Thơ phú bây giờ gây dị ứng thần kinh cho công chúng

23/02/2019 06:58
Thanh An
(GDVN) - Nỗi buồn thơ ca không phải bây giờ chúng ta mới thấy mà nó đã diễn ra từ nhiều năm qua.

Bắt đầu từ năm 2003, ngày rằm tháng giêng được chọn làm Ngày Thơ Việt Nam nên cứ đến ngày này thì các Hội Văn học Nghệ thuật khắp nơi trên cả nước đều tưng bừng tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu.

Đêm thơ bao giờ cũng thu hút được các hội viên văn học và nhiều người người yêu thơ đến tham dự. 

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế thì chúng ta thấy rằng thơ ca hiện nay không thu hút được nhiều người yêu thích như trước đây.

Phải chăng, sự yêu thích thơ ca của công chúng đang mai một khi chúng ta có quá nhiều các phương tiện giải trí khác hay chính thơ ca chưa đủ sức thu hút được bạn đọc và của những người yêu thơ?

Thơ ca ngày càng kém sức hút đối với công chúng ( Ảnh minh họa: baodaknong.com.vn)
Thơ ca ngày càng kém sức hút đối với công chúng ( Ảnh minh họa: baodaknong.com.vn)

Nhiều lần tham dự các đêm thơ Nguyên tiêu, cũng như hàng ngày đang giảng dạy môn Ngữ văn ở trường phổ thông, điều chúng tôi đang cảm nhận được là giới trẻ hiện nay không còn mặn mà với thơ ca như trước.

Nhiều khi dạy trên lớp, yêu cầu học sinh học thuộc lòng một số bài thơ trong chương trình chính khóa thì một số em thở dài, ngao ngán.

Ngay cả những đêm Nguyên tiêu hàng năm, các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, huyện tổ chức dàn dựng rất công phu nhưng vẫn không không lôi kéo được người yêu thơ đến với sân chơi này.

Phần lớn người đến tham dự là các hội viên văn học và một số…người già. Những người trẻ rất ít tham dự. Vì thế, các đêm thơ nhưng ban tổ chức phải "chèn" thêm ca nhạc vào để thu hút công chúng.

Bản thân chúng tôi thường xuyên đến các hiệu sách lớn và cố công quan sát nhưng hình như những kệ sách trưng bày các tập thơ không mấy khi có người đến gần mà cầm lên tay những tập thơ được bày bán.

Chính vì vậy, các tập thơ bày bán ở siêu thị sách, nhà sách thường ế ẩm từ năm này sang năm khác dù giá thành các tập thơ bây giờ tương đối thấp. 

Các hội viên văn học, các tác giả thơ bây giờ mỗi khi xuất bản sách thì thường chỉ xuất bản vài trăm cuốn để…tặng bạn bè, người thân của mình. Không mấy ai nghĩ đến việc xuất bản để …bán thơ như trước đây bởi có bán cũng không mấy khi có người mua.

Vì thế, việc xuất bản thơ bây giờ chủ yếu là do Hội Văn học Nghệ thuật các cấp tài trợ, khi có tài trợ thì họ in, không có tài trợ thì thôi, những tác giả tự bỏ tiền ra in thì gần như rất hiếm.

Điều đáng buồn nữa là khi đã xuất bản rồi, tặng bạn bè làm kỷ niệm thì những “đứa con tinh thần” đó không phải lúc nào cũng được được nâng niu, quý trọng.

Thơ phú bây giờ gây dị ứng thần kinh cho công chúng ảnh 2Văn chương bây giờ có giá trị không em?

Chúng tôi từng nhiều lần chứng kiến trong những đống giấy phế liệu của những người mua ve chai (đồng nát), trong những tiệm sách cũ có những cuốn thơ còn mới nguyên cả giấy in và chữ ký của người tặng.

Có lẽ, một số người được tặng cũng chưa lật qua những cuốn thơ đó nhưng đã bỏ vào đống giấy phế liệu để bán đi.

Chúng tôi có một người bạn là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, đồng thời là phó trưởng khoa Ngữ văn của một trường đại học sư phạm mời dự một chuyên đề ngoại khóa về thơ.

Trước khi tổ chức, khoa có làm kế hoạch và bản thân anh bạn này cũng đăng lên Facebook để thu hút sinh viên của mình.

Nhưng, hôm tổ chức thì chỉ vài chục sinh viên đến dự mà đa phần các em đến rồi ngồi bấm điện thoại. Rất ít em nhập tâm vào phần trình bày của những người đang diễn ngâm.

Những bài thơ hay rất khó tìm

Thực tế, người làm thơ hiện nay rất nhiều, chúng ta có hàng nghìn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, số hội viên cấp tỉnh, cấp huyện còn đông hơn rất nhiều. Thế nhưng, những tác phẩm thơ hay lại rất hiếm.

Ngày 19/12/ 2018 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề: Nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã thẳng thắn chia sẻ:

Chúng ta có hàng nghìn câu lạc bộ thơ nhưng có bài thơ nào hay, có sức sống lâu dài không? Khó vô cùng! Tôi rất chịu khó đọc thơ của các các câu lạc bộ, nhưng tôi phải thú nhận là không có thơ hay đâu”. 

Nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Lê Doãn Hợp thì khẳng định: “không dưới 70% là sách vô bổ”.

Ông còn nói thêm là rất sợ được bạn bè tặng thơ bởi “chưa đọc thơ thì còn quý bạn, đọc xong lại ghét bạn mình”. Thế nhưng, trong 5 năm làm Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, ông đã được tặng “phải tới 3 tấn sách”.

Điều này cũng đồng nghĩa là thơ được xuất bản nhiều nhưng chất lượng thơ thì chưa cao, rất ít bài thơ "đọng lại" trong tâm trí người đọc.  

Vẫn biết, trong thời hiện đại, con người có rất nhiều kênh giải trí khác nhau chứ không như trước đây nhưng rõ ràng việc bạn đọc đã và đang thờ ơ với thơ ca cũng là điều đáng cho mọi người suy ngẫm.

Trong nhà trường, chỉ có một số rất ít học sinh thích thơ, biết bình thơ bởi do cách định hướng của ngành giáo dục đang làm thui chột cách dạy và học thơ hiện nay.

Văn chương trong nhà trường bây giờ đang được dạy với rất nhiều loại tích hợp nên mất đi những giá trị cốt lõi của thơ ca. 

Hơn nữa, định hướng các loại bài kiểm tra, bài thi cũng ít khi chú trọng vào cảm nhận văn học.

Một số nhà thơ, tác giả thơ cũng chưa chú trọng đầu tư cho sáng tác nên chất lượng những tác phẩm thơ mới chưa đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống hiện tại.

Nỗi buồn thơ ca hiện đại không phải bây giờ chúng ta mới thấy mà đã diễn ra từ nhiều năm qua.

Nếu không cứu vãn được sức sống của văn học nói chung và thơ ca nói riêng cũng đồng nghĩa đời sống tinh thần, giá trị đạo đức của một bộ phận con người chúng ta chơi vơi, hẫng hụt.

Trách nhiệm đặt ra với những người quản lý, sáng tác văn học và những người định hướng, người dạy Ngữ văn hiện nay ở các nhà trường.

Tài liệu tham khảo:

https://tuoitre.vn/sach-do-tran-lan-bo-truong-5-nam-duoc-tang-3-tan-sach-20181219170255602.htm

Thanh An