Các thủ khoa ĐH Văn hóa HN chỉ rõ những "góc khuất" của văn hóa Việt

25/10/2013 13:18
(GDVN) - Bên cạnh những điểm mạnh thì văn hóa Việt Nam còn tồn tại góc khuất lớn,…. nó cản trở sự hội nhập của đất nước.

Văn hóa “không chối từ”…

Theo một cuộc khảo sát nhỏ của phóng báo điện tử Giáo dục Việt Nam với trên 50 sinh viên khoa Ngôn ngữ học, trường ĐH Khoa học Xã hội&Nhân văn – ĐHQGHN cho thấy, có tới 40 sinh viên cho rằng văn hóa Việt hiện tại còn nhiều điểm xấu hơn là điểm mạnh. 

Tương tự, khi trò chuyện với 5 thủ khoa đầu ra của ngành Văn hóa, Quản lý Văn hóa của trường ĐH Văn hóa Hà Nội (5 sinh viên này đều có đề tài nghiên cứu về Văn hóa Việt, quản lý Văn hóa, Văn hóa dân tộc thiếu số, văn hóa), cả 5 sinh viên đều có ý kiến đồng tình rằng: Bên cạnh những điểm mạnh vốn có như tinh thần dân tộc, lòng yêu nước nông nàn, đoàn kết dân tộc, ... thì văn hóa Việt còn tồn tại nhiều điểm yếu.

Thủ khoa đầu ra khóa 2009 – 2013 của trường ĐH Văn hóa Hà Nội Nông Thị Yến thừa nhận: Trước đây khi chưa nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, cô từng suy nghĩ: “So với nhiều dân tộc trên thế giới văn hóa Việt Nam còn rất nhiều hủ tục lạc hậu, đôi khi tôi cảm thấy điều đó không tốt cho sự phát triển của nền văn hóa dân tộc”.

Thủ khoa Vũ Thị Thanh Huyền.
Thủ khoa Vũ Thị Thanh Huyền.

Văn hóa Việt Nam là nền văn hóa đặc sắc, độc đáo, có truyền thống lâu đời nhưng bên cạnh đó còn mang tính tự phát, bản năng mà thiếu tính khoa học, tính luật pháp. Bên cạnh việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống thuần Việt thì việc loại bỏ những hủ tục, văn hóa lai tạp có ảnh hưởng xấu đến xã hội cũng rất quan trọng.

Văn hóa của chúng ta là một nền văn hóa “không chối từ” nên cần phải tiếp thu một cách có chọn lọc để văn hóa Việt hòa nhập mà không hòa tan. Có những điều đáng tự hào nhưng cũng có những điều khiến chúng ta phải suy ngẫm.

Thẳng thắn hơn, thủ khoa Vũ Thị Thanh Huyền cho rằng: Điểm yếu của nhiều người Việt chính là sự "tài lanh, khôn lỏi". Người Việt Nam thông minh nhưng chưa sử dụng đúng chỗ, đúng lúc. Bản tính chung của người Việt đã ăn sâu vào tư tưởng đó là sự thiếu kỉ luật, ích kỉ, vụ lợi cá nhân, chỉ chăm chăm biết được việc ta, không quan tâm đến ánh mắt người khác nhìn và nhận xét về hành động ấy. Chính vì vậy, đôi khi, nghe báo chí đưa tin du học sinh Việt xách hàng buôn lậu hay vượt biên trái phép tôi lại thấy đau lòng. Điều đó đã cản trở không nhỏ trong việc hòa nhập với bạn bè quốc tế.

Không những thế, hiện tại khá nhiều nước châu Á vẫn giữ nguyên được những nét đẹp văn hóa cổ truyền lâu đời và phát triển nó đến tầm ảnh hưởng quốc tế như văn hóa trà đạo, văn hóa shusi, gheisha của Nhật Bản, hay đất nước Lào, Thái Lan vẫn sử dụng trang phục cổ truyền từ mấy trăm năm... Còn Việt Nam ta lại bị ảnh hưởng tâm lý "sính ngoại", bắt chước một cách rập khuôn những gì mới lạ từ bên ngoài mà vô tình đánh mất dần những nét đẹp văn hóa truyền thống.

Các bạn trẻ Việt Nam thường hay bắt chước các ca sỹ, diễn viên Hàn Quốc trong phong cách ăn mặc, nói chuyện thì pha lẫn tiếng Anh "bồi", một sự pha trộn kệch cỡm... Hình ảnh tà áo dài, chiếc nón lá, một làn điệu quan họ dân dã đang trở nên xa lạ với một bộ phận giới trẻ.

Dựa dẫm, vị kỷ, thiếu tính sáng tạo

Trái ngược với tính đoàn kết cộng đồng thì văn hóa Việt Nam còn tồn tại sự vị kỉ, ỷ lại dựa dẫm, thiếu sự sáng tạo cá nhân. Điều đó làm hạn chế sự phát triển nhiều mặt của xã hội. Chúng ta cần phát huy, nuôi dưỡng và khơi dậy sức mạnh đoàn kết cộng đồng trên mọi mặt của đời sống xã hội đồng thời loại bỏ tính ỷ lại dựa dẫm.

So với các nước trong khu vực văn hóa Việt Nam còn bộc lộ nhiều điểm yếu, tiêu biểu là thiếu tinh thần sáng tạo.

"Người Việt Nam tự hào có một nền văn hóa lâu đời nhưng ngay trong cuộc sống đời thường thì cái gọi là văn hóa lại vô cùng thiếu, đơn giản chỉ là việc xếp hàng còn chen lấn xô đẩy, còn với người Nhật sau trận sóng thần dù họ đang rất cần sự hỗ trợ nhưng họ vẫn chờ đợi và xếp hàng để đến lượt mình và vô cùng lặng lẽ, không ồn ào ganh tị. Tôi nghĩ người Việt Nam cần thiết phải học tập đức tính đó của họ".

Một cuộc khảo sát nhỏ tại lớp sinh viên nước ngoài của trường ĐH Khoa học Xã hội&Nhân văn Hà Nội cho thấy, họ biết về văn hóa Việt Nam qua những lời kể thì rất tốt và đúng là có những thứ qua lời kể như tinh thần Việt Nam đoàn kết, thân thiện, mến khách, chịu thương chịu khó.

Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn trực tiếp tiếp xúc thì thấy lộ ra những góc khuất  tiêu biểu như văn hóa chen lấn ở các đám đông, bến xe, ga tàu, thói quen ỷ lại, “đi rốn” tại các nút giao thông đèn đỏ; nhiều người thà vượt đèn đỏ, bất chấp tính mạng, bỏ qua những lời đồn, cánh tay chỉ trỏ, những con mắt ghen ghét để cố tình vượt đèn đỏ để được đi nhanh hơn. 

Một thói xấu không thể bỏ qua là tính ăn cắp vặt, móc túi cướp giật ngoài đường phố, các điểm thăm quan, bến tàu, xe là nỗi kinh hoàng của hầu hết người nước ngoài đến Việt Nam.

Nói về vấn đề này, anh Jerry - quốc tịch Hà Lan không khỏi kinh hãi khi đến Việt Nam du lịch vào cuối năm 2012: “Đi taxi 3km (từ Hồ Gươm đến Văn  Miếu tài xế "hét" giá 250.000 đồng), ăn 5 con ghẹ, uống hai chai bia Heniken ở phố Lò Sũ hết 1 triệu đồng” - đó là những nét văn hóa chưa được tốt của người Việt. Nó ảnh hưởng đến hình ảnh của cả dân tộc, ảnh hưởng đến nét đẹp mà chúng ta đang cố gắng xây dựng, vun đắp bấy lâu./.