Văn hóa trung thu hay chỉ là sự khuếch trương đầy tốn kém

04/10/2017 13:26
Nam Phương
(GDVN) -Để mâm cỗ có cơ hội đạt giải người làm phải cắt tỉa nhiều loại củ quả rất công phu. Bởi thế, mâm cỗ chỉ có tác dụng đi thi còn giá trị sử dụng thì gần như không

LTS: Từ xưa, mọi người đã quan niệm Trung thu là ngày Tết của thiếu nhi, là dịp để các em nhỏ được vui chơi, hòa mình vào không khí rộn ràng, náo nhiệt, được cùng gia đình quây quần bên mâm ngũ quả.

Thế nhưng ngày nay, Tết Trung thu dường như đã bị biến tướng, bị người lớn "thao túng" quá nhiều, làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng của nó.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả Nam Phương xin được bàn tới chuyện có cần thiết tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đầy tốn kém từ những mâm cỗ trông trăng trong ngày Tết Trung thu của thiếu nhi hay không?

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trung thu là Tết của thiếu nhi. Bởi thế, tất cả các hoạt động được tổ chức không nhằm mục đích nào khác là hướng tới các em, tạo cho các em có được một niềm vui trọn vẹn.

Thế nhưng, Tết Trung thu bây giờ đang bị người lớn “thao túng” quá nhiều.

Các hoạt động văn hóa như rước đèn, trông trăng phá cỗ…được tổ chức nhằm khuếch trương danh tiếng nhiều hơn là vì niềm vui của trẻ nhỏ.

Chính vì điều này, đã tạo ra những mùa Trung thu vô cùng tốn kém, lãng phí cho nhiều cá nhân, cơ quan và các trường học.

Năm nào cũng thế, khi Trung thu còn cả tháng nữa mới đến thì nhiều trường học ở địa phương tôi đã lên kế hoạch chuẩn bị cho đêm hội Trung thu.

Hình thức mà nhiều trường học lựa chọn là làm mâm cỗ Trung thu để trưng bày và thi thố.

Nếu năm nào các xã phường cũng tổ chức thi thì nỗi vất vả, sự tốn kém của các trường học lại tăng lên bội phần.

Hình ảnh mâm ngũ quả ngày tết trung thu (Ảnh minh họa: vietnamnet.vn).
Hình ảnh mâm ngũ quả ngày tết trung thu (Ảnh minh họa: vietnamnet.vn).

Nếu chỉ làm mâm cỗ trông trăng rồi cô trò đón Trung thu sẽ chẳng có điều gì phải bàn.

Nghẹt nỗi nhà trường thường tổ chức kèm theo đó là cuộc thi chấm điểm trao giải. Từ đó sẽ chọn lớp đạt giải thay mặt toàn trường dự thi cấp xã phường.

Đã là thi thố không thể làm đơn giản hay qua loa. Thế rồi, giáo viên bận việc giảng dạy làm gì có thời gian để ngồi tỉa tót, trưng bày.

Thầy cô chỉ còn biết cầu viện đến phụ huynh nhờ họ chung tay giúp đỡ. Không tham dự thì thôi, đã thi ai chẳng muốn lớp mình đạt giải.

Nếu như trước đây, mâm cỗ Trung thu cổ truyền bắt buộc phải có mâm ngũ quả, với các hoa quả theo mùa như na, bưởi, cam, quýt, lựu. Quan trọng nhất vẫn là hồng, cốm và chuối tiêu chín trứng cuốc.

Món không thể thiếu khác trên mâm cỗ là các loại bánh nướng, bánh dẻo đi cùng với trà ướp sen.

Và còn phải có bánh con lợn, con cá nho nhỏ cho trẻ con. Khi phá cỗ, các em sẽ được phát bánh, hoa quả và cùng ăn uống một cách thật ngon lành, vui vẻ.

Thì nay, mâm cỗ Trung thu đã được biến tấu khác hơn rất nhiều. Ngoài những chiếc bánh trung thu cùng một số trái cây không thể thiếu thì còn có thêm đèn ông sao, đèn cầy.

Nếu chỉ trưng bánh trái như thế thì chẳng có gì đáng nói, để cho mâm cỗ đẹp, thêm phần phong phú, hấp dẫn, người làm đã mua thêm rất nhiều loại cây trái, rau củ khác để cắt tỉa hoa lá, con vật như bí, bầu, ớt, cà chua, su su, cà rốt, dưa, đu đủ xanh, xoài xanh...tạo nên một bức tranh đa sắc màu với cỏ cây hoa lá cùng muông thú về hội tụ.

Để trang trí, bày biện thành mâm cỗ đi thi cũng mất khoảng vài ngày từ lên ý tưởng, mua đồ, đặc biệt là cắt tỉa. Nào là cà chua tỉa bông hồng, trái dưa thành chiếc thuyền, quả bí thành con rồng đang vươn mình, trái bầu thành con công xòe cánh…

Văn hóa trung thu hay chỉ là sự khuếch trương đầy tốn kém ảnh 2

Những đứa trẻ ao ước nhìn thấy chiếc đèn ông sao

Mỗi mâm cỗ bèo nhất cũng tốn vài trăm ngàn, sang hơn chút có giá hàng triệu đồng đôi khi còn nhiều hơn thế.

Thế nhưng, khi phá cỗ học sinh chỉ biết nhìn mâm cỗ ngồn ngộn với ánh nhìn thèm thuồng vì ngoài ít bánh, ít trái cây còn ăn được thì đa phần những rau củ quả chỉ biết ngắm nhìn, ngắm chán thì vứt đi.

Một số trái cây tỉa tót cũng không thể ăn. Bởi những thứ đã cắt tỉa để lâu cũng bị lên mùi, mất chất.

Thi cấp trường đã khổ thế, thi cấp xã phường, huyện thị lại khốn khổ hơn nhiều. Bỏ qua thời gian chuẩn bị, kinh phí bỏ ra cho một mâm cỗ phải tăng lên gấp nhiều lần như thế.

Để mâm cỗ càng đẹp, hy vọng cơ hội đạt giải càng cao, người làm càng phải cắt tỉa nhiều loại củ quả một cách cầu kì, công phu. Bởi thế, mâm cỗ chỉ có tác dụng đi thi còn giá trị sử dụng gần như chẳng đáng là bao.

Nếu chỉ tính một trường với số lượng vài chục lớp học thì số tiền tiêu hao vào mâm cỗ ít nhất cũng lên đến vài chục triệu đồng. Tính rộng cả xã phường, con số dăm chục triệu đến hàng trăm là chắc chắn.

Một số tiền lớn bỏ ra chỉ thỏa mãn ánh nhìn thì thật là lãng phí. Trong khi đó còn biết bao đứa trẻ chỉ ước ao có được một chiếc bánh nhỏ, một cái ông sao với giá trị chỉ vài chục nghìn đồng để được cầm đi tung tăng quanh xóm cũng là cả một ước mơ mà ít khi có được.

Thử hỏi, chúng ta có nên duy trì mãi việc tổ chức mâm cỗ trông trăng bằng hình thức thi thố mà nhiều địa phương vẫn đang làm như hiện nay hay không?

Nam Phương