10 ngày tới, chúng tôi làm việc “gấp năm gấp mười” để hoàn thiện dự án

12/11/2013 15:29
Phạm Liễu
(GDVN) - “Trong 10 ngày sắp tới, chúng tôi sẽ phải làm việc “gấp năm gấp mười” để chuẩn bị kiến thức, thông tin, dữ liệu tốt nhất hoàn thiện dự án. Bên cạnh đó, chúng tôi cần nhanh chóng trau dồi các kỹ năng thuyết trình, phản biện để tự tin trình bày dự án trước ban giám khảo và các thí sinh đội bạn”, đội trưởng trường ĐH Nông nghiệp chia sẻ.
Với ý tưởng mang thương hiệu ngọn su su Tam Đảo an toàn, chất lượng đến tay người tiêu dùng, các thành viên trong đội của trường ĐH Nông Nghiệp Hà Nội đã thuyết phục ban giám khảo trở thành đội chơi duy nhất đại diện cho khu vực niềm Bắc mang ý tưởng, đề án của mình thi đấu với các đội bạn trên cả nước tại vòng chung kết Hành trình Vì lhát vọng Việt diễn ra từ ngày 21 – 22/11 sắp tới.
Cổ động viên trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội ăn mừng chiến thắng.
Cổ động viên trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội ăn mừng chiến thắng.
Bởi vậy mà, áp lực đè lên vai đội đại diện cho khu vực miền Bắc không phải là nhỏ. “Những ngày sắp tới cả đội sẽ phải giải quyết khá nhiều công việc để chuẩn bị cho phần thi chung kết. Vì vậy, áp lực về mặt thời gian, khối lượng công việc cho cả đội  là không hề nhỏ. Nhưng tôi tin rằng cả đội sẽ cố gắng hết sức để đạt được kết quả cao nhất”, một thành viên trong đội trường ĐH Nông Nghiệp Hà Nội chia sẻ. Khẩu hiệu “Sinh viên Nông nghiệp – Dám lập nghiệp – Dám thành công”, được coi như kim chỉ nam của các thí sinh đội trường ĐH Nông nghiệp. Trong lần “đem chuông đi đánh xứ người” này, các bạn thí sinh cho biết sẽ mang chính “đặc sản” của trường để cạnh tranh và so tài với các đội khác trong khi vực. Coi cuộc thi đấu với năm trường ĐH còn lại trong khu vực miền Bắc là cuộc tập dượt lần một, các thành viên trong đội trường ĐH Nông Nghiệp Hà Nội đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm quý báu. “Phản biện trước ban giám khảo và các thí sinh của đội bạn là một kỹ năng then chốt quyết định không nhỏ đến thắng lợi của cả đội. Để có thể làm tốt điều này, chúng tôi sẽ phải chuẩn bị đề án thật chu đáo, chi tiết và rõ ràng để tự tin đối phó với bất bỳ câu hỏi cũng như tình huống nào được đưa ra”, các thành viên chia sẻ.
Nụ cười tươi rói của các thí sinh trường ĐH Nông nghiệp khi trả lời phần thi tình huống của giám khảo.
Nụ cười tươi rói của các thí sinh trường ĐH Nông nghiệp khi trả lời phần thi tình huống của giám khảo.
Trong cuộc thi vừa qua, với sự đóng góp ý kiến của ban giảm khảo cùng những câu hỏi phản biện của các thí sinh đội bạn, các thành viên trong đội trường ĐH Nông Nghiệp Hà Nội nhận ra được yếu điểm lớn nhất trong đề án của mình. Đó chính là phần tài chính. Theo đó, phần tài chính cần phải được chuẩn bị tốt hơn, đồng thời khâu phân phối cần phải rõ ràng, cụ thể.   Đánh giá về các dự án của đội bạn trong khu vực như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền Trung, thành viên đội trường ĐH Nông Nghiệp Hà Nội cho rằng:  “Các dự án này khá hay và sáng tạo. Tuy nhiên, với năng lực cốt lõi của sinh viên trường Nông Nghiêp và tính khả thi cao của dự án, các thành viên trong đội tự tin sẽ mang tới vòng chung kết một đề án khả thi, thuyết phục ban giám khảo”. “Trong 10 ngày sắp tới, chúng tôi sẽ phải làm việc “gấp năm gấp mười” để chuẩn bị kiến thức, thông tin, dữ liệu tốt nhất hoàn thiện dự án. Bên cạnh đó, chúng tôi cần nhanh chóng trau dồi các kỹ năng thuyết trình, phản biện để tự tin trình bày dự án trước ban giám khảo và các thí sinh đội bạn”, đội trưởng đội chơi trường ĐH Nông nghiệp chia sẻ.

Nói về đề án thành lập công ty phân phối ngọn su su Tam Đảo của trường ĐH Nông nghiệp, cô Tôn Nữ Thị Ninh – Phó Chủ tịch Ủy Ban Hòa Bình Việt Nam phân tích: "Đề án của trường ĐH Nông nghiệp có rất nhiều điểm mạnh. Thứ nhất là đúng chuyên môn, vì họ đưa ra dự án đúng với sở trường. Thứ hai, họ đến tận nơi và điều tra thực tế tận nơi. Họ đã xác lập quan hệ với các nông dân, với chính quyền và các cơ quan chức năng. Thứ ba, dự án của họ với quy mô ban đầu rất vừa sức. Thứ tư, họ hiểu rõ xung quanh vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là rất cơ bản, thời sự và quan trọng là sự minh bạch. Cho nên việc họ đầu tư có camera cho mọi người theo dõi là điều rất hay".

Từ hậu quả sau vụ bom nguyên tử ở Hiroshima, điều gì đã khiến Nhật Bản chỉ chưa đầy 20 năm sau trở thành siêu cường kinh tế? Điều gì đã khiến Israel từ một sa mạc tưởng như  không có sự sống, bị vây bọc bởi gần 350 triệu dân các quốc gia thù nghịch, giờ đây chỉ với 13 triệu dân đã kiểm soát hầu như những lĩnh vực then chốt nhất của thế giới? Điều gì đã giúp Singapore từ một làng chài Malaysia nhỏ bé, nghèo nàn thành đảo quốc văn minh bậc nhất thế giới? Điều gì đã vực Hàn Quốc dậy từ đống tro tàn của cuộc nội chiến đầu thập niên 1950 thành cường quốc top 10? Điều gì đã khiến Dubai từ hoang mạc trở thành trung tâm hội tụ sức mạnh tài chính, công nghệ toàn cầu?… 

Tất sẽ được giải mã trong khuôn khổ hội thảo chính trong Ngày hội Sáng tạo Vì khát vọng Việt lần 2 – sự kiện quy tụ những đại diện trí thức, tinh hoa, những gương mặt Sáng tạo vì Khát vọng Việt - những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh, những người đã đồng hành suốt thời gian qua với Hành trình vì Khát vọng Việt, những thanh niên-sinh viên ưu tú trong cả nước và đặc biệt là sự xuất hiện của các học giả quốc tế tới từ Nhật Bản, Đức, Thuỵ Sĩ, Hoa Kỳ, Dubai,… diễn ra từ 7.00-22.00 ngày 23/11/2013 tại Dinh Thống Nhất, TP HCM. 

Ban tổ chức trân trọng kính mời quý vị, các độc giả, tổ chức,... quan tâm tới chương trình nhận thư mời, vé tham gia tại hệ thống các quán cà phê Trung Nguyên  hoặc gửi thư về vikhatvongviet@gmail.com để có thông tin về chương trình.

Phạm Liễu