Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Trung Quốc hùng mạnh sao lại ứng xử tiểu nhân?

30/06/2011 04:00
(GDVN) - Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Trần Đăng Khoa, tác giả tập truyện “Đảo chìm” gây ra hiện tượng in nối bản, tái bản liên tiếp.

(GDVN) - Sau sự kiện tàu Trung Quốc liên tiếp xâm phạm chủ quyền, thời gian qua mỗi người Việt Nam đều cảm nhận được rõ ràng và sâu sắc tình yêu quê hương đất nước vốn ẩn sâu trong trái tim mình, mà trong đời sống bận rộn bình thường không có cơ hội được bộc lộ.

>> Quân đội Việt Nam đã từng giúp TQ đánh giặc như thế nào?
>> Tướng bắt giữ Dương Văn Minh nói về chiêu bài của Trung Quốc
>> Tướng Lê Hữu Đức: “Chưa bao giờ Việt Nam chịu nhục”
>> Tướng Việt Nam phân tích tình hình biển Đông
>> Thiếu tướng, cựu Đại sứ VN ở TQ: "Bằng chứng của TQ là hàng giả!"
>> Tướng Thước: “Thời đại này không phải muốn làm gì thì làm”
>> Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tàu Bình Minh vẫn sẽ ra khơi

Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trò chuyện với nhà thơ Trần Đăng Khoa, người từng là lính biển từ năm 1979 đến 1983, tác giả tập truyện “Đảo chìm” kể về cuộc sống lính đảo Trường Sa - một trong số ít tác phẩm gây ra hiện tượng in nối bản, tái bản liên tiếp trong nhiều năm.

Trường Sa giữ cho tấm lưng còng mẹ Việt Nam khỏi lạnh

- Anh có theo dõi tình hình biển Đông không?

Có chứ. Bám sát từng ngày. Quả là rất đáng quan ngại. Cả ta và Trung Quốc đều cần hòa bình, ổn định để phát triển. Tôi nghĩ rằng, chúng ta cố gắng kìm nén cũng là vì thế. Nếu xảy ra đụng độ thì chỉ khổ dân thôi. Tôi may mắn có dịp đi qua một số nước. Sao họ thanh bình thế. Dù họ nói tiếng nói khác nhau, nhưng tiêu cùng một đồng tiền. Từ Pháp sang Đức, hay từ Đức sang các nước khác, chắng thấy hải quan, cũng không phải qua bất cứ trạm kiểm soát nào, cứ đi thẳng một lèo.

Trần Đăng Khoa:
Trần Đăng Khoa: "Trong mắt tôi, Trung Quốc to mà không lớn".

Đường liền mạch. Khi thấy kiểu chữ khác trên các bảng dẫn đường, mới hay mình đã sang một quốc gia khác. Còn ông bạn thân thiết với ta thì sao mà khổ thế, lăm le từng mét đất, rồi quấy nhiễu, cắt cáp tàu thăm dò. Đấy là lối ứng xử tiểu nhân. Trung Quốc rất hùng mạnh. Họ mạnh trên tất cả các lĩnh vực mà chả cần đến mấy mô đất ở biên giới, hay vài hòn đảo ở Biển Đông.

Nhưng có điều họ vẫn không từ bỏ những “con cá, mớ rau” ấy. Mà những tài sản tí teo ấy lại không phải của họ. Rất buồn cười. Tôi rất yêu đất nước Trung Quốc và rất yêu nền văn hóa, văn chương Trung Quốc. Vì thế, rất tiếc bởi cách ứng xử không đàng hoàng và chẳng hề hảo hán của họ. Trong mắt tôi, Trung Quốc to mà không lớn. Cách ứng xử không người lớn ấy làm cho quốc gia vĩ đại ấy lại nhỏ đi.

- Anh đã từng là người lính biển và viết rất hay về Trường Sa. Ký ức và hình bóng Trường Sa giờ đây ở trong anh như thế nào?

Tôi cho đó là những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời cầm súng, cầm bút của mình.. Những ngày này, cả nước hướng về Trường Sa. Vậy Trường Sa là gì? Trường Sa ở đâu? Nếu tôi đọc số kinh tuyến, vĩ tuyến vị trí của từng hòn đảo của Quần đảo thiêng liêng ấy thì chắc bạn đọc cũng khó mà hình dung được. Bởi trừu tượng quá, mung lung quá. Thôi thì hãy nhìn lên bản đồ.

Tổ quốc của chúng ta trên bản đồ thế giới mang hình dáng một bà mẹ gày gò đội nón lá, lưng còng gập có lẽ vì phải gánh quá nhiều sứ mệnh lịch sử. Bà mẹ ấy vẫn lặn lội thân cò, bước thập thững bên bờ sóng. Tấm lưng còng gập quay ra Biển Đông. Cái phên dậu giữ cho tấm lưng còng ấy khỏi lạnh chính là Trường Sa đấy!

Trường Sa, nói theo chữ các cụ ta xưa thì nó là một dải cát dài. Nhưng có hòn đảo còn chưa có cả cát nữa kia. Nó mới đang còn là một vùng san hô ngầm, chìm sâu dưới nước ba mét. Các chàng lính trẻ của chúng ta đã dựng chòi bạt giữa sóng gió để canh giữ, bảo vệ cái núm ruột thiêng liêng của Tổ Quốc. Nhiều đêm ngồi trên chòi bạt, giữa một bầu mây nước hỗn mang, tôi cứ ngỡ mình đang ở thời tiền sử, đang chứng kiến cái giây phút sinh thành của trái đất. Hòn đảo vẫn réo gầm dưới sóng.

Nó như đang quẫy đạp, đang dãy dụa, muốn xé toang cái bầu nước âm u vây bọc kia để ra đời. Nhưng theo cách tính toán của các nhà khoa học, thì phải hơn một trăm năm nữa, nó mới nhô lên kia. Còn bây giờ, nó đang còn là một cái bào thai chìm lặn trong sóng gió hỗn mang. Mai này Đảo sẽ nhô lên - Sẽ có cuộc đời, sẽ có tên - Có ngôi nhà dưới vòm cây mát - Có nước ngọt, đấy là điều tuyệt nhất - Có thể gội đầu, có thể uống no say - Có thể tặng nhau cả một giếng đầy.

Nhưng đó là chuyện ngày mai. Còn hiện tại, nó vẫn đang là một bầu mây nước hoang dại. Tôi đã sống trên quần đảo ấy từ những năm bảy mươi của... thế kỷ trước. Ở những hòn đảo nổi, mà lính gọi là “Thủ đô Trường Sa”, “Hotel An Bang”, “Lâu đài Nam Yết”, có hòn đảo nhỏ lắm.

Chỉ là một vũng cát lờ phờ, to chừng một cái nong phơi thóc, vừa đủ chỗ để dựng một cái lều bạt dã chiến. Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương cũng đã đến đây, đã ngủ một đêm trên hòn đảo này trong một chuyến đi tuần biển...

"Sóng xô mãi cũng không mòn - Ngàn năm sau vẫn cứ còn Trường Sa"

- Quả thật, đọc "Đảo chìm" rất thú vị và cảm động, nhất là những dòng về Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương. Anh còn điều gì muốn bộc bạch thêm với bạn đọc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam?

Tất nhiên đó là những chuyện tôi còn là lính biển. Nếu bây giờ, bạn đọc có dịp đặt chân lên hòn đảo huyền thoại ấy (hòn đảo đã được khắc họa trong tác phẩm "Đảo chìm" - pv), các bạn sẽ thấy hòn đảo khác rất nhiều với những gì tôi kể. Một vùng đất trù phú. Cây lá xanh rì. Thấp thoáng trong bóng cây, còn có cả một mái chùa làng. Đảo đã có một đời sống bình dị. Ngay hòn đảo chìm cũng đã khác. Một căn nhà vững chãi như lô cốt hai tầng bằng bê tông cốt thép đã được dựng lên.

Bên cạnh cái "lô cốt" sừng sững như một pháo đài này, Bộ tư lệnh Hải Quân vẫn giữ lại cái lều bạt hoang sơ mà những người lính biển chúng tôi ngày xưa đã ở, như một bảo tàng giữa trời nước, lưu giữ dấu ấn của những ngày gian khổ chưa xa. Nhưng dù chúng ta có nâng niu gìn giữ thế nào thì sắt thép cũng sẽ bị hoen rỉ trong nước mặn. Mọi sự việc dù cảm động đến đâu rồi cũng phai mờ qua những biến động của thời gian. Tôi nghĩ thế và tôi đã lẩn mẩn ghi lại tất cả những gì mình thấy, làm một cái “bảo tàng nho nhỏ” cho bạn đọc, những người đến sau, không được thấy những gì tôi thấy.

Tôi rất mong có dịp được trở lại Trường Sa, về đúng “căn nhà xưa” của mình, nơi tôi thường thi thoảng được gặp trong những giấc ngủ đứt quãng đã hơn hai mươi năm nay. Tôi biết mình cũng đã bắt đầu già. Nhưng Trường Sa chẳng bao giờ già. Nó là một vùng đất thiêng. Tôi nhớ lời cựu Tổng bí thư Lê Duẩn: “Nếu là đất đai của bạn, dù là bạc là vàng, ta cũng trả hết cho bạn. Nhưng là đất đai hương hỏa của ông cha, thì dù chỉ có đá sỏi cây cằn, ta cũng sẽ giữ gìn, dù có phải đổi bằng tất cả xương máu”.

Trường Sa Hoàng Sa là hương hỏa của ông cha, nên từ thế kỷ 17, các thế hệ ông cha chúng ta đã thay nhau gìn giữ. Và bây giờ là chúng ta. Tôi không sao quên được ngày Đại tướng Lê Dức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (và sau này là Chủ tịch nước) đã thắp hương ở Trường Sa thề với ông bà tiên tổ sẽ giữ vững chủ quyền biển đảo. Ý chí sắt đá ấy, gần đây lại được khẳng định qua lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, cùng Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh.

Lại nhớ đến những câu thơ trẻ măng như một lời nguyền của lính Trường Sa “treo” trên báo tường Đại đội: Ôi quần đảo cuối trời xanh - Ví như nắm sỏi vãi thành đảo con - Sóng xô mãi cũng không mòn - Ngàn năm sau vẫn cứ còn Trường Sa.

* Còn tiếp...

Ở bài sau, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ gửi đến độc giả những câu chuyện hết sức thú vị về Trường Sa của cựu lính biển, nhà thơ nổi tiếng Trần Đăng Khoa. Mời các bạn đón đọc!

Văn Trinh ghi