Sức hút từ văn hóa “xin chào” và sự tử tế trong du lịch

21/10/2017 07:00
An Nhiên
(GDVN) - Một lý do vô cùng đơn giản để du khách muốn quay trở lại một điểm đến đó là những câu chào và sự thân thiện, tận tâm của người làm dịch vụ du lịch.

Xin chào níu chân du khách

Vừa trở về từ chuyến du lịch 2 ngày 1 đêm ở Sun World Ba Na Hills, chị Minh Trang (Ba Đình, Hà Nội) đã lưu giữ rất nhiều câu chuyện thú vị.

“Đến Bà Nà Hills, tôi thấy mình như lạc ở “xứ sở của những nụ cười” Thái Lan. Nhân viên cứ thấy du khách là cười rạng rỡ, “xin chào” rất nhã nhặn, lịch sự”, chị Minh Trang chia sẻ.

So sánh của chị Trang không phải là sự cường điệu. Ở Bà Nà Hills, từ nhân viên bảo vệ, nhân viên cáp treo, lao công đến lãnh đạo…  đều coi việc nở nụ cười “xin chào” với du khách là một nét văn hóa cần phải có của người làm du lịch.

Văn hóa "xin chào" tại Bà Nà Hills.
Văn hóa "xin chào" tại Bà Nà Hills.

Không chỉ có Bà Nà Hills, mà ở bất cứ khu du lịch, khu vui chơi giải trí hay khu nghỉ dưỡng, khách sạn của Tập đoàn Sun Group như Sun World Danang Wonders, Sun World Halong Complex, Sun World Fansipan Legend, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort… nụ cười và câu nói “xin chào” cũng đã thành quy chuẩn đón tiếp khách.

Có lẽ không nhiều điểm đến ở Việt Nam có quy trình riêng đào tạo về văn hóa “xin chào” như ở những khu du lịch, nghỉ dưỡng nói trên.

Quy trình tỉ mỉ đến cả việc chào người lớn ra sao, chào trẻ con như thế nào, cúi người bao nhiêu độ là vừa.

Thậm chí, cách chào còn được khu vui chơi Sun World Halong Complex (Quảng Ninh) theo nguyên tắc 86, tức là cười với khách hàng trong vòng 8 bước, chào trong vòng 6 bước.

Văn hóa chào khách hàng ở Hạ Long.
Văn hóa chào khách hàng ở Hạ Long.

Những quy chuẩn tưởng như chỉ có ở quốc gia du lịch nổi tiếng nào đó, đã trở thành “chuyện thường ngày” ở các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng hay khách sạn của Sun Group.

Nhiều tấm biển xin chào được thiết kế ngộ nghĩnh, đặt khắp các khu du lịch mang thương hiệu Sun World.

Tới InterContinental Danang Sun Peninsula Resort ở Đà Nẵng, hay JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay tại đảo ngọc, mỗi bước đi của du khách đều được dẫn lối bởi những cái cúi mình xin chào vô cùng lịch thiệp, thân thiện.

Đáp lại văn hóa “xin chào” rất chuyên nghiệp, dễ mến đó là “tình yêu” của du khách. Bởi yêu mến sự thân thiện niềm nở đó mà những du khách như chị Nguyễn Hoàng Bích Dung (TPHCM) - vị khách thứ 2 triệu trong năm 2016 của Bà Nà Hills thậm chí đã đến Bà Nà Hills 4 lần vẫn còn muốn đến nữa.

Chị từng chia sẻ: “Chắc chắn tôi sẽ còn quay lại để tận hưởng hết vẻ đẹp phong cảnh cũng như dịch vụ chuyên nghiệp tại khu du lịch này”.

Và cũng bởi vì được chính du khách yêu mến nên ba năm rồi, Sun World Ba Na Hills là khu du lịch hàng đầu Việt Nam, ba năm rồi, InterContinental Danang được World Travel Awards vinh danh ở hạng mục giải thưởng Khu nghỉ dưỡng sang trọng hàng đầu thế giới, và JW Marriott Phu Quoc vừa khai trương chưa đầy 6 tháng đã ẵm giải Khu nghỉ dưỡng mới tốt nhất thế giới 2017.

Xây dựng thương hiệu từ những việc tử tế

Báo chí gần đây có đăng tải câu chuyện về một du khách để thất lạc khối tài sản lớn tới 300 triệu đồng ở Bà Nà Hills.

Bắt taxi về Đà Nẵng, du khách ấy được anh taxi an ủi: “Mất ở đâu chứ ở Bà Nà thì thể nào cũng tìm lại được”. Và điều kỳ diệu đã xảy ra, đúng như lời anh taxi kia nói.

Quý khách hàng được trả lại đồ thất lạc ở Bà Nà Hills.
Quý khách hàng được trả lại đồ thất lạc ở Bà Nà Hills.

Như thế, thương hiệu Bà Nà Hills đã không còn giới hạn trong cái slogan “đường lên tiên cảnh” nổi tiếng nữa rồi.

Bà Nà Hills trong lòng những người dân Đà Nẵng, những du khách giờ đây còn đồng nghĩa với “sự chu đáo, sự tử tế”.

Chỉ điều đơn giản đó thôi nhưng sức bền vững của thương hiệu lại được ăn sâu, bám rễ trong lòng du khách.

Đến các khu du lịch này, sẽ thấy những lối đi riêng dành cho người khuyết tật, có xe lăn ở mọi nhà ga cáp treo để hỗ trợ người yếu sức… Để phục vụ những vị khách đặc biệt này, có cả một quy trình đào tạo bài bản cho nhân viên.

Mỗi điểm đến mà Sun Group vận hành đều có một tủ đồ thất lạc để lưu giữ những món đồ lạc chủ và trao trả lại cho du khách, từ cái mũ, chiếc ô, móc chìa khóa đến những số tiền lớn hàng trăm triệu đồng.

Việc tìm đồ thất lạc và trao trả cũng được chuẩn hóa thành một quy trình.

Tủ đồ thất lạc để lưu giữ những món đồ lạc chủ và trao trả lại cho du khách.
Tủ đồ thất lạc để lưu giữ những món đồ lạc chủ và trao trả lại cho du khách.

Việc tử tế sẽ tự lan tỏa. Ví như ở Sun World Fansipan Legend, du khách tự động bỏ rác vào nơi quy định, khi thấy nhân viên ở đây hàng tuần quên cả nguy hiểm, đu dây để nhặt rác thải quanh khu vực đỉnh, giữ cho môi trường sạch sẽ.

Du khách cũng “văn minh” lây, khi chẳng kiệm nụ cười, xin chào nhân viên và cả những du khách mình chẳng hề quen biết. Cảm ơn, xin lỗi… là những câu cửa miệng của không chỉ nhân viên ở các điểm đến này mà của cả những du khách đến đây.

Đu dây nhặt rác ở Sun World Fansipan Legend.
Đu dây nhặt rác ở Sun World Fansipan Legend.

Xây dựng thương hiệu cho một điểm đến xem ra không khó, bởi hành trình đó được bắt đầu từ những việc làm đơn giản nhất như xin chào, cảm ơn, xin lỗi.  

An Nhiên