Người Việt rất thông minh, có khát vọng nhưng cơ chế… chưa tốt?

18/12/2013 09:07
Xuân Trung
(GDVN) - Theo PGS. TS. Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Việt Nam có nhiều người thông minh, nhiều người giỏi nhưng chế độ và chính sách chưa khai thác hết.
Nhân lực yếu kém sẽ không phát triển đất nước 
Đóng vai trò nòng cốt, quan trọng nhất trong sự nghiệp phát triển một quốc gia chính là nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Trong khi đó, Việt Nam hiện vẫn đang tồn tại thực trạng người giỏi chưa được đối xử tốt khiến họ không có được điều kiện thuận lợi để phát triển năng lực.

Đánh giá về chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta hiện nay, PGS. TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay, nguồn nhân lực tốt hay không là tùy vào chất lượng đào tạo. Nếu chất lượng đào tạo kém, thấp... chắc chắn sẽ không đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng.

Một trong những định hướng đổi mới được Ban Chấp hành Trung ương vừa thông qua tại Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo có xác định: “Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”.

PGS. TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Việt Nam có nhiều người thông minh, nhiều người giỏi nhưng chế độ và chính sách chưa khai thác hết.
PGS. TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Việt Nam có nhiều người thông minh, nhiều người giỏi nhưng chế độ và chính sách chưa khai thác hết.
Đây được xem là một trong những tiền đề để tiến tới chúng ta đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, đáp ứng với sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. PGS. Nhĩ cũng đề nghị, muốn có chất lượng  nguồn nhân lực tốt dứt khoát phải nâng cao chất lượng giáo dục, quy hoạch lại mạng lưới đào tạo thích hợp.

“Tôi thấy các bài giảng của học sinh hiện nay là thầy giáo căn cứ tất cả vào sách giáo khoa rồi truyền đạt lại, đó là chuyện vô ích vì sách giáo khoa bản thân học sinh đã tự biết học, người thầy phải khai thác trí tuệ của người học sinh, thầy không được nói lại, như thế sẽ làm giảm tính năng động của học sinh. Phải thay đổi căn bản phương pháp giảng dạy với học sinh”, PGS. Nhĩ nhấn mạnh.

Quan điểm của PGS. Nhĩ là hãy dạy cho học sinh biết “Đây là cái gì” chứ không dạy “Đây là cái… điện thoại”. Vì thực tế chúng ta đang dạy cho học sinh quá nhiều lý thuyết, trong khi khả năng thực hành không có, thực hành là một xu thế của thế giới, học phải làm được việc. Chính vì những lý do trên mà nguồn nhân lực chúng ta kém, hơn nữa nhà nước hiện cũng chưa có đủ nguồn lực để đào tạo nhân lực tốt.

Người Việt Nam thông minh, khát vọng nhưng cơ chế… chưa tốt?

Nguồn nhân lực của chúng ta hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu, ngay như nguồn nhân lực thấp nhất là quần chúng nhân dân còn nhiều người chưa có tay nghề, nhân dân chưa đủ trình độ kỹ thuật để áp dụng vào cuộc sống, từ người nông dân, công nhân và thậm chí là người quản lí.

Điều gì khiến chúng ta cứ giậm chân mãi như thế? Nói đến khát vọng thì dân tộc nào cũng có khát vọng, con người sống phải có khát vọng, có mơ ước, có mục tiêu phấn đấu. Thế giới thừa nhận người Việt Nam thông minh, không phải bây giờ mới thông minh mà điều đó đã được kiểm nghiệm trong lịch sử giữ nước bao năm qua của dân tộc.

Theo PGS. TS. Trần Xuân Nhĩ, Việt Nam có nhiều người thông minh, nhiều người giỏi là thế nhưng chế độ và chính sách chưa khai thác hết sự thông minh đó, do đó mà nhiều người giỏi, người tài đều ở nước ngoài, vậy có chính sách gì để thu hút họ về nước? Đó là câu hỏi dành cho những người làm chính sách.

Liên tưởng tới hai thế hệ thanh niên, PGS. Nhĩ chia sẻ, thanh niên thời của ông ai cũng có một khát vọng là muốn làm cho đất nước phát triển, có thể hy sinh lợi ích cá nhân để đạt được mục đích đó. 

“Thời đi học tôi phải đi chân đất, ăn cơm độn sắn không được như ngày nay, con người có khát vọng nên vượt qua được tất cả những khó khăn để đạt được cái gì đó xây dựng đất nước. Thanh niên ngày nay có khát vọng nhưng không nhiều, vì người ta nhìn thấy đất nước là tươi đẹp, nhưng có những sai trái làm họ không chấp nhận được, ví dụ như nạn tham nhũng”, PGS. Nhĩ đề cập.

Cũng theo PGS. Nhĩ, lâu nay hệ thống của chúng ta đang làm cho thanh niên mất khát vọng, đó là mệnh lệnh hành chính, là quan liêu, bao cấp, gây phiền hà cho dân: “Thanh niên ngày nay sống đầy đủ và không phải suy nghĩ chỉ là một phần trong khát vọng, nhưng tôi vẫn tin tưởng ở thanh niên. Thông qua việc mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì thấy, thanh niên chúng ta có lòng yêu mến Đại tướng cũng chính là yêu mến đất nước rất lớn. Nếu có đường lối chính sách tốt chắc chắn khơi dậy lòng yêu nước của thanh niên, sẽ có khát vọng xây dựng đất nước tốt hơn lên”.
Đề cập tới công việc đào tạo nguồn nhân lực trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho hay, để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển đất nước, Bộ sẽ tiếp tục xem xét, đánh giá lại kết quả, hiệu quả của việc mở trường trong giai đoạn 2001 – 2010 để đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, điều chính một số mục tiêu, chỉ tiêu phù hợp với Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020.
Xuân Trung