Nữ sinh bị đeo bảng "Tôi là người ăn trộm": Hãy cho cô bé "sống"!

15/04/2014 13:46
Anh Thơ (tổng hợp)
(GDVN) - Ngay sau khi xuất hiện trên mạng ngày 13/4, bức ảnh một nữ sinh bị trói trong siêu thị và đeo bảng "Tôi là người ăn trộm” khiến cộng đồng mạng phẫn nộ.

Mấy ngày nay, cộng đồng mạng vô cùng phẫn nộ trước bức ảnh một học sinh bị bắt trói và đeo tấm biển với dòng chữ “Tôi là người ăn trộm” trong một siêu thị ở Gia Lai.

Cô bé với tấm biển "Tôi là người ăn trộm" gây xôn xao dư luận
Cô bé với tấm biển "Tôi là người ăn trộm" gây xôn xao dư luận

"Với con trẻ cần chia sẻ, giáo dục là chính"

"Cô bé còn đeo khăn quàng đỏ khi đi học. Có thể gia đình đang khó khăn, cô bé không kiềm chế được... Đối với con trẻ cần chia sẻ, giáo dục là chính. Người lớn đối xử thể này thật bất nhân. Chứng tỏ những người lớn làm thế này là vô giáo dục, vô văn hóa", độc giả Nhu Dinh Nhím bức xúc.

Độc giả Bằng Lăng xúc động: "Tôi đã khóc, lòng đau quặn thắt và rất ân hận tại sao mình không ở cạnh cô bé vào lúc đó, dù biết rằng suy nghĩ của mình quá vô lí. Có thể cô bé không hiểu sự lấy đi một đồ vật nào đó trong siêu thị cũng bị lộ. Nỗi đau lớn nhất là tại sao bao người qua lại mà vẫn mặc nhiên để như vậy?".

"Hãy cho cô bé sống"

Lên án hành động độc ác này, nhà văn Nguyễn Quang Vinh chia sẻ: "Tôi không ngủ được cả đêm vì bức ảnh này. Tôi mong các bạn hãy tìm cho ra địa chỉ siêu thị này và hãy hỏi cho ra nhẽ, truy vấn bằng được những người chịu trách nhiệm đã có hành vi hạ nhục cô bé này - dù cô bé đã ăn cắp, dù như thế thì không ai được phép hạ nhục như vậy, trói hai tay cô bé vào lan can, và treo biển trên cổ, dọc lối đi của những khách hàng vào ra. Đây là một hành vi đốn mạt. Phải lên án. Chúng ta không cổ súy cho hành động xấu là ăn cắp và đã có luật pháp trừng trị, nhưng chúng ta phải vạch mặt những kẻ hạ nhục cô bé, hãy cho cô bé "sống", hối lỗi để "sống" chứ không phải cách như thế này. Chắc các bạn cũng như tôi khi nhìn bức ảnh này, rất đau và căm phẫn".

Sự thờ ơ, vô cảm và độc ác khiến độc giả Pham Doanh nhớ lại ở thời chiến: "Thời chiến tranh tôi đã thấy một người đàn ông bẻ gãy tay một đứa bé ăn cắp và hắn ta đã bị mọi người xúm lại sỉ vả, có người còn đòi đánh. Hắn ta co rúm lại sợ hãi. Vậy mà bây giờ con người vô cảm quá, ác độc quá !".

Bên cạnh đó cũng có những ý kiến bớt gay gắt hơn vì cho rằng hành động của nữ sinh là khó tha thứ. "Trẻ mắc lỗi không phải do bố mẹ chúng không dạy mà trẻ em bây giờ quá nhiều thói hư tật xấu. Nhiều gia đình bây giờ con chỉ học đến lớp năm là không dạy nổi", độc giả Nguyễn Lê Hằng cảnh báo.

Bạn Nguyệt Vũ bình luận: "Một xã hội ăn cắp có thể được hình thành từ những cô bé như thế này. Khi mà luật pháp không trừng trị được những kẻ ăn cắp trong mọi lĩnh vực thì phải sao đây. Ở đây chỉ là sự nhục hình nhưng những tiếp viên hàng không chuyển đồ ăn cắp ở Nhật. Cô diễn viên truyền hình ăn cắp ở siêu thị nước ngoài... là nhục quốc thể. Vẫn phải nói không với bọn trộm cắp thôi không thì xã hội loạn mất".

Trước đó, tờ Vietnamnet đưa tin: Cô Nguyễn Công Quỳnh Trang, giáo viên một trường THCS ở huyện Chư Sê, Gia Lai xác nhận, nữ sinh trong bức ảnh là học trò lớp cô chủ nhiệm. Sự việc trên xảy ra là lúc 13h ngày 10/4. Học sinh này (tên S.) và một bạn học đi vào siêu thị V.Y ở thị trấn Chư Sê mua giấy kiểm tra. S. có vài nghìn đồng để trong cặp nhưng cặp được gửi tại quầy nhân viên. Khi S. và bạn đến khu vực mua giấy kiểm tra thì được biết giấy kiểm tra đã hết. S. thấy 2 quyển truyện mình yêu thích là “Trạng Quỳnh - Sư Bảo Mẫu” và “Trạng Quỳnh - Ngọc Người” mỗi cuốn giá 10.000 đồng nên đã cầm lên với ý định sau khi ra quầy lấy cặp sẽ trả tiền.

Khi S. chuẩn bị đi xuống phía cầu thang siêu thị thì bị bảo vệ của siêu thị chạy lại chặn và hô trộm. Tiếp đó, bảo vệ dùng băng keo trói 2 tay cô bé ở lan can cầu thang rồi đi in một tấm biển có dòng chữ như trên và liên lạc với gia đình em. Khi bác cô bé lên, siêu thị đã yêu cầu người thân nộp phạt 200.000 đồng, sau đó mới thả cho bác của S. đưa em về nhà.

Cô Trang cho biết thêm, buổi chiều cùng ngày (10/4), S. do quá sợ hãi đã không dám đến trường học tiết thể dục. Gia đình và cô Trang đi tìm cả buổi chiều cũng không thấy em đâu. "Mọi người nghe nghĩ em lên bus bỏ đi cũng đi tìm, nghĩ vào nhà bạn cũng đi tìm nhưng không thấy. May mắn là đến tối 10/4 em đã về nhà".

Anh Thơ (tổng hợp)