Vụ thầy đánh trò, trò đánh lại thầy và bài học lớp 7 của người Đức

11/04/2014 08:06
Trương Anh Tú
(GDVN) - Thầy đánh trò - trò đánh lại thầy - cái "vòng tròn (bạo lực) lẩn quẩn" ấy không chỉ có trong nhà trường mà nó đã và đang hiện diện ở khắp nơi!

Vừa qua, chúng ta lại ngậm ngùi và cay đắng khi đọc bức tâm thư được cho là của một du học sinh người Nhật có tên "Việt Nam - nhà giàu và những đứa con chưa ngoan". Là một người Việt Nam hiện đang sống ở nước ngoài - có đủ "độ lùi" về không gian để nhìn về đất nước mình, tôi nghĩ, chúng ta phải cảm ơn bạn sinh viên người Nhật đã "nhắc" những cái xấu mà những người Việt Nam chúng ta - như nhà văn Nguyễn Quang Vinh đã viết - "còn biết rõ hơn, thấm hơn, đau hơn nhiều lần điều bạn (ấy) đang thấy và đang viết ra"!

"Không thể không đau thương"

Cũng mới gần đây thôi, ngày 24-02-2014 dưới tiêu đề: "Video gây sốc cộng đồng: Học trò bị tát đánh lại thầy giáo…/ Tát học trò thứ nhất 5 cái, thầy giáo trẻ tiếp tục tát học trò thứ hai. Cậu học sinh lao lên dồn thầy vào góc lớp"… mà khi xem xong chúng ta - những người Việt Nam - không thể không đau thương!

Thày giáo đánh trò và bị trò đánh lại tại Bình Định.
Thày giáo đánh trò và bị trò đánh lại tại Bình Định.

Thầy đánh trò - trò đánh lại thầy - cái "vòng tròn (bạo lực) lẩn quẩn" ấy không chỉ có trong nhà trường mà nó đã và đang hiện diện ở khắp nơi! Những đứa trẻ sẽ ra sao khi phải chứng kiến, phải "sống chung" với bạo lực như thế? Chắc chắn sẽ có vô số những đứa trẻ bị nhiễm "bệnh" sử dụng bạo lực - như một "thói quen", sẽ coi bạo lực là một biện pháp để "giáo dục", để "đối thoại", để giải quyết mâu thuẫn, giải quyết bế tắc!

Câu hỏi được đặt ra là: chúng ta - những người Việt Nam - đã biết rõ những cái xấu hiện tại như vậy nhưng chúng ta đã và đang làm gì để loại bỏ những cái xấu ấy? Thực tế đất nước chúng ta hiện nay là câu trả lời rõ ràng và ngắn gọn nhất !!!

Bây giờ là lúc chúng ta phải vượt qua chính mình, hãy nhìn thẳng vào sự thật, thực tế đất nước, đừng viển vông, ngụy biện, giáo điều, bảo thủ! "Thuốc đắng giã tật"! Hãy tiếp nhận những ý kiến, phê phán – như của bạn sinh viên người Nhật nói trên, dù ít nhiều nó có thể "chạm" vào lòng tự ái! "Thương cho vọt - ghét cho ăn"! Có lòng với mình thì "người ta" mới góp ý thẳng thắn như vậy! Và đó là sự thật!

Đã rất nhiều năm, chúng ta đi hết từ bàng hoàng này đến bàng hoàng khác khi chứng kiến tận mắt những vụ bạo hành, khi thấy thói vô cảm là một "căn bệnh" hiểm nghèo đang làm đạo đức xã hội băng hoại (gần đây nhất là vụ hành hạ trẻ mầm non ở Sài Gòn hay vụ "hôi" bia ở Biên Hòa).

Dư luận nói chung là rất phẫn nộ, đòi xử lý nghiêm minh (và đó là một phản ứng tích cực để xây dựng một xã hội văn minh). Những người phạm tội phải chịu hình phạt của pháp luật và chính lương tâm họ. Tuy nhiên, ra những bản án nghiêm khắc chỉ là cách chữa "triệu chứng" chứ không thể phòng chống, ngăn chặn "căn bệnh" bạo hành!

Trong một xã hội, tại sao một người ra đường có thể bị đánh bất cứ lúc nào chỉ vì (dám/ lỡ) "nhìn đểu" người khác!

Tại sao một cậu học sinh bị bạn học tra tấn chỉ vì "lỡ" đẹp trai hơn bạn khác! Tại sao một người mua hàng có thể bị chửi, mắng, đánh đập, đe dọa, bị những thứ không thể lường trước… nếu “chẳng may“ đã chạm vào hàng của người bán mà không mua!

Vụ đày đọa trẻ mầm non tại TP.HCM. Ảnh: Tuổi trẻ
Vụ đày đọa trẻ mầm non tại TP.HCM. Ảnh: Tuổi trẻ

Tại sao một "cô giáo" trông trẻ (còn rất trẻ mới mười tám, đôi mươi, thậm chí có cô đã có bằng đại học như vụ bạo hành trẻ em đã nói ở trên) lại có thể hành hạ những em bé một cách "không cảm xúc", như việc nhồi một con gà trước khi đem bán! Tại sao của cải của những nạn nhân bị tai nạn, bị cướp giật lại bị chính những người dân (đúng ra phải giúp đỡ những người gặp nạn) xâu xé! Tại sao!

Bạo hành luôn có "cơ hội" hiện diện ở đâu đó, ngay từ trong gia đình, trong nhà trường, trong cộng đồng. Nó sẽ trở thành một thứ nấm độc - mà ở bất cứ một xã hội nào, nếu không biết phòng ngừa hoặc không được chữa trị kịp thời, sẽ khó có cơ hội để thoát ra khỏi "căn bệnh" - lạm dụng bạo lực - nấm độc ấy! Hiển nhiên, khi nạn bạo hành đã thành "chuyện thường ngày ở huyện" thì thói vô cảm sẽ cùng tồn tại như một cặp bài trùng!

Nạn bạo hành ở gia đình nói riêng, trong xã hội nói chung - mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em - là một vấn nạn xảy ra ở mọi quốc gia, nền văn hóa, không ngoại lệ giàu nghèo, trình độ học vấn.

Song rõ ràng, kỹ năng sống và sự hiểu biết về quyền lợi, hiểu biết về luật pháp của công dân trong một xã hội càng cao thì mức độ, phạm vi của nạn bạo hành càng thấp.

Bạo hành có thể đến từ một phía - từ đối tượng gây ra bạo hành (đơn phương gây ra), nhưng cũng có khi đến từ hai phía - từ đối tượng gây ra bạo hành và người bị bạo hành, do: mất nhân cách; không được trang bị kỹ năng sống để biết ứng xử, dẫn tới nhiều "nguy cơ" cãi cọ, xô xát; thiếu hiểu biết, coi bạo lực là một biện pháp để "giáo dục", "đối thoại", giải quyết mâu thuẫn, giải quyết bế tắc… và tất nhiên không biết (hoặc không cần biết) hậu quả của "phương pháp" này; bị nhiễm "thói quen" sử dụng bạo lực (trong vòng luẩn quẩn) từ chính gia đình mình hay từ bên ngoài; do không hiểu biết cặn kẽ về quyền lợi - bổn phận của mỗi thành viên trong gia đình, trong xã hội trên cả hai phương diện đạo đức và luật pháp.

Vụ hôi bia ở Đồng Nai
Vụ hôi bia ở Đồng Nai

Những nạn bạo hành trong một gia đình, trong một xã hội có tồn tại và kéo dài được hay không còn phụ thuộc khá nhiều vào các yếu tố bên ngoài như ý thức trách nhiệm của xã hội về nạn bạo hành (không coi nạn bạo hành là "chuyện riêng" (khi chưa chạm đến mình) mà là một vấn nạn của toàn xã hội cần phải giải quyết) hoặc vào luật pháp và sự công minh của luật pháp trong đó bao gồm cả trách nhiệm của các ngành trong việc tố cáo, xử lý nạn bạo hành.

"Bài học lớp 7 của người Đức"

Qua cách nhìn từ nhiều bình diện trên đây, câu hỏi được đặt ra là, làm thế nào để ngăn chặn nạn bạo hành, thói vô cảm thật hiệu quả - nghĩa là không chỉ "chữa trị", ngăn chặn nạn bạo hành đang hoành hành hiện nay, mà còn "phòng ngừa“ nạn bạo hành cho các "thế hệ" gia đình, xã hội tương lai, khiến cho "bệnh" sử dụng bạo lực trong gia đình nói riêng và ngoài xã hội nói chung không còn "đất“ để tồn tại, hoặc chí ít cũng không thể "cư ngụ" lâu dài ?

Câu hỏi này có thể trả lời ngắn gọn bằng một từ Giáo dục. Nếu mỗi đứa trẻ, từ khi ngồi trên ghế nhà trường (càng sớm càng tốt):

- được huấn luyện kỹ năng sống (để biết lắng nghe - phát biểu - đối thoại - ứng xử - phản biện…)

- được tìm hiểu về pháp luật để có những hiểu biết nhất định về quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi cá thể trong một cộng đồng

- được khuyến khích, hỗ trợ thực hiện những quyền lợi nghĩa vụ ấy với tinh thần thượng tôn pháp luật, thì rõ ràng những đứa trẻ được giáo dục, được trang bị như vậy sẽ có nhiều cơ hội để trở thành những công dân - vừa có thể tự tin bảo vệ chính kiến, tính cách cá nhân của mình (giữ "cái tôi", không a dua theo tâm lý bầy đàn, không bắt chước cái xấu), vừa có thể hòa nhập vào cộng đồng xã hội, biết cách "đối nhân, xử thế" trên tinh thần tôn trọng "biết mình, biết người", tôn trọng người khác và sau nữa, biết bảo vệ mình, bảo vệ lẽ phải bằng pháp luật.

Chúng ta thử đọc (một phần) bài kiểm tra môn Chính trị - Kinh tế dành cho học sinh lớp 7 tại một trường PT tại Đức (mà người viết bài này cũng như những ông bố, bà mẹ khác ở đây có trách nhiệm xem và ký vào những bài kiểm tra của con mình) để tìm hiểu phương pháp "tiếp cận", phương pháp giáo dục quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi cá thể trong một cộng đồng cho trẻ em ở đây ra sao:

Câu hỏi 1- Giải thích tại sao khái niệm "vòng luẩn quẩn" được đưa ra để nói về tình trạng trẻ em nghèo ở Đức?

Trả lời: Khái niệm "vòng luẩn quẩn" mô tả mối quan hệ của nhiều yếu tố, tác động qua lại lẫn nhau, mang tính tiêu cực (ban đầu dù rất nhỏ nhưng sau đó tiếp tục phát triển, để lại hậu quả, khó có thể dừng lại, trở thành hệ thống). Khái niệm này được đưa ra để biểu thị những hệ lụy từ cuộc sống khó khăn của trẻ em nghèo.

Thí dụ: Khi một bố mẹ không đủ khả năng tài chính để trang trải mọi chi phí - điều đó dẫn đến: con cái sẽ bị thiếu thốn, không đủ điều kiện ăn học, phải đứng "ngoài rìa" xã hội - (có thể phát sinh tâm trạng chán chường, trầm cảm) - khó có thể học tốt - dẫn đến thiếu kiến thức - và sau đó rất khó có nghề nghiệp vững vàng - dễ lâm vào thất nghiệp - cuối cùng lại giống như bố mẹ, phải sống trong nghèo khó…

Câu hỏi 2- Người cha tức giận cô con gái Sonia và đã đánh cô bé. Hình phạt này của người cha có được cho phép? Hãy trình bày lý do!

Trả lời: Hình phạt này bị cấm, không được chấp nhận. Theo điều 1626 Bộ luật dân sự (tại Đức): cha mẹ có trách nhiệm giáo dục để con cái có tính tự giác và lòng tự tin. Những gì người cha đã làm là phản tác dụng.

Điều 1631 quy định: trẻ em cần phải được giáo dục bằng tình thương và không được sử dụng bạo lực. Điều 1666 cũng viết: trẻ em phải được bảo vệ để tránh nguy hại và không bị lạm dụng. Vì vậy người cha phải từ bỏ cách giáo dục "bằng tay" của mình !!!...

Đó là cách người ta dạy trẻ em về quyền lợi và nghĩa vụ ở đây. Rất cụ thể. Họ luôn dạy để "học đi đôi với hành" và không né tránh thực tế (như vấn đề trẻ em nghèo ở đây, mặc dù nếu so sánh với trẻ em nghèo ở các nước khác ngay ở Tây Âu thì trẻ em (và gia đình) nghèo ở Đức có điều kiện "tốt hơn" nhiều vì hiện nay ngoài việc nhận được những hỗ trợ, miễn phí cho việc học hành, đào tạo nghề nghiệp, còn được nhà nước lo cho toàn bộ chi phí về ăn uống, nhà ở, bảo hiểm y tế, thuốc men).

Họ chú trọng giáo dục nhân cách, kỹ năng sống ngay từ những năm đầu đi học cho học sinh. Quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cá nhân không chỉ được tuyên truyền, hô hào chung chung, bằng những bài học cũng rất chung chung, mà còn được hướng dẫn, chỉ ra bằng những điều luật cụ thể, để trẻ em biết rằng, chúng - cũng như mọi thành viên trong xã hội đều được pháp luật bảo vệ công bằng, những người vi phạm pháp luật sẽ bị trừng trị và pháp luật mới là tối thượng.

Chúng ta biết rằng, những đứa trẻ phải lớn lên trong một môi trường có "thói quen" sử dụng bạo lực thì khó có thể phát triển toàn diện và nguy hiểm hơn - do thường xuyên phải chứng kiến (hay trực tiếp hứng chịu) bạo hành, chúng rất có nguy cơ bị rơi vào "vòng xoáy" của bạo lực trong cuộc sống sau này.

Vì vậy giáo dục nhân cách, dạy kỹ năng sống, cùng với cung cấp những kiến thức nhất định về luật pháp (liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của trẻ em) cho học sinh ngay từ giáo dục phổ thông là một nhu cầu rất bức thiết, không thể chậm trễ.

Bằng cách này chúng ta không chỉ kéo những đứa trẻ hôm nay và ngày mai sẽ là những con người trưởng thành ra khỏi "vòng luẩn quẩn" của bạo lực, ngăn chặn nạn bạo hành nói chung mà còn góp phần bồi đắp nên những thế hệ công dân có ý thức tôn trọng pháp luật, biết bảo vệ lẽ phải và công bằng xã hội.

Trương Anh Tú