Transformers 4 và chuyện "thoát Trung"

08/07/2014 15:02
Nhà báo Hải Phong
(GDVN) - "Thoát Trung” có thể cũng là một bộ phim dài chưa hồi kết cùng nhiều kịch tính ngang ngửa loạt phim Transformers của Michael Bay.

Ra mắt các khán giả trên khắp thế giới được hơn 10 ngày nay, bộ phim bom tấn Transformers 4:  Age Of Extinction (kỷ nguyên hủy diệt) đã thu về tổng doanh thu hơn 557.6 triệu USD. Riêng ở Việt Nam, doanh thu cũng đã vượt quá mốc 2 triệu đô la Mỹ. Transformers 4 đã nhanh chóng không có đối thủ, được coi là vua phòng vé và được xếp vào phim ăn khách nhất mùa hè 2014.

Transformers 4 đang làm mưa làm gió ngoài các rạp chiếu phim
Transformers 4 đang làm mưa làm gió ngoài các rạp chiếu phim

Transformers 4 là bộ phim của đạo diễn nổi tiếng Hollywood Michael Bay, với sự góp mặt của dàn diễn viên mới  gồm Mark Wahlberg, Nicola Peltz, Jack Reynor… và đặc biệt có sự xuất hiện của diễn viên Trung Quốc, Lý Băng Băng.

Đây là dự án thứ 2 hãng Paramount hợp tác sản xuất cùng Trung Quốc sau phim Iron Man 3. Paramount đã hợp tác cùng với đội ngũ sản xuất China Move Channel và Jiaflix Enterprises để thực hiện quay các bối cảnh phim trường tại Trung Quốc.

Sau vài ngày công chiếu, bộ phim này nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều khán giả bị thu hút bởi công nghệ bậc nhất Hollywood, tuy nhiên với nhiều người, họ đã quá quen với những màn đánh nhau của những con robot, những màn cháy nổ đã gặp nhiều ở 3 phần trước của bộ phim. Chỉ khác chăng phần 4 này, ngoài Chicago, vị đạo diễn còn đem sang tận Trung Quốc, Hồng Kông.

Ngôi sao điện ảnh Trung Quốc Lý Băng Băng được chọn trong phim bom tấn Transformers 4
Ngôi sao điện ảnh Trung Quốc Lý Băng Băng được chọn trong phim bom tấn Transformers 4

Từ chuyện đạo diễn Transformers 4 hợp tác với Trung Quốc, một thị trường mới mẻ, tiềm năng, đầy hấp dẫn ngay cả với những thế lực lớn như Hollywood, dưới góc nhìn của nhà báo Hải Phong, anh đã đưa ra góc nhìn về việc "thoát Trung" ở Việt Nam: 

"Phim dày đặc các thuộc tính Trung Hoa"

“Vai diễn của Lý Băng Băng, cảnh Joshua uống sữa Shuhua hay cảnh phi thuyền chở Cade bay trên Vạn lý trường thành... trong Transformer 4 cho thấy Hollywood đang ra sức chiều chuộng, ve vuốt thị thường điện ảnh lớn nhất thế giới này. 

Bộ phim đang làm mưa làm gió trên thế giới nói về cuộc chiến không ngừng nghỉ của những con robot biến hình ảo diệu của Michael Bay (Transformers 4) tới nay đã thu về 413 triệu USD (chỉ sau một tuần công chiếu) trong khi kinh phí chỉ hết có 165 triệu USD. Và cứ với cái đà này chắc chắn doanh thu phim chẳng mấy mà cán đích con số với 10 chữ số theo kỳ vọng của nhà sản xuất.

Xem xong phim này, cũng như 2 phần trước (ngoài phần 1 hay), chẳng kỳ vọng gì nhiều vào cốt truyện, cũng như lời Michael Bay thách thức: "Cho giới phê bình điện ảnh thoải mái chê bai, khán giả kiểu gì vẫn phải vào rạp xem phim". Thì tất nhiên còn xem gì ngoài những màn biến hình của Autobot hay Decepticon, những mẫu xe đẹp mắt và những màn chiến đấu kinh thiên động địa nữa. 

Nhưng cái cảm nhận rõ nhất ở phần 4 là sự “bành trướng” của Trung Quốc trong phim (cái này cũng đã thấy trong một số bom tấn như X – Men: Days of future past, nhưng chưa rõ nét).

Ngay từ kinh phí sản xuất phim là 165 triệu USD thì Paramount chỉ bỏ ra một phần, còn lại là hai hãng của Trung Quốc là China Movie Channel (một kênh của Đài truyền hình CCTV) và hãng Jiaflix Enterprises.

Khác với nhiều phim trước của Hollywood chỉ cho diễn viên Trung Quốc “lướt ván” qua màn ảnh, phim này Lý Băng Băng là một nhân vật phụ có tính cách rõ nét (đặc biệt là đứng về phe thiện), ngoài ra còn cả tá diễn viên của Hồng Kông, Trung Quốc trong các vai phụ nữa. Bối cảnh quay rất nhiều ở Bắc Kinh, Quảng Châu và Hồng Kông (gần như cả nửa cuối phim). 

Chưa kể, cùng với vô vàn các sản phẩm hàng hiệu nổi tiếng toàn thế giới như các thương hiệu xe hơi hàng đầu, Red Bull, Victoria's Secret, Bvlgari... thì khán giả phải ngắm đủ loại hàng tiêu dùng của Trung Quốc như sữa Shuhua (của tập đoàn Yili), nước khoáng Trung Quốc, tòa nhà Pangu Plaza của Tập đoàn Beijing Pangu Investment... (trong Transformers 3 cũng có thương hiệu sữa hộp Shuhua, áo phông Metersbonwe Mtee và laptop Lenovo).

Chính vì một tập phim dày đặc các thuộc tính Trung Hoa như vậy nên người xem có thể thấy những cảnh chẳng ăn nhập gì như cảnh một người đàn ông da trắng đang cố đút thẻ ATM của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc vào một cây ATM trong một thị trấn hẻo lánh tít tận... Texas. 

Rõ ràng với một thị trường 1,3 tỷ dân thì không ai có thể thờ ơ với nó, ngay cả những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ. Và đặc biệt là Hollywood, với sự nhạy bén của những người chuyên nghiệp biến phim ảnh thành núi tiền, càng không thể bỏ qua mỏ vàng đã đem về cho họ tới 3,6 tỉ USD trong năm 2013 (từ doanh thu phòng vé) và dự kiến đạt 4,8 tỉ USD trong năm nay.

Thoát Trung - bài toán khó giải

Hoa Kỳ mạnh như thế còn như vậy nói gì tới Việt Nam, một đất nước nằm ngay kề bên thị trường khổng lồ. Trong những dòng ý kiến sôi động về trào lưu “thoát Trung” suốt cả 2 tháng qua, có một ý kiến tôi thấy đáng chú ý và cũng có vẻ thực tế hơn cả, đó là ý kiến của TS.Lê Đăng Doanh tại Hội thảo “Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau” hôm 3/7. 

Ông nói: "Hiện 3 tỉnh Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc đang ăn gạo Việt Nam nên Trung Quốc có thể không mua gạo Việt Nam không? Các nhà máy săm lốp của Trung Quốc có thể không cần cao su Việt Nam không? Hay Tập đoàn Samsung tại Việt Nam mỗi năm nhập khẩu 21,6 tỉ USD thiết bị điện thoại từ Trung Quốc...".

Và rồi kết luận: “Thế giới đang quan tâm và ủng hộ chúng ta hiện nay là vì nước ta đang nằm ở phía Nam của Trung Quốc, lại là một đất nước độc lập. Chúng ta phải tận dụng lợi thế địa chính trị này để mà vươn lên, phát triển độc lập, tự chủ chứ không nên cứ than phiền là ở cạnh một nước láng giềng như Trung Quốc”. 

Thế nên “thoát Trung” dù được nhiều người bàn tới bàn lui nhưng e rằng sẽ là bài toán khó giải.  Và trên lĩnh vực điện ảnh, “thoát Trung” có thể cũng là một bộ phim dài chưa hồi kết cùng nhiều kịch tính ngang ngửa loạt phim Transformers của Michael Bay".

Nhà báo Hải Phong