Đặng Lê Nguyên Vũ: Không thể thành công nếu không sáng tạo

10/12/2013 07:30
Theo Đình Nguyên/Thanh niên
Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ luôn nhấn mạnh: Chúng ta không thể thành công nếu không có nguyên lý sáng tạo. Do vậy, VN phải “giải mã” cho được bài học của các quốc gia đang được coi là thành công.
Khép lại Ngày hội Sáng tạo vì Khát vọng Việt do T.Ư Hội LHTN Việt Nam và Tập đoàn cà phê Trung Nguyên chủ trì tổ chức, PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên. 

Công thức thành công của các cường quốc


- Ông có những đúc kết nào từ Hội thảo “Khởi nghiệp - Kiến quốc - Công thức thành công từ các cường quốc và bài học cho VN” diễn ra trong khuôn khổ Ngày hội Sáng tạo vì Khát vọng Việt, với sự tham gia của nhiều học giả, trí thức trong và ngoài nước?

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch
Tập đoàn cà phê Trung Nguyên.
Đặng Lê Nguyên Vũ:
Bài học thực sự rút ra nằm ở 4 điểm. Thứ nhất: Quyết tâm lập chí, điển hình như trường hợp của Israel. Từ quyết tâm trở thành một dân tộc và một quốc gia hàng đầu, họ đã coi sáng tạo là năng lượng sống còn. Tài nguyên trí não là thứ họ có chứ không phải là tài nguyên thiên nhiên hay vị trí địa lý.

Thứ hai: Lấy kinh tế làm trung tâm của mọi trung tâm. Đây là bài học thành công của Dubai. Nước này mời các kiến trúc sư kinh tế hàng đầu tham gia tái cấu trúc, thu hút những nhà đầu tư hàng đầu để biến thành trung tâm tài chính của thế giới. Bài học trỗi dậy của nước Đức sau Thế chiến thứ 2 trở thành nền kinh tế mạnh nhất của châu Âu.

Thứ ba: Biết cách truyền thông được tầm nhìn và chiến lược quốc gia cho cả trong nước và quốc tế thấu hiểu. Khi truyền thông tốt trong nước sẽ giúp tất cả mọi người cùng hiểu tầm nhìn và chiến lược ấy để đoàn kết, hành động vì mục tiêu chung (đây là bài học thành công của Singapore, Thụy Sĩ). Truyền thông cho quốc tế hiểu thì họ ủng hộ và bảo vệ mình (đây là bài học của Dubai).

Thứ tư: Tổ chức guồng máy hợp lý để thực thi hiệu quả tầm nhìn và chiến lược quốc gia. Đây là bài học của Singapore với các chính sách đào tạo, thu hút nhân tài; bài học của Đức với chính sách kết hợp các thành phần kinh tế… 

Nguyên lý để thành công


- Theo ông, bí quyết để thành công là gì?


Đặng Lê Nguyên Vũ: Chúng ta không thể thành công nếu không có nguyên lý sáng tạo. Do vậy, VN phải “giải mã” cho được bài học của các quốc gia đang được coi là thành công. Ở đây chúng tôi muốn gọi đó là “Mật mã vĩ đại”, nghĩa là mật mã gốc để một quốc gia phát triển. Đó là bản mã gốc để kiến tạo sự phát triển thành công và bền vững.

Phải đặt niềm tin vào thế hệ trẻ - Ảnh: T.N
Phải đặt niềm tin vào thế hệ trẻ - Ảnh: T.N

Trước hết, một quốc gia vĩ đại chính là quốc gia làm ra sự thành công đích thực cho các công dân. Không phải điều gì khác, mục tiêu nhân bản phải được đặt vào vị trí trung tâm. Mục tiêu đó phải được đặt lên trên mọi yếu tố cực đoan về kinh tế, chính trị, tôn giáo, sắc tộc…

Thành công của cá nhân phải đồng nhịp với thành công của quốc gia. Hay nói cách khác, một quốc gia thành công phải đến từ tập hợp của những công dân thành đạt. Ngược lại, sự thành đạt và hạnh phúc của mỗi cá nhân phải được nâng đỡ từ sức mạnh của quốc gia đó.

Trong sức mạnh quốc gia thì sức mạnh kinh tế đóng vai trò trung tâm. Nếu không được đặt trong vị trí trung tâm thì sớm hay muộn quốc gia đó sẽ phát triển lệch khỏi quỹ đạo và con đường chân chính của mình.

Để phát triển kinh tế cần phải tạo ra một hệ thống hạ tầng đầy đủ và phù hợp (gồm các loại hạ tầng: Học thuật, pháp lý - thể chế, cơ sở vật chất, con người và kinh tế). Trong tất cả các loại hạ tầng thì “hạ tầng con người” chiếm vai trò trung tâm. Xét cho cùng, quốc gia hay doanh nghiệp nào có ưu thế về con người thì sẽ chiến thắng trong mọi cuộc cạnh tranh.

Phát triển kinh tế cũng cần phải có hệ thống an ninh phù hợp và đủ mạnh để bảo đảm sự ổn định, bền vững. Khi đồng nhất được cá nhân với quốc gia, tức là xây dựng được tinh thần công dân với tinh thần quốc gia thì mới thành công ở mức độ quốc gia hiệu quả.

Nền tảng văn hóa của dân tộc (dân tộc chủ chốt hoặc chỉnh thể thống nhất của đại gia đình các dân tộc của quốc gia đó) chính là cội rễ của một quốc gia. Rễ sâu, gốc vững thì cái cây mới vững mạnh và bền vững. Một dân tộc có nền tảng văn hóa vững mạnh thì dù có trải qua khó khăn tới đâu, dân tộc đó vẫn có thể trỗi dậy mạnh mẽ. Bên cạnh đó phải đặt niềm tin vào thế hệ trẻ có khát khao, hoài bão cho một nước Việt vĩ đại.
Theo Đình Nguyên/Thanh niên