Quan chức Việt tô chữ khai bút: Khi những bậc thầy về thư pháp lên tiếng

06/03/2015 12:45
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Các bậc thầy về thư pháp trong và ngoài nước lần đầu tiên lên tiếng về việc quan chức Việt tô chữ để khai bút đầu xuân.

Gần đây, dư luận xôn xao bàn tán về bức hình các lãnh đạo Hà Nội và Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) khai bút bằng cách viết theo nét chữ đã có sẵn từ trước ở lễ Khai bút đầu xuân 2015.

Cụ thể, sáng 23/2, Hà Nội tổ chức lễ khai bút đầu xuân tại đình thờ nhà giáo Chu Văn An tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì và có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng cùng Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, lãnh đạo huyện Thanh Trì cùng lãnh đạo ngành GD-ĐT thủ đô và rất đông người dân.

Tại buổi lễ, các đại biểu khai bút đầu xuân với 5 chữ: Đức-Trí-Học-Thành-Nhân. Tuy nhiên, họ lại viết theo những nét chữ đã được vạch sẵn. Nhiều người đánh giá đây không khác gì việc “tô màu” lại, một cách hình thức song ai cũng có thể làm được.

Một số lãnh đạo Hà Nội và Bộ GD-ĐT khai bút bằng cách viết theo nét chữ đã có sẵn từ trước ở lễ Khai bút đầu xuân 2015 (Ảnh: Infonet)
Một số lãnh đạo Hà Nội và Bộ GD-ĐT khai bút bằng cách viết theo nét chữ đã có sẵn từ trước ở lễ Khai bút đầu xuân 2015 (Ảnh: Infonet)

Đã có rất nhiều ý kiến phản đối việc làm này. Đơn cử, trao đổi với Infonet, chuyên gia ngôn ngữ học, PGS.TS Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) cho rằng việc khai bút có sẵn chữ viết rồi, chỉ việc “tô màu” là quá hình thức, dễ tạo ra ấn tượng không hay, không tạo được ý nghĩa cho cuộc sống.

“Tôi cũng chưa từng thấy ai khai bút mà lại theo một hình thức có sẵn nào đó cả. Phải làm cái gì đó nó thực và phải xuất phát từ những điều ý nghĩa của cuộc sống thì mới thực sự lan tỏa và cổ vũ được người khác, không sẽ gây phản cảm.

Khai bút thường hướng tới một sự tôn trọng sự học, tri thức và miễn là để người ta thấy trong không gian đó có dấu ấn của sự học, liên quan đến bút nghiên. Nó là sự biểu trưng, có khi người ta chỉ cần quệt một đường trên giấy cũng đã là một dấu ấn đầu năm có sự kiện liên quan đến bút mực. Còn nếu mà viết được những điều hay, lẽ phải thì càng tốt. Không thì tốt nhất viết suy nghĩ của mình, một câu nói hoặc một “sản phẩm” nào đó do mình nghĩ ra”, ông Tình nêu quan điểm.

Thế nhưng, những bậc “lão thành” về thư pháp trong và ngoài nước lại không nghĩ vậy.

Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS Phan Khánh Trung - Chủ tịch Hội thư pháp truyền thừa Đài Loan – nhà thư pháp nổi tiếng từng viết bức thư pháp lớn nhất Việt Nam – chữ Long (Rồng) trên tấm lụa vàng khổ 16x6m với cây bút cát tường đại long nặng hơn 10kg ở Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) và PGS. TS Nguyễn Văn Thịnh - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Hán Nôm của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN).

- Ông có bình luận gì về sự việc trên?

GS Phan Khánh Trung: Tôi thấy đài truyền hình Việt Nam có đưa hình ảnh một số quan chức của thành phố Hà Nội và ngành giáo dục viết thư pháp theo hình thức tô chữ. Cá nhân tôi cho rằng đó là hiện tượng tốt, là một trong những hoạt động cổ súy cho sự phát triển của các hoạt động thư pháp.

GS Phan Khánh Trung - Chủ tịch Hội thư pháp truyền thừa Đài Loan (Ảnh: Phong Nguyên)
GS Phan Khánh Trung - Chủ tịch Hội thư pháp truyền thừa Đài Loan (Ảnh: Phong Nguyên)

Dù người ta chỉ tô chữ, nhưng tôi vẫn cho rằng đó là sự khởi đầu, sự khích lệ lớn, thu hút sự chú ý của nhân dân vào việc đẩy mạnh hoạt động thư pháp.

PGS. TS Nguyễn Văn Thịnh: Nếu tự viết được thư pháp là giỏi còn khi chưa giỏi mà muốn sản phẩm hoàn chỉnh hơn thì tô vẽ tôi nghĩ cũng là chuyện bình thường. Nhưng đừng biến việc tô vẽ đó trở thành thói quen, nhất là trước bàn dân thiên hạ bởi như thế sẽ không tốt, thậm chí phản cảm.

Thư pháp là sự phóng khoáng, tâm hồn người viết được trải rộng, nhưng viết thư pháp đòi hỏi phải có kĩ thuật cao. Do vậy, những người mới học hay chưa biết gì về thư pháp thì phải tô vẽ. Tất nhiên một khi đã tô vẽ thì không thể chuẩn là thư pháp được, nhưng để trang điểm thêm tôi nghĩ cũng không sao.

- Ông đánh giá thế nào về hoạt động thư pháp ở Việt Nam hiện nay?

GS Phan Khánh Trung: Theo tôi được biết, hoạt động thư pháp ở Việt Nam nói chung và hoạt động văn hóa Hán Nôm nói riêng đã có những bước phát triển ban đầu, nhưng nếu các bạn xúc tiến và mở rộng các hoạt động ấy mạnh hơn nữa, đặc biệt là các hoạt động giao lưu quốc tế thì chắc chắn hiệu quả phát triển còn tốt hơn.

PGS. TS Nguyễn Văn Thịnh - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Hán Nôm của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) - Ảnh: Phong Nguyên
PGS. TS Nguyễn Văn Thịnh - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Hán Nôm của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) - Ảnh: Phong Nguyên

PGS. TS Nguyễn Văn Thịnh: Thư pháp ở Việt Nam còn phải một quá trình tu luyện nhiều hơn nữa. Các cơ quan giáo dục, văn hóa cần chú trọng đào tạo hơn vì chúng ta có mấy trăm năm dùng văn từ Hán và chữ Nôm là văn từ chính thống và đến nay nó vẫn còn trong đời sống của người Việt. Nếu không viết thư pháp thì sẽ không duy trì được truyền thống của mình. Cho dù có xây dựng văn hóa hiện đại, Nhà nước vẫn phải chú trọng văn hóa truyền thống trong đó có văn hóa, văn tự Hán Nôm.

- Theo ông, muốn phát triển thư pháp ở Việt Nam cần làm gì?

GS Phan Khánh Trung: Một hoạt động tôi thấy khả thi là các bạn nên mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế. Các bạn có thể mời các nhà thư pháp quốc tế trong đó có các nhà thư pháp Đài Loan tới Việt Nam giao lưu về nghệ thuật thư pháp cũng như mở triển lãm về các tác phẩm thư pháp nổi tiếng để các học giả, nhân dân Việt Nam có cơ hội tiếp xúc, lĩnh hội, học hỏi thêm về nghệ thuật thư pháp, làm phong phú thêm sự phát triển của thư pháp ở Việt Nam.

PGS. TS Nguyễn Văn Thịnh: Tôi nghĩ Nhà nước đã có quy định và kế hoạch cụ thể rồi. Cần phải đào tạo một cách căn bản về tri thức Hán Nôm nói chung, trong đó có thư pháp.

- Xin cảm ơn GS Phan Khánh Trung và PGS. TS Nguyễn Văn Thịnh!

PHONG NGUYÊN