Tết ông Công ông Táo ba miền xưa và nay

17/01/2017 08:11
Vương Thủy (Thực hiện)
(GDVN) - Chú trọng đến bếp cũng là tôn trọng, quí trọng sự vất vả của người phụ nữ trong gia đình. Đó là điều đáng mừng của ngày nay.

LTS: Sắp đến Tết ông Công ông Táo, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có trao đổi với giảng viên, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ về tục cúng ông Công ông Táo xưa và nay.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, lễ tiết luôn vận động và biến đổi. Chính điều này mới làm nên sự phong phú, đa sắc màu bất tận của cái gọi là phong tục.

Ông cho rằng điều đáng mừng là, ý thức về cái bếp ngày nay đã được nâng rất cao.

Điều đó cũng thể hiện sự quan tâm đến vai trò của người phụ nữ và sự quí trọng với những vất vả của họ trong gia đình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Phóng viên: Với tư cách nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, thầy vui lòng cho biết quan điểm của thầy về một mâm cỗ cúng ông Công ông Táo đúng chuẩn? Và ý nghĩa của các món trong mâm cỗ?

(Bởi các thông tin trên mạng hiện nay rất nhiều nhưng không thấy ghi các nguồn dẫn tài liệu cụ thể làm giảm độ tin cậy của thông tin?)

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Làm gì có cái gọi là "chuẩn" trong các kiểu lễ tiết thuộc tín ngưỡng như thế này mà đặt vấn đề "đúng chuẩn". Văn hóa vốn là phong phú và giàu tính biến đổi. Nhà này với nhà kia đã khác nhau rồi.


Những ghi chép của cổ thư về việc cúng Táo thần cách nay hơn hai nghìn năm, đưa vào cả trong Lễ Kí, tức Kinh Lễ trong Ngũ kinh... cho đến thời cận đại, mỗi sách ghi một cách khác nhau về nhiều mặt.

Phong tục này như vậy, vốn là một lễ tiết luôn luôn vận động và biến đổi trong thời gian (thời này thời nọ), trong không gian (nơi này nơi khác) và qua các chủ thể (nhà ấy nhà kia).

Vận động và biến đổi mới là tuyệt đối, "chuẩn" (nếu có) chỉ là tương đối. Chính điều này mới làm nên sự phong phú, đa sắc màu bất tận của cái gọi là phong tục.

Các nhà nghiên cứu đều gần như thống nhất rằng: việc thờ bếp, thờ lửa, thờ người mẹ bú mớm, nấu nướng, nuôi nấng là tín ngưỡng cổ xưa của nhân loại.

Tết ông Công ông Táo ba miền xưa và nay ảnh 1

Nguồn gốc, ý nghĩa, phong tục thờ cúng ngày Tết ông Công ông Táo

Từ đó, với vai trò của bếp lửa trong sinh tồn thị tộc hay gia đình riêng lẻ mà nó mở rộng hoặc tích lũy ý nghĩa việc thờ tự này:

Thờ không gian cư trú (hang động hoặc mái nhà), thờ mặt trời (bếp lửa là một phái sinh của mặt trời), tôn thờ hạnh phúc của hôn nhân, tôn thờ người phụ nữ, tôn thờ thực phẩm dưỡng sinh, thờ vị thần quán xét việc nội gia...

Rồi tùy theo việc một cộng đồng thờ bếp đó tiếp biến một hệ tín ngưỡng nào, một tôn giáo hoặc văn hóa nào trong lịch sử mà người ta có những cách tiếp nhận, sáng tạo những truyền thuyết, những cách giải thích dân gian và giàu tính nghệ thuật.

Đồng thời có những hành vi tín ngưỡng khác nhau, càng ngày hoặc càng phong phú, hoặc bị quên lãng.

Ghi chép của nhà giáo, nhà báo Phan Kế Bính vào đầu thế kỉ XX, cách nay đúng 100 năm, về "Tết Táo quân" thì lễ vật là "...đến ngày ấy, thì mua hai mũ ông, một mũ bà và mua con cá chép để làm ngựa cho táo quân lên chầu trời".

Trước đó, cụ Phan có nhắc tới căn cứ vào "đạo Lão Tử" và sách xưa kể chuyện sự tích ba ông đầu rau với dị bản đơn giản. Hồi đó, chưa có điều kiện khảo cứu như ngày nay nên cụ viết rất súc tích, giản lược.

Ý nghĩa vật cúng lúc đó là mũ cho ba nhân vật truyền thuyết để phục trang khi lên thiên đình tấu sự, con cá chép để các vị cưỡi đi lên trời. Cá chép có thể hóa rồng mà.

Vả lại, trong ẩm thực gắn với bếp, cá chép xưa nay được dân gian cho là món ngon bổ ai cũng thừa nhận. Còn mũ mão là tượng trưng cho quan quan quyền, chức vụ. Đã đi họp thì phải có lễ phục.

Truyền thuyết về ba ông đầu rau của Việt Nam là một sáng tạo độc đáo. Nàng Thị Nhi (Nhi ẩn nghĩa từ Hán Việt là nấu chín, nấu nhừ) lấy chàng Trọng Cao (Cao ẩn nghĩa là tinh bột, bánh bột, cơm).

Chàng Trọng Cao đi buôn bán làm ăn giàu có về nhà khinh dể (khinh rẻ) vợ. Thị Nhi buồn bỏ đi gặp chàng Phạm Lang (Lang, còn âm đọc khách là Canh, nghĩa là món canh, người ta nấu chín thức ăn với nhiều nước) rồi lấy chàng.

Trọng Cao làm ăn thua lỗ, làm người ăn mày đến nhà Phạm Lang khất thực. Chỉ Thị Nhi ở nhà, nàng xót nghĩa xưa cho chàng ăn uống.

Lúc đó, Phạm Lang về, nàng giấu Trọng Cao vào đống rơm. Phạm Lang ra đốt rơm bón ruộng. Trọng Cao chết. Thị Nhi thấy có lỗi liền lao vào. Phạm Lang muốn cứu vợ cũng lao theo.

Cả ba người chết cháy hóa thành ba ông đầu rau ("đầu rau" là biến âm của từ Hán Việt cổ là "đầu lô" mà thành).

Chỉ có thế, Cơm - Canh - Nấu chín, thật đơn giản và rất Việt Nam. Nhưng nó ẩn chứa một triết lí: Bếp lửa có thể nuôi chúng ta sống như lầm lẫn sơ suất cũng có thể tạo ra những bi kịch.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ. (Ảnh: cand.com.vn)
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ. (Ảnh: cand.com.vn)

Vậy thì việc cúng lễ ông Công ông Táo ngày nay khác xưa như thế nào, thưa thầy?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Phong tục luôn thay đổi. Ngày xưa nghèo lắm. Người ta cung kính nhưng kiệm ước.

Cụ Phan Kế Bính cũng ghi chép trong tinh thần kiệm ước đó. Các bài khác trong sách "Việt Nam phong tục" của cụ, thấm đẫm một tinh thần hiếu cổ nhưng phải phát triển hiện đại theo những cái tốt đẹp của tây tục, không lãng phí xa hoa.

Ngày nay cuộc sống giàu có hơn, tươi đẹp hơn nhưng cũng phức tạp hơn. Người ta cầu mong, kì vọng nhiều hơn vì cuộc sống kinh tế cạnh tranh vô cùng bất trắc.

Lễ cúng đa dạng hơn, không chỉ mũ mà còn áo quần, vàng mã, vốn liếng cõi âm, mâm cỗ thịnh soạn. Có nhà coi như là một cái Tết trước.

Kinh tế nay đã tạm đủ, so với thế kỉ trước, thế kỉ của chiến tranh, thì đã là một trời một vực. Ngày xưa, nhiều nhà lấy đâu ra tiên mua hàng mã, người ta biện đĩa trầu quả cau coi như cúng thương nàng Thị Nhi cũng xong.

Nay thì rườm rà tốn kém hơn. Mà làm ra tiền nhiều để làm gì nhỉ? Cúng thêm cho các cụ đầu rau một ít cũng không sao? Cho thanh thản cõi lòng.

Cái điều đáng mừng là, ý thức về cái bếp ngày nay đã được nâng rất cao. Một ngày nhắc nhở chúng ta điều ấy cũng là tốt đẹp.

Đi nhiều vùng miền, tôi thấy kiến trúc dân gian đã chú trọng đến bếp hơn, chứ không như xưa, bếp là chái tạm ra sau nhà, lấm lem chật chội.

Chú trọng đến bếp cũng là tôn trọng, quí trọng sự vất vả của người phụ nữ trong gia đình. Đó là điều đáng mừng của ngày nay.

Còn chuyện lãng phí thì sớm muộn người ta cũng điều chỉnh thôi. Không ai dại suốt đời đâu. Qua một cơn vấp váp, sóng gió là tự rút ra bài học mà.

Tính thực tế của dân ta là một kinh nghiệm sống đáng giá, họ dạy chúng ta hơn là ta đi lo hộ họ trong chuyện này.

Giữa ba miền: Bắc, Trung, Nam thì phong tục lệ cúng ông Công ông Táo khác nhau như thế nào ạ?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Sự khác nhau là tất yếu nhưng với tục cúng ông Công ông Táo thì nó không thay đổi nhiều lắm. Có điều là, "ông Công" là ông Thổ công, "ông Táo" là ông Táo quân (còn gọi Táo thần, Táo vương) tùy từng nơi.

Tết ông Công ông Táo ba miền xưa và nay ảnh 3

Thương mại hóa lì xì, chạy xô sắm đồ “hàng hiệu” cho ông Công, ông Táo

Từ đời Đường-Tống, Táo vương đã được gắn chức quan tư mệnh của thiên tào (và việc cúng lễ bắt đầu bằng 23 hoặc 24 cũng bắt đầu từ đây, cách nay cỡ 1300 năm), soi xét việc gia đình trong năm, cứ cuối năm lại lên báo cáo được mất với thượng đế.

Ngoài Bắc nhập một trong lễ này, còn Thổ công thì thờ chung miếu ngoài giáp, ngoài thôn.

Trong Nam, nhiều nơi thờ Ông Địa tại nhà và người ta trong tết Táo quân cũng khấn luôn cả Ông Địa. Đại đồng tiểu dị thôi. Tinh thần vẫn là thống nhất Bắc-Nam.

Ngày nay,“phú quý sinh lễ nghĩa” nên Tết ông Công ông Táo nhiều gia đình khá giả thường đốt rất nhiều vàng mã tốn kém. Quan điểm của thầy về việc này như thế nào ạ?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Ngày xưa không đốt vàng mã dịp này mà chỉ hóa vàng mũ mão. Ngày nay, cúng gì cũng có vàng mã. Các cụ lên thiên đình có hối lộ đâu mà cần tiền. Lộ phí thì cá chép đã đưa đi rồi.

Té ra người ta phát vốn đấy. Đưa tiền âm phủ để làm vốn, giúp cho kì vọng một vốn bốn lời. Tư duy kinh tế lan sang lễ nghi cũng là chuyện thường. Nhưng cái gì cũng vậy, thái quá thì bất cập.

Nhà giàu đốt nhiều thì không sao nhưng nhà nghèo học theo mà đốt vậy thì có vấn đề.

Mọi người nên tự do lựa chọn, lấy cái thành tâm làm chính. Lễ đa không qua tâm thành. Tự do, chủ động mà làm, đó mới là hạnh phúc của chính mình.

Tục lệ thả cá chép mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Tuy nhiên, những năm gần đây báo chí cũng phản ánh nhiều đến việc rác thải, túi ni lông vứt khắp hồ sau khi người dân thả cả chép.

Xin thầy cho biết ý kiến của mình trước thực tế trên ạ?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Ý thức vệ sinh công cộng của mọi người đều hoang sơ lắm. Tôi có ông anh ở Mĩ, đi nghỉ bãi biển, thấy một bé người Việt ăn kẹo cao su xong, bỏ bã vào túi áo.

Anh chặn tay nó lại sợ hỏng áo. Nó dạy rằng: Bác không đọc nội quy bãi tắm à.

Thế đấy. Còn nhiều người lớn chúng ta chả bằng con trẻ. Rất mừng là cách nay dăm năm, có các bạn thanh niên tình nguyện đi dọn giữa giá rét tháng chạp.

Việc thả cá chép trong ngày Tết ông Công ông Táo mang nhiều ý nghĩa nhân văn. (Ảnh: vietq.vn)
Việc thả cá chép trong ngày Tết ông Công ông Táo mang nhiều ý nghĩa nhân văn. (Ảnh: vietq.vn)

Phóng sinh là hành động và tư tưởng tuyệt vời của Phật giáo để bảo vệ môi sinh. Ấy thế mà mình đi phóng sinh lại góp phần hủy hoại môi trường thì thật là lạ.

Có gì đâu, mỗi người cầm lấy, đến thùng rác dừng xe, bỏ vào. Yên lòng biết bao. Đó mới là hạnh phúc đích thực.

Đây là kỉ niệm của riêng tôi: Tôi quá giang xe từ Vinh để đi Đồng Hới. Trót mang thói xấu là hút thuốc lá. Tôi tìm góc khuất để hút nhưng vẫn ngó xe được.

Bim bim, còi xe giục. Tôi tìm thùng rác thấy đằng xa, đến đó bỏ tàn thuốc.

Lên xe, lái xe bảo: "Tặng bác tiền xe từ đây vô đó. Thấy bác đi vứt tàn, cháu nghĩ bác là nhà giáo!". Mỗi người ý thức một chút thì chính mình nâng cái giá trị của mình hơn.

Xin trân trọng cảm ơn thầy!

Vương Thủy (Thực hiện)