"Văn hóa Biển đảo Việt Nam" tại lễ ra mắt các bộ sách trọng tâm

19/08/2017 06:18
Ngọc Bích
(GDVN) - Đây là một công trình giúp ích rất nhiều cho các nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh, sinh viên và đông đảo bạn đọc muốn tìm hiểu về văn hóa biển đảo Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày quốc khánh 2/9, sáng 18/8/2017 tại Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam đã long trọng tổ chức chương trình “Lễ ra mắt các bộ sách trọng tâm”.

Tại chương trình đã ra mắt các bộ sách trọng tâm gồm: Lịch sử Việt Nam – 15 tập; Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Bảo vệ chủ quyền Biển, Đảo Việt Nam; 400 năm chữ Quốc ngữ hình thành, phát triển; Lịch sử ngữ học; Thế kỷ âm nhạcViệt Nam.

Chương trình là sự phối hợp giữa Công ty cổ phần Tri thức Văn hóa, Sách Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Thanh Niên, Tổng cục chính trị Công an Nhân dân; Nhà xuất bản Công an Nhân dân, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học xã hội.

Tới tham dự chương trình có Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Quang Hải – Viện trưởng Viện Sử học; Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa dân gian; Thượng tá Bùi Anh Tuấn – Phó giám đốc, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Công an nhân dân; Nhà văn Nguyễn Xuân Trường – Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thanh Niên… cùng đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà phê bình lý luận, nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia... tới tham dự.

Tại “Lễ ra mắt các bộ sách trọng tâm”, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa dân gian; Thượng tá Bùi Anh Tuấn – Phó giám đốc, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Công an nhân dân đã phát biểu ý kiến và chia sẻ về việc tổ chức sản xuất bộ sách “Văn hóa Biển Đảo Việt Nam”.

Hình ảnh Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý phát biểu ý kiến về bộ sách Văn hóa Biển Đảo Việt Nam (Ảnh: Ngọc Bích)
Hình ảnh Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý phát biểu ý kiến về bộ sách Văn hóa Biển Đảo Việt Nam (Ảnh: Ngọc Bích)

Giới thiệu về bộ sách “Văn hóa Biển Đảo Việt Nam”

Việt Nam là một quốc gia có đường bờ biển dài trên 3.200 km, các vùng biển và thềm lục địa khoảng 1 triệu km2, gần 3.000 đảo nằm rải rác từ Bắc tới Nam, bao gồm các đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nằm giữa biển.

Biển và đảo ngày càng có vai trò quan trọng về nhiều mặt kinh tế, quân sự, chính trị... Vì vậy, lịch sử phát triển của đất nước ta luôn gắn chặt với việc bảo vệ các vùng biển và hải đảo thuộc chủ quyền của đất nước. 

Hiện nay, trong sự nghiệp đổi mới toàn diện, Đại hội Đảng lần thứ X (2006) chỉ rõ: “Phát triển mạnh kinh tế biển vừa toàn diện vừa có trọng tâm, trọng điểm với những ngành có lợi thế so sánh để đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế nhanh chóng phát triển kinh tế - xã hội ở các hải đảo gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh”. 

Biển gắn bó với bao thế hệ người Việt, là không gian sinh tồn và phát triển của dân tộc ta, là chỗ dựa sinh kế cho hàng triệu người dân Việt Nam từ xưa đến nay. 

Trong vùng “biển bạc”, mỗi hòn đảo không chỉ như những thỏi “vàng xanh” mà còn là một “cột mốc chủ quyền” tự nhiên của quốc gia. 

Biển thiêng liêng là vậy, vì thế bảo vệ và phát triển vì sự trường tồn của biển, đảo quê hương là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Hình ảnh những bộ sách Văn hóa Biển Đảo Việt Nam tại lễ ra mắt các bộ sách trọng tâm (Ảnh: Ngọc Bích)
Hình ảnh những bộ sách Văn hóa Biển Đảo Việt Nam tại lễ ra mắt các bộ sách trọng tâm (Ảnh: Ngọc Bích)

Văn hóa biển đảo, đặc biệt là văn hóa dân gian (khi mà văn hóa bác học chưa xuất hiện), được thể hiện đậm nét trong đời sống của những cư dân biển đảo. 

Họ đa số là những người từ nội đồng đi ra biển, song do sống trong môi trường biển đảo, bên cạnh những giá trị văn hóa đem ra từ đất liền, là những giá trị văn hóa được tạo nên từ bối cảnh biển đảo nơi họ sinh tồn. 

Những ca dao, tục ngữ, truyền thuyết, phong tục tập quán, lễ hội, tri thức về đời sống, về con nước, luồng lạch, về các loài sinh vật biển, về sóng, về gió… được người dân biển đảo đúc rút thành những kinh nghiệm đi biển cho mình và trở thành các giá trị văn hóa biển đảo để chúng ta có được hôm nay.

Văn hóa biển đảo Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa dân gian 

Văn hóa biển đảo Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa dân gian chính là những giá trị văn hóa đó. Tuy chưa thật đầy đủ và không phải là nhiều về số lượng, với một đất nước (trong chừng mực nào đó được gọi là đất nước của biển đảo, gắn liền với biển), có chiều dài biển suốt từ đầu đến cuối, mà những nghiên cứu về biển đảo chưa được là bao so với thực tế cần phải có. 

"Văn hóa Biển đảo Việt Nam" tại lễ ra mắt các bộ sách trọng tâm ảnh 3

Trường Sa là nơi đẹp nhất của Tổ quốc mình!

Tuy nhiên, số lượng những công trình khi tập hợp ở đây lại cho thấy một khối lượng đáng kể. Hơn nữa, đó mới chỉ là những khía cạnh văn hóa dân gian biển đảo, còn nhiều khía cạnh văn hóa khác chưa nhắc tới. 

Đây quả là một đóng góp đáng kể của những người làm văn hóa, những người yêu mến văn hóa biển đảo nói chung, văn hóa dân gian biển đảo nói riêng.

Dù chưa phải là đầy đủ, song với hai tập sách này đã cho người đọc một cái nhìn tổng quan về văn hóa dân gian biển đảo Việt Nam. 

Một bộ sưu tập có thể nói là phong phú, phong phú ở chỗ nó bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau của các thành tố văn hóa dân gian.

Hơn thế, do địa hình trải dài của đất nước dọc từ Bắc xuống Nam với nhiều vùng địa lý khác nhau, khí hậu khác nhau và cộng đồng cư dân và tộc người khác nhau nên đã tạo ra một kho tàng văn hóa dân gian biển đảo vừa phong phú vừa đa dạng, phản ánh được những điểm chung và những nét đặc thù riêng của mỗi vùng miền. Đây chính là giá trị đáng kể của văn hóa dân gian biển đảo Việt Nam. 

Bộ sách tuyển chọn 189 bài viết và được trình bày có hệ thống theo từng thành tố của khoa học nghiên cứu văn hóa dân gian liên quan đến biển - đảo Việt Nam; mở đầu là các bài viết dưới dạng tổng thể (những vấn đề chung). 

Sau khi trình bày các bài viết về dưới dạng tổng thể; bộ sách trình bày các bài biết theo từng thành tố, từng lĩnh vực, thí dụ ngữ văn dân gian, tín ngưỡng, phong tục, lễ hội, nghệ thuật dân gian, tri thức dân gian, văn hóa ẩm thực,... 

Cấu trúc của bộ sách “Văn hóa Biển đảo Việt Nam”

Tập 1: Trình bày những vấn đề mang tính tổng quan, văn học dân gian và nghệ thuật dân gian liên quan đến văn hóa biển, đảo Việt Nam. Nội dung gồm ba phần.

- Phần thứ nhất: Những vấn đề chung, giới thiệu các bài viết dưới dạng tổng thể về văn hóa biển đảo Việt Nam.

- Phần thứ hai: Văn học dân gian, giới thiệu các bài viết về tục ngữ, ca dao, vè và các truyền thuyết dân gian...

- Phần thứ ba: Nghệ thuật dân gian, giới thiệu các bài viết về hò (hát) bả trạo, hát chèo đưa linh, hát đám cưới trên thuyền...

Tập 2: Trình bày những vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, phong tục, lễ hội và tri thức dân gian. Nội dung gồm ba phần.

Hình ảnh tập 2 của bộ sách Văn hóa Biển Đảo Việt Nam (Ảnh: Ngọc Bích)
Hình ảnh tập 2 của bộ sách Văn hóa Biển Đảo Việt Nam (Ảnh: Ngọc Bích)

- Phần thứ nhất: Tín ngưỡng, giới thiệu các bài viết về tín ngưỡng liên quan đến văn hóa biển - đảo Việt Nam.

- Phần thứ hai: Phong tục - Lễ hội, giới thiệu các bài viết về phong tục, tập quán, lễ hội của cộng đồng ngư dân ven biển và trên các quần đảo ở nước ta.

- Phần thứ ba: Tri thức dân gian,giới thiệu các bài viết về nghề thủ công, làng nghề, văn hóa ẩm thực của cộng đồng ngư dân ven biển.

Với 189 bài viết được tuyển chọn, độc giả sẽ có cái nhìn tổng quan về văn hóa biển đảo Việt Nam được các tác giả khai thác ở nhiều khía cạnh, nhiều đối tượng nghiên cứu và đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. 

Và đây cũng chỉ là một trong nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau đối với các hiện tượng văn hóa, văn hóa dân gian liên quan đến biển - đảo ở Việt Nam phức tạp và đa dạng này. 

Thiết nghĩ đây là một công trình giúp ích rất nhiều cho các nhà nghiên cứu, các nghiên cứu sinh, sinh viên và đông đảo bạn đọc muốn tìm hiểu về văn hóa biển đảo Việt Nam nói chung và văn hóa dân gian biển đảo nói riêng.

Ngọc Bích