưng không lâu sau đó khán giả bất ngờ khi nghe tin ca sĩ “Chuồn chuồn ớt” lên xe hoa.

Mới đây, Ngọc Khuê đã có buổi trò chuyện riêng với Báo Giáo dục Việt Nam về lý do lựa chọn của mình. Ngọc Khuê cho rằng, chuyện lập gia đình hay ở bất cứ đâu nếu vẫn có đam mê thì âm nhạc không bao giờ từ bỏ mình.

Ca sĩ Ngọc Khuê
Ca sĩ Ngọc Khuê

Có gia đình tôi mới thỏa sức bay nhảy

Ngọc Khuê có thể chia sẻ một chút về cuộc sống hiện tại của chị được không?

Ngọc Khuê: Cuộc sống hiện nay của tôi rất ổn và tôi đang công tác tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Trong khi nhiều ca sĩ trẻ chỉ mong ước có một chút danh tiếng giống chị để có thể lấn sâu hơn vào showbiz, chị thì lại “bó buộc” mình trong một cơ quan nhà nước, tại sao vậy?

Ngọc Khuê: Thực ra tôi đi dạy cũng hoàn toàn tự do chứ không bị gò bó như người ta hay nói vào cơ quan nhà nước phải theo giờ hành chính nọ kia. Tôi là một giảng viên Đại học nên có giờ dạy thì tôi đến trường và lên lớp.

Hiện, tôi chỉ có 2 ngày để đến trường vì vậy cuộc sống và thời gian của tôi không bị gò bó nhiều và không quá căng thẳng.

Không quá gò bó nhưng chị vẫn sẽ khó toàn tâm toàn ý để đầu tư vào con đường nghệ thuật của mình?

Ngọc Khuê: Đầu tư con đường nghệ thuật không phải lúc nào cũng chăm chăm à tôi sáng tác nghệ thuật, tôi phải hát bài này hay tôi phải tìm cách nọ, cách kia để đưa con đường sự nghiệp, tiếng tăm của mình lên.

Ngoài ca hát, tôi còn có rất nhiều những công việc khác nữa. Tôi đang kinh doanh và cùng bạn bè của mình làm rất nhiều chương trình thiện nguyện. Tôi nghĩ rằng những hoạt động xã hội đó là một phần động lực cho tôi có nhiều tìm tòi sáng tạo mới trên con đường nghệ thuật của mình.

Bước chân ra từ một cuộc thi danh tiếng, không lâu Ngọc Khuê vội vã lập gia đình và giờ là chọn công việc yên ổn tại một trường Đại học. Có ý kiến cho rằng chị chấp nhận hi sinh sự nghiệp vì người bạn đời của chị mong muốn như vậy?

Ngọc Khuê: Chẳng có gì là tự dưng đâu, tất cả đó là sự sắp đặt của cuộc sống. Với tôi, lập gia đình và có em bé cho tới thời điểm bây giờ vẫn là một quyết định đúng đắn. Vì nhờ kết hôn tôi mới có thể bay nhảy và thỏa sức sống với niềm đam mê của mình.

Và chuyện “yên bề gia thất” cũng chưa bao giờ cản trở tôi trong con đường công danh. Tôi thấy mình may mắn khi có một gia đình ổn định, một đứa con thông minh lém lỉnh và nó là động lực sống của tôi.

Nhưng nếu ai đó nói rằng, vì dòng nhạc và giọng hát của Ngọc Khuê khó có thể trở thành “Ngôi sao” hàng đầu nên chị mới chọn con đường an toàn cho mình. Chị sẽ phản ứng thế nào?

Ngọc Khuê: Cho tôi hỏi ngôi sao số 1 là gì? Là ngôi sao trong lòng công chúng hay ngôi sao của chính mình tự vượt qua mình…?

Tôi thấy rất buồn cười khi mọi người bảo tôi phải vượt qua chính bản thân tôi, tôi phải thế nọ thế kia… nhưng tại sao tôi phải vượt qua mình trong khi tôi có thể là chính mình?

Theo tôi nghĩ, chúng ta chỉ cần làm việc, cống hiến hết mình và  hãy là chính mình thì sẽ tốt hơn. Và tôi không cần là ngôi sao số một, số hai hay là số n gì đấy ở trong lòng khán giả. Bởi tôi tin khi nhắc tới dòng nhạc dân gian đương đại thì chắc chắn khán giả nhớ đến Ngọc Khuê chứ không phải ai khác.

Từng có ý định bỏ học vì nhà nghèo

Tò mò thêm một chút, chị có thể ngược về quá khứ để nhớ lại cô bé Ngọc Khuê đã theo đuổi niềm đam mê ca hát như thế nào được không?

Ngọc Khuê: Tôi có một tuổi thơ dữ dội, tôi thích học hát, tôi thích học đàn… nhưng nhà tôi rất nghèo. Bố tôi là họa sĩ, mẹ tôi là giảng viên cả nhà tôi có một cái xe đạp cọc cạch thôi nhưng ông bà đã phải làm thêm rất nhiều việc. Mẹ tôi thì đan thêm len, bố tôi thì nhận vẽ tranh truyền thần, vẽ chép tranh để đem đi bán.

Thế nhưng ông bà vẫn cố gắng cho tôi tuần 2 buổi đến Cung thiếu nhi Hà Nội. Thời điểm đó được đi học ở Cung thiếu nhi là điều rất xa xỉ ngay với cả những đứa con nhà giàu chứ đừng nói đến những đứa nghèo như gia đình tôi.

Chính vì vậy mà trong kí ức của tôi hình ảnh được bố trở đi trên chiếc xe cà tang, đi qua cầu Long Biên được hít gió sông Hồng, mùi than… những mùi hương của đồng nội để đến Cung thiếu nhi sẽ là những kỉ niệm không bao giờ tôi quên.

Đến năm lớp 6, tôi thi vào Trường Cao đẳng và trúng tuyển, bố mẹ tôi rất vui. Bố mẹ rất mong muốn tôi sẽ thành công trên con đường nghệ thuật nên đầu tư cho tôi rất nhiều, có thời điểm ông bà còn bán cả xe đạp để đóng tiền học phí cho tôi.

Và vì thương bố mẹ quá nên cũng có lúc tôi thấy nản và muốn thôi không học nữa. Tôi không muốn bố mẹ phải vất vả vì bố mẹ còn phải lo cho hai chị gái nữa của tôi, một chị lúc đó đang học tại Đại học Sư phạm Hà Nội, một chị học tại Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Cả ba chị em tôi đều đi học nhưng tôi được chiều nhất, được bố đưa đi, đón về và được bố mẹ cho đi học những lớp năng khiếu rất đắt tiền.

Khi biết tôi muốn bỏ dở bố mẹ không đồng ý, thương bố mẹ tôi đã cố gắng học thật giỏi nên ngay từ những năm đầu tiên cho đến khi ra trường bố mẹ không phải đóng 1 đồng học phí nào bởi vì tôi đều đạt học bổng.

Bố mẹ hi sinh cho chị rất nhiều nhưng khi chạm ngưỡng thành công chị lại đi lấy chồng. Có bao giờ chị thấy có lỗi với bố mẹ không?

Ngọc Khuê: Tất nhiên là người đam mê nghệ thuật nên bố mẹ tôi cũng mong sau này tôi sẽ thành công và hơn ai hết tôi cũng mong mỏi, tôi sẽ nổi tiếng.

Ngày xưa ở góc nhà tôi có một cái giường và tôi luôn coi đó là sân khấu của riêng mình. Cứ mỗi khi tôi đi học hát ở trường hay sinh hoạt ở Cung thiếu nhi về là tôi lại đứng lên sân khấu của tôi và hát cho cả nhà nghe. Tôi thấy bố mẹ rất vui và hạnh phúc khi có một con bé con bất kể lúc nào cũng hát vang ầm ĩ khắp nhà.

Đến năm 2003, khi tôi đoạt giải nhì Sao Mai, khán giả mới bắt đầu biết đến cái tên Ngọc Khuê. Vì đó là lần đầu tiên tôi tham gia một cuộc thi và không ngờ lại may mắn đoạt giải. Sau đó tôi có tham gia tiếp cuộc thi Sao Mai điểm hẹn và gây ấn tượng với khán giả với dòng nhạc dân gian đương đại.

Tôi không biết bố tôi đã hài lòng với những thành công của tôi chưa nhưng có kỉ niệm thế này, bố tôi có một người bạn ở xa, một năm bác ấy chỉ đến chơi 1, 2 lần nhưng lần nào bố tôi cũng giở bằng khen, giấy khen của tôi từ thuở nhỏ ra cho bác xem. Và đến lần gần đây nhất tôi phải nhắc bố tôi là lần thứ 3 bố tôi khoe rồi (cười).

Có phải những kí ức tuổi thơ những lần bố trở đi hát được hít hà những mùi hương đồng nội nên đã ảnh hưởng đến giọng hát và dòng nhạc dân gian đương đại mà chị lựa chọn không?

Ngọc Khuê: Về cách hát thì tôi cũng là người ưa mạo hiểm, ví dụ trong Đêm chung kết Sao Mai 2003, tôi lựa chọn ca khúc “Trên đỉnh phù vân” của nhạc sĩ Phó Đức Phương.

Ca khúc này đã được rất nhiều các ca sĩ đàn chị đi trước biểu diễn nên tôi muốn tìm cách thể hiện bứt phá hơn. Tôi trải chiếu ra giữa sân khấu, ngồi gõ mõ và hát mà không cần nhạc đệm.

Khi tôi hát xong, nhạc sĩ Phó Đức Phương mới gặp tôi và có nói rằng: “Trời con là con nhà ai, ai giàn dựng cho con tiết mục này mà con dám lên sân khấu của một chương trình lớn như vậy con hát vầy…”. Lúc đầu tôi cũng hoang mang vì cứ nghĩ cha đẻ ca khúc đó không hài lòng nhưng sau này tôi mới biết đó cũng là một lời khen cho sự khác biệt và mạnh dạn của tôi.

Còn về giọng hát tôi ảnh hưởng âm điệu dân gian thì thật ra ngày xưa không có đài, không có iPad với iPhone như bây giờ để mà dỗ tôi ăn bột, ăn cơm nên bà nội, mẹ và các chị cứ hát những câu vè, câu dân ca là tôi sẽ ăn. Có thể vì thế mà nó thấm vào máu của tôi và tôi đã được lớn lên cùng những câu hát như vậy.

Ngoài giọng hát không lẫn với bất cứ ca sĩ nào, Ngọc Khuê còn gây sự chú ý bởi phong cách biểu diễn bị cho là rất…“lẳng lơ”?

Ngọc Khuê: Tôi nghĩ đó là phong cách riêng của mỗi một nghệ sĩ khi xuất hiện trước công chúng và tôi đã xây dựng được hình ảnh đó thì không có lý do gì tôi phải thay đổi hình ảnh của mình.

Cũng giống như ở trên sân khấu kịch nếu nói đến hình tượng “lẳng lơ” chắc chắn khán giả sẽ nghĩ tới Thanh Thanh Hiền hay Thu Huyền…tất cả những nét như vậy là những nét của người con gái cổ xưa và rất Việt Nam.

Tuy nhiên hình tượng đó của tôi chỉ xuất hiện khi tôi bước lên sân khấu còn ở ngoài đời chắc mọi người sẽ thấy một Ngọc Khuê rất khác.

Lê Phương