Tết người xa xứ

02/02/2017 12:08
Trương Anh Tú
(GDVN) -Tết ở xứ người, dù vật chất có đầy đủ đến đâu cũng không thể làm vơi đi nỗi nhớ nhà, vì Tết là quê hương, là đoàn tụ gia đình, là cội nguồn nơi người ta tìm về!

LTS: Dốc tỏ nỗi lòng của một người đón Tết xa quê hương, đất nước, tác giả Trương Anh Tú từ nước Đức xa xôi gửi đến độc giả Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tùy bút "Tết người xa xứ".

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả!

Tôi đi như mơ bên những cành đào, bên những cành mai, đi trong nỗi thương nhớ nao lòng của những người con "Từ thuở mang gươm đi mở nước / Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long"...

Hy vọng những bộc bạch, tâm tình trong tùy bút "Tết người xa xứ" sẽ không chỉ là sự chia sẻ, thương mến với những người con đất Việt phải đón Tết xa nhà mà còn là sự trở về với những nét đẹp văn hóa ngày Tết của tất cả chúng ta! 

Thực ra với tôi, hay với những người xa xứ nói chung, chẳng cần phải đến Tết mới nhớ Tết, nhớ nhà! 

Những bông tuyết đầu mùa cũng đã có thể làm những người xa xứ chợt phải “giật mình” mà nhìn lại con đường mình đã đi qua! 

Giống như một cái vỗ vai - những bông tuyết đầu mùa “thì thầm” rằng: “Này bạn ơi… Kìa thời gian! Kìa con đường! Kìa dòng sông! Kìa tuổi thơ!”… 

Tác giả Trương Anh Tú cùng Hội văn hóa phụ nữ Mifafa trong một lần hội diễn, giao lưu văn hóa nghệ thuật tại Berlin.
Tác giả Trương Anh Tú cùng Hội văn hóa phụ nữ Mifafa trong một lần hội diễn, giao lưu văn hóa nghệ thuật tại Berlin.

Và hình ảnh quê hương, cùng những tháng năm tuổi thơ nơi quê nhà - như một cuốn phim quay chậm, đã kịp dào dạt trở về! 

Có lần bước vào một chợ Giáng sinh, tôi chợt thấy mình như người ngủ mơ!

Những sắc mầu Tết nhất nơi đây như một chất xúc tác, đã chạm rất nhẹ vào “chiếc bình đựng ký ức”, để tôi trở về với những năm tháng xa xưa, trong những ngày đón Tết ở quê nhà…

Tôi đứng rất lâu trong chợ Noel, tại một khu phố cổ ở châu Âu, xem những người bán hàng buộc những cây thông tươi rói trao cho khách. 

Trước mặt tôi là bạt ngàn những cây thông tán tròn, lá xanh… nhưng mắt tôi nhòe đi, tưởng mình đang đứng trong một vườn đào ở Nhật Tân, trước những cành đào còn đang chúm nụ!... 

Nhìn những chàng trai, cô gái Âu châu đang chọn những cây thông, tôi lại thấy như họ đang cầm trên tay những cành đào, những cành mai nơi quê hương xứ sở!

Tết người xa xứ ảnh 2

Ngoài trời tuyết đang rơi, nhưng chúng tôi luôn hướng về quê hương, đất nước

Tôi ngỡ mình đang đứng ở đâu đó trong một chợ hoa Tết ở Hà Nội, chứ không phải đang phiêu diêu ở chốn xa xôi này!

Tôi gặp lại những mái ngói xưa cũ, những gánh hàng hoa, văng vẳng những tiếng nói cười, gặp lại những cơn gió thổi từ góc phố.

Tôi đi như mơ bên những cành đào, bên những cành mai, đi trong nỗi thương nhớ nao lòng của những người con “Từ thuở mang gươm đi mở nước / Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long”. 

Tết ở xứ người, dù vật chất có đầy đủ đến đâu cũng không thể làm vơi đi nỗi nhớ nhà, vì Tết là quê hương, là đoàn tụ gia đình, là cội nguồn nơi người ta tìm về!

Cái hồn sông núi nước Việt đã sâu thẳm trong lòng. Nỗi khắc khoải cố hương không thể phủ lấp bằng rượu sâm banh, không thể nguôi khuây bằng những chùm pháo hoa khổng lồ! 

Có đêm Giao thừa, tôi thấy mình như chú nai đang đứng giữa rừng, chân lạo xạo trên những tảng băng cứng, tôi để mặc những bông tuyết rơi trên đầu. Mặt hồ đóng băng. Tiếng những con thú gọi bầy...

Tôi tìm lại cây đào, cây mai trong khu vườn xưa. Thấy bố đang chuẩn bị quét vôi lại tường nhà, một màu xanh da trời. Thấy dòng chữ “Chúc mừng năm mới" mà bố treo trang trọng trên tường. 

Thấy mẹ tất bật đi chợ mua sắm. Mấy anh em giúp mẹ rửa lá dong, vo gạo nếp, chuẩn bị than củi cho nồi bánh chưng. 

Thấy những chậu hoa cúc, hoa cánh bướm được đặt thêm trước hiên nhà. Vài chậu cây cảnh trên hòn non bộ được tỉa lá, đất được xới lại. Những bông tóc tiên nở trắng muốt trên khắp lối đi.

Thấy cả nhà quây quần ngồi gói bánh chưng. Đỗ xanh thơm phức.

Thấy trước lễ Tất Niên, cả nhà đi tảo mộ. Những ngôi mộ của tổ tiên được thăm viếng sửa sang lại. Bà đứng khấn rất lâu.

Tôi kính cẩn chắp tay và cảm thấy một điều gì đó rất thành kính. Những bó hương đỏ rực, nghi ngút trong nghĩa địa chiều ba mươi.

Thấy đúng 0 giờ, năm mới, bố tôi đốt pháo. Mấy anh em thức cả đêm đợi đón Giao thừa. Tiếng pháo râm ran. Tôi chạy ra vườn hái lộc, một cành bưởi đẫm sương thơm ngát!

"Ngó mai, đào xứ lạ - nhớ hương sắc quê nhà"
"Ngó mai, đào xứ lạ - nhớ hương sắc quê nhà"

Nhớ một lần gọi điện thoại chúc Tết gia đình, đúng lúc ấy trên Đài truyền hình Việt Nam đang đọc một bài thơ của tôi viết về nỗi nhớ, về quê hương! Vô tình mà như hẹn trước! 

Cậu em đã kịp cho tôi nghe những câu thơ qua điện thoại – “Đâu nào giọt nắng - Đâu nào giọt mưa / Đâu nào mắt em - Xanh trời Hà Nội”…

Tôi đã cùng cả nhà nghe những câu thơ, câu được câu mất, và chẳng ai kịp nhớ ra để thu âm lại!... 

Lúc ấy, tôi thấy bóng mình trở về trên những cánh đồng hoa bát ngát, ngay trong lòng Hà Nội, dù những cánh đồng hoa ngày ấy giờ chỉ còn trong mơ! Tôi hòa vào dòng người trên phố, thấy sông Hồng ôm tôi vào lòng…

Bài thơ “Xuân xa xứ” – một bài thơ tôi viết đã khá lâu, nhưng đôi khi vẫn phải đọc lại, để ru lòng mình! Những câu thơ vẫn cùng tôi thao thức với quê nhà!

Nắng đụng vào mùa xuân
long lanh sương muốn vỡ
gió đông còn trăn trở
bàng bạc tháng, ngày qua.
-
Một mình ta với ta
hư vô giữa nhạt nhòa
ngó mai, đào xứ lạ
nhớ hương sắc quê nhà.

Tết người xa xứ
Tết người xa xứ
Tết người xa xứ
Trương Anh Tú