The Voice biến hàng triệu khán giả thành những 'diễn viên bất đắc dĩ'

12/12/2013 08:24
Quốc Khánh
(GDVN) - Trong những ngày vừa qua, việc huấn luyện viên Hồng Nhung dành cho Hà Linh 0% cơ hội vào chung kết The Voice khiến dư luận xôn xao. Nhiều người cho rằng Hồng Nhung đã quá coi thường khán giả.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách thấu đáo, chúng ta có thể nhận thấy, đó là “nút thắt” quyết định của một màn kịch đã được dàn dựng một cách công phu của Giọng hát Việt.

Hà Linh: Hai lần bị loại và những thất bại tại The Voice

Có lẽ, hầu hết người xem có thể nhận ra được sự thất vọng của Hà Linh khi Quốc Trung không “quay lại” trong vòng giấu mặt. Có thể, Quốc Trung không nhận ra giọng hát của Hà Linh. Nhưng cũng có thể, anh không muốn có một giọng hát và cá tính mạnh mẽ như Hà Linh trong đội của mình. Việc trở về đội của Đàm Vĩnh Hưng đã là một thất bại của Hà Linh tại The Voice.

Từ thất bại đầu tiên này, Hà Linh tiếp tục thất bại lần thứ hai khi bị Đàm Vĩnh Hưng loại khỏi đội để tạo cơ hội cho Nguyễn Hải Sơn đi tiếp ở vòng Đối đầu. Việc Hà Linh bị Mr Đàm loại ngay từ vòng Đối đầu khiến nhiều người bất ngờ. Nhưng có lẽ, đó là bước chuẩn bị vô cùng tinh vi của nhà tổ chức cho lần thất bại thứ ba đau đớn hơn nhiều vào đêm bán kết thứ hai vừa qua.
Hà Linh 2 lần bị loại ở The Voice
Hà Linh 2 lần bị loại ở The Voice

Thất bại của Hà Linh ở đêm bán kết vừa qua bắt nguồn từ chính quyết định sai lầm khi lựa chọn về đội Hồng Nhung khi cả Quốc Trung và Mỹ Linh đều muốn “cứu” cô. Có lẽ, đội hình quá mạnh của Mỹ Linh với Nguyễn Hoàng Tôn, Hoàng Yến… khiến Hà Linh “sợ hãi”. Nhưng sự “giận dỗi” khi Quốc Trung “không nhận ra” mình ở vòng Giấu mặt khiến cô không còn muốn về với Quốc Trung. Và như vậy, về với Hồng Nhung là sự lựa chọn duy nhất. Nó cũng là quyết định sai lầm tiếp theo của Hà Linh. Một người khéo léo và nhẹ nhàng như Hồng Nhung chắc chắn sẽ không phù hợp với sự mạnh mẽ, quyết đoán của Hà Linh. Chính vì vậy, việc Hà Linh bị tước đi tất cả cơ hội bước vào đêm chung kết là điều tất yếu.  Đó là kết quả đã được dự báo từ khi Hà Linh quyết định về đội của chị Bống.
Hơn nữa, từ trước đến nay, việc các thí sinh có tiềm năng bị loại xảy ra khá thường xuyên trong các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc ở Việt Nam. Nhưng vì sao khán giả lại phản ứng dữ dội khi Hồng Nhung loại Hà Linh?

Khán giả - diễn viên bất đắc dĩ của Giọng hát Việt?

Thực ra, việc loại Hà Linh hay Cát Tường không khác nhau nhiều. Bởi xét một cách tổng thể, The Voice mùa thứ hai chưa xuất hiện gương mặt xứng đáng ngôi vị quán quân ngay cả khi đêm chung kết đã cận kề. Tuy nhiên, khán giả giận dữ vì nhận ra mình là người thiệt thòi, dại dột nhất khi tham gia vào vòng xoáy của trò chơi truyền hình.

Nhà tổ chức trao cho họ “vinh dự” được lựa chọn quán quân, được quyết định 50% “số phận” của thí sinh. Nhưng những gì diễn ra trong đêm bán kết The Voice vừa qua lại cho thấy một điều ngược lại. Cả hàng triệu khán giả cũng có thể không bằng một vị huấn luyện viên. Chỉ cần Hồng Nhung tuyên bố dành cho Cát Tường 100% cơ hội, hàng ngàn, thậm chí hàng triệu tin nhắn của khán giả dành cho Hà Linh đều trở nên vô nghĩa.
Hồng Nhung tuyên bố dành cho Cát Tường 100% cơ hội, hàng ngàn, thậm chí hàng triệu tin nhắn của khán giả dành cho Hà Linh đều trở nên vô nghĩa
Hồng Nhung tuyên bố dành cho Cát Tường 100% cơ hội, hàng ngàn, thậm chí hàng triệu tin nhắn của khán giả dành cho Hà Linh đều trở nên vô nghĩa
Điều đó cũng có nghĩa, cái gọi là “quyền quyết định” của khán giả chỉ là cách nhà tổ chức đưa ra để kêu gọi tin nhắn bình chọn. Còn mọi quyền quyết định cũng như kịch bản của chương trình đều nằm trong tay họ. Đêm chung kết sắp tới, cái gọi là quyền quyết định quán quân lại được nhà tổ chức “trịnh trọng” giao cho khán giả. Tin nhắn của khán giả lại “quyết định” quán quân. Nói cách khác, khán giả sẽ là nhân vật chính trong đêm chung kết. Thực ra, với nhà tổ chức, ai trong số 4 người lọt vào chung kết trở thành vô địch đều không quan trọng. Cái họ quan tâm nhiều hơn chính là số lượng khán giả quan tâm đến chương trình, số lượng khán giả bỏ tiền ra nhắn tin bình chọn cho thí sinh của họ. Việc loại Hà Linh có thể coi như một cú hích để The Voice được quan tâm nhiều hơn sau một thời gian dài vắng lạnh.
Tất cả những phản ứng tức giận, ngạc nhiên, ngỡ ngàng…của khán giả cũng như giới truyền thông đều nằm trong dự liệu của nhà tổ chức. Đối với nhà tổ chức, những phản ứng đó không bao giờ có hại. Chương trình càng có nhiều người xem, phí quảng cáo càng tăng, càng nhiều tin nhắn bình chọn, doanh thu càng cao!

Tuy vậy, chưa chắc khán giả đã được đóng vai chính thực sự. Bởi số lượng tin nhắn bình chọn cũng do Ban tổ chức công bố và sự thật về lượng tin nhắn cũng chỉ có nhà tổ chức mới có thể biết chính xác. Khán giả sau khi bỏ tiền ra nhắn tin bình chọn chỉ còn cách tin vào sự trung thực của nhà tổ chức mà thôi.

Nói cách khác, quyền quyết định việc loại hay giữ thí sinh mà The Voice trao cho khán giả chỉ là thứ “quyền rơm” không hơn không kém.  Liệu còn có nhiều người bỏ tiền nhắn tin để ôm cái thứ “quyền rơm” ấy nữa không?
Quốc Khánh