Những điều kiêng kỵ đầu năm

27/01/2017 06:18
THẠC SĨ LƯƠNG ĐỨC HIỂN
(GDVN) - Theo quan niệm dân gian, để tránh gặp điều xui xẻo trong năm mới, người ta cần phải kiêng những thứ dưới đây.

Đối với người Việt, những ngày đầu năm trong Tết Nguyên Đán có ý nghĩa quan trọng nhất; mọi điều diễn ra sẽ là sự khởi đầu cho những điều mới mẻ.

Vậy nên, người Việt thường không mong muốn những điều không may mắn sẽ xảy ra trong những ngày này.

Bên cạnh những việc kiêng kỵ thường thấy: Kiêng quét nhà, kiêng hót rác, kiêng đánh cãi nhau…thì còn nhiều thứ kiêng kỵ nữa chúng ta nên biết.

Kiêng không đi chúc tết sáng ngày mồng 1

Chúc Tết là phong tục đẹp của người Việt. Song nếu đi “xông đất” vào sáng mùng 1, mà người đó lại không “tốt vía” với gia chủ thì mọi chuyện làm ăn của chủ nhà trong năm mới nếu không được hanh thông sẽ đổ tại cho người xông đất đầu năm.

Chúc Tết, ảnh minh họa đăng trên báo Sức khỏe và Đời sống.
Chúc Tết, ảnh minh họa đăng trên báo Sức khỏe và Đời sống.

Chính vì thế, sáng ngày đầu năm thường rất ít người đi ngoài đường, phải tối thiểu đến trưa thì anh, em, họ hàng mới đi chúc tết nhau.

Không mặc áo màu đen, trắng

Hai màu đen, trắng tượng trưng cho màu tang tóc, đau thương. Do đó, trong ngày đầu năm mới, người người mặc những bộ áo, quần đẹp nhất, sặc sỡ nhất có sự tươi trẻ để “xuất hành” đầu năm với ý niệm mong sự may mắn sẽ đến với mình.

Không xin lửa đầu năm

Theo quan niệm của người phương Đông, lửa thuộc hành Hỏa, có màu đỏ, tượng trưng cho sự may mắn.

Vì vậy trong những ngày đầu năm, người ta rất kiêng đi xin lửa, vì nếu cho lửa thì coi như đã đem sư may mắn cho người khác.

Không xin nước

Nước là khởi nguồn của mọi sự sống, là cơ sở cho sự sinh sôi nảy nở của vạn vât tự nhiên. Ở một góc độ khác, nước tượng trưng cho tài lộc, sự sung túc về tiền bạc – Tiền vô như nước.

Trong những ngày đầu năm, việc xin và cho nước đều nằm trong việc kiêng kỵ, nếu gia chủ không muốn có một năm sung túc, thịnh vượng.

Không vay mượn tiền đầu năm

Trong những ngày đầu năm, dù gia chủ có thiếu thốn thế nào thì cũng cố gắng co kéo sao cho đủ ba ngày Tết. Do vậy, việc đi vay mượn tiền trong ngày đầu năm họ rất kỵ

Theo quan niệm, nếu đi vay thì cả năm sẽ túng thiếu cùng quẫn còn người cho vay thì tiền bạc phân tán, không được may mắn, phát đạt, cả năm chạy theo đòi nợ mệt mỏi.

Không xuất hành ngày mồng năm

Dân gian đã đúc kết: “Mồng năm, mười bốn, hai ba; đi chơi còn lỗ nữa là đi buôn”. Người Việt tin rằng ngày mồng 5 là ngày đại kỵ cho việc xuất hành, du xuân, trẩy lộc.

Kiêng tắm giặt

Ngày cuối năm, chúng ta thường đặt nồi nước nóng thật to, cho thêm các loại lá thơm vào, với ý nghĩa “gột rửa” những điều không may mắn trong năm cũ.

Ngày đầu năm mới, chúng ta đang chờ đón những điều may mắn sẽ đến với mình, việc chúng ta tắm giặt, sẽ mang những điều may mắn đó trôi đi.

Ngoài ra, ngày mồng 1 là ngày thủy bá, vị thần của sự sinh sôi, lộc vượng. Việc tắm giặt sẽ xả đi nhiều phúc lộc của mỗi người.

Kiêng để tang vào ngày mồng một

Đây là sự việc không mong muốn của gia chủ. Vì ngày đầu năm là ngày vui của tất cả mọi người, nên trong gia chủ có người mất trước lúc giao thừa, thì nhanh chóng tổ chức chôn cất.

Nếu mà mất sau giao thừa, thì gia chủ không phát khăn tang, đợi sang ngày mồng hai tiến hành các nghi thức tang lễ cho người mất.

Gia đình có tang thì không nên đi chúc Tết, hỏi thăm người khác.

Tránh nói những điều xui xẻo

Ngày xuân năm mới, mọi người thường dành cho nhau những lời chúc tụng tốt đẹp nhất về sức khỏe, học hành, công danh, tài lộc, hạnh phúc…Người nói và người nhận đều vui vẻ nhận lấy.

Mặt khác, họ thường tránh những từ xui xẻo như “Chết mất” hay ” Tiêu rồi”,”Hỏng rồi”.... Đó là những từ không may mắn trong ngày đầu năm.

Kiêng ăn món xui

Ngày đầu năm, người Việt không ăn những món như thịt vịt, cá mè, thịt chó vì theo quan niệm đó là những món ăn thường có tính ô uế hoặc đồng nghĩa với việc không may: Thịt chó bị xem là ô uế; cá mè biểu tượng của không may; thịt vịt đồng nghĩa với sự chậm tiến. Điều đó không tốt cho năm mới.

Ngoài ra, một số vùng không ăn tôm vì sợ… đi giật lùi như tôm. Nếu ăn trong ngày Tết, công việc sang năm sẽ lùi chứ không thể tiến tới.

Ăn dở, bỏ thừa cả năm mất mùa, đói khát

Dù món ăn ngày Tết thế nào, cũng tránh ăn nhè, nhả bã, bỏ phí, nếu không cả năm sẽ bị mất mùa, đói khát… Đặc biệt tránh để thừa cơm, gạo khiến sau này lấy phải người chồng/vợ bị rỗ nặng.

Tránh chống đũa vào bát gây sự chậm trễ trong công việc, thua lỗ khi buôn bán và nếu làm nghề nấu ăn thì rất ít khách.

Để chữa lại việc bỏ dở ăn uống, ở các lần sau người ta thường ăn cam, dưa, xoài, đu đủ… nhờ có màu đỏ hồng, vị ngọt thơm sẽ mang lại sự may mắn và thành công… Trẻ con thường được khuyên không ăn chân gà tránh viết xấu như gà bới, văn phong cẩu thả, lại hay gây lộn.

Dùng vật nhọn, sắc cắt đứt lương duyên

Đầu xuân, tránh dùng các vật nhọn và kỵ các vật sắc chĩa vào nhà bởi nó có sát khí, có thể cắt đứt lương duyên, vận hội, tuổi thọ của gia chủ. Để khắc phục, mọi người thường cất bớt dao kéo đi, chỉ chừa lại cái cần dùng. Và treo gương bát quái nhằm hóa giải hung tính, hay dán bùa phù, đặt hình tứ linh trấn địa, trừ tà, thu hút khí lành.

Tài liệu tham khảo:

1.http://www.phapluatplus.vn/30-dieu-kieng-ky-trong-ngay-tet-can-nen-tranh-d5861.html

2.http://baodautu.vn/ngay-tet-kieng-ky-nhung-dieu-gi-d21604.html

THẠC SĨ LƯƠNG ĐỨC HIỂN