Vẫn còn biến tướng phức tạp tại nhiều lễ hội

14/01/2019 06:00
Theo Báo Nhân Dân
(GDVN) - Tết đến, Xuân về cũng là thời điểm cả nước rộn ràng vào mùa lễ hội. Đây cũng là lúc công tác tổ chức, quản lý lễ hội lại được đặt ra rốt ráo hơn bao giờ hết.

Tết đến, Xuân về cũng là thời điểm cả nước rộn ràng vào mùa lễ hội. Đây cũng là lúc công tác tổ chức, quản lý lễ hội lại được đặt ra rốt ráo hơn bao giờ hết.

Mới đây, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có buổi làm việc với một số địa phương có lễ hội là điểm nóng trên địa bàn để tìm giải pháp đổi mới cách tổ chức, chấm dứt nguy cơ biến tướng tại một số lễ hội.

Trong số đó, có hội Phết Hiền Quan (tỉnh Phú Thọ). Những năm qua, lễ hội này thường xuyên xảy ra tình trạng người dự hội chen lấn, giẫm đạp, xô xát nhau để tranh cướp phết.

Hàng trăm thanh niên lao vào cướp phết. ảnh: TTXVN.
Hàng trăm thanh niên lao vào cướp phết. ảnh: TTXVN.

Năm nay, Đề án đổi mới công tác quản lý và tổ chức hội Phết Hiền Quan được xây dựng với nhiều điểm mới như: chỉ tổ chức tranh phết, không tổ chức tranh chúi.

Ban Tổ chức lập danh sách tham gia đánh phết trước 30 ngày, đối tượng không có tên không được vào khu vực sân đánh phết để ngăn chặn tình trạng lộn xộn có thể diễn ra.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cũng yêu cầu ban tổ chức bố trí nhiều lớp hàng rào với sự giám sát chặt chẽ của lực lượng cảnh sát nhằm khắc phục hiện tượng người tham gia lễ hội cùng đổ xô tranh phết.

Sau khi người cướp phết đưa được phết ra khỏi ranh giới, sẽ được bố trí đưa về nhà, không để tái diễn cảnh phết bị cướp lại dẫn đến lộn xộn, mất kiểm soát…

Những điều chỉnh này hứa hẹn sẽ tạo nên nhiều chuyển biến theo hướng nền nếp, nhân văn hơn trong lễ hội Phết Hiền Quan sắp tới.

Điều này một mặt ghi nhận những nỗ lực thay đổi của địa phương, mặt khác cũng cho thấy sự sâu sát trong công tác quản lý lễ hội của cơ quan có thẩm quyền.

Trong bối cảnh hiện tại, khi mà nhiều lễ hội đang có xu hướng biến tướng, thương mại hóa, đây có thể xem là yếu tố quan trọng trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội.

Vẫn còn biến tướng phức tạp tại nhiều lễ hội ảnh 2Lễ hội là văn hóa, đừng tái diễn những hành vi phản cảm

Nhìn lại mùa lễ hội năm 2018, dễ nhận thấy nơi nào có sự vào cuộc thật sự quyết liệt, trách nhiệm của các cấp, nơi đó có chuyển biến tích cực.

Đơn cử, tại lễ hội Gióng ở đền Sóc, Hà Nội, nơi hằng năm thường xảy ra tình trạng lộn xộn để “cướp giò hoa tre”, nhờ sự thay đổi trong cách tổ chức (sau cung tiến, giò hoa tre được di chuyển vào hậu cung đền Thượng để “cướp kín”), hoạt động phát lộc đã diễn ra trật tự, ổn định hẳn.

Hay tại lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng (tỉnh Bắc Ninh), thay vì chém lợn ở giữa sân, ban tổ chức đã thực hiện kín trong nhà bạt với sự bảo vệ của lực lượng chức năng, hạn chế được tính chất bạo lực, thiếu nhân văn của lễ hội.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm được quan tâm hơn với sự tham gia của nhiều đoàn thanh tra chuyên ngành, liên ngành tại các lễ hội lớn, đã góp phần giúp đẩy lùi nhiều biểu hiện phản cảm thường diễn ra như: đốt vàng mã tràn lan, đổi tiền lẻ thu chênh lệch lớn, rút quẻ thẻ, đặt tiền giọt dầu không đúng nơi quy định, hét giá, chèo kéo khách…

Đây là những kết quả tích cực từ chủ trương chấn chỉnh tiêu cực trong hoạt động lễ hội theo cách xử lý trực diện từng điểm nóng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch áp dụng từ năm 2018.

Thay vì yêu cầu địa phương báo cáo đánh giá, nhìn lại và rút kinh nghiệm sau mỗi mùa tổ chức lễ hội như trước, các lễ hội tồn tại nhiều tiêu cực sẽ được khoanh vùng theo từng nhóm để tìm hướng tháo gỡ triệt để.

Từ cách làm này, công tác quản lý, tổ chức lễ hội đã dần đi vào thực chất hơn, mang đến những chuyển biến cụ thể, rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, đây mới chỉ là những tín hiệu vui ở một vài lễ hội trong tổng số hơn 8.000 lễ hội văn hóa của cả nước.

Việc đẩy lùi những biến tướng của lễ hội còn nhiều gian nan, phức tạp, đòi hỏi chiến lược tổng thể, lâu dài và sự quyết tâm cao của các cấp, ngành.

Chưa kể, cách quản lý theo kiểu không quản được thì cấm, không giải quyết được thì cho tạm dừng tại nhiều lễ hội trong thời gian qua đã trở nên lạc hậu, thiếu khả quan và không thể giải quyết được bản chất vấn đề.

Những chuyển biến tốt ở một số lễ hội lớn nói trên là kết quả từ chính sự thay đổi trong tư duy quản lý, cách thức quản lý và tổ chức lễ hội của những người làm công tác quản lý văn hóa, chính quyền địa phương và ban tổ chức lễ hội.

Theo các chuyên gia, sự thay đổi này sẽ tác động tích cực tới nhận thức, hành vi, thói quen thực hành lễ hội của cộng đồng.

Và sự thay đổi của cộng đồng - chủ thể lễ hội, sẽ là “chìa khóa” để lễ hội không còn những biến tướng, phản cảm, từ đó phát huy tốt giá trị tinh thần, ý nghĩa nhân văn như vốn có.

Theo Báo Nhân Dân