Nhiều người học vị cao nhưng văn hoá... "lùn"

31/03/2019 06:17
THANH AN
(GDVN) - Khi con người có trình độ, giàu sang, địa vị cao cần phải đi liền với ứng xử có văn hóa mới là người… có văn hóa.

Người Việt ta từ xưa đến nay thường được đánh giá là thông minh, nhạy  bén. Đa phần người dân nước ta đều cần cù, chịu khó, biết vượt qua những khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.

Thế nhưng, một bộ phận người Việt ngày nay chưa bỏ được thói quen xấu khó bỏ, đó là thói khôn vặt, ý thức cộng đồng thấp.

Chính vì thế, ở những nơi đông người, những nơi có lễ hội hay các trường học, bệnh viện vẫn tồn tại những điều chưa đẹp, chưa phù hợp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Báo Văn hóa)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Báo Văn hóa)

Ngày 16/3, tại Hà Nội, Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch phối hợp cùng Hội Nhà báo, Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức hội thảo "Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hoá ứng xử". 

Tại hội thảo này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ rằng: "Một người được khen rất giàu, rất đẹp, rất sang, nhưng không quý bằng được khen có học.

Lời khen là người có học cũng chưa quý bằng lời khen có văn hóa. Một dân tộc, cộng đồng giàu có với nhiều công nghệ hiện đại thì đáng được ca tụng nhưng tự hào hơn nếu được ca ngợi là dân tộc có văn hóa”.

Nhiều người hiện nay có trình độ, học vị cao nhưng lại không tương đồng với văn hóa cao.

Nếu tính theo báo cáo của Bộ Giáo dục thì chúng ta đã phổ cập xong cấp Trung học cơ sở từ năm 2010 nhưng xét về khía cạnh văn hóa còn nhiều vấn đề đáng bàn.

Chính vì thế, chúng tôi hoàn toàn thống nhất với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi ông chia sẻ: Hãy làm những việc cụ thể, tập trung làm chuyển biến những thói quen không tốt, mà tôi chỉ xin lấy ví dụ hai việc.

Thứ nhất, nếu chúng ta khắc phục được thói chen lấn thì giao thông sẽ khác ngay, chưa nói đến chuyện nhường đường cho người già, trẻ em.

Thứ hai là thói xấu xả rác bừa bãi. Nếu chỉ làm được hai việc đó thì xã hội đã tốt lên bao nhiêu”.

Từ những chia sẻ của Phó Thủ tướng và những gì đã và đang xảy ra hàng ngày, chúng ta thấy còn rất nhiều điều đã hình thành thói quen xấu trong văn hóa của một bộ phận người Việt chúng ta.

Nhiều người học vị cao nhưng văn hoá... "lùn" ảnh 2Không để việc tử tế, bình dị bị coi là bất thường

Nhiều người có học vị cao chưa hẳn là người có cách hành xử văn hóa cao.

Đi trên xe buýt - phương tiện chỉ có một số ghế nhất định nhưng chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh những người thanh niên khỏe mạnh ngồi ung dung trên ghế lướt điện thoại.

Mặc một số người già, trẻ em đang phải đứng trước mặt mình một cách khổ sở.

Vào quán cà phê dù là quán có không gian hẹp, vẫn có nhiều người ăn mặc sang trọng, nói cười oang oang lấn át các bàn bên cạnh.

Rồi, họ mang theo đồ ăn sáng, hoặc vào quán mới gọi đồ ăn sáng từ các quán mang vào. Ăn xong, họ đứng lên để nguyên tại bàn những bát, dĩa, rau cỏ ăn thừa, kệ mặc cho nhân viên quán cà phê phải dọn dẹp.

Khi tham gia giao thông trên đường đến đèn đỏ, chúng ta bắt gặp rất nhiều người sang trọng nhưng họ vẫn thản nhiên vượt đường khi tín hiệu đèn đỏ đã báo.

Nhiều người đứng sát phần đường mà trước mặt họ luôn có bảng hiệu to tướng là “Xe hai bánh được phép rẽ phải” nhưng họ đứng chắn đường rồi thì ai có thể “rẽ phải” được nữa?

Nhiều người thì đứng sau, khi chưa hết tín hiệu đèn đỏ đã bóp còi inh ỏi để vượt trước.

Vào các khi di tích, các điểm tham quan dù một số khu vực đã được giới hạn bằng một vòng xích sắt bao quanh. Thậm chí có bảng hướng dẫn cụ thể.

Vậy nhưng, nhiều người vẫn thản nhiên vượt vào bên trong để chụp hình, để “tự sướng”.

Nhiều người học vị cao nhưng văn hoá... "lùn" ảnh 3Ý thức, văn hóa giao thông của người Việt và những việc cần làm ngay

Tại các điểm công cộng như bến tàu, bến xe, sân bay, chúng ta chứng kiến rất nhiều trường hợp chen lấn để được đứng trước.

Mặc dù, trên tay đã cầm vé có ghi số ghế rõ ràng.

Điều bất bình nhất là khi xếp hàng để vào máy bay, dù mọi người đang xếp hàng theo hướng dẫn của nhân viên sân bay.

Nhưng, vẫn luôn có người ở đâu tự nhiên chen ngang đứng trước mặt mình.

Các trường học, bệnh viện, nơi công cộng dù ở đơn vị nào cũng có bảng hiệu “Cấm hút thuốc lá”, thế mà nhiều người vẫn thản nhiên cầm điếu thuốc phì phèo nhả khói trước mặt mọi người.

Trong các buổi lễ, cho dù giấy mời ghi rõ thời gian cụ thể nhưng đến giờ vẫn thiếu rất nhiều người. Thậm chí là những người có địa vị cũng đến muộn.

Vì thế mới có chuyện buổi lễ đang tổ chức nhưng có một vị “quan khách” vào sau nên người dẫn chương trình phải dừng lại để "trân trọng giới thiệu ông /bà (…) đã đến dự với buổi lễ của chúng ta".

Vậy nhưng, họ vào sau không thấy đó là điều ngượng ngùng mà vẫn đứng lên vỗ tay tươi cười hết cỡ và còn đi một vòng bắt tay hết người này đến người khác.

Chuyện xả rác ra đường, sông, hồ, nơi công cộng thì có lẽ còn rất nhiều điều cần nói.

Thời hiện đại nên mỗi khi đi đến những nơi công cộng hay ra khỏi nhà là nhiều người có thói quen mang theo đồ ăn, thức uống.

Khi ăn uống xong thì không mấy người có thói quen bỏ vào thùng rác mà họ "tiện tay” thả xuống bất kỳ chỗ nào.

Nhiều khi đang đi trên đường, chúng ta thình lình bắt gặp chai lọ, túi đồ ăn thừa từ trên xe ô tô…bay ngang mặt. Trên các con đường thì rác cũng hiện hữu khắp nơi, rác từ nhà này "bay" sang nhà khác…

Thay đổi thói quen cho một bộ phận người dân có thói quen xấu không hề đơn giản chút nào.

Vì thế, bên cạnh sự tuyên truyền, nhắc nhở thì các cơ quan chức năng, người đứng đầu các đơn vị cần áp dụng các chế tài mạnh hơn như phạt tiền, phạt lao động…

Và, điều quan trọng nữa là cha mẹ, thầy cô cần uốn nắn học trò từ nhỏ để tạo một thói quen tốt, văn minh, lịch sự để ứng xử với mọi người, với môi trường sống của mình.

Khi con người có trình độ, giàu sang, địa vị cao cần phải đi liền với ứng xử có văn hóa mới là người…có văn hóa.

Tài liệu tham khảo:

https://vnexpress.net/thoi-su/pho-thu-tuong-keu-goi-nguoi-dan-bo-thoi-chen-lan-tre-gio-3895586.html

THANH AN